Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

THIỀN ĐỊNH

THIỀN ĐỊNH

           Nói đến Phật giáo là nói đến Thiền, vì sao vậy, vì Đức Phật tu tập chứng ngộ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác từ phương pháp tu thiền mà ra, tất cả Tổ chứng ngộ kiến tánh cũng từ phương pháp tu Thiền mà nên. Nhưng Thiền có nhiều loại, Phật thiền, Tổ sư thiền, ngoại đạo thiền và phàm phu thiền. Thiền lại có nhiều tầng bậc khác nhau, như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Tứ không định thiền v.v.. Người tu phải ôm hiểu để khỏi bị sai lạc, và để biết mình đi đến đâu, ở giai đoạn nào. Vì thế người tu thiền phải học hỏi các bậc minh sư chỉ dẫn có phương pháp thực hành mới không bị sai lạc.

          Thiền nói cho đủ là Thiền định,  vì Định là một trong ba chi phần quan trọng trong Tam vô lậu học, tức là Giới học, Định học và Tuệ học, nói gọn là Giới, định, tuệ. Đinh học là kết quả do thực hành Giới học đem lại và là nhân của Tuệ học. Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Trên con đường thực tập tâm linh theo Phật giáo, nếu thiếu chi phần này thì kết quả thực tập sẽ không thành tựu trọn vẹn. Bởi mỗi chi phần trong đó sẽ hỗ trợ cho nhau, chúng nằm trong một chỉnh thể thống nhất bất phân, bao hàm trọn vẹn đạo lộ đi đến giác ngộ giải thoát. Do vậy, hành giả tu học sẽ phải thực hành trọn vẹn về giới học, về định học và về tuệ học.

          Ý nghĩa thuật ngữ  : Thiền định là thuật ngữ Samadhi, dịch qua tiếng Anh là Concentration, Trung Hoa dịch là Thiền na (dhyana)  và người Nhật gọi thiền là Zen, tức là đề cập đến một trạng thái của sự nhất tâm hay chuyên chú tâm. Thiền định có nghĩa là tư duy hay tỉnh lự, là chuyên chú tâm vào một đối tượng duy nhất để đạt  được trạng thái nhất tâm. Thiền định được chỉ định trong giai đoạn thứ hai của con đường thanh tịnh, bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen nó có nghĩa là cố định vững chắc, do đó, chúng ta có thể định nghĩa theo nghĩa hẹp nhất và độc nhất của nó về cơ bản là tập trung tâm ý lành mạnh vào một đối tượng duy nhất. Và theo nghĩa rộng nhất của nó theo truyền thống bao gồm chánh niệm,  sự mãn nguyện, sự giải thoát khỏi những triền cái, bài tập sơ bộ cho sự phát triển của nhất tâm, sự chuyên chú, nhất tâm,  các trạng thái thiền từ Sơ thiền đến Tứ thiền, đến Tứ không định…

Kinh Pháp Bảo đàn định nghĩa : Toạ thiền : “ bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Toạ,  bên trong thấy tự tánh chẳng động gọi là Thiền.  Ngoài lìa tướng  tức  thiền, trong chẳng loạn tức Định. Ngoài thiền nội Định gọi là thiền định. Ngoài lìa tướng nghĩa là khi thấy tướng không dính mắc vào tướng, tức là sáu căn tiếp xúc với sáu trần tâm không dính mắc, hay rong ruổi chạy theo tìm kiếm. Bên trong tự tánh không động, tức nội tâm an trú, vắng bặt các tạp niệm. Do vậy, tâm chuyên nhất, đó là định.

 Kinh An ban thủ ý định nghĩa thiền là loại trừ và đốt cháy. Loại trừ và đốt cháy ở đây là loại trừ những cấu uế trong tâm những phiền não tập khí và nội kết trong tâm. Thiền là làm cho tâm ngay thẳng lại, là làm cho ý chuyên nhất lại. Tập hợp tất cả những điều lành, dùng những điều lành để loại trừ những uế ác, còn dính mắc trong tâm. Uế ác đó là năm sự ngăn che, gọi là Ngũ triền cái, đó là tham dục, sân hận, thuỳ miên, trạo hối và nghi ngờ.

Như vậy, có thể nói Định học là một phạm trù rộng lớn trên con đường thực tập tâm linh trong Phật giáo. Thiền định được xem là trái tim của Phật giáo, vì nếu không có thực tập thiền định thì sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng đó là trí tuệ vô lậu giải thoát.

Ngày nay Phật giáo phát triển rộng lớn, các trường phái thiền  được phát triển, thiền chỉ, thiền quán, thiền Tứ niệm xứ, thiền Quán niệm hơi thở và thiền Từ bi được áp dụng thực tập rộng rãi. Trong đó thiền Chánh niệm đã trở thành một dòng thiền thiết yếu trong xu hướng thời hiện đại. Thiền định giúp giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết như giảm stress, buông thư, an trú và an lạc, giúp tái cấu trúc và thiết lập cơ chế tâm, mang lại an lạc giải thoát trong đời sống ./.

Trích : Tổng quan về Định học : Thích Trung Định – VHPG số 332- 1-11-2019

]

THIỀN ĐỊNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét