Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

CÁI NHÌN

CÁI NHÌN

                      HT Thích Chơn Thiện

I – Khái quát :   Nhìn là cái gì quen thuộc với chúng ta, mà cũng rất là xa lạ. Cái gần nhất có khi lại là cái xa lạ nhất. Có lúc nó hiện ra như dòng thác lũ phiền não nhận chìm con người. Có lúc nó khơi dậy những nét đẹp của cuộc sống, sự thật, và hạnh phúc. Nó trở nên bí mật. Nó gây kinh ngạc, và chính nó là sự kinh ngạc.

Thông thường, nhìn có nghĩa là mắt nhìn với sự có mặt của hoạt động ý thức, hay có thể nói,  tâm nhìn sự vật qua mắt. Tương tự, tâm nhìn sự vật qua tai, mũi, lưỡi, thân, và ý.

Nói đến nhìn là nói đến nội dung của cái thấy và tác động của cái thấy. Tác dụng này tác động đến người nhìn, vật bị nhìn, và lan rộng ra ngoài như một làn sóng. Hầu như thế giới ta đang sống chỉ là hiện hữu của cái nhìn, mà không phải là thế giới chính nó.

II-Những cái nhìn quen thuộc :  Cái nhìn chụp phủ lên sự vật những gì của nó, và nó mãi mãi chỉ thấy sự vật bị chụp phủ, mà không phải là sự vật như thật. Ca dao nói :

          Đêm qua ra đứng bờ ao

          Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ

          Buồn trông con nhện  giăng tơ

          Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai.

     Cái nhìn này nó chở theo nó một tâm trạng mong chờ trong thất vọng.

    Hay :  Chiều chiều ra đứng ngõ sau

                   Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

    Cái nhìn này lại phơi bày một niềm đau, một nổi thất vọng khác

     Nguyễn Du, qua Truyện Kiều , nhìn xã hội Việt Nam loạn ly của thế kỷ 18 với cái nhìn rất hiền triết và rất ngậm ngùi rằng :

          Trải qua một cuộc bể dâu

          Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,

Ôn Như Hầu thì nhìn Việt Nam của thế kỷ 18 với tâm trạng oái ăm, cay đắng :

          Trải vách quế gió vàng hiu hắt

          Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng

          Oán chi những khách tiêu phòng

          Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Vạn Hạnh Thiền sư đời Lý nhìn cuộc đời một cách trí tuệ, thấy rõ nó là mong manh, vô thường, với thái độ nhìn thanh thản, tự tại:

          Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô

          Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

          Nhậm vận thịnh suy, vô bố

          Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Tạm dịch :

          Thân như bóng chớp hữu rồi vô

          Cây cỏ xuân tươi thu lại khô

          Tuỳ vận thịnh suy lòng chẳng sợ

          Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phô

Vua Trần Nhân Tôn, Điều Ngự Giác Hoàng, thể nghiệm giải thoát sâu xa giữa đời nên có cái nhìn trở nên rất thiền  rất tự nhiên.

          Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

          Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

          Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

          Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

                                                         (cư trần lạc đạo phú)

  Tạm dịch :

          Sống đời vui đạo cứ tuỳ duyên

          Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền

          Có báu trong nhà đừng chạy kiếm

          “ vô tâm” trước cảnh hỏi chi thiền

Mỗi cái nhìn cuộc đời chuyên chở một nội dung khác nhau tuỳ theo điều kiện, khả năng, và vị trí của người nhìn.

III- Triết lý cái nhìn :   Cái nhìn không đơn thuần là một quá trình vật lý, mà là một chuỗi những quá trình vật lý và tâm lý tiếp nối nhau. Trong chuỗi quá trình tâm lý vật lý ấy xuất hiện những thái độ tâm lý buồn, vui, ưa, ghét … Carl Jung , một nhà phân tâm học của thế kỷ 20, đã nói : “ Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là .”

          Quả thực, trước cùng một sự vật, mỗi người có một cái nhìn riêng và bị đóng khung trong các điều kiện vật lý, tâm lý, sinh lý, kiến thức, tập quán, thành kiến …của mình. Văn hoá của thời đại cũng đóng góp phần vào giới hạn đó. Vì thế, trước cuộc đời, trước con người khổ đau hay hạnh phúc, đã phát sinh nhiều cái giới hạn, nghiêng lệch, dẫn đến hệ luỵ khác nhau.

IV- Hệ luỵ của cái nhìn- Giáo dục và cái nhìn :  Nếu không nhìn ra bản chất của cái nhìn, nếu không thấy tính hư cấu và tương đối của nó, con người sẽ rơi ngay vào các hệ luỵ, cạm bẫy của nó và trở thành nạn nhân khốn đốn của chính nó.

Kinh nghiệm sống cho thấy rằng cái đẹp không trói buộc- nói đúng là không thực sự trói buộc- người nhìn nó, mà chính cái nhìn của người nhìn trói buộc mình; chính lòng ham muốn, sân hận, hay si mê khởi lên từ cái nhìn trói buộc mình.

Có những cái nhìn gây thiện cảm với tha nhân. Có những cái nhìn gây ác cảm. Cũng có những cái nhìn khiến mình và người bình an hay lúng túng…

Các nhà tâm lý giáo dục ghi nhận rằng phần lớn các rối loạn tâm lý của một con người là do cái nhìn sai lệch của người ấy, mà không thực sự do tha nhân hay hoàn cảnh. Hầu như người đời thường đánh mất 90 %  năng lượng đời sống do những rối loạn gây ra bởi những cái nhìn sai lệch ấy. Thật đáng suy gẫm.

Thế nên, để sống vui mình vui người, người ta phải biết nhìn như thế nào để tránh các phiền não hệ luỵ. Cái nhìn, cách nhìn là một nghệ thuật sống cần được nghiên cứu, học hỏi và truyền đạt.

Trong một tập thể, xã hội, cái nhìn của đa số cũng quyết định sự hưng suy của tập thể, xã hội ấy. Vì thế, cái nhìn càng được trân trọng và cẩn trọng quan tâm. Đổi mới tư duy là đổi mới cái nhìn. Nói ngược lại cũng thế.

Cái nhìn tốt đẹp đòi hỏi một trình độ văn hoá, trí thức, tình người, và trí tuệ của người nhìn. Nó cần được huấn luyện, giáo dục, và cần thời gian. Phật giáo đã nói rất nhiều về cái nhìn và đã giới thiệu với đời con đường chuyển đổi cái nhìn thành cái nhìn đầy tình người, trí tuệ, an lạc và giải thoát

V- Phật giáo và cái nhìn :

1/ Cái nhìn duyên khởi- vô ngã : Nếu đêm cuối cùng dưới cội Bồ đề, Đức Phật không phát hiện ra cái nhìn duyên khởi thì sự thật về Tứ đế, Nhân quả và Duyên khởi của cuộc đời chưa được phát hiện, và đạo Phật chưa có mặt ở đời. Vì thế, cái nhìn duyên khởi, vô ngã là cái nhìn Phật giáo giải thoát con người ra khỏi các hệ luỵ khổ đau của cuộc đời.

Con người xưa nay chịu khổ đau vì tự giam hãm mình trong cái nhìn hữu ngã, cho rằng mọi hiện hữu đều có tự ngã, rồi cái nhìn hữu ngã ấy dấy khởi lên tham lam, sân hận,  tà kiến, sợ hãi, kiêu căng, thị phi… làm nên dòng cuồng lưu của tâm lý và cuồng lưu của cuộc đời nhận chìm mình trong sanh tử. Sau ngày giác ngộ đạo vàng, Đức Phật suốt 45 năm giáo hoá đã giới thiệu với đời cài nhìn duyên khởi, vô ngã ấy để dập tắt các sầu bi, ưu não ngay trong hiện tại. Con đường xây dựng cái nhìn này là đạo đế hay gọi là con đường thiền định Phật giáo.

2- Kinh Pháp Cú :

            Bài kệ 170, Kinh Pháp Cú ghi :

                    Hãy nhìn đời như bọt nước

          Nhìn đời như ảo cảnh

          Hãy nhìn đời như thế

          Thần chết không bắt gặp

                        (Bản dịch HT Minh Châu)

          Do vì biết hết thảy hiện hữu là do nhân duyên sanh nên hết thảy hiện hữu là không có tự ngã, là vô thường và dẫn đến khổ đau. Bài kệ trên đã giới thiệu một cái nhìn về hiện hữu, thấy nó mỏng manh, vô thường, không thật như bọt nước, ảo cảnh như chúng đang là. Thấy như vậy, người nhìn sẽ thức tỉnh ra khỏi cái tâm lý tham lam, sân hận, ngã mạn…và từ đó xuất hiện tâm lý giải thoát, trí tuệ giải thoát.

3- Kinh Kim Cang Bát Nhã :

  Tương tự với bài kệ Pháp Cú trên, bài kệ kết thúc kinh Kim cang dạy :

          Nhất thiết hữu vi pháp

          Như mộng huyễn, bào ảnh

          Như lộ diệc như điển

          Ứng tác như thị quán.

          Dịch nghĩa toàn kệ : Nên khởi lên cái nhìn thấy hết thảy mọi hiện hữu (các pháp bị duyên tác thành) là như sương, như chớp, là huyễn hư, là bọt nước.

Cứ nuôi dưỡng cái nhìn đó thì dần dần tất cả các tướng về các tự ngã sẽ bị dập tắt. Từ đó cái gốc để làm dấy lên tham, sân, si không còn. Cái nhìn đó sẽ đưa chúng ta đến giải thoát sau cùng: giáp mặt với sự thật và hạnh phúc.

4- Kinh Pháp Hoa : Kinh Pháp Hoa thì nhằm chỉ cho thấy sự thật duyên sinh, vô ngã, ngộ và nhập sự thật ấy.

    Phổ Môn đã giới thiệu sự tu tập, huấn luyện cái nhìn như sau :

          Chơn quán thanh tịnh quán

          Quảng đại trí tuệ quán

          Bi quán cập từ quán

          Thường nguyện thường chiêm ngưỡng

          Vô cấu thanh tịnh quang

          Huệ nhật phá chư ám

          Năng phục tai phong hoả

          Phổ minh chiếu thế gian

          Bi thế, giới lôi chấn

          Từ ý, diệu đại vân

          Chú cam lồ pháp vũ

          Diệt trừ phiền não diệm

Dịch nghĩa :

          Hãy nhìn sự thật,hãy nhìn với cái nhìn trong sáng

          Hãy nhìn với trí tuệ rộng lớn

          Hãy nhìn với lòng từ bi

          Ánh sáng (trí tuệ) không cấu uế của cái nhìn ấy

          Sẽ như mặt trời phá tan các hôn ám (vô minh)

          Làm tiêu tan các tai nạn

          Chiếu sáng khắp thế gian

          Lòng bi như sấm kéo lại

          Tâm từ như đám mây lớn (bủa ra)

          Rơi xuống cơn mưa pháp

          Dập tắt lửa phiền não.

Huấn luyện cái nhìn như phẩm kinh Phổ Môn giới thiệu ở đây thì người đời sẽ nhận ra cái Nhìn xuất hiện như là một phép lạ tạo thành cơn mưa Pháp trong tâm và dập tắt hết phiền não khổ đau từ tâm.

Cái nhìn rất là từ bi và trí tuệ ấy là cái nhìn giải thoát khổ đau của đạo Phật.

5- Tứ Thánh đế : Giáo lý Tứ thánh đế là giáo lý cơ bản của các bộ phái Phật giáo, vừa nói lên sự thật vừa giới thiệu phương pháp nhìn sự thật của các hiện hữu .

-         Các hiện hữu vốn là không thật, vô thường và dẫn đến khổ đau.

-         Nguyên nhân của khổ đau ấy là lòng tham ái mọi hiện hữu và vô hữu.

-         Lòng tham ái bị dập tắt là khổ đau hết, Niết bàn xuất hiện

-          Con đường dập tắt khổ đau.

-          Nhìn cuộc đời thế nào để dập tắt lòng tham ái kia. Cái nhìn ấy thường được lặp đi lặp lại mãi cho đến khi khổ đau diệt. Nuôi dưỡng cái nhìn ấy là thực hiện con đường,  hay gọi là tu tập Tứ niệm xứ (hoặc tu tập đạo đế)

VI- Cái nhìn thiền định Phật giáo :

-          Tứ niệm xứ là pháp môn thiền định của Phật giáo, cơ sở của sự thực hiện 37  phẩm trợ đạo (Bồ đề). Đây là phần công phu huấn luyện cái nhìn đơn thuần và tỉnh giác.

-          Niệm là sự tập trung sự chú ý vào cái Nhìn, theo dõi một trong bốn đối tượng : hơi thở, cảm xúc,  tâm lý và các đối tượng của nhận thức.

   Đại để có thể giới thiệu công giáo dục, huấn luyện này qua bảy bước đi chính :

1- Bước đi làm ổn định thân,  lời và hơi thở, thuộc giới học.

2- Bước đi làm tịch lặng năm thứ ngăn che tâm (trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi) và các tạp tưởng khác, sao cho cái nhìn dán chặt vào đối tượng được theo dõi, gọi là bước đi thanh tịnh tâm.

3- Bước đi thấy rõ, hiện rõ và đúng đối tượng theo dõi đó là một chuỗi quá trình vật lý và tâm lý do nhân duyên sinh, chúng rỗng không không  có tự ngã, và không có mặt cái ta ở đó hay ở nơi nào khác. Con người và thế giới chỉ là những quá trình tâm lý duyên sanh ấy; đây là bước đi  “thanh tịnh kiến ” (thanh tịnh cái thấy).

4-Tiếp tục bước đi thứ ba với cái thấy suy diễn rộng hơn lan ra mọi hiện hữu và thấy rõ tất cả là duyên sanh, vô ngã. Tại đây, một nguồn hạnh phúc vô biên tuôn trào ra từ cái nhìn và cái thấy ấy;  đây là bước đi qua khỏi các nghi ngờ.

5-  Nhưng tại đây, cái nhìn trí tuệ cần được an trú để nhận rõ cái nguồn hạnh phúc đang tuôn trào ra ấy là chướng ngại cho công phu phát triển cái nhìn trí tuệ, và để giữ tâm an tịnh tiếp tục huấn luyện cái nhìn trên; đây là bước đi thứ năm thấy rõ những gì là đạo, những gì là không phải đạo.

6- Tiếp tục công phu huấn luyện cái nhìn theo hướng tiến triển ấy, mọi hiện hữu sẽ tan biến tự ngã ngay trước cái nhìn của ta đến nỗi ta có cảm nhận tất cả hầu như không có hiện hữu nữa.  Cứ tiếp tục nhìn rồi dần dần các hiện hữu sẽ hiện rõ trở lại với sự thật duyên sinh của nó, Hành giả tại đây sẽ có kinh nghiệm loại bỏ các sợi dây tâm lý trói buộc trí tuệ giải thoát (loại bỏ các kiết sử), lần lượt đi vào kết quả trí tuệ giải thoát của các bậc Thánh; đây là bước đi thấy các đạo, các quả.

7- Tiếp tục an trú trong công phu nhìn kia cho đến kết quả thấy và biết hoàn toàn thanh tịnh, an ổn, thì hành giả đi vào các sức mạnh của tâm lý giải thoát (năm căn và năm lực) cho đến quả vị A-la-hán chặt đứt hoàn toàn mọi nhân tố tâm lý đưa vào sinh tử, khổ đau.

Cái nhìn được giáo dục và huấn luyện trên đây gọi là cái nhìn của sự chú ý thuần tuý. Nó là cái nhìn vừa đầu tiên vừa cuối cùng của công phu thiền định. Nó là chánh niệm, tỉnh giác. Có thể gọi nó là cái nhìn trí tuệ giải thoát. Bám chặt công phu nhìn này, các tạp tưởng, vọng tưởng sẽ lần lượt ra đi, và đối tượng nhìn (trong tâm và ngoại cảnh) sẽ tự phơi bày sự thật như thật của nó. Bây giờ những gì mà trước đó được gọi là ảo hoá, hư huyển đều tiêu biến.

Từ bước đi thứ sáu hành giả sẽ nhìn sự vật với tâm tự tại không vướng mắc, cái điều mà Điều Ngự Giác Hoàng gọi là “ đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (vô tâm trước cảnh hỏi chi thiền). Có thể nói rằng cái nhìn “ vô tâm” của Điều Ngự là cái nhìn trí tuệ của bước đi thứ sáu và thứ bảy của công phu thiền định kia. Tại đây, vắng mặt các phiền não hệ luỵ.

Bí mật của cuộc sống là ở chỗ giữa khi hiện hữu là một dòng duyên sinh trôi chảy thì con người và tư duy ngã tính của con người đi tìm một cái ngã không bao giờ thực sự có mặt. Sự thật của khổ đau và hạnh phúc không phải ở trong tay một đấng quyền năng thiêng liêng nào cả, cũng không phải ở ngoài cảnh, mà là ở trong chính ta, trong chính cái nhìn của ta vậy ./.

 Trích : Cái Nhìn : HT Thích Chơn Thiện : VHPG số 111-  18-5-2010.

{]{

CÁI NHÌN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét