Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

PHẬT GIÁO HÒA HẢO

PHẬT GIÁO HÒA HẢO
     Đây là một tôn giáo mới bắt nguồn từ đạo Phật với những sự cải tiến cho phù hợp với tín đồ. Đạo sáng lập năm 1939, bởi Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.
     Đức Huỳnh Giáo chủ truyền bá giáo lý đạo Phật và mượn tên làng mình sinh trưởng, là làng Hoà Hảo làm biệt danh, và do đó đạo mang tên là Phật giáo Hoà Hảo. Danh từ Hoà Hảo là tiêu biểu cho tinh thần kết liên khắp nhân loại, đứng trên nền tảng hiếu hoà giao hảo.
     Phật giáo Hoà Hảo tuy là một tôn giáo mới, nhưng hơn trên 50 năm đã ăn sâu vào nếp sống dân quê miền Nam, nhất là miền Tây Nam Việt, và hiện thời đã có một số tín đồ đáng kể, tạo lực lượng cho đạo.

ĐỨC  HUỲNH  GIÁO  CHỦ

   1- Thân thế: Sinh quán Ngài tại thôn Hoà Hảo, quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc (Miền Nam Việt Nam) là vùng đất phì nhiêu, nhờ có con sông Cửu Long (Tiền Giang) hằng năm đem đất phù sa bồi đắp nên, đã un đúc tạo nên một bậc vĩ nhân xuất chúng ấy.
     Bậc vĩ nhân ấy là ông Huỳnh Phú Sổ, mà mọi người đời gọi Ông là Tư Hoà Hảo, hay Đức Huỳnh Giáo chủ, tín đồ xưng là Đức Thầy. Ngài sanh năm Kỷ Mùi (1919) mất ngày 25-2 năm Đinh Hợi (16-4-1947) con trai của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm.
     Thuở nhỏ Ngài học hành có vẻ xuất sắc, học lực không kém bạn bè. Ngài học xong cấp tiểu học. Sau khi đậu cấp bằng tiểu học, Ngài nghỉ học về nhà giúp đỡ cha mẹ trong việc cày bừa ruộng rẫy.
     Đức tánh Ngài có chỗ hơn mọi người trong mọi trường hợp. Từ lúc trẻ đến lúc vị thành niên, Ngài không bao giờ thích đờn ca, xướng hát cải lương...Ngài ít trửng giỡn nói cười, thường tìm nơi thanh vắng để mặc tưởng trầm tư. Khi đến tuổi thành niên, Ngài rất hổ thẹn và phản đối khi nghe nói đến chuyện lập gia đình cho Ngài.
     Lại nữa đã từ lâu bịnh sốt rét dữ dội làm cho Ngài ẻo lã xanh xao, mất ăn mất ngủ. Đức Ông và Đức Bà hết sức chạy chữa tất cả thầy hay thuốc giỏi nhưng cũng không làm sao hết bịnh cho Ngài.
     Suốt trong mấy năm trường (từ 15 tuổi đến 21 tuổi) Ngài mắc một chứng bệnh trầm kha mà không một lương y nào chữa trị được. Thì ra đó là những cơ hội cho đấng Thiêng Liêng dọn xác Đức Thầy để cho Ngài tiếp những điển quang mạnh mẽ sau này.
     Trước khi mở đạo, lúc nào cũng như ngây. Lúc bấy giờ Ngài xưng là “Khùng Điên ”. Đức Thầy đưa ra ba điều kiện để cho thân sinh Ngài chọn:
       a- Để cho Ngài trèo lên ngọn gòn nhảy xuống
       b- Để cho Ngài lội khắp cả dòng sông,
       c- Để cho Ngài đăng sơn.
     Đức ông chấp nhận điều kiện sau chót, thế là Ngài đã trải qua bốn lượt đăng sơn.
     Lần đầu Đức Thầy đi núi Tà Lơn với Đức Ông để cho Đức Ông đãnh lễ chư vị Phật Tiên và cảm thấy sự linh thiêng huyền diệu của chư sơn liệt vị, và cũng để cho Đức Ông hoàn toàn tin tưởng rằng; Đức Thầy là một bực siêu nhân chớ không phải mượn xác cõi đồng như trước kia đã tưởng.
     Đức Ông và Đức Thầy đã băng sơn vượt dốc trải qua 6 ngày, như vậy mới xuống núi về làng.  Lần thứ hai, Đức Thầy đi cùng với ông Ngô Ngọc Chơn đến núi Cấm. Lần thứ ba, cùng đi với 5 tín đồ. Lần thứ tư, Đức Thầy đi núi Tà Lơn dẫn theo một mình ông Ngô Thành Bá ở xã Hoà Hảo.

PHẬT  GIÁO  HOÀ  HẢO  RA  ĐỜI

     Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ mão (1939) cử hành đại lễ tại “Thánh Địa, xã Hoà Hảo, để kỷ niệm ngày khai đạo, một cuộc lễ long trọng cử hành tại nhà Đức ông để cho Đức Thầy “đến Kinh Khứu Sơn Trung thọ mạng ”.
     Lúc 6 giờ chiều. Đức Thầy sắp hai hàng ghế bên bàn Thông Thiên, xong Đức Thầy mời Đức Ông ra chứng kiến cho Ngài thắp nhang mời thỉnh các đấng Thiêng Liêng về chứng cho Ngài “chịu lịnh Tây Phương thọ ký ”. Đoạn Ngài lạy 4 lạy, sau rốt, Ngài day qua hướng Tây lạy 4 lạy.
     Thuở ấy Đức Thầy được 21 tuổi. Mặc dù còn bịnh, Ngài vẫn đẹp đẽ khôi ngô, văn võ song toàn, quán thông mọi việc, ta có thể nói rằng Ngài là một bực “thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự ”.
     Mối đạo của Ngài ra đời từ đó đến nay lan tràn khắp cả miền Tây Nam Việt. Vì tin tưởng nơi sự Thiêng Liêng của Ngài nên tín đồ lên đến con số kỷ lục non 2 triệu người.
     Bởi Ngài khai Đạo tại xã Hoà Hảo, nên Đạo của Ngài gọi là Phật Giáo Hoà Hảo và cũng nơi đây tục gọi “Thánh Địa ”. Kể từ đó Đức Thầy khởi sự chữa bịnh, thuyết pháp và ra kệ giảng.
     A-  Chữa bịnh:  Nhiều bịnh kỳ dị, bịnh tà, bịnh điên, hoặc bịnh nan y đã được Đức Thầy chữa lành hẳn, chẳng khác nào Đức Chúa Jesus hay đức Thầy Tây An thuở xưa. Vì vậy số người đến chữa trị rất đông. Từ Sài Gòn, Chợ lớn, Gia Định, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... Các tỉnh Long xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long...đua nhau đến nhờ Ngài trị bịnh.
     Phương pháp của Đức Thầy dùng để trị bịnh không có chi là phiền phức. Tuỳ theo người bịnh, Ngài cho uống nước lã, cho phép Huệ linh bằng dây chuối hoặc bằng chỉ se nhiều tao gọi là “Niệt ”, cho bùa uống bằng giấy nhựt báo hoặc giấy vàng, cho uống thuốc thang bằng vài thứ lá cây (lá xoài, ổi, mít, bưởi. v. v..) hoặc vài thứ bông (bông trang, vạn thọ..) hay vài thứ rễ cây (rễ tranh, rễ chòi mòi).
     Điều đáng chú ý là mỗi khi trị bịnh cho người nào là Ngài khuyên họ nên niệm Phật, tưởng Trời và van vái Thần Thánh tin tưởng các đấng Thiêng liêng, bởi vì “Lòng thành nước lã nên hồ,  hữu tâm chi đức cam lồ Phật ban ”.
     Và Đức Thầy đã chữa rất nhiều loại bệnh, từ bệnh trong lục phủ ngũ tạng, cho đến bệnh ngoài da, hay bệnh tâm thần, bệnh kinh niên.. . số người được Đức Thầy chưa trị kể sao cho xiết.
      B- Thuyết pháp:  Sau ngày 18-5 năm Kỷ Mão. Đức Thầy nói nhiều hơn xưa. Gặp ai Ngài nói nấy. Ngài nói về sắc diện, tánh tình và tương lai. Sau rốt Ngài khuyên người làm lành lánh dữ, trau sửa tâm tánh, kính tin Trời Phật.
     Ngài nói thật trúng, thật hay, rất khiêm tốn, rất bình dân. Ngài không bao giờ chịu phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn. Đãi ngộ họ như nhau, Ngài không hề khuất phục kẻ cường quyền nào và bỉ lạc một người khốn khó nào...Vì vậy thuở ấy người ta kêu Ngài là Ông tướng bình dân.
     Nhiều người có xu hướng cộng sản lại chất vấn Ngài, Họ lấy làm khâm phục vì Đức Thầy nói thấu “ruột gan" họ và nói đến những việc bên cái xứ xa xôi kia, ở tại cái xứ đã phát huy những tưởng tưởng khuynh tả ấy...
     Thế là trong những số bá tánh thập phương tới viếng Đức Thầy, ngoài những người xin thuốc, xin bùa, xin trị bịnh lại còn có nhiều người đến để nghe Ngài giảng giải giáo lý của Đức Thích Ca mà Ngài có sứ mạng truyền bá:
               Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
               Xuống hạ giới truyền khai Đạo pháp.
     Nhiều khi Ngài phải thuyết pháp cả ngày lẫn đêm. Thính giả tập hợp để nghe đông vô số kể. Như thế cho đến ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940) là ngày mà đương cuộc Pháp ở Châu Đốc dời Ngài đi Sa Đéc. Ngôi nhà Đức Ông bổng nhiên biến thành một ngôi chùa. Vì thế nên có lần Đức Thầy nói với Đức Ông đi lên quận xin phép đổi nó ra thành cái chùa, lấy danh hiệu là “Kim Sơn Tự ”.
     Với một giọng nói thanh tao êm dịu, khi bổng khi trầm, lưu loát mà rõ ràng, khi cao siêu khi giản dị, Ngài giảng giải cho quần chúng nghe giáo lý nhà Phật và phương pháp tu hành, Ngài thuyết pháp không vấp, không ngừng. Thật là “Miệng nhích môi đầy văn tao nhã, hạ bút thành thơ đã đề khai ”
     Lại nữa, lời răn của Đức Thầy còn có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cáh phi thường nên thính giả nhiều khi mủi lòng rơi luỵ, liền phát Bồ đề tâm, quy y đầu Phật.
     Phụng Thờ:  Đạo của Ngài thờ: “Trần Màu Dà ”. Nhưng tục gọi lại gọi “Trần Điều ”. - Tại sao thờ “Trần Dà “Ngài giải thích:
     Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng Phật. Đành rằng vì tôn kính “Đấng Từ Bi" mới làm ra để thờ phượng Ngài. Nhưng cũng vì có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo hình tượng nữa. Làm như thế chúng ta không có ý huỷ báng sự phụng thờ của các chùa chiền. Hơn nữa, từ trước chúng ta thờ  “Trần Điều" là di tích của Đức Thầy Tây An để lại.
     Nhưng gần đây, có nhiều kẻ thờ “Trần Điều “tự xưng là tông phái với chúng ta làm sái phép, sái với tông chỉ của Đức Phật nên toàn thể trong đạo đơn giản đổi lại “Màu Dà" để biểu hiện cho sự “thoát tục" của mình và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hoà hợp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy, chúng ta dùng nó trong chổ thờ phượng tôn nghiêm để tiêu biểu tinh thần vô lượng của nhà Phật.
     Phương thức hành đạo:  Đạo của Ngài cốt “Phật tức Tâm “nên phương thức hành đạo rất giản dị.
    a- Về cách cúng Phật. -  Chỉ cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi.  Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch. Bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết. Còn nhang dùng đặng biến mùi trược uế.
     b- Phục sức (không bắt buộc). - áo tràng màu dà - đầu trần (thường để tóc) mỗi ngày hành lễ hai thời:
        1- Thời từ 4  giờ khuya đến 6 giờ sáng,
        2- Thời từ 4 giờ đến 6 giờ chiều.
    Trong hai thời đó - hành lễ lúc nào cũng được - nhưng phải thi hành đúng ba lễ dưới đây bởi ba bài nguyện:
I. - Bài nguyện trước bàn thờ ông bà:
Cầm hương xá ba xá, quỳ xuống chấp tay đưa lên trán nguyện:
        Cúi kính dưng hương trước Cữu Huyền
        Cầu xin Thất Tổ chứng lòng thiền
        Nay con tỉnh ngộ quy y Phật,
        Chí dốc tu hành tạo phước duyên.
Cầm hương, rồi đứng ngay thẳng chắp tay nơi ngực nguyện tiếp:
            Cúi đầu lạy tạ Tổ Tông,
            Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn.
            Rày con xin giữ  Đạo Hằng,
            Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài
             Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
            Thoát nơi khổ hải Liên Đài được lên
            Mong chờ Đức Cả bề trên,
            Độ con yên ổn vững bền cội tu   (lạy 4 lạy)

2- Bài nguyện trước bàn thờ Phật.
Cầm hương xá ba xá quỳ xuống chắp tay đưa lên trán nguyện bài Quy y:
Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
               Nam mô Thập Phương Phật
               Nam mô Thập Phương Pháp
               Nam mô Thập Phương Tăng
Nam mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư vị năm non bảy núi cảm ứng chứng minh, nay con cải hối ăn năn làm lành lánh dữ, nguyện quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo.
Cắm hương, lạy 4 lạy hoặc xá ba xá rồi đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực nguyện tiếp bài:
Năm câu nguyện:
Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại Từ Đại Bi Phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật.
Nam mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng. Địa Hoàng, Liên Hoa Hải Hội Thượng Phật Từ Bi Phật Vương độ chúng sinh thế giới bình yên.
Nam mô nhị nguyện cầu: Cữu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu sinh.
Nam mô tam nguyện cầu: Phụ Mẫu tại đường tăng long phước thọ, Phụ Mẫu quá khứ trực vãng Tây phương.
Nam mô tứ nguyện cầu ; Bá tánh vạn dân từ tâm bác ái giải thoát mê ly.
Nam mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự trí tuệ thông minh giai đức đạo quả.
         Lạy 4 lạy rồi xá chính giữa ba xá niệm:
              - Nam mô A Di Đà Phật.
         Xá bên trái 1 xá niệm:
              - Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
         Xá bên mặt 1 xá niệm:
             - Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
            3 - Bàn Thông Thiên.
Đảnh lễ bàn Phật xong, ra bàn Thông Thiên cầu nguyện bốn hướng, lấy bàn Thông Thiên làm hướng chính trước mặt, sau lưng hai bên vai (xây theo chiều bên trái).
Hướng chánh bàn Thông Thiên có nguyện bài Quy y, còn ba hướng kia chỉ nguyện bài Năm Câu Nguyện, khi nguyện xong, mỗi hướng lạy 4 lạy, trường hợp không thể lạy được thì xá ba xá cũng được.
Lạy đứng hoặc lạy quỳ cũng được, tuỳ theo lúc yếu mạnh, đàn ông lạy đứng đàn bà lạy quỳ.
Niệm Phật: Xong thời cúng, muốn niệm Phật cũng được (ngồi bán già thẳng lưng niệm):
- Nam mô A Di Đà Phật. Hay niệm: Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng điều đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật.
 (Niệm Phật tuỳ theo sức mình, lúc cầu nguyện mà niệm Phật chỉ niệm trong tâm và phải thành tâm).
Ngày chay lạt:   Đạo của Ngài chỉ dạy ăn chay có bốn ngày: 14, 15, 29, 30. Tháng thiếu 29 và mồng 1, có nhang thì đốt không có thì nguyện không cũng được.
Có hỏi ý nghĩa bốn ngày ăn chay ý nghĩa thế nào, được giải thích:
- Vì sao đạo của Ngài ăn chay có bốn ngày?  Được giải thích: ăn chay ngày đầu cầu cho Tổ Quốc - Ngày thứ hai hiến cho Phật - Ngày thứ ba cho đồng bào - Ngày thứ tư cho bản Thân.
Điều kiện vào đạo: Người nào muốn quy y phải có hai người bổn đạo có đức hạnh tiến cử và bảo lãnh đến Ban Trị Sự trong làng cho người làm đầu biết và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người quy y nghe, hỏi coi có bằng lòng giữ y như lời khuyên dạy và răn cấm trong Đạo chăng?
Nếu họ bằng lòng, biểu về cho ông bà, cha mẹ biết hoặc nguyện trước bàn thờ Ông Bà Tổ  Tiên rằng: Ngày...tháng...năm ... mình chịu quy y theo Đạo. Sau đó người làm đầu (Hội Trưởng) cho một cuốn sách nhỏ nầy.
Chổ nào không có Ban Trị Sự, hai người bổn đạo dìu dắt người mới rồi sau sẽ dẫn ra Ban Trị Sự gần đó. Không bắt buộc phải thề thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình mà thôi.
Khi nào mình không muốn giữ Đạo, mình phải cho người làm đầu trong Đạo và những người tiến dẫn hay đặng xoá bỏ tên mình ra, chớ không người nào được phép xưng mình người trong Đạo mà không giữ luật lệ sự tu hành.
Kẻ nào trái luật lệ trong sự đạo đức dầu không xin thôi đạo hay chưa bị bôi tên cũng có thể bị toàn thể trong Đạo không thừa nhận trách nhiệm của họ và bị coi như người ngoài đạo.
                **       **
Ngài thường làm thơ viết ra sấm giảng để giáo hoá chúng sinh trở lại nề nếp tốt đẹp của đạo làm người, đồng thời trau dồi trí tuệ, bồi bổ công đức.
Sấm giảng của Ngài có sáu quyển chính là:
  1- Sấm giảng khuyên người đời tu niệm (1939)
  2- Kệ dân của người khùng (1939)
  3- Sấm giảng (1939)
  4- Giác mê tâm kệ (1939)
  5- Khuyến thiện (1942)
  6- Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền (1942).
Trên con đường truyền bá giáo lý từ năm 1939, Huỳnh Giáo Chủ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà cầm quyền Pháp hồi đó sợ thế lực của Ngài bành trướng, đã cấm Ngài hoạt động ở tỉnh Châu Đốc. Ngài phải lưu động đi nay đây mai đó, nhưng cũng có hồi Ngài bị lưu giữ tại bệnh viện chợ Quán hoặc ở nha Công An Saigon (1941) và Ngài chỉ được người Pháp trả tự do nhờ sự can thiệp của quân gia Nhật Bản.
Sau đó Ngài tổ chức Việt Nam Phật giáo liên hiệp hội với tôn chỉ liên hiệp các tông phái đạo Phật, các tăng ni, các tín đồ, các nhà tri thức có xu hướng về Phật giáo. Việc làm đã gặp khó khăn.
Năm 1945, Ngài đứng ra thành lập Việt Nam độc lập vận động hội, gây nên một phong trào tranh thủ tự do cho đến ngày Việt Minh nắm chính quyền.
Ngài lại đã cùng các đảng phái quốc gia lập Mặt trận Quốc gia liên hiệp vào ngày 14/8/1945 mà Ngài được cử làm chủ tịch với mục đích mưu đồ cuộc độc lập cho nước nhà. Ngài đã cùng các đồng chí cách mạng thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội gọi tắc là đảng Dân Xã (21/9/1946).
Lo ngại trước sự bành trướng phi thường uy thế của Ngài trong dân chúng, Việt Minh đã tìm cách hãm hại Ngài. Ngài thọ nạn vào ngày 16/4/1947 tức ngày 25 tháng 2 năm Đinh Hợi tại làng Tân Phú ở Đốc thuộc tỉnh Long Xuyên.
Hằng năm vào ngày 25/2 âm lịch, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo cử hành tôn nghiêm lễ kỷ niệm Đức Thầy thọ nạn, tuy nhiên họ tin rằng rồi đây có ngày Ngài xuất thế trở lại.
Và hằng năm cứ đến ngày 18 tháng 3 âm lịch, toàn thể tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở khắp nơi, nhất là tại thánh địa Hoà Hảo làm lễ kỷ niệm ngày đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng mối đạo.

GIÁO  LÝ  PHẬT GIÁO  HOÀ  HẢO.

Phật giáo Hoà Hảo lấy pháp môn Tịnh Độ làm căn bản, pháp môn này đã từng có từ ngày xưa và đã ra đời trước hết ở Ấn Độ, sau đó truyền qua Trung Quốc, Nam Dương rồi tới Việt Nam.
Đây là một trong 84 ngàn pháp môn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết ra để cho những tín đồ tu tại gia biết con đường giải thoát.
Dưới đây là lời của Huỳnh Giáo chủ về hạng tu tại gia:
 “Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa làm như các nhà sư hay ni cô đặng... Thế nên ở tại nhà phượng thờ Đức Phật phát nguyện quy y giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát. Đây là hạng học Phật tu nhân.”
Bàn xét như trên thì toàn thể tín đồ Phật giáo Hoà Hảo là hạng tại gia cư sĩ học Phật tu nhân vậy.
Sách xưa có câu: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”(Muôn vạn quyển kinh của Phật, Thánh, Tiên dạy sự hiếu nghĩa làm đầu).
Đức thầy Tây An thuở xưa thường thuyết kinh các môn nhơn đệ tử rằng muốn làm xong hiếu nghĩa có 4 điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn:
1. Ân tổ tiên cha mẹ.     2.   Ân đất nước.           3. Ân Tam Bảo
4. Ân đồng bào và nhân loại (với xuất gia  thì ân đàn na thí chủ).

TRIẾT  LÝ  CỦA  PHẬT  GIÁO  HÒA  HẢO.

Nền tảng cốt yếu của triết lý Phật giáo Hoà Hảo là lý tưởng từ bi, bác ái, đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra.
Có thể nói rằng Phật giáo Hoà Hảo không khác chi là Tịnh độ cư sĩ, nhưng ở nơi đây những điều dị đoan mê tín bị bài trừ. Không có sự cúng Phật bằng các thức ăn thịt cá và cũng không có sự dùng giấy tiền vàng bạc, phướn xá, trai đàn v.v.. không có việc thờ  hình tượng.
Đạo ngăn cản hẳn tứ đổ tường, đạo khuyên con người phải biết hy sinh cho xứ sở như lời Huỳnh Giáo chủ:
 “Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng dày đạp. Ráng nâng đở xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho trở nên cường thịnh. Ráng cấp cứu nước nhà khi kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.”
 “Hãy tuỳ tài, tuỳ sức, nổ lực hy sinh cho xứ sở. Thoảng như không đủ tài đức đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải ráng tránh đừng làm việc gì sơ xuất làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước”.
                  {{
Trích :  Nếp cũ Tín Ngưỡng Việt Nam  của Toan Ánh  XB: Hoa Đăng

PHẬT GIÁO HÒA HẢO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét