Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Ý NGHĨA THỜ PHẬT LẠY PHẬT

Ý NGHĨA THỜ PHẬT LẠY PHẬT

          Mỗi một tín đồ của tôn giáo thuộc loại đa thần, nhất thần hay vô thần đều có sự thể hiện lòng tin của mình qua các việc, như lễ bái, cúng kính, thờ phụng v.v... Tín đồ theo đạo Phật cũng thế, cũng lễ bái, cúng kính, tụng đọc, thờ phụng, nhưng cách thức lễ bái thờ phụng, đọc tụng, cúng kính của người tin theo đạo phật ý nghĩa có giống như các tôn giáo khác không?

          Khi nói đến tín ngưỡng tôn giáo, người ta đều lấy đức tin đứng đầu, đạo Phật cũng thế, cũng lấy lòng tin đứng đầu. Trong kinh Phật nói : Lòng tin là nơi phát xuất mọi việc lành, mọi công đức v.v... vậy đức tin của người theo đạo Phật có giống đức tin của những người theo các tôn giáo khác không?

   Từ việc lễ bái, cúng kính, tụng đọc, và đức tin của các tôn giáo khác không giống với đức tin và các việc lễ bái, cúng kính, tụng đọc của người tin theo đạo Phật. Vì sao thế?

Đạo Phật được gọi là đạo “ trí tín”, thế nào gọi là “ trí tín”, tri tín là tin theo sự hiểu biết của mỗi người, tin vào tự tâm của mình, tin bằng trí hiểu biết của mình, lấy mình làm đối tượng chính. Cho nên người phát tâm vào đạo Phật phải qua ngưỡng cửa “ Quy y”, Quy y nói cho đủ là Tự quy y. Tức quay về nương tựa Phật, nương tựa pháp, nương tựa Tăng, gọi là Tam quy y. Người đã tin Phật pháp rồi thì nương tựa Phật Pháp Tăng bên ngoài để phát huy cái tiềm năng sẵn có của mỗi người bên trong, gọi là Phật tánh, Pháp tánh và Tăng tánh. Tuỳ theo sự phát huy tiềm năng sẵn có của mỗi người, mà người đó chuyển từ một phàm phu tục tiểu, trở nên Hiền hay Thánh hoặc Phật hay Bồ tát.

Vậy những việc làm của người tin phật biểu hiện qua các việc lễ bái, cúng kính , lòng tin v.v... tất cả đều hướng về nội tâm hơn là hướng ra ngoại cảnh để mong cầu. Vì thế rất khác với tín ngưỡng của các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác tin tuyệt đối vào đấng giáo chủ của họ thì sẽ được cứu rỗi, được che chở. Ngược lại người tin vào đạo Phật tin vào nhân quả, chứ không tin vào sự cứu rỗi.

Cúng dường Phật là để phát khởi thiện tâm, lễ bái Phật là để tỏ lòng tôn kính, tri ân Ngài là người đã chỉ cho ta con đường sáng để đi. Đọc tụng kinh điển là để tỏ lòng khao khát giải thoát và giác ngộ.  Phát nguyện quy y theo Phật, là nguyện học hỏi thực hành theo lời Phật dạy, là nguyện học hỏi thực hành đức hạnh của Phật, để mong muốn có được trí tuệ, an lạc và hạnh phúc, và mong muốn ngày nào đó cũng được quả vị giác ngộ như Ngài.

Thờ Phật là để chiêm ngưỡng hình ảnh của đức Phật để noi theo tu tập, chứ không phải quan niệm cúng Phật lạy Phật là để các Ngài ban phước xoá tội. Thờ Phật lạy Phật là để nhớ nghĩ đến ân đức và trí tuệ của Ngài đã tìm ra con đường giác ngộ cho nhân loại thoát khổ được an.

Thờ Phật có ý nghĩa sống và hành động theo lời Phật dạy, xem Phật là tấm gương sáng suốt soi chiếu cho  chính mình, cho người thân của mình noi theo, học tập theo. Cuộc đời đức Phật chứa đựng vô vàn những bài học quý giá chúng ta cần phải noi theo để áp dụng cho bản thân, cũng như để giáo dục gia đình mình. Hình ảnh tươi đẹp của đức Phật và những lời dạy của đức phật sẽ giúp chúng ta chuyển hoá thân tâm, giúp chúng ta đạt đến sự an vui giải thoát.

Lời dạy của Phật trong kinh điển là những lời sáng suốt do lòng từ bi trí tuệ của bậc giác ngộ nói ra, chúng ta thành tâm tụng đọc, suy xét, nghiền ngẫm, lần hồi tâm tánh chúng ta cũng được chuyển hoá trở nên người hiền từ đức độ, có trí tuệ và an lạc. Cho nên việc tụng đọc kinh điển được xem như là một phần của sự tu tập hiện nay.

Tất cả những cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, không thể tồn tại, nó sẽ tan biến khi vật chất thay đổi. Chỉ có sự bình an tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui phát xuất từ thân tâm mới thật sự là hạnh phúc.      

{]{


Ý NGHĨA THỜ PHẬT LẠY PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét