Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

GIỚI LUẬT

LỜI ĐẦU

Thiết nghĩ, mọi sự mọi vật trên vũ trụ nầy, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ sinh vật bé nhỏ cho đến các loài lớn như trời, người cũng đều nằm chung trong một quy luật vận hành mới tồn tại và phát triển.
Xét như loài kiến chúng bò thành lối, loài chim nhạn bay thành hàng, người thợ mộc phải có dây mực, người thợ may phải có thước, kẻ đi đường phải tuân luật giao thông. Nước có phép nước, nhà có phép nhà, ai ai cũng phải biết luật, đâu đâu cũng có nội quy, quy chế mới điều hành được.
Đạo cũng vậy. Đạo là con đường hướng dẫn chúng ta đến phương trời Chân, Thiện, Mỹ lại càng quan trọng hơn, cho nên phải có luật là lẽ tất nhiên. Tuy vậy, người vào đạo thì nhiều, tin đạo càng lắm, nhưng ít ai hiểu hết từ chiều cạn đến chiều sâu của luật Phật chế. Chiều cạn của luật Phật chế là đem lại hạnh phúc an ổn trong phạm vi loài người loài trời; Còn chiều sâu của luật Phật chế là đưa đến sự giải thoát sanh tử, chứng cảnh giới Niết bàn và thành Phật quả. Là Phật tử cả hai chiều sâu và cạn chúng ta không hiểu thì làm sao chúng ta đạt cho được hai mục tiêu nói trên.
Với điều này, chúng ta hãy khẳng định lại con đường và mục tiêu của Phật giáo hướng đến. Phật giáo không phải là một tôn giáo bình thường mà như mọi người quan niệm chung chung, mà là một hệ thống giáo dục hơn là tôn giáo. Nếu Phật giáo  được gọi là tôn giáo, thì tôn giáo Phật giáo là một tôn giáo  siêu việt, siêu nhiên; là tôn giáo vượt lên trên tầm cao các tôn giáo khác. Vì sao thế?  vì các tôn giáo khác đều dựa vào sức mạnh của thần linh, thần quyền mà thiết lập, tin tưởng và hướng về. Ngược lại, Phật giáo không dựa vào thần quyền, thần linh mà chỉ nhắm ngay đối tượng nơi con người, vì con người, do con người; tội ác hay phước thiện cũng từ con người tự tạo ra, không do một bàn tay ngoại giới nào quyết định vào quyền sống chết của con người. Cho nên Phật giáo gọi là tôn giáo “Trí tín ", là tôn giáo dùng lý trí để mà tin, cho nên Phật giáo không thể gọi là tôn giáo mê tín được. Do lòng tin mà vào trong đạo và từ trí mà được qua; như vậy vào đạo Phật từ lòng tin tưởng cùng với sự hiểu biết mà qua được sự khổ, vượt qua sông mê sanh tử.Ví dụ người nhà nông ngày nay, từ sự tin tưởng của hội nông dân do các nhà khoa học tổ chức mà vào hội; Khi vào hội, họ được học  tập hiểu biết được kỷ thuật trồng trọt và chăn nuôi, vì thế sự canh tác và sản xuất của họ thay đổi hẳn cách làm ăn cũ, như cày sâu cuốc bẫm, mò cỏ nhọc nhằn không còn như ngày trước nữa, và sự thu hoạch cũng gấp bội lần hơn trước kia. Với lòng tin và sự hiểu biết mà nhà nông ngày nay thoát được đói vượt được nghèo.
Như vậy, dù đời hay đạo, con đường giáo dục lý tính là quan thiết. Sở dĩ, từ xã hội nhỏ cho đến toàn nước và cả thế giới, bao nhiêu tranh chấp, bao nhiêu hận thù cũng bắt nguồn từ tham, sân, si mà ra. Trong đó anh chàng Si làm chủ mọi hành động Tham và Sân; Cho nên con đường giáo dục của Phật giáo là con đường diệt trừ Si. Do  Si mà chấp thủ, do chấp thủ mà đấu tranh, đấu tranh không vừa lòng nên sân hận. Một khi Si được giải tỏa thì sự chấp thủ không còn, giống như màng đêm bao phủ thì mọi vật nằm trong bóng tối, khi ánh dương xuất hiện thì sự u tối không còn. Bởi vậy, 5 giới luật của Phật giáo được học, được hiểu và được hành đúng như thật, nó không những giải quyết sự đau khổ và sự bất đồng tự cá nhân mà nó còn góp phần đem lại ổn định hoà bình cho mọi người các cộng đồng trên thế giới.
Với những ý niệm nầy, mong cho Phật pháp xương minh, cho xã hội công bằng, cho loài người hết khổ được vui. Trong quá trình soạn thảo, biên tập không sao tránh khỏi những thiếu sót, mong rằng các học viên hiểu ý quên lời, góp ý cho những chổ bất cập chưa thấy được, để tài liệu học tập đến với các học viên được sung mãn và hoàn bị hơn.
                                                      Biên soạn và hướng dẫn:
                                                Đại Đức Thích Thiện Phương.
                                                      (Niên học 2004-2005)

BÀI I:     NGŨ GIỚI VÀ NỘI DUNG CỦA NGŨ GIỚI

I - NGŨ GIỚI  LÀ GÌ ?
Một đoàn thể có tổ chức, có lý tưởng, có thành viên phải có quy ước hoặc hiến chương của tổ chức ấy. Một tổ chức kiện toàn hay không, chỉ cần xem các nội dung của quy ước hoặc hiến chương của nó có kiện toàn hay không.Một tổ chức có thành tích biểu hiện trác việt hay không,cũng do lý tưởng ở trong quy ước hoặc hiến chương định đoạt. Tất cả xã hội đều y theo lý tưởng riêng chế định quy ước hoặc hiến chương, nhưng muốn biết quy ước hoặc hiến chương có sinh ra được hiệu lực hay không còn phải xem nhân viên trong tổ chức đối với quy ước hoặc hiến chương kia có bảo vệ và tuân hành hay không.
Trường học có học quy, đảng phái có đảng quy, học sinh có công ước tự trị. Cơ cấu huấn luyện có phép tắc học viên phải giữ.đảng phái có phép tắc đảng viên phải giữ, quân nhân,trừ quân pháp,quân kỷ ra còn có phép tắc quân nhân phải giữ,thiếu sinh quân cũng có tín điều của thiếu sinh quân.Suy ra các công ước của quốc tế cho đến hiến chương Liên hiệp quốc đều đồng một tính chất. Mục đích chẳng ngoài nói về quyền lợi nghĩa vụ và lý tưởng chung cùng theo đuổi của các phần tử hợp thành tổ chức.
Nhưng trên thế gian,dù công ước nào,hiến chương nào cũng chẳng tồn tại mãi, cũng chẳng vĩnh cửu bất biến,chỉ có giới luật của tín đồ tôn giáo là ngoại lệ. Tính chất của giới luật tuy cũng tương tự như hiến chương công ước hoặc phép tắc phải giữ của tất cả các tổ chức xã hội, nhưng một tôn giáo có thể chẳng suy và càng truyền càng rộng cũng phải xem nội dung giới luật của tôn giáo ấy mà định.Từ khi có lịch sử đến nay nhân loại trên thế giới,đã trải qua không biết bao nhiêu tôn giáo. Nhưng tôn giáo được nhân loại công nhận chỉ một số ít có thể đếm được. Bởi vì công dụng của giới luật chẳng những phòng ngừa sự hư hỏng của tín đồ,mà lại còn tăng tấn hạnh phúc của nhân loại đại chúng cho đến tất cả chúng sanh. Bằng không,tự nhiên cũng bị đào thải.
Tuy nhiên,trừ Phật giáo ra, không có một tôn giáo nào khác có thể thích dụng với ý nghĩa của giới luật như nội dung của Phật giáo,song chúng ta lại không thể phủ nhận bộ phận giới luật của tôn giáo khác cũng có tác dụng.
Hai chữ GIỚI  LUẬT là chữ  của Trung Quốc, ý nghĩa của hai chữ Giới Luật cũng khác nhau. Giới là điều chẳng nên làm. Luật là điều nên làm. Giới là chẳng nên. Luật là phải nên (chỉ trì, tác trì). Như vậy, Giới là sự giữ gìn của mỗi người. Luật là hoạt động của đoàn thể.Vì thế trong phạm văn,Giới gọi là  Thi la (si la) Luật gọi là Tỳ nại da (Vinaya). Nhưng có lúc cũng đem hai nghĩa giới luật dùng chung,cho nên cũng không cần cắt đôi hai chữ giới luật ra định nghĩa.
Trước tiên ta cần giảng chữ Giới. Chữ Giới nghĩa là điều không nên làm thì đừng làm,cho nên cũng là một thứ hạn chế thuộc tiêu chuẩn đạo đức. Như thông thường nói giới cờ bạc, giới hút sách, giới uống rượu v.v... là một thứ hành vi câu thúc.
Chúng ta đã biết giới không phải là điều Phật giáo riêng có,các tôn giáo khác cũng có giới quy hoặc giới mệnh. Nhưng giới của Phật giáo cùng với giới của tôn giáo khác chẳng hoàn toàn đồng nhau.
Chúng ta cần phải hiểu rỏ một nguyên tắc là bất cứ tôn giáo cao cấp nào hữu ích cho nhân loại, tôn giáo ấy đều chẳng thể trái với tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại. Do đó, giới luật được chế ra cũng không sai biệt nhiều. Tuy nhiên giới luật của Phật giáo có nhiều cấp bậc từ thấp đến cao, dù là cấp bậc thấp nhất cũng vượt lên trên tất cả tôn giáo khác. Trong đó, ngũ giới là nền tảng của tất cả giới luật, nhưng giới mục của ngũ giới không có xa lạ gì với sinh hoạt bình thường của con người. Thời cổ đại Ân độ, các tôn giáo đều có ngũ giới nên đại thể đều tương đồng, như 5 giới sau trong 10 giới của Cơ Đốc giáo cũng vậy. Nay phân biệt nêu ra như sau:
1- Ngũ giới của Phật giáo Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
2- Ngũ giới của Ma ha Pháp Điển:  Không sát sanh, không vọng ngữ, không trộm cắp, không phi phạm hạnh (không dâm), không tham sân.
3- Ngũ giới của Bao Đạt dạ na pháp Điển: Không sát sanh, không vọng ngữ, không trộm cướp, nhẫn nại, không tham.
4 - Ngũ giới của Tiền Đa Khư Da, Áo Nghĩa Thư: Khổ hạnh, từ thiện, chánh hạnh, không sát sanh, thật ngữ.
5- Ngũ giới của Kỳ Na giáo: Không sát sanh, không trộm cắp, không vọng ngữ, không dâm, ly dục.
6- Ngũ giới của Du Già phái: Không sát sanh, không vọng ngữ, không trộm cướp, không tà dâm, không tham.
7 - Năm giới sau của Cơ Đốc giáo: Đừng giết, đừng trộm, đừng dâm, đừng vọng chứng, đừng tham của cải người khác.
Do sự so sánh ở trên có thể biết điểm đặc sắc của ngũ giới Phật giáo là không uống rượu, các tôn giáo khác không có giới rượu,Vì Phật giáo trọng trí tuệ, uống rượu khiến cho người ta say sưa hôn mê, vì thế không cho uống rượu. Tham dục, tham sân của các tôn giáo khác nêu ra, không phải hành vi mà là hiện tượng tâm lý, trong ngũ giới của Phật giáo thật đã bao gồm hết.
Từ xưa đến nay ở Trung Quốc có nhiều người chủ trương thuyết Nho Thích Đạo tam giáo đồng nguyên, sớm nhất là thấy trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đời Hậu Hán đem ngũ giới của Phật giáo phối hợp với ngũ thường, sự phối hợp này có những ý kiến bất đồng như:
1- Thiên Thai Nhân Vương kinh sớ, phối hợp không sát sanh với nhân, không trộm cắp với trí, không tà dâm với nghĩa, không uống rượu với lễ, không vọng ngữ với tín.
2- Chỉ Quán quyển 6, phối hợp không sát sanh với nhân, không trộm cắp với nghĩa, không uống rượu với lễ, không vọng ngữ với trí, không tà dâm với tín.
3- Cách phối hợp thông thường là không sát sanh phối hợp với nhân, không trộm cướp phối hợp với nghĩa, không tà dâm phối hợp với lễ, không vọng ngữ phối hợp với tín, không uống rượu phối hợp với trí.
Nhưng ở đây, phương pháp phối hợp ngũ giới của Phật giáo với ngũ thường của Nho giáo chỉ có thể nói về tiêu chuẩn đạo đức của nhân gian, có một xu thế tiếp xúc tương đối gần gũi, chứ chẳng nên nói là tuyệt đối thích đáng. Chẳng nói giới nào khác, chỉ nói một giới không uống rượu thôi, tuy gồm tinh thần lễ và trí, song lễ và trí của Nho giáo chẳng đồng với giới không uống rượu của Phật giáo, trên thực tế Nho giáo không  cấm  uống rượu.
Nói đến chổ này, chúng ta có thể phân biệt sự ưu liệt cao thấp của giới. Qua cái nhìn của Phật giáo, giới có thế giới (giới của thế gian  chế) và đệ nhất nghĩa giới (giới của Phật chế) chẳng đồng. Trừ giới của Phật chế ra, tất cả đều là giới của thế gian chế. Sự bất đồng của Phật giới và  giới của thế gian là tại điểm xuất phát và mục đích khác nhau. Các tôn giáo khác giữ giới là tuân theo ý chí của Thượng Đế hoặc thánh thần,như tín đồ Cơ Đốc giáo vâng theo 10 giới, bởi vì đó là mệnh lệnh của Thượng Đế tuyên bố, nên chẳng tuân giữ là chống lại Thượng Đế, làm cho Thượng Đế nổi giận. Phật giáo không phải như vậy, Phật giới tuy do Phật chế, song tuân giữ là do ở tại mỗi người, Đức Phật chế giới cũng là căn cứ vào ý chí của chúng sanh chứ chẳng ép buộc người nào. Giữ giới chẳng phải vì Phật mà là ý chí tự do của mỗi người muốn giữ. Như ăn cơm là việc chính của mỗi người, ăn xong tự mình no, không ăn tự mình đói, không quan hệ chút nào với người khác. Nhưng đức Phật với tấm lòng đại trí đại bi, dù chẳng thay thế chúng sanh ăn cơm được, Ngài cũng khuyên nhủ và hướng dẫn chúng sanh ngu si đói khát đi ăn cơm (dụ cho giữ giới). Đây là điểm bất đồng thứ nhất giữa Phật giới và giới của thế gian .
Thông thường giới của thế gian, hơn phân nữa là thiên về một mặt. Như tín đồ Cơ Đốc giáo giữ giới (giới là giới của nghi thức giáo huấn) là vì cầu được sự sủng ái của Thượng Đế và hy vọng sau khi bỏ thân này được vào thiên quốc của Thượng Đế. Mục đích giữ giới của họ chẳng vì tạo thành hạnh phúc an lạc của nhân gian mà vì đạt ý muốn sinh lên trời,vì thế thiên về hành vi bi thương hoặc nói là xuất thế (theo Phật pháp nói giả sử họ được sanh lên trời cũng chưa thật xuất thế). Do đó, họ luôn luôn vì lý do thiên quốc mà phủ định sự hoà bình an lạc của nhân gian, cho nên chiến tranh tôn giáo cũng do vậy mà thường hay xảy ra. Còn như Nho giáo (thật ra Nho gia chẳng phải là Nho giáo, vì Nho giáo vốn chẳng phải thành tôn giáo) đối với sự tuân giữ cương thường luân lý là tạo thành hạnh phúc và hoà bình an lạc của nhân gian, song lại chẳng hướng về hình nhi thượng hoặc xuất thế, vì thế nó thiên về hiện thực. Chỉ có sự tuân giữ Phật giới của tín đồ Phật giáo vừa là tạo phước nhân gian cũng là tìm cầu cảnh giới xuất thế,vì thế trên Phật giáo sử chỉ có ghi chép nhẩn nhục và hy sinh chứ không có việc chiến tranh và đẫm máu,đây là điểm bất đồng thứ hai của Phật giới và giới thế gian.
Thường thường giới thế gian chỉ có sự tuân giữ về hình thức nhưng không có nhận được giới thể, thế nên không có phân biệt được giới tội và tánh tội. Như 10 giới của Cơ Đốc giáo chẳng phải chỉ tín đồ Cơ Đốc giáo có, Cơ Đốc giáo cho rằng Thượng Đế chế ước cho nhân loại, bất luận tin hay không tin đều ở trong phạm vi của chế ước nầy. Người tin cố nhiên phải giữ, người chưa tin cũng chẳng thể chẳng giữ, nếu chẳng giữ tội lỗi cũng đồng với người đã tin. Phật giới không như vậy, Phật giới là do Phật chế, sự thọ giới của đệ tử Phật phải là sự truyền thọ. Xét về sự truyền thừa và nạp thọ giới thể, chỉ có người đã thọ giới rồi mới đem giới truyền cho người khác được. Giới thể nầy là trực tiếp truyền từ đức Phật, thọ giới mà nhận được giới thể là nạp thọ pháp thân Phật vào trong tâm tánh của chính mình. Vì pháp thân Phật tiếp thông với pháp thân sẵn có của mọi người, vị dẫn đạo sư phát minh hoặc chứng ngộ tự tánh là Phật  của mỗi người. Thọ Phật giới rồi mà lại phá giới là đồng với phá pháp thân Phật,vì thế tội lỗi rất lớn. Người không có thọ giới tuy làm ác, nhưng chẳng phải phá giới, bản thân làm ác tuy là tội lỗi mức độ tội lỗi lại không to,không nặng bằng người thọ giới phá giới. Đây là biết pháp, phạm pháp thì tội hơn một bực, tánh tội của làm ác (vốn là tội) lại thêm giới tội của phá giới. Trong Phật pháp, phá giới là phá pháp thân Phật (Tam thế chư Phật và tự tánh là Phật), vì thế mức độ của giới tội lớn hơn tánh tội rất nhiều. Đây là điểm bất đồng thứ ba của phật giới và giới thế gian.
Thường thường giới thế gian chỉ dạy người trừ bỏ hành vi phải ngăn cấm mà chẳng hình thành được một hệ thống luận lý. Phật giới được xếp vào một tạng trong Tam tạng của Phật giáo, cùng với kinh tạng, luận tạng đứng vững như cái đỉnh ba chân và lấy luật tạng chuyên môn nói về giới làm then chốt cho Phật pháp trụ thế. Vì thế, có một hệ thống hoàn bị, tỷ như đem sự cấu thành của giới phân biệt làm 4 khoa mục lớn là giới pháp,giới thể, giới hạnh và giới tướng,  nếu thiếu một thì chẳng được gọi là trì giới. Giới pháp là pháp quy của Phật chế. Giới thể là một mạch truyền thừa vô biểu sắc pháp của chư sư truyền thọ cho nhau, đó là công đức sở huân.Giới hạnh là do hành vi trì giới biểu hiện ra. Giới tướng là hiện tượng sai biệt của hành vi trì giới. Nếu như chẳng đầy đủ được 4 điều kiện (thường gọi là 4 khoa) thì tuy không sát sanh, không trộm cắp, cho đến không uống rượu, cũng chỉ được xem là giữ giới thế gian mà chẳng phải là Phật giới, công đức giữ gìn giới thế gian là hữu hạn. Đây là điều bất đồng thứ 4 của Phật giới và giới thế gian.
Ở đây xin hỏi: Tin Phật tại sao cần phải thọ giới. Trong thiên quy y Tam bảo đã nói về tính chất trọng yếu của Tam quy. Người tin Phật có quy y Tam bảo giống như sự ghi tên đăng ký của học sinh nhập học,nhưng ghi tên đăng ký chẳng bằng đi học. Sau khi quy y Tam bảo, nhận được giới mới là bước đầu của con đường thành Phật. Quy y Tam bảo chỉ là công đức chuẩn bị của sự học Phật, thành Phật mà thôi. Lại vì trong khoá trình học Phật là xa xôi diệu vợi, trình độ phát tâm học Phật có cao thấp, thế chúng ta tin Phật và thọ Phật giới cũng có nhiều thứ lớp. Thứ lớp của Phật giới tuy nhiều nhưng đều lấy ngũ giới làm nền tảng. Ngũ giới tuy là từng lớp thấp nhất của Phật giới, song như cất lầu trước chẳng xây móng thì ý muốn cất lầu rốt cuộc chỉ là mộng tưởng. Vì thế có người nói: Pháp ngũ giới là cha của ba đời chư Phật,y ngũ giới mà sinh ra thập phương tam thế tất cả chư Phật.

Bài 2. KHÁC BIỆT GIỮA PHẬT GIỚI VÀ GIỚI THẾ GIAN

       Luật pháp thế gian được xây dựng theo luân lý, đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán và quan điểm chính trị của chính quyền đại diện cho nhân dân của đất nước đó nhằm tạo sự ổn định về mặt chính trị và xã hội. Luật pháp như vậy thường mang tính cách địa phương. Chỉ có giá trị ở nước này mà không có giá trị ở nước khác. Có khi ngay trong một nước, tỉnh này, làng này “Luật lệ” cũng khác với tỉnh khác, làng khác.
          Khác với luật pháp thế gian, giới luật của Phật giáo được xây dựng trên tinh thần Từ bi, trí tuệ, hiểu biết về nhân quả, nghiệp báo nên có cả quy định xã hội nhưng chú trọng về mặt Thánh đạo. Do đó, muốn hiểu giới luật của Phật giáo thì phải biết rõ về định  luật nhân quả nghiệp báo.
Nhân quả và nghiệp báo khác nhau, có khi có nhân qủa mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, không thể chấm dứt nó được nhưng nghiệp báo thì ta có thể chấm dứt, giải thoát nó được. Muốn hiểu rõ về nhân quả nghiệp báo, chúng ta cần phải biết về những kiến thức giáo pháp cơ bản sau:
Những định lực của vũ trụ:
Là những quy luật vận hành của vũ trụ, chúng tương quan mật thiết với nhau và chi phối toàn bộ đời sống con người cùng vạn hữu. Những định luật, quy luật này mâu thuẫn nhau, tương tác nhau đã sinh ra vô vàng hiện tượng khác như hữu tình, vô tình, trời đất, vũ trụ v.v..
Những quy luật ấy được Đức Phật giới thiệu phổ quát bằng 5 định luật
1- Thế giới vật lý vô cơ: Quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, bốn mùa do ảnh hưởng của mặt trời mặt trăng, tinh tú đến sông biển ao hồ, tác động đến con người, cây cối vạn vật.
Trong định luật thuộc vật lý vô cơ này cũng xảy ra theo tiến trình nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Như do hiện tượng Elnimo mà bão lụt, động đất, hạn hán xảy ra khắp nơi. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, khí thải công nghiệp mà nhiệt độ trái đất tăng lên, phá vở tầng ozon, môi trường sinh thái bị nhiễm độc... Gần hơn có những nhân quả rất cụ thể như trời nóng  thì đổ mồ hôi, lạnh thì rét, mưa nhiều sinh lụt, không khí giản nở tạo ra gió...
2. Thế giới sinh vật lý hữu cơ:Quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật, có cả con người. Do những định luật này, các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, gien, di truyền.. kể cả công nghệ sinh học. Do quy luật này mà giống nào sanh giống ấy, hạt cam sanh  cam, hạt lúa có từ cây lúa.
Trong thế giới này, tiến trình nhân qủa xảy ra rất đa dạng và phức tạp. Nên công nghệ sinh học muốn biến đổi gien  động vật, thực vật là dựa vào quy luật này... do sự lai tạo. Mướp đắng không đắng nữa mà lớn như quả bầu. Các loại lúa chịu nắng hạn, bắp cho nhiều hạt.. một loài người thông minh hơn. Nhân quả này cũng máy móc, lạnh lùng khách quan.
Cả 2 loại định luật này tương tác, ảnh hưởng qua lại nhau để xảy ra tiến trình nhân quả khác. Ví dụ chết vì rét, vì lạnh, vì đói, vì nhiễm độc. Thế giới vật lý tác động lên thế giới sinh lý(cơ thể)  nên xảy ra như vậy.
3. Pháp: Quy luật chi phối vạn pháp như âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ, phản ứng sinh lý hoá, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ tát giáng phàm, thành đạo, khi Đức Phật nhập Niết Bàn.
Lĩnh vực này rất bao la, khoa học cũng chưa tìm kiếm ra hết. Định luật này xảy ra trong tiến trình nhân qủa, trong pháp giới. Luật này dễ kiểm chứng như trong phản ứng hoá học. Cho chất này vào thì nước sôi lên, nhưng chất khác thì nước đổi màu. Ví dụ như âm dương hút nhau. Nam châm hút sắt, ngũ hành tương sinh, tương khắc... đều là nhân quả. Tuy nhiên, trong pháp giới còn có những định luật nhân qủa rất huyền nhiệm như khi Bồ tát đản sanh thì địa cầu chuyển động, người bị thôi miên, mộng du di chuyển trong thế giới 4 chiều...
4. Tâm: Định luật về Tâm như tâm lý, ý niệm, ý tưởng, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, tư tưởng, trực giác. Những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm dẫn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hay vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm đều từ định luật này. Nhân quả trong các định luật về nhân qủa cũng không phải là nghiệp báo. Khoa tâm lý học phươngTây có cả một môn học chuyên sâu để nghiên cứu, đào xới mảnh đất bí hiểm này. Tất cả những cái gọi là ký ức, phán đoán, tưởng tượng, tình cảm, nhận thức.. đều nằm trong quy luật nhân quả. Chính giấc mộng, sinh hoạt về thức, bệnh tâm thần, sự căng thẳng tâm lý, họ cũng tìm ra quy luật và giải mã nó, để tìm phương pháp chữa trị. Những hiện tuợng như thuật thôi miên, thần giao cách cảm, truyền đạt tư tưởng, tìm ra mộ người thân, chữa bệnh bằng tư tưởng.. đều là nhân qủa của tâm. Điều này các tôn giáo phương Đông đã đi trước  bằng các khả năng Thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông.. Các ví dụ gần gũi và thực tế như:
     - Khi tâm định thì phát sanh hỷ lạc.
     - Khi các tâm sở thiện có mặt thì thân tâm thư thái nhẹ nhàng, an vui
     - Khi các tâm sở bất thiện có mặt thì thân tâm nặng nề, bất an, nóng nảy, trì trệ...
     - Khi thấy người thân qua đời thì buồn chảy nước mắt.
     - Thấy rắn thì run sợ,- trúng số thì vui mừng. Bị phỉ báng nhục mạ thì buồn khổ...
        Nếu thường làm các việc ác thì thường thấy cảnh chiến tranh hay mộng dữ. Tâm và pháp tương tác nhau để  sanh ra các tâm lý chủ quan:     Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
5. Định luật về nghiệp:Định luật về nghiệp báo nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp.
Chính ở đây mói nói đến nghiệp báo, sự chi phối của nghiệp báo và thoát khỏi nghiệp báo, ta có thể dẫn nhiều ví dụ: Ta làm một việc xấu ác bị người khinh ghét và bị tù tội.
Phân tích: Làm việc xấu ác là nhân, bị người khinh ghét tù tội là quả. Do biết lẽ nhân quả nên ông A nhẫn chịu sự đau khổ xảy ra mà tâm không hề oán trách, than van, sầu muộn hay sanh tâm ác, hay hận thù với ai. Đây là trường hợp có nhân có quả nhưng không có nghiệp báo,ông B thì trái lại  cho nên cái quả khinh ghét hoặc tù tội ấy càng gia tăng, có thể dẫn dến những hành động hoặc ý nghĩ sai lầm khác nữa. Ông B bị nghiệp báo chi phối.
Qua các ví dụ trên ta biết rõ quyết định về nhân hay về quả của nghiệp báo chính là tâm niệm, ý tưởng, ý chí, (tư tâm sở) là tâm sở chủ động các trạng thái tâm lý.
Trong 5 định luật trên, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng xảy ra theo tiến trình nhân quả nhưng không theo nghiệp báo. Định luật thứ 5 này mới xảy ra theo nhân quả nghiệp báo. Những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức luân lý(Thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra  báo ứng của nghiệp. Đây là những quyết định, những chủ đích,  những hành động. Có đầu tư ý chí của mỗi cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp)của cá nhân nhưng nó ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và  nhân loại.
Như vậy, chúng ta phải biết rõ đâu là nhân quả khách quan, đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả 4 định luật đầu đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu chúng ta không thấu triệt để sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho 3 đời chư Phật. Dù Đức Phật có ra đời hay không thì 4 định luật trên đều chi phối vạn vật. Đức Phật dạy không hề tu tập để chấm dứt các định luật ấy. Giới Pháp và giới luật do Đức Phật dạy để giúp ta không tạo nghiệp ác và giải thoát nghiệp báo ở định luật thứ 5. Nhưng ta cần phải thấu rõ các định luật ấy để không bị đau khổ, sợ hãi vì không hiểu biết chúng.
Nếu là nhân qủa tự nhiên thì  nó máy móc khách quan, nhưng nhân quả nghiệp báo thì do tâm quyết định. Chính ở nơi tâm mới nói đến tâm nhân và tâm quả. Còn có cả triệu định luật khác không được gọi là nhân mà chỉ là duyên, thuận hay nghịch tác động lên nhân ấy.
Nghiệp là gì? Nghiệp là hành động bằng thân và miệng do tác động của ý chí. Hành động với sự cố ý như  thế  là tạo ra nghiệp, thành tựu nghiệp đạo  và tất nhiên sẽ đưa  đến quả báo tương xứng. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, Như Lai nói: “Tư “chính là nghiệp. Tư chỉ cho ý chí của các hành động thiện ác thuộc dục giới và tâm bất động của sắc và vô sắc giới.
       Khi ý chí đã đạt được mục đích mà nó mong muốn thì nghiệp đạo căn bản được thành tựu. Nghiệp đạo là con đường đưa nghiệp nhân đến nghiệp quả. Quá trình thành tựu nghiệp đạo dù cho thân hay ngữ cũng phải đi qua ba giai đoạn.
       Một là gia hạnh của nghiệp đạo, là giai đoạn chuẩn bị cho hành động.  
       Hai là căn bản nghiệp đạo lúc hành vi đạt được mục đích mong muốn.
       Ba là hậu khởi của nghiệp đạo, sự tiếp diễn của hành động sau khi căn bản nghiệp đạo đã thành tựu.
       Nghiệp đạo có nhiều loại nhưng được biểu hiện bằng ba loại là nghiệp thân, miệng và ý.
      Về  mặt tính chất thì chia làm ba là Thiện nghiệp, ác nghiệp và nghiệp bất động(Thiền định).
       Nghiệp ác có 10:
      Về thân có 3: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm
      Về miệng  có 4: Nói dối, nói chia rẽ, nói thô ác, nói phù phiếm, nhỏm nhí.
      Về ý có 3: Tham sân si
      Nghiệp thiện có 10, ngược lại 10 nghiệp ác trên.
      Nghiệp bất động là các tầng định thuộc sắc và vô sắc giới do Tư tâm sở làm phát sanh các thiền chi.
      Như vậy, ở dục giới hành động thân miệng và ý của chúng ta thường xuyên tương ưng với 10 nghiệp ác do vô minh và ái dục làm nhân duyên. Khi nào chúng ta còn vô minh và ái dục thì vẫn còn hành động theo 10 nghiệp ác. Do đó, tuy chúng ta có đặt ra luật pháp, đạo đức, luân lý để ngăn chặn các nghiệp ác nhưng chúng vẫn bị hạn chế bởi không gian và thời gian, bởi những tiêu chuẩn thiện ác đúng sai, tốt xấu dựa trên khái niệm chủ quan mà đặt ra như đã nói ở trên.
     Một người hành động theo 10 nghiệp ác, xét ra họ không thể sám hối mà hết. Họ cũng không bị Thượng đế nào trừng phạt cả mà chính Luật nhân quả với sự tác động của nghiệp đạo làm cho họ phải chịu quả báo tương xứng với nghiệp mà họ đã làm. Như thế muốn tiêu diệt hay vô hiệu hoá nghiệp đạo đã làm thì phải bằng cách làm nhiều thiện nghiệp để hoá giải. Ví dụ ta nấu một nồi canh lỡ cho muối nhiều bị mặn thì phải xử lý bằng cách cho thêm nước, bột ngọt vào thì vị mặn bị giảm đi và có thể ăn. Nếu cũng lượng muối ấy cho vào một khối nước thì sẽ bị tiêu mất.
       Để ngăn chặn các hành vi của thân và miệng, ý không tạo các nghiệp đạo ác. Người Phật tử phải thọ giới. Khi đã thọ giới, chúng ta nhờ năng lực hộ trì, ngăn chặn của giới khiến cho chúng ta không làm các nghiệp ác.
        Giới luật là gì? Giới luật có nghĩa là hộ trì, bảo vệ, là những điều cần phải học (học xứ- như học xứ không sát sanh) bằng tự nguyện. Giới không hề có ý nghĩa bắt buộc phải thọ, phải giữ như Luật pháp hay nội quy.
        Ngoài  ý nghĩa xã hội, giới còn chú trọng đến mặt Thánh đạo nên còn gọi là luật nghi. Khác với luật pháp bị hạn chế bởi không gian và thời gian, đối tượng trường hợp, luật nghi bao trùm cả 5 chi phần: đối với bất cứ hữu tình (động vật), đối với bất cứ thời gian nào, đối với bất cứ nơi  đâu, đối với bất cứ trường hợp nào, đối với bất cứ phương tiện nào.
      Chính luật nghi là cơ sở phòng hộ cho người có thọ giới được sống an ổn và đi vững vàng trong thánh đạo, nền tảng cho chánh niệm, tỉnh giác để đi vào Định và Tuệ, tiến  đến giác ngộ giải thoát. Giới luật còn có chức năng rất quan trọng là bảo trì sự tồn tại của Phật Pháp.
        Có thọ giới, tất nhiên có lúc phạm giới. Phạm giới là gây tội. Tội với ai? Trước tiên với chính ta vì ta đã vi phạm vào những điều  mà chính ta nguyện giữ. Thứ nữa ta có tội với Tam Bảo, với giới sư, người mà ta xin giới và hứa sẽ giữ giới. Như vậy, khi phạm giới chúng ta có thể sám hối và xin giới để thanh tịnh trở lại.
Một người không phải là Phật tử không thọ giới khi sát sanh họ đã tạo một nghiệp đạo ác và sẽ chịu quả báo tương xứng.
Một người Phật tử khi sát sanh vừa tạo một nghiệp đạo ác, vừa phạm giới sát sanh.
Nhìn qua người Phật tử bị thiệt thòi và thọ giới để làm gì?

Như đã nói ở trên, phạm giới thì sám hối được và khi sám hối đúng pháp thì giới sẽ phục hồi. Đồng thời, người Phật tử nhờ năng lực hộ trì của giới nên không hành động các  nghiệp ác, dù có muốn làm đồng thời nhờ giới hộ trì nên dễ dàng thực hành các phúc nghiệp như bố thí, hành thiền, phục vụ...  để hoá giải các nghiệp đạo ác đã có.

      Một người không thọ giới họ chỉ không làm điều ác khi bị luật pháp ngăn cấm trong không gian hay thời gian nào đó. Nhưng khi có cơ hội thuận tiện thì họ vẫn làm. Không có năng lực của giới hộ trì nên họ sẵn sàng hành động theo tiếng gọi của vô minh và ái dục. Và như thế họ sẽ nhận lấy những quả báo của nghiệp đã làm, đồng thời tiếp tục tạo thêm các nghiệp đạo ác khác. Luật pháp được xây dựng trên quyền lợi của số đông hay quyền lực nên người ta chỉ tuân thủ do tác động ngăn chặn bên ngoài. Giới luật của Phật được xây dựng trên Từ bi, luôn đặt mình vào vị trí của người để giúp đỡ người, không làm điều ác có hại cho người, bằng trí tuệ là hiểu rõ nhân quả nghiệp báo nên không làm điều ác chứ không cần đến sự khống chế từ bên ngoài.
       Giới luật Phật giáo không bao giờ được tuân thủ một cách độc lập như luật pháp mà bao giờ cũng đi đôi với Định và Tuệ. Nếu không có năng lực của Thiền định, hiểu biết của Trí tuệ thì sự giữ giới dù rất đầy đủ cũng chỉ là hình thức và khó đi vào Thánh đạo.
      Là Phật tử chúng ta phải  nhận định đúng về Tam quy, giới luật, nhân quả, nghiệp đạo, quả báo của nghiệp để hiểu rõ sự khác nhau giữa vị trí và giá trị, mục đích của giáo pháp  do Đức Phật  dạy và những quy định về luật pháp của xã hội hay những điều cấm, điều răn của các tôn giáo khác. Khi đã hiểu đúng giáo pháp bằng trí tuệ  chúng ta mới có chánh kiến  và mới đi đúng trên chánh đạo để có đời sống an lạc trong hiện tại và tương lai mà không bị lệ thuộc hay mâu thuẫn với những sinh hoạt của chính ta giưã  xã hội. 
                                              Soạn theo NSGN số 102 tháng 09-2004
                                                       Của Thích Tâm Hạnh
   

TÓM LƯỢC SỐ Ý TRONG TINH THẦN TU TẬP GIỚI LUẬT

Mục  đích của hàng đệ tử Phật là giác ngộ và giải thoát, mà muốn giải thoát thì phải lấy giới luật làm căn bản. Do đó, có vài nguyên tắc liên quan đến giới luật ta cần lưu ý.
         * Theo luật quy định không bao giờ cho phép bất cứ người nào tự thọ giới pháp (ngoại trừ quan điểm của đạo Bồ tát).
         *  Hàng đệ tử Phật lấy giới hạnh để phân biệt tôn ti. Một người cư sĩ dù trình độ tu học cao đến đâu cũng không được ở trên vị trí của người xuất gia.
          * Giới  thể vô biểu hay vô tác được xem là bản chất tồn tại của giới pháp. Giới thể này thành tựu do ba điều kiện trong lúc thọ giới: 1- Giới tử chí thành, 2- Giới sư thanh tịnh, 3- Giới đàn trang nghiêm.
          * Một thành viên của đệ tử Phật tiến hay thối không phải chỉ đưa đến thành hay bại của cá nhân vị ấy, mà còn liên quan đến sự thạnh suy của đạo pháp.
                             Soạn theo Luật học,Tài liệu học tập TNS
                                            Của TT  Thích Phước Sơn        
                                                                          
Tóm lược số ý, những khác biệt giữa Phật giới và giới thế gian
* Giới Phật chế xây dựng trên tinh thần từ bi, trí tuệ và nhân quả.
- Giới thế gian  xây dựng từ truyền thống, phong tục, tập quán, chính trị của từng mỗi nước, mỗi địa phương.
* Giới do Phật chế, nhưng người giữ là do ý muốn của mỗi người muốn giữ, chứ Phật không ép buộc.
- Giới thế gian là tuân theo mệnh lệnh của Thượng đế hay thánh thần, hoặc cơ chế chính trị, nếu không tuân giữ là chống lại, sẽ có tội.
*-Giới của Phật chế vừa tạo phước đức nhân gian vừa hướng đến cảnh giới xuất thế.
- Giới thế gian thiên về một mặt, như tín đồ Cơ đốc giáo, giữ giới vì cầu sự sũng ái của Thượng đế và hy vọng sau khi chết được vào thiên quốc của Thượng đế.
* Phật giới do Phật chế, sự thọ giới của đệ tử Phật là do sự truyền thọ mới được.
- Giới thế gian chỉ có sự tin tưởng, sự tuyên thệ, chỉ tuân giữ theo hình thức chứ không có sự truyền thọ '' giới thể ''.
* Giới Phật chế  hình thành nên một luận lý, là một tạng trong ba tạng kinh điển. Giới phật chế lại chia làm bốn khoa mục rõ ràng: Giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng.
- Giới thế gian chỉ khuyên dạy người từ bỏ hành vi sai quấy phải tuân giữ mà không hình thành được một hệ thống luận lý.
* Giới Phật chế có giá trị trong mọi thời gian không gian, cho tất cả chúng sanh, không những cho con người mà bao hàm cả loài hữu tình vô tình.
- Giới thế gian chỉ hạn cuộc trong phạm vi  con người, cho một nước, hay một nhóm người, một đoàn thể nào đó. Thời gian không gian thay đổi thì không còn hiệu lực. Chỉ áp dụng cho con người chứ không phổ cập đến tất cả chúng sanh.
* Giới Phật chế, khi vi phạm không có sự chế tài, doạ dẫm, tù tội, mà sự sai quấy khi phạm giới phải chịu sự tác động luật nhân quả chứ Phật không quở phạt và trừng trị.
- Giới thế gian khi vi phạm phải chịu sự chế tài là phải tù tội, bị trừng phạt, bị khổ sai.. .
Muốn trở thành người Phật tử, điều trước tiên phải phát nguyện thọ trì Tam Quy, ngũ giới của Phật mới thành Phật tử. Giới của Phật chế cao nhất và nhiều nhất là 250 giới của Tỳ kheo và thấp nhất và ít nhất là Tam quy và ngũ giới của tại gia cư sĩ.
Nhưng trong đó ba quy y là tối quan trọng trên vấn đề thọ giới và trì giới. Vì sao? Ba quy y không phải là giới, mà nó trở thành một loại giới quan trọng trong tất cả loại giới. Vì khi phát nguyện quy y rồi, thì trong thân tâm người ấy đã có đầy đủ giới thể, khi nguyện thọ ba quy y nó có sự chế tài trong việc tín thọ và hành trì tam quy suốt đời. Khi đã quy y Phật rồi thì từ nay về sau, đời đời kiếp không quy y với trời thần quỷ vật. Khi đã quy y Pháp rồi, từ nay về sau đời đời kiếp kiếp không quy y theo ngoại đạo tà giáo. Khi đã quy y Tăng rồi từ nay về sau không quy y với thầy tà bạn ác.
Vì thế, mỗi khi phát nguyện thọ trì ngũ giới, bát giới, thập giới, 250 giới trước tiên tất cả đều phải xướng thọ Tam quy. Như vậy tất cả giới Phật chế đều đặt nền móng trên tam quy. Vì sao thế?  Tam quy là con đường hướng thượng. Mục tiêu của người tu theo đạo Phật là con đường hướng thượng, cho nên dù có giữ đủ giới luật oai nghi mà đối với ba quy y không đủ lòng tin (chánh tín), thì sự giữ giới ấy cũng chỉ là ma sự. Hoặc giữ đủ giới luật mà  huỷ phá tam quy(chỉ cần phá một trong ba) thì dù có khắc khổ giữ giới cũng chỉ là tà giới, không những không thoát sanh liễu tử, không chứng đắc đạo quả mà đi vào con đường ma lối quỷ.
Phần đông người thọ giới, chỉ nhắm mục tiêu không làm ác để được phước là đủ, nhưng người ta không hiểu giữ giới Phật để được thành Phật. Tất cả giới Phật chế dù nhiều dù ít cũng bao hàm trong hai yếu tố chỉ trì và tác trì (bỏ ác làm lành). Nhưng người ta lại lầm tưởng ý nghĩa '' ác'' và '' thiện'' của người thế gian cũng giống như ''ác'' và ''thiện'' của Phật giáo đề xướng. Cho nên mỗi khi khuyên một người đến với đạo Phật, họ nói: tôi ở nhà cũng ăn hiền làm lành chớ có làm ác bao giờ mà phải đến chùa tu học. Phần đông người đời chỉ nghĩ ác và thiện theo nghĩa một cách phiến diện như thế, nên ai họ cũng an lòng thảnh thơi đứng nhìn đạo Phật tuy có cái hay cái đẹp nhưng không quan tâm đến. Hoặc có người đã tin Phật rồi nhưng đinh ninh mình đã an phận thủ thường, không lo sách tấn, không quan tâm đến vấn đề giải thoát sanh tử, vấn đề kiến tánh thành Phật
Cho nên phần đông người ta thọ giới Phật với tâm không chánh tín, nên sự trì giới trở thành tà giới. Hơn nữa, chữ ác của đạo Phật gọi là ác đạo, chỉ cho sáu nẽo luân hồi, ý nghĩa rất xa và rộng; chữ thiện là thiện nghiệp đạo, là con đường dẫn đến hết khổ được vui Niết bàn.
Mong rằng mọi người tin Phật, thọ giới Phật sẽ thành Phật như thế mới đúng hoài bảo của Phật: '' Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành ''.
Trên vấn đề tu tập trước tiên phải nói đến giới, nói đến giới tức là nói đến đạo đức. Đạo đức lấy giới hạnh làm đầu, giới do đâu mà có?  phải có sự phát nguyện thọ trì tuân giữ mới có. Đã có phát nguyện thọ giới tất nhiên có lúc sẽ có sự phạm giới, mà đã phạm giới thì sẽ mất giới, cho nên khi đã vi phạm giới thì phải sám hối mới khôi phục giới được thanh tịnh. Khi sám hối phải sám hối đúng pháp mới được giới thanh tịnh, ví như bị bịnh thì phải uống thuốc mới lành bịnh, uống thuốc phải đúng thuốc đúng liều mới dứt được cơn bệnh, sám hối cũng thế. Nếu phạm giới không sám hối thì không những mất giới mà còn thêm tội (tội che giấu), hoặc sám hối không đúng pháp tội cũng không trừ, ví như bịnh đau bụng mà uống thuốc đau đầu thì làm sao mà hết bịnh, hoặc giả con bịnh cần phải uống thuốc ba liều trong một ngày, nhưng lại uống một liều trong một ngày thì bịnh vẫn là bịnh không hết được. Phạm giới mà không sám hối thì thêm một thứ tội thứ hai gọi là tội tùng sanh. Ví dụ phạm tội A mà không sám hối, hoặc che giấu, nó đẻ thêm một thứ tội thứ hai là tội tùng sanh là tội B. Như vậy khi sám hối phải sám hối cả hai thứ tội mới được thanh tịnh. Ví như tiền bỏ ngân hàng (tội A), một ngày nó cũng có lãi, khi ta rút tiền ngân hàng thì phải rút cả vốn lẫn lãi, nếu rút vốn không, không rút lãi, tiền của ta trong ngân hàng vẫn còn (tội B).
Khi phạm giới ta sẽ sám hối với ai? Tuỳ theo tính chất nặng nhẹ của việc phạm giới, và địa vị cùng công hạnh của mỗi người bị phạm mà việc sám hối có sai khác không đồng nhất.
Khi phạm giới, người phạm phải đến trước Tăng xin phát lồ sám hối những tội đã vi phạm. Tăng chia làm các khoảng như sau: Tăng một người, Tăng 2-3 người, Tăng 4-5 người, Tăng 20 người, Tăng 40 người...Tuỳ theo tội nặng nhẹ mà sám hối với số Tăng nhiều hay ít. Ví dụ phạm tội nặng một trong 4 giới trọng thì phải sám hối với 20 vị Tăng thanh tịnh. Trong 4 giới trọng, khi phạm giới sát sanh (giết người chết) thì không bao giờ sám hối được, vì con người đã chết thì không sống lại được, còn 3 giới sau, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ thì có thể sám hối được. Nhưng bản thể của Tỳ kheo không hoàn phục được, sám hối để tu không đoạ vào địa ngục, chứ không được đắc thánh quả trong hiện đời.
Còn phạm giới nhẹ hơn là tội Tăng tàn, thì cũng sám hối với 20 vị Tăng thanh tịnh, đủ 20 vị Tăng thanh tịnh tác pháp yết ma cho sự sám hối của mình thì tội mới được thanh tịnh. Hai mươi vị nếu thiếu một vị còn 19 vị  sự sám hối của mình cũng không thành, hoặc 19 vị thanh tịnh có một vị không thanh tịnh cũng không thành, và các tội về sau nhẹ hơn có thể đối trước 4 thầy Tỳ kheo thanh tịnh, hoặc một Tỳ kheo thanh tịnh mà phát lồ sám hối thì tội được thanh tịnh.

''  Theo Luật Thập Tụng nói có 6 trường hợp phạm tội Tăng tàn, nếu phấn phát dũng mãnh tự trách tâm, thành khẩn sám hối, thì có thể xem là thanh tịnh, không đọa ác đạo: 1- Bậc Thượng toạ có uy danh, 2- Bậc tôn túc có đức hạnh, 3- Người cả hổ thẹn, 4- người đang lâm bệnh, 5- Tăng không đủ túc số để làm yết ma, 6- Tăng chúng không thanh tịnh.
Luật Nhiếp còn đề cập có 6 hạng người phạm lời giáo huấn (Tăng tàn), chỉ cần sám hối với một Tỳ kheo thanh tịnh thì tội có thể tiêu trừ. Đó là: 1- Người thọ trì tạng Kinh, 2- Người thọ trì tạng Luật, 3- Người thọ trì tạng Luận, 4- Người cả hổ thẹn, 5- Vị thượng toạ cao tuổi nhất trong chúng, 6- Người có phước đức lớn.
Sáu hạng người nầy nếu bị phạt sẽ dẫn đến hậu quả không tốt đối với đại chúng. Do đó, nếu phạm tội mà họ quyết tâm sám hối, thì tội có thể trừ được ''.
                            (Trích Luật Học của TT. Phước Sơn)
Qua các ý trên, ta thấy tinh thần giới luật Phật chế, khác hẳn và vượt xa các giới điều của các tôn giáo khác, và các nội quy, luật pháp của các cơ chế chính trị của các quốc gia. Trên hình tướng nhìn qua giới luật Phật chế dường như là một sự hạn chế bó buộc, nhưng tầm sâu của giới luật Phật chế là giải thoát là tự do, nếu mỗi người thành thực chấp nhận tuân giữ với ý chí cầu tiến cầu giải thoát giác ngộ, thì giới luật không phải là hàng rào ngăn cản, mà nó là hàng rào phòng hộ bảo vệ cho người tu tập được an ổn thực hiện lý tưởng một cách viên mãn.
Phật pháp là pháp bất định pháp, cho nên giới của phật chế cũng bất định, tuỳ căn cơ mà giới luật có đại có tiểu, khai giá trì phạm. Giới luật như phương thang và dược tính. Người tu tập như con bệnh. Giới dụ cho dược tính, Luật dụ cho phương thang, hai thứ hổ trợ cho nhau không thể tách rời. Có giới mà không luật, biết đâu là trì, đâu là phạm, đâu nặng đâu nhẹ v.v.. Có thuốc mà không phương thang, biết uống như thế nào, trị bịnh gì, kẻ lớn người nhỏ liều lượng ra làm sao, bệnh gì uống thuốc gì... ở đây ta có thể nói giới luật của Phật là một loại thuốc thần diệu chữa trị bịnh tâm phiền não điên đảo cho tất cả chúng sanh, cho nên khi phát nguyện tu học, phát nguyện thọ giới, trì giới chúng ta không còn nghi ngờ ngần ngại lo âu sợ hãi, có như thế giới thể của ta mới được sung mãn, con đường đau khổ sớm chấm dứt Niết bàn không xa, nhân gian biến thành tịnh độ.

      BÀI 3:    NỘI  DUNG  CỦA  NGŨ  GIỚI.

Mục đích chế giới của đức Phật là hy vọng đệ tử trì giới đúng như pháp, tác dụng của sự trì giới đúng như pháp làm tăng trưởng công đức, nhưng công đức nầy được phát khởi, đều do bi tâm nung đúc và trưởng dưỡng.Xem mặt ngoài của ngũ giới thì thấy chỉ là tiêu cực chẳng làm ác, mà không có tác dụng tích cực làm thiện. Thật ra chẳng phải vậy. Nếu xét kỷ hơn, chúng ta sẽ thấy giữ gìn ngũ giới thật đã là bao hàm vô hạn bi tâm, bi tâm này có thể hiểu là sự mở rộng của tâm đồng cảm, đây là tâm đồng cảm suy từ mình đến người và đến tất cả chúng sanh. Nhân vì mình không chịu bị người khác sát hại cho nên có giới không sát sanh. Nhân vì chẳng chịu của cải tài sản của mình bị người trộm cướp, vì thế biết người khác cho đến tất cả chúng sanh đều có tâm chẳng chịu bị trộm cướp cho nên có giới không trộm cướp. Ba giới sau cũng theo đây suy ra mà biết. Do đó, chúng ta có thể nói công đức trì giới cố nhiên là do tín ngưỡng và cũng do bi tâm nung đúc và trưởng dưỡng công đức của Phật lớn vô cực. Bi tâm của Phật cũng lớn vô cùng, ấy là đồng thể đại bi vậy.
Vì thế trong kinh Phật thường gọi ngũ giới là  ngũ đại thí,  trì ngũ giới nếu trì đến triệt để chẳng những ngăn nơi “Chỉ ác “mà còn làm đến “hành thiện ”; Không sát sanh mà phải hộ sanh phóng sanh; không trộm cướp mà phải hành bố thí. Còn ba giới kia theo đây có thể biết. Nhưng bản ý của ngũ đại thí là, thí cái tâm không sợ hải cho tất cả chúng sanh. Do ta trì giới sát nên chúng sanh không sợ giết hại. Do ta trì giới không trộm cướp nên chúng sanh chẳng sợ ta trộm cướp. Do ta trì giới không tà dâm nên chúng sanh chẳng sợ ta dâm ô thân thuộc của họ. Do ta trì giới không vọng ngữ nên chúng sanh chẳng sợ ta lường gạt. Do ta trì giới không uống rượu nên chúng sanh không sợ ta uống rượu mà điên cuồng quậy phá. Cho nên gọi ngũ giới là ngũ đại thí.
Người sống trong thế giới hiện tại, không ai có uy lực tuyệt đối nắm được cái không bị tai hoạ do sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngôn,cuồng loạn gây ra. Chính vì thế mà chúng ta đề xướng sự thọ trì ngũ giới,nếu như thêm nhiều người thọ trì ngũ giới, nhân loại xã hội bớt đi một phần sự uy hiếp của tai hoạ, mọi người đều thọ trì ngũ giới, thế giới chúng ta sẽ trở thành Tịnh độ nhơn gian.
Điều quan trọng là ngũ giới của Phật giáo có thể mở rộng tâm đồng cảm đến tất cả chúng sanh. Thọ trì ngũ giới có thể ban cho nhân loại sự vô uý (không sợ), cũng tặng cho tất cả chúng sanh sự vô uý đây là điều mà giới thế gian chẳng bì kịp. Tỷ như giới không sát sanh của Cơ Đốc giáo chỉ không giết người, mà chẳng cấm giết các động vật ngoài nhân loại. Nho gia Trung Quốc chủ trương mở rộng lòng nhân đến vật, nhưng lại chẳng ngăn giết sinh vật khác. Sự lớn lao của công đức thọ trì Phật giới ở chổ này, bởi vì trì một giới sát, thì ở trên phần của tất cả chúng sanh đều được công đức bất sát. Cho nên, nếu nhân loại đều thọ trì ngũ giới, chẳng những nhân loại được hoà bình an lạc, mà tất cả chúng sanh cũng giải trừ được tai hoạ do loài người gây ra.
Ngũ giới là nền tảng của tất cả Phật giới, Phật tử tại gia sau khi tiến vào cửa Phật đều phải nên thọ trì, vì thế thông thường gọi là ngũ giới tại gia.
Ngũ giới tuy có 5 điều, song về chổ vi tế của nó rất là phiền phức. Như muốn được ngũ giới thanh tịnh, ta nên nghiên cứu thêm,  lược thuật như sau:
Sự huỷ phạm ngũ giới đều có khinh trọng. Tội trọng (nặng) chẳng cho sám hối, vì thế gọi là “bất khả hối ”.Tội nhẹ (khinh) cho sám hối,lại phân làm hai loại gọi là  “trung khả hối và hạ khả hối “Theo Đại thừa Bồ tát giới, khi phạm trọng tội, nên thực hành Thủ tướng sám hối,nghĩa là ở trước Phật lễ sám, được thấy hảo tướng, thấy hào quang, thấy bông hoa, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu, tội liền trừ diệt. Song sám hối trừ tội, chỉ trừ được tội phạm giới mà chẳng trừ được tánh tội, như phạm giới giết người, giới tội đáng lẽ bị đoạ tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) nếu thực hành pháp sám hối Thủ tướng diệt tội, có thể chẳng bị đoạ tam đồ, nhưng nợ người một mạng vẫn phải bồi thường, nhân duyên thành thục chắc chắn phải trả nợ báo. Nếu chẳng nhập vô dư Niết bàn,giả sử chứng quả A la hán vẩn phải bồi thường người một mạng, cho đến giết một con kiến, tánh tội vĩnh viển chẳng diệt. Giới trộm cướp cũng giống như vậy, giới tội của giới trộm cướp, tuy giống như giới sát,nhưng tánh tội của giới trộm cướp chỉ cần bồi thường đúng giá đã trộm là có thể giải quyết xong.
Trong ngũ giới có 4 giới Sát, Đạo, Dâm, Vọng, đều có khả hối và bất khả hối. Một giới uống rượu dù phạm trong bất cứ trường hợp nào đều là khả hối. Bốn giới trước của ngũ giới đều có giới tội, tánh tội, còn giới uống rượu chỉ có giới tội mà không có tánh tội. Vì thế gọi 4 giới trước là tánh giới, giới uống rượu là giá giới. Tánh giới là trong Phật pháp và thế gian pháp đều công nhận. Dù Phật chẳng chế giới, khi phạm sát sanh,trộm cướp, tà dâm, nói dối là hành vi thuộc bản tánh, đều là tội ác. Giá giới là đức Phật vì đệ tử chế ra để ngăn ngừa phạm tánh giới lúc chưa phát sanh, vì thế chỉ có người thọ ngũ giới Phật giáo rồi chẳng được phạm.
Nói đến chổ nầy cũng có người hoài nghi, chẳng thọ Phật giới làm việc xấu chỉ có một lớp tánh tội, thọ Phật giới lại thêm một giới tội lớn hơn. Vậy đâu cần thọ giới? Kỳ thật thọ giới là vì trừ ác nghiệp, chẳng lẽ sau khi thọ giới lại chuẩn bị tạo ác sao? Giả sử thật muốn tạo ác, cũng có thể tuỳ thời xả giới. Vạn nhất chưa kịp xả giới mà tạo ác nghiệp, tuy sẽ bị đoạ tam đồ, song rốt cuộc cũng có thể thành Phật. Nếu như vĩnh viển chẳng thọ giới, cũng sẽ vĩnh viển không có khả năng thành Phật, hạt giống nhân duyên nếu gieo thuần thục, chắc chắn sẽ có thu hoạch, xin đem trì phạm của ngũ giới trình bày như sau:
I - Giới sát sanh:
Giới sát lấy giết người làm trọng, giết chúng sanh dị loại là khinh.Giết người đủ 5 điều kiện thành tội thì không thể sám hối (bất khả hối).
1- Là người: Bị giết là người, chứ chẳng phải dị loại bàng sanh.
2- Tưởng là người: Có ý giết người mà chẳng tưởng giết dị loại bàng sanh.
3-Có tâm giết: Có tâm giết người chứ chẳng phải vô ý ngộ sát hoặc vô tâm giết lầm người.
4- Lập phương tiện: Vận dụng phương pháp giết người.
5- Người giết: Người bị giết chắc chắn đã chết.
Thủ đoạn giết người nhiều vô cùng, nếu nhân loại chẳng tự tay giết,khuyên người tự sát, bảo người đi giết; hậu quả giết người có ba loại.
  * - Ngay lúc giết người liền chết, phạm tội bất khả hối.
  * - Ngay lúc giết không chết về sau nhân đó mà chết cũng phạm tội bất khả hối.
  * - Ngay lúc giết không chết, về sau cũng chẳng nhân đó chết,phạm tội trung khả hối.
 Giết người chẳng hạn cuộc dùng dao, dùng súng mà dùng bất cứ thủ đoạn nào làm cho người chết đều gọi là giết người, đều mang tội giết người.
Động cơ sát sanh chẳng ngoài 4 thứ phạm tội cũng có sai biệt.
1 - Vì giết người mà làm các phương tiện như đào hầm, bỏ thuốc độc, phóng hoả, nhận nước v.v.. khiến cho người chết, phạm tội bất khả hối, phi nhân (người biến hoá) chết phạm trung khả hối, súc sanh chết cũng phạm trung khả hối.
2 - Vì giết phi nhân mà làm các phương tiện khiến cho phi nhân chết,phạm trung khả hối, khiến cho người chết và súc sanh chết đều phạm tội khả hối.
3- Vì giết súc sanh mà làm các phương tiện khiến cho người chết,phi nhân chết, súc sanh chết đều phạm tội hạ khả hối.
4- Làm phương tiện bất định; Chuẩn bị gặp ai giết nấy, khiến cho người chết phạm tội bất khả hối, phi nhân chết phạm tội trung khả hối,súc sanh chết phạm tội hạ khả hối.
Bốn thứ động cơ nêu ở trên đều lấy bên đối tượng của động cơ đắc tội, không lấy bên đối tượng bị giết đắc tội, tỷ như giết người lại giết lầm phi nhân là tội trung khả hối, giết lầm súc sanh cũng là trung khả hối, là từ phương tiện của sự giết người mà đắc tội. Nếu như làm phương tiện giết người mà chưa đạt đến mục đích giết người, cũng chưa giết lầm phi nhân và súc sanh, đắc tội trung khả hối.
Lấy đây suy ra, làm các phương tiện giết phi nhân và giết súc sanh đều phạm tội hạ khả hối.
Phật cấm sát sanh, cho nên cũng cấm phá thai. Nếu giết thai nhi bằng cách phá thai, thai nhi chết phạm tội bất khả hối, thai không chết mà mẹ chết, phạm tội trung khả hối. (cũng từ bên thai nhi làm phương tiện giết mà đắc tội) mẹ con đều chết phạm tội bất khả hối, mẹ con đều không chết phạm tội trung khả hối. Nếu vì giết mẹ mà phá thai, đắc tội ngược lại với những điều nói trên.
Giết cha giết mẹ, giết A La Hán là phạm tội nghịch phải đoạ địa ngục vô gián, cho đến tội cực trọng trong giới sát sanh cũng có phân biệt: Giết cha mẹ tưởng là cha mẹ, phạm tội nghịch,  giết cha mẹ nghi là cha mẹ, cũng phạm tội nghịch, giết cha mẹ tưởng là chẳng phải cha mẹ (như người từ thuở bé đi xa cha mẹ chẳng biết cha mẹ sinh ra mình là ai) chẳng phạm tội nghịch nhưng phạm tội bất khả hối. Như người bị giết chẳng phải cha mẹ mà tưởng là cha mẹ (như từ thuở bé làm con nuôi của người mà không biết)hoặc hoài nghi là cha mẹ thì chẳng phạm tội nghịch, nhưng phạm tội bất khả hối. Giết A La Hán cũng chiếu theo giết cha mẹ mà biết song cũng có thuyết nói,  dầu chẳng tưởng A La Hán,giết cũng phạm tội nghịch,  nếu như kẻ giết người tự mình chết trước,người bị giết chết sau, thì phạm tội khả hối chứ chẳng phải bất khả hối. Bởi vì người chết giới thể cũng xả (ngũ giới thọ trì trong một đời này thôi) cho nên chỉ lúc chưa chết đắc tội phương tiện giết người, chẳng đắc tội đã toại ý giết người, sau khi chết là đã xả giới cũng không có giới tội,người bị giết tuy do kẻ kia giết chết song lại chết sau hung thủ, thì hung thủ không có giới tội giết người.
Sát sanh lấy tâm làm chủ, vô ý giết chẳng phạm tội trọng, vì thế đùa giởn đánh người, người đánh nhân đó mà chết, chẳng phạm tội trọng,phạm tội khả hối. Giết lầm ngoài ý muốn không phạm. Nếu chẳng cẩn thận để đến nổi giết lầm người khác chết thì phạm trung khả hối. Nếu cuồng tâm loạn đau khổ quẩn trí chẳng tự chủ được mà giết người không phạm.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, giết phi nhân rất ít thấy, ít nghe, giết người chẳng phải là việc tầm thường, nếu chẳng phải là đồ tể thì mỗi ngày cũng không giết heo giết bò. Giới sát sanh chúng ta dễ phạm nhất là đối với loài bàng sanh động vật nhỏ bé như trùng kiến.
 Có người hỏi, trong nhà có trùng kiến phải xử trí như thế nào? Lúc quét tước chắc chắn là giết hại chút ít, giết hại như thế có bị coi là phá giới sát sanh không? Hay là quy lỗi về nghiệp báo của trùng kiến phải chịu như thế? Đây là một vấn đề lớn, vì bảo vệ tài sản sinh sống của tự thân con người nên phải đuổi trừ trùng kiến phá hoại. Vì hộ trì giới thể thanh tịnh lại chẳng được cố ý giết hại trùng kiến. Nhưng trùng kiến tổn hại đối với con người cần phải đuổi trừ, lúc đuổi trừ chẳng được có tâm sát hại, phải làm cẩn thận, nếu đã làm hết khả năng hộ sinh rồi, lỡ có giết lầm hại lầm, phải tự trách tâm mình, sinh lòng hối hận, phát bi nguyện,nguyện cho chúng nó sinh vào loài thiện, nguyện cho chúng nó sẽ được thành Phật, thì mới có thể khỏi tội sát sanh.
Trong luật Thập tụng có ghi chép đức Phật đích thân trừ côn trùng nơi giường nệm của chư tăng. Theo Thập tụng luật nói, nhân vì trong nhà tắm ẩm thấp sinh trùng, Phật nói: “phải quét dọn cho sạch ”. Nhưng điều quan trọng nhất là không cho trong nhà cửa sinh trùng kiến thường phải giữ cho khô ráo, sạch sẻ, vừa hư phải sửa ngay, những lổ ở dưới chân tường phải lấp lại sớm, chổ dễ sanh trùng trước lúc chưa sinh phải xịt thuốc sát trùng phòng ngừa. Nếu sau khi đã sát trùng, vì trì giới phải cẩn thận đuổi trừ chẳng được dùng thuốc sát trùng để giết hại. Bằng không giết một côn trùng đắc một tội hạ khả hối, giết ngàn vạn côn trùng thì đắc ngàn vạn tội hạ khả hối. Nhưng muốn được giới sát tuyệt đối thanh tịnh phải đến sơ quả Tiểu thừa trở lên, vì sơ quả cày đất, côn trùng cách lưỡi cày 4 tấc, phàm phu làm chẳng được.
Do vì trì phạm của giới hoàn toàn ở nơi tâm, cho nên đối với tội sát côn trùng phân biệt ra sáu trường hợp ; Có trùng tưởng có trùng phạm tội căn bản, tiểu khả hối. Có trùng nghi có trùng cũng phạm căn bản tiểu khả hối. Không trùng tưởng có trùng phạm tội phương tiện, tiểu khả hối. Không trùng nghi có trùng cũng phạm tội phương tiện tiểu khả hối. Có trùng tưởng không trùng, không phạm, không trùng tưởng không trùng,không phạm. Ngoài ra chẳng được đánh người, chẳng được đánh súc sanh, cho đến trùng kiến đem tâm giận hờn đánh đập đều đắc tội.
Chổ này có người nghi vấn đó là giữ giới sát có cần phải ăn chay hay không? Theo luật chế, từ ngũ giới đến Tỳ kheo giới không bắt buộc phải ăn chay. Chẳng ăn cá thịt là quy định của Đại thừa Bồ tát giới, trì giới không sát sanh của ngũ giới chẳng được tự mình sát sanh, chẳng được khuyên người, hoặc bảo người sát sanh, cho nên chính mình chẳng được giết trâu bò, heo gà vịt cá v.v.. nếu như mua đồ đã được làm rồi thì chẳng bị sự cấm đoán của ngũ giới.
Đương nhiên, nếu như có thể phát tâm ăn chay lại càng tốt. ăn chay là đức tính tốt của Phật giáo Đại thừa, ăn chay là sự biểu hiện cụ thể của tinh thần giới sát, tiến thêm một bước, cho nên hy vọng những người thọ giới rồi tốt nhất là ăn chay.
2- Giới trộm cướp.
Giới trộm cướp, nếu như giới thiệu tường tận thì là một giới phiền phức hơn hết trong ngũ giới. ở  đây chỉ nói đại yếu.
Trộm cướp là hành vi chẳng cho mà lấy.
Sự huỷ phạm của giới trộm cướp có chia khinh trọng. Đủ 6 điều kiện sau đây thành tội bất khả hối.
1- Tài vật của người khác.
2- Biết rỏ tài vật của người chẳng phải của mình.
3- Tâm trộm:Khởi niệm trộm cướp, cũng là trước có dự mưu trộm cướp.
4- Tìm cách lấy: Nhờ các phương tiện đạt thành mục đích trộm cướp.
5- Giá trị 5 tiền: Vật trộm cướp giá trị 5 tiền.
Đây là đức Phật chiếu theo quốc pháp của nước Ma Kiệt Đà ở Ấn Độ đương thời mà chế, quốc pháp định trộm cướp 5 tiền trở lên thì phạm tội chết. Vì thế Phật chế định Phật tử trộm cướp 5 tiền trở lên cũng thành tội trọng bất khả hối. Năm tiền có giá trị bao nhiêu thật khó định, căn cứ theo sự biên khảo của Đại sư Độc Thể cuối đời nhà Minh, 5 tiền tương đương với 3 phân 1 ly 2 hào bạc, căn cứ theo sự nghiên cứu của Đại sư Ngẫu Ích, 5 tiền là 8 phân bạc.
6- Lìa chổ cũ: Dời tài vật đã trộm cướp ra khỏi vị trí của nó. Nhưng trong đây gồm có di động vị trí, biến đổi hình trạng, thay đổi màu sắc v.v..Hể đem tâm trộm cướp khiến cho chủ của tài vật khởi ra ý tưởng mất tài vật thì đều gọi là ly bổn xứ (lìa chổ củ).
Bất luận người ta không cho mà tự mình lấy hoặc bảo người khác lấy,đều là trộm cướp lấy  được tang vật 5 tiền trở lên thành tội bất khả hối.
Nếu như chủ tài vật không đồng ý, bất luận thủ đoạn nào, gạt lấy,trộm lấy, cướp lấy, dùng sức mạnh chiếm, bòn rút, hể đủ 6 điều kiện kể trên đều thành tội trọng bất khả hối. Trừ lợi nhuận hợp lý ra, chẳng được âm mưu lấy tài vật của người.
Không luận là trên hay dưới mặt đất, mặt nước, trong nước, chổ cao,chổ thấp, trên cây, trong không, động vật, thực vật, khoáng vật, trong hành động, trong tỉnh chỉ, tất cả tài vật bất luận thuộc chủ quyền của quốc gia, của tư nhân, của tôn giáo đều chẳng được trộm cướp. Trừ khi là vật phấn tảo (vật ném bỏ như rác) không có chủ, lấy không tội. Nếu đem tâm trộm cướp trộm của người, mang trên vai, hai chân rời đất phạm tội bất khả hối. Có tâm dụ dỗ người đem bán, khiến cho người đó đi qua hai bước, cũng phạm tội bất khả hối.
(Các ác luật nghi như: chài lưới, săn bắn, bán rượu, đồ tể, bán thuốc độc, buôn lậu, mãi dâm, cờ bạc, buôn bán vũ khí, chất nổ, buôn bán người,v.v..)
Nêu ra vài trường hợp.
- Nếu đem tâm trộm cướp, trộm cướp động vật bốn chân như trâu bò,lừa, ngựa dùng dây dắt đi, qua 4 bước phạm tội bất khả hối.
- Trong nước có bè gổ, có tâm trộm cướp muốn giữ lại một phần khiến cho nó lìa bè trị giá 5 tiền, phạm tội bất khả hối.
- Vật trong nước, trộm lấy lìa mặt nước, hoặc nhận chìm xuống đáy,trị giá 5 tiền, thành tội bất khả hối.
- Không trung nếu chim có chủ, ngậm vật của người khác bay, có tâm trộm cướp chờ lấy, phạm tội trung khả hối, lấy được trị giá 5 tiền phạm tội bất khả hối.
- Nếu có chim rừng ngậm vật bay, có tâm trộm cướp chờ lấy, phạm tội hạ khả hối, lấy được phạm tội trung khả hối  (đây chẳng phải là vì một vật đắc tội, mà vì có tâm trộm cướp nên bị kết tội).
- Có tâm trộm cướp xá lợi phạm tội trung khả hối (vì xá lợi không tính được trị giá) Tâm cung kính lấy xá lợi không phạm.
- Kinh sách, pháp khí, tất cả đồ dùng của Tam Bảo, tài vật trang nghiêm đều không được trộm, nếu trộm trị giá 5 tiền đều phạm tội bất khả hối.
- Tất cả thuế chẳng được lậu nếu lậu thuế trị giá 5 tiền thành tội bất khả hối. Nói chung các thứ thuế được pháp lệnh của nhà nước quy định cho đến trong các bưu kiện ngày nay, thư tín gởi kèm trong vật ấn loát hoặc dùng vật ấn loát để đạt thành mục đích thư tín, hoặc gởi tiền trong thư tín bình thường đều gọi là trốn thuế, đều phạm giới trộm cắp, giá trị 5 tiền thành tội bất khả hối.
Trong mười pháp giới, chỉ có Phật mới là trì giới rốt ráo thanh thịnh,đến sơ quả Tiểu thừa mới đoạn hẳn được tội cố trộm cướp.
Phạm vi của giới trộm cướp bao quát ở trong sự tổn hại tài vật của người khác, đây là loại ác tác “tổn người chẳng lợi mình ”. Nếu như có tâm làm cho tổn thất tài vật của kẻ khác đang mong được, bất luận là dùng thủ đoạn nào, chỉ cần trở thành sự thật, nếu tài vật tổn hại trị giá 5 tiền thì đắc tội trọng bất khả hối.
Sự khinh trọng của giới trộm cướp được phân biệt như sau: Trộm tài vật trị giá 5 tiền hoặc quá 5 tiền, phạm tội trọng bất khả hối. Trộm chẳng đủ 5 tiền, phạm tội trung khả hối. Làm phương tiện trộm cướp mà chưa đạt thành mục đích trộm cướp, phạm tội hạ khả hối. Lậu thuế hoặc tổn hại, tội đồng với trộm cướp.
Theo Phật pháp, chẳng được viện lý do như đói khát, tật bệnh, thiên tai, hoạn nạn, hiếu dưỡng cha mẹ, cung cấp vợ con để làm trộm cướp. Nếu làm trộm cướp đều thành tội. Như có khó khăn có thể cầu xin nhận của người bố thí thì không tội. Mượn mà không trả cũng phạm tội trộm cướp.
Nhưng trong giới trộm cướp cũng có khai, duyên như tưởng là vật của mình mà lấy, được đối phương đồng ý, hoặc vì tình cảm thân thiết biết người kia ắt đồng ý mà lấy, tạm thời dùng mà lấy cho rằng người ta bỏ mà lấy, hoặc nhân tâm si cuồng đau khổ quẩn trí mà lấy thì không tội
3- Giới tà dâm:
Trừ sự quan hệ nam nữ giữa vợ chồng, tất cả những sự quan hệ nam nữ không được pháp luật quốc gia hoặc đạo đức xã hội thừa nhận đều gọi là tà dâm.
Kinh Viên Giác nói: “Như các thế giới tất cả chúng sanh, loài sanh bằng trứng, loài sanh bằng thai, loài sanh bằng sự ẩm thấp, loài hoá sanh đều do dâm dục mà có tính mạng”. Nếu muốn phàm phu chúng sanh đều đoạn dứt dâm dục, ấy là điều chẳng thể được. Chúng sanh tu chứng đến tam quả A Na Hàm mới dứt hẳn được dâm dục. Tu thiền định, nhập sơ thiền trở lên mới phục được dâm dục. Chúng sanh dục giới, dù đến cõi trời thứ 6 cũng vẫn còn ở trong dâm dục, tại thế giới loài người rất khó ngăn tuyệt. Đức Phật thiết lập giáo pháp cố nhiên mong muốn tất cả chúng sanh đều ly dục, song đây là việc không thể hoàn toàn được.Vì thế,Ngài khéo bày phương tiện cho đệ tử tại gia sinh hoạt vợ chồng một cách chính đáng.
Thật ra, sự an lập của thế gian do sự hoà hợp nam nữ vợ chồng. Sinh hoạt vợ chồng bình thường chẳng mang đến bi kịch xả hội.Vấn đề quan hệ nam nữ bất bình thường tạo thành bi kịch trong xả hội. Nếu như mọi người đều an phận trong sinh hoạt gia đình một vợ một chồng, thì báo chí chẳng nêu lên những trường hợp thương tâm như: Gian dâm bị giết, giết nhau vì tình, hiếp dâm, dụ dỗ, thông dâm, đồng lòng thông dâm, phá hoại gia đình v, v...Vì tạo thành sự hoà bình an lạc cho nhân gian nên đức Phật chế định giới tà dâm cho nam nữ tín đồ tại gia.
Giới tà dâm đủ 4 điều kiện thành tội trọng bất khả hối.
1- Không phải vợ chồng: Chẳng phải vợ chồng mình đã kết hôn.
2- Có tâm dâm: Thích hành dâm như đói được ăn như khát được uống. Bằng không, phải như lưới sắt nóng quấn thân hoặc cổ đeo tử thi sình thúi.
3- Đúng ở nơi ba chổ: ở miệng, đường tiểu tiện  và đường đại tiện mà hành dâm .
4- Sự toại: Tạo thành sự thật hành dâm. Hai căn của nam nữ tiếp xúc nhau vào nhau một chút như hạt mè, thành tội trọng bất khả hối.
Nếu người thọ ngũ giới, nam trừ vợ mình ra, đối với người nữ, chẳng phải người nữ, súc sanh cái, người huỳnh môn (người bị thiến) hoặc người hai tánh âm dương bất toàn, người hai hình (có lúc biến thành nam, có lúc biến thành nữ) phi nhân hai hình, súc sinh hai hình, ở ba chổ hành dâm, phạm tội trọng bất khả hối. Hai thân hoà hợp mà chưa hành dâm, nửa chừng ngưng lại phạm tội trung khả hối. Trừ ba chổ của nữ tánh, hai chổ của nam tánh, ở các bộ phận khác hành dâm tội đều khả hối.
Trong lúc ngủ say, ba chổ của nữ tánh hai chổ của nam tánh hành dâm cũng phạm tội trọng bất khả hối. Nơi ba chổ của người nữ chết, hai chổ của người nam chết mà hành dâm nếu tử thi chưa hoại cũng phạm tội trọng bất khả hối.
Người thời nay vì lý do ngừa thai hoặc phòng độc, có dùng các phương tiện phòng hộ, tuy bộ phận sinh dục của nam nữ không tiếp xúc trực tiếp nhau, song cũng hưởng thụ được cái khoái lạc của hành dâm,nên nam nữ không phải vợ chồng mà hành dâm cũng coi là đồng với tà dâm. Trong luật có ghi rõ ; Bất luận có ngăn cách, hoặc một bên có ngăn cách, hoặc hai bên đều có ngăn cách, chỉ cần hai bộ phận sinh dục nhập vào nhau một chút bằng đầu sợi lông (gọi hột mè)tức thành tội trọng bất khả hối.
Người nữ đem ba chổ của mình mà thọ nhận người nam, chẳng phải người nam, súc sanh đực, người hai hình, phi nhân hai hình, súc sanh hai hình và huỳnh môn hành dâm mà có cảm thọ sự khoái lạc đều phạm tội trọng bất khả hối. Bất luận lúc ngủ hay thức, cho đến bị sức mạnh cưỡng hiếp, ba chổ thọ nhận hành dâm hễ có một niệm cảm thọ khoái lạc đều thành tội trọng bất khả hối. Người nữ do phiền não dâm dục lợi dụng khí vật đút vào trong nữ căn cảm thọ khoái lạc phạm tội hạ khả hối  (gọi là thủ dâm).
Phạm vi của tà dâm không những chẳng được cùng nam nữ ngoài vợ chồng phát sinh quan hệ không chánh đáng. Giả sử là vợ chồng cũng phải có sự hạn chế. Như trong những ngày chay, ngày vía, ngày kỷ niệm Phật, Bồ tát, 6 ngày chay trong mỗi tháng, ngày sinh nhật của cha mẹ, ngày chết của thân thuộc cha mẹ mình, anh em chị em v.v.. chẳng được hành dâm. Trong thời kinh nguyệt, thời kỳ mang thai trước khi sinh, sau khi sinh chẳng được hành dâm ở chổ khác, từ ban đêm, ở trong phòng ngủ ra, chẳng được hành dâm vào lúc khác nơi khác. Tốt nhất là phải làm cho được điều này; Lúc con cái đã thành niên phải thực hành tiết dục, sau khi con cái được dựng vợ gã chồng phải thực hành cấm dục.
Tội lỗi của tà dâm phân làm ba phẩm: Cùng với lục thân (mẹ con,cha con, anh em, chị em) hành dâm là phạm thượng phẩm tội. Cùng tất cả nam nữ ngoài vợ chồng tà dâm là phạm trung phẩm tội. Cùng với vợ mình hành dâm chẳng phải lúc, chẳng phải nơi, chẳng phải đạo là hạ phẩm tội.Theo sự khinh trọng của ba phẩm nầy phân biệt bị đoạ tam đồ.Nhưng tất cả giới tà dâm, phá phạm hạnh của người tịnh giới là tội nặng hơn hết (Tỳ kheo,Tỳ kheo Ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa, cho đến Bát Quan Trai giới) gọi là ô phạm hạnh. Song phải là lần thứ nhất phá. Nếu đã từng thọ giới mà trước đã bị người khác phá huỷ rồi sau lại cùng người hành dâm, thì chẳng thành tội phá tịnh giới mà là tội tà dâm. Nếu chẳng thọ ngũ giới lại phá tịnh giới của người khác tuy chưa thọ Phật giới nên không có phạm giới tội, song vĩnh viển không được cầu thọ tất cả Phật giới, vĩnh viển bị bỏ ra ngoài biển lớn Phật pháp, vì thế gọi phá tịnh giới gọi là biên tội. (tội bỏ ra ngoài Phật pháp,  không còn là con Phật, không còn là Phật tử, không còn là thành viên của bất cứ đoàn thể nào của Phật giáo, không phải cư sĩ, cũng không phải xuất gia).
Giới dâm vốn cũng là giới khá phiền toái như chẳng được nói lời thô ác dâm dục và các chi tiết nhỏ nhặt phòng ngừa không thể kể hết, chỉ mong mọi người tự nhiếp tâm mình, tự trọng mình.
Giới dâm có hai trường hợp:
1 -Tự mình dâm ;
2- Người khác dâm mình: bị oan gia hoặc cường đạo bức hiếp, hoặc khi ngủ say.
Người nam thủ dâm quá nhiều sẽ đưa đến bệnh lao, hoặc thần kinh suy nhược, di tinh, mộng tinh và một số bệnh khác ...
Người nữ chọc âm (thủ dâm) quá nhiều sẽ sinh bệnh bạch đái,bướu tử cung, sa tử cung, kinh nguyệt không đều ...
Có 10 cảnh của đối tượng dâm:
1 - Thây chết chưa hoại  ; 2- Cùng quỷ giao thông ; 3- Súc sanh;   4- Người ; 5- Các người thân thuộc ; 6- Chị em (anh em) ; 7- Hai chúng tại gia ngủ giới, bát giới  ; 9 - Cha, mẹ ; 10 - Thánh nhân, như phạm A La Hán hoặc La Hán Ni.
Người tu cấm ngăn dâm dục, mục đích của sự cấm ngăn dâm dục là vì giải thoát sự ràng buộc do dâm dục mà phải chịu sinh tử lâu dài này.Cấm ngăn dâm dục là công tác huấn luyện đoạn dục, ly dục. Từ sự cấm chỉ dâm dục, dần dần xa được dục sự, tiến lên một bước dần dần xa được dục niệm, sau cùng có thể xa lìa  cái lưới mê sanh tử do dâm dục cấu thành.
- Xin cho biết thái độ của người Phật tử đối với vấn đề hạn chế sinh sản hiện nay?
Ngày nay người ta thường bàn đến vấn đề hạn chế sinh sản và thái độ của người có tôn giáo đối với vấn đề này. Có một vài tôn giáo xem vấn đề hạn chế sinh sản là một “tội lỗi” vì nó chống lại với giáo điều của họ. Phật tử  chúng ta không bị kẹt trong vấn đề này, Bởi vì theo đạo Phật sự sống của con người được hình thành trong lúc đầu tiên bởi ba yếu tố:
1- noãn châu của người mẹ đang trong thời kỳ có thể sinh con.
2- Tinh trùng của người cha.
3- Thần thức sẵn sàng để được sanh.
Như vậy nếu không có sự hoà hợp của ba yếu tố trên thì bào thai không thể thành hình. Do đó phật tử sau khi xét khả năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái của mình, có thể hạn chế sinh sản theo bằng cách áp dụng những phương pháp hạn chế sinh sản không độc hại mà y học ngày nay tìm ra. Tốt hơn hết là áp dụng phương pháp tiết dục, không tà hạnh trong các dục như đức Phật đã dạy. Tuy nhiên, hạn chế sinh sản không có nghĩa là phá hoại sự sống của con cái, phá bào thai là một việc làm ác mà người Phật tử không bao giờ làm. (không ai nở đem con mình ra giết, hành động này phi nhân đạo, nếu có lỡ sinh con thì ráng mà nuôi, còn khá nhiều hơn là tội giết người trong bụng, lại là con yêu quý của mình,mọi người nên dè dặt sự nầy, nói ra đây là trái với luật kế hoạnh sinh đẻ của  hiện hành, nhưng đã là Phật tử không thể bỏ luật Phật mà theo luật đời, phải chịu quả báo muôn đời khó trả  được).
Nếu là người Phật tử có học có hành lời Phật dạy thì đối với luật đời và luật đạo chúng ta không ngại khó giữ, vì chúng ta chưa rõ tội phước,cho nên chúng ta không đủ trí tuệ và nghị lực thực hiện tốt đó thôi.
Phụ đề:  ác nghiệp thứ ba là tà dâm, tức là ngoại tình. Sinh ra giữa cuộc đời đầy cấu uế này, chúng ta đã có mặt trong vũng bùn dâm dục. Bản chất của chúng sanh là ái dục. Vì thế hết lớp người này nối tiếp lớp người khác phải lẩn quẩn trong ái dục của đời sống vợ chồng. Tuy nhiên khoái lạc trần gian luôn luôn là sự chực hờ của bất an và tội lỗi. Kẻ thoả mãn phủ phê mọi dục vọng của mình, chắc chắn là kẻ tắm mình trong tội lỗi, không có đạo đức và bình an nơi một kẻ thoả mãn dục vọng lẫy lừng của mình, chỉ có bớt đi dục vọng, người ta mới tránh được bất an và tội lỗi.
Trong một chừng mực ước lệ nào đó, sinh hoạt tính dục được chấp nhận giữa hai vợ chồng chính thức không có quan hệ huyết thống. Nếu sinh hoạt tính dục xảy ra giữa hai người không phải vợ chồng chính thức,đây gọi là ngoại tình (tà dâm). Nếu xảy ra giữa hai người có liên hệ huyết thống đây gọi là loạn luân (loạn dâm). Nếu xảy ra giữa người và thú đây gọi là cuồng dâm. Nếu xảy ra giữa hai người cùng phái, đây gọi là bệnh đồng tính (đồng tình luyến ái, gọi là đồng dâm).Nếu xảy ra giữa người trưởng thành và đứa trẻ chưa phát triển, đây gọi là bạo dâm. Nếu tự mình giải quyết sự dục tính của mình gọi là thủ dâm. Nếu xảy ra một bên đồng ý, một bên không đồng ý  gọi là cưỡng dâm. Dùng bạo lực, sức mạnh mà bắt buộc gọi là hiếp dâm  v. v..Chung quanh khoái lạc trần gian đều là tội lỗi giăng bủa.
Ngày nay bệnh AIDS đang hoành hành, làm điên đầu các cơ quan y tế, chung quanh cũng xuất phát từ những kẻ hưởng thụ quá đáng, khoái lạc xác thịt và sai lầm trong quan hệ tính dục. Khi hệ thống thần kinh được rung động theo khoái cảm, nó tự đánh mất khả năng đề kháng của cơ thể. Không phải Virus nào đó gây thành bệnh AIDS, mà chính khoái cảm của họ đã gây thành tình trạng mất khả năng miễn nhiểm nơi chính  họ. Kẻ nào tiếp tục tìm kiếm khoái cảm quá đáng và sai lầm, sẽ không bao giờ thoát khỏi nanh vuốt của hội chứng AIDS.
Thế nên, quan hệ tính dục sai lầm tức là gây mê muội ô nhiểm cho mình và người. Riêng vấn đề ngoại tình không phải đơn thuần lén lút thụ hưởng khoái cảm tính dục, mà nó là sự cướp mất hạnh phúc của người khác. Không có sự thương yêu săn sóc đầy đủ đối với vợ con khi mà người chồng còn phải chia xẻ tình thương và khoái lạc với tình nhân khác. Sự trộm cắp tài sản đã gây nên đau khổ thế nào thì tương tự và hơn hết, ngoại tình là sự trộm cắp hạnh phúc gắn bó của gia đình người ta. Hạnh phúc vắng bóng có nghĩa là đau khổ lấp đầy. Những đều có thể tìm thấy sau sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình là ghen tuông, hờn giận, mắng nhiếc, đánh đập, phá hoại tài sản, đưa đến nghèo nàn, nợ nần, con cái thất học,khó dạy hư nết, vợ chồng ly dị, công việc làm ăn đình trệ v.v.Trong tất cả sự thụ hưởng khoái lạc của trần gian thì tính dục (sex) là sự thụ hưởng thấp hèn nhất. Đó là lý do tại sao con người biết tự trọng phải sinh hoạt tính dục nơi kín đáo. Chỉ có người mất hết nhân cách, gần gũi với thú tính mới lộ liểu phơi bày những sinh hoạt của tính dục nơi công cọng hoặc trên màng ảnh và sách vỡ báo chí. Tận trong lương tâm của con người, khoái cảm tính dục luôn luôn đi kèm với sự xấu hổ. Chính vì sự thấp hèn quá đáng của khoái lạc tính dục mà người thụ hưởng nó ; quá đáng và sai lầm, đều bị tổn phước và tội lỗi. Nếu liệt kê những hưởng thụ từ thanh bai cho đến thô tục của con người, thì nhạc không lời là sự thưởng thức thanh bai nhất, kế đó là hội hoạ phi tính dục. Còn thô tục nhất là hưởng thụ tính dục.Nhưng dù thanh bai hay thô tục nó vẫn còn nằm trong giới vức của khoái cảm trần gian. Người tu hành cầu giải thoát phải từ chối mọi khoái cảm này, chỉ có tâm hồn an tỉnh sâu xa,không bất an xao động, mới là hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu.
Nếu vượt qua được quả báo nơi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.Người tà hạnh trong ái dục phải gặp gở oán thù của kẻ địch, hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ, không tìm được sự chung thuỷ chân thành.
4- Giới vọng ngữ:
Vọng ngữ là lời nói dối trá thiếu thành thật, Ngày nay trong thế giới chúng ta, xã hội của chúng ta, và ngay cả cá nhân chúng ta đều đầy dẩy sự vọng ngữ.
Thời cổ đại, vọng ngữ chỉ truyền đi trong một phạm vi giới hạn, người bị gạt chẳng đến nhiều. Nhân loại ngày nay có các phương tiện truyền thông như báo chí, điện thoại, truyền thanh, truyền hình làm công cụ truyền bá, chỉ cần vận dụng khéo léo, thì sức mạnh của vọng ngữ không còn giới hạn, chỉ một lời nói dối cũng có thể dối gạt loài người toàn thế giới.
Sự vọng ngữ của thời xưa chỉ hạn cuộc nơi lời nói, ngày nay trừ ngôn ngữ tiếp xúc ra, còn có văn tự của kỷ thuật ấn loát mới phát minh sau này làm môi giới. Ngôn ngữ nói ra liền tiêu mất, văn tự chẳng những dối gạt người một thời, một nơi, mà còn tung hoành vượt cả thời gian và không gian nữa.
Chúng ta có thể nói chắc rằng: Mỗi ngày mở báo ra, trong báo có rất nhiều vọng ngữ, từ sự đàm thoại của người hiện đại đến sự quảng cáo của thương nghiệp, ai bảo chứng được ý hướng của họ có bao nhiêu phần trăm chân thật? Đặc biệt là sự thêu dệt của báo chí dưới ngòi bút của ký giả, tuy chẳng nói là hoàn toàn bịa đặt, song có rất nhiều tình tiết đặt ra từ sự tưởng tượng và suy diễn của bộ óc thông minh của loài người.
Vì thế ngày nay đề xướng giới trừ vọng ngữ là điều tuyệt đối cần kíp
Trong Phật giáo chia vọng ngữ ra làm ba loại: Đại vọng ngữ, tiểu vọng ngữ, và phương tiện vọng ngữ.Trọng yếu hơn hết chính là phạm tội đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ hội đủ 5 điều kiện, thành tội trọng bất khả hối.
1- Nói với người: Đối với người nói đại vọng ngữ.
2- Tưởng là người: Nhận định đối phương người chứ chẳng phải là phi nhân hoặc súc sanh.
3- Có tâm dối gạt: Có ý muốn đối phương bị gạt.
4- Nói đại vọng ngữ: Tự mình chưa chứng thánh quả thánh pháp,mà tự nói đã chứng thánh quả, thánh pháp, cho đến thật chưa đắc tứ thiền định lại nói đã đắc, thật chưa thấy thiên đến, long đến, thần đến, quỷ đến mà nói thấy thiên đến, long đến, thần đến, quỷ đến.
5- Người đối diện hiểu: Đối phương hiểu được nội dung đã nói. Nếu đối phương là người điếc, người si, người chẳng hiểu lời nói, và hướng về phi nhân, súc sanh nói đại vọng ngữ, chẳng thành phạm tội.
Định nghĩa của vọng ngữ là không biết nói biết, biết nói không biết,không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe, không hay nói hay, hay nói không hay.
Các cách vọng ngữ: là tự vọng ngữ, bảo người vọng ngữ, sai sử người vọng ngữ, viết thành văn tự vọng ngữ, hiện tướng vọng ngữ (hiện tướng lạ để gạt người, thân làm ra vẻ oai nghi để biểu thị mình chẳng phải phàm phu, lại như im lặng nhận thầm chỉ gật đầu ra dấu).
Hể có tâm dối gạt người, bất luận dùng phương pháp nào khiến cho người bị dối gạt hiểu được, dù dối gạt có đạt được mục đích hay không (như cầu danh tiếng lợi dưỡng) đều phạm tội vọng ngữ.
Cố ý tâng bốc lẫn nhau, như A nói B  là thánh nhân, B nói A là thánh nhân, để mong được người thứ ba cung kính cúng dường mà thật chẳng phải thánh nhân, cũng là tội đại vọng ngữ. Nếu như chẳng dùng đại vọng ngữ dối gạt người, tất cả sự dối gạt đều gọi là tiểu vọng ngữ. Nếu vì cứu hộ chúng sanh, Bồ tát có thể làm phương tiện vọng ngữ, tỷ như kẻ say rượu muốn giết người kia, thật thấy người kia lại nói gạt với kẻ say rượu là không thấy thì không tội.
Đại vọng ngữ đầy đủ 5 điều kiện kể trên thành tội trọng bất khả hối.Tuy nói đại vọng ngữ mà ngôn từ chẳng rỏ ràng, hoặc đối phương không hiểu, phạm tội trung khả hối. Hướng về trời người nói đại vọng ngữ, trời người hiểu, phạm tội trung khả hối, chẳng hiểu phạm tội hạ khả hối. Hướng về súc sanh nói đại vọng ngữ phạm tội hạ khả hối. Muốn nói đã đắc quả A La Hán, nói lầm đã đắc quả A Na Hàm, hể tâm miệng chẳng phù hợp nhau, dù nói đại vọng ngữ khiến người hiểu, đều đắc tội trung khả hối. Nói thế gian vọng ngữ dối gạt người, đều phạm tội khả hối.
Trong vọng ngữ còn gồm có lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, khi phạm,tuy chẳng mất giới thể nhưng phạm tội khả hối.
Lưỡng thiệt là khiêu khích ly gián, đến người này nói người kia, đến người kia nói người này. Ác khẩu là nói những lời chê bai, bươi móc,chửi rủa, nói mát, châm biếm, khắc nghiệt. ỷ ngữ là những lời trau chuốt khiến người sa vào vòng trụy lạc, lời ca tình tứ, văn chương trữ tình,chuyện tiếu lâm, nói chuyện vô bổ, lời chẳng đúng nghĩa. Người thọ ngũ giới đều phải luôn luôn kiểm điểm, bằng không phạm lỗi còn tự chẳng biết.
Trong giới vọng ngữ, trừ người chẳng biết hổ thẹn, chẳng hiểu nhân quả mới phạm đại vọng ngữ, thường thường dễ phạm nhất là tiểu vọng ngữ, khó ngăn nhất là ỷ ngữ, còn cơ hội phạm lưỡng thiệt và ác khẩu không nhiều lắm.
Nam nữ tại gia phải hết sức chú ý đến vấn đề bình luận về đệ tử Phật,nhất là đối với người xuất gia. Người tại gia chẳng được nói lỗi xấu của người xuất gia, như thật có lỗi xấu, cũng chẳng được thấy người bèn nói.Nếu như không phải do chính mình thấy nghe, có tội chứng xác thực, mà chỉ nghe người ta nói, mình nói theo, hoặc nói càn người nào có phạm giới người nói đó trước tiên phạm tội phỉ báng, người không căn cứ (thấy, nghe, nghi là 3 căn cứ để chứng tội) phỉ báng càng nặng, chính mình bị tội càng nặng.
Nhưng muốn dứt hẳn vọng ngữ phải sau khi chứng sơ quả, phàm phu thật khó giữ hoàn toàn thanh tịnh giới vọng ngữ, hể biết kiểm điểm thì vừa phạm lỗi nơi miệng lập tức hối cải, mới có thể chẳng mất tư cách của người Phật tử học phật.
Đại vọng ngữ: Dùng tâm dối gạt khiến người hiểu lời nói dối là chính mình được pháp hơn người như thánh nhân, như thiền định, lời lẽ ý tứ rõ ràng, người nghe tin rằng thật và bị dối gạt, phạm tội nặng. Nếu dùng văn tự vọng ngữ, hoặc sai người khác thay mình vọng ngữ, hoặc hiện ra tướng để vọng ngữ, chỉ cần đạt thành mục đích như thế, tức thành tội đại vọng ngữ.
Nghiệp tội đại vọng ngữ cũng có khinh trọng. Dối gạt người ân và bậc tôn trưởng phạm tội trọng. Dối gạt người bình thường phạm tội khinh. Dối gạt vài người cho đến một người thì phạm tội khinh. Người bị gạt cực kỳ đau khổ thì tội trọng, người bị gạt không quá đau khổ thì tội khinh. Nếu vì danh dự cung kính mà đại vọng ngữ rồi lại cho rằng đây là công đức và thường làm không dứt, phạm tội trọng. Vì lánh nạn khổ bức bách mà đại vọng ngữ thì tội khinh. Đương nhiên khi phạm tội trọng thì mất giới không còn là đệ tử của Phật nữa. Chổ này gọi là kinh là so sánh khinh ở trong quả báo của tội trọng, chứ không phải có nghĩa là ly khai giới trọng nhập vào giới khinh .
Bốn điều giới trọng được kể trên là 4 pháp khí, nếu phạm phá một giới điều nào trong 4 điều trên tức là bị bỏ ra ngoài biển lớn Phật pháp,suốt đời không được làm người Phật tử. Song mỗi giới đều có khai duyên
1- Giới dâm: Nếu ngu không hay biết gì hết, người khác ở trên thân mình hành dâm, nếu bị cưỡng hiếp hành dâm mà không cảm thọ khoái lạc, nếu hoàn toàn không có ý dâm dục, nếu bị si cuồng tâm loạn, đau khổ ràng buộc đều không kể là phạm.
Giới dâm chủ yếu ngăn cấm những sự dâm dục không chính đáng,phân tích ra có những hình tướng sai khác như: phi phận dâm (không phải là người vợ hay chồng chính thức của mình) phi thời dâm (giờ giấc không phải lúc) phi xứ dâm (không phải chổ, là nơi công cộng, nơi mọi người đều nhìn thấy) phi nhân dâm (không phải đối tượng, như súc sanh v.v..) v.v... Nhưng cốt yếu là cấm không được làm việc dâm dục với vợ chồng người khác. Nếu tự mình làm, hoặc bảo người làm, hay thấy người làm việc tà dâm mà tuỳ hỷ thì đều phạm giới.
2- Giới trộm: Nếu tưởng là vật cho mình, là vật phấn tảo (đồ bỏ), nếu tưởng là của người thân, như thế không cho mà lấy đều không kể là phạm.
Giới trộm tuỳ theo tình tiết hoàn cảnh mà tội có khinh có trọng bất đồng ví dụ trộm cướp của nhà giàu 5 tiền, người giàu sẽ không đau khổ quá nhiều, nhưng nếu trộm của người nghèo 5 tiền, có thể làm cho người nghèo bị vô cùng đau khổ khốn khó. Tâm của người bị trộm buông xả hay tham lam keo kiết cũng khiến cho tội của người trộm có khinh có trọng bất đồng.
Trộm cướp có những trường hợp:
1- Bất dữ thủ: Người ta không cho mà lấy.
2- Biến trá thủ: Phỉnh gạt lừa dối mà lấy.
3- Uy hiếp thủ: Dùng thế lực uy hiếp mà lấy.
4- Phi thời thủ: Chưa đến thời mà lấy, (như cha mẹ định sẽ cho con,nhưng chưa đến lúc để cho mà mình tự lấy, hoặc trái cây chưa đến lúc chín mà hái v.v...)
5- Phi phận thủ: Không phải phần mình được phần mà lấy.
6- Vô công thủ: Không có công sức mà lấy. v. v...
3- Giới sát: Nếu lúc ném dao, gậy, ngói, đá lở trúng nhằm người khác chết, hoặc lúc xây cất phòng nhà lở làm rớt cây, đá gạch ngói làm cho người dưới chết. Nếu có lòng tốt xốc đỡ người bệnh đi đứng ngồi nằm, người bệnh nhân đó mà chết, nếu không có tâm làm hại người khác chết đều không kể là phạm.
Ngoài ra còn có những trường hợp làm chết người mà không phạm như
  1 -Vô ý mà giết (vô tâm sát)
  2-  Theo pháp luật mà giết: Như quan toà theo pháp luật mà tuyên án tử hình (pháp luật sát).
 3- Vì chức vụ mà giết: Như những người thi hành án tử hình mà giết         (chức nghiệp sát).
 4- Để ngăn chận sự giết người mà giết: Như giết quân xâm lược,để chúng khỏi tàn sát đồng bào (dĩ sát chỉ sát).
Tội giết người, nghiệp báo cũng có khinh trọng. Do vì đẳng vị cao thấp của người bị giết, phẩm cấp mạnh yếu của tâm người giết và trình độ của người giết (thân, khẩu,ý) được xử dụng bất đồng, nghiệp báo cũng có khinh trọng bất đồng. Tỷ như đồng là giết người, tội nghiệp giết người phổ thông nhẹ hơn giết người đã phát Bồ đề tâm, Nếu như giết sư trưởng cha mẹ thánh nhơn, tội nghiệp còn nặng hơn giết người đã phát Bồ đề tâm. Như vì tâm tham mà giết người tội nhẹ hơn do tâm sân giết người nặng hơn, do tâm tà kiến giết người (cho rằng giết người được phước sinh lên trời, hoặc cho rằng giết người không có quả báo) tội nghiệp lại càng nặng hơn.
4- Giới đại vọng ngữ:Nếu người tăng thượng mạn (chính mình không có tâm dối gạt nhưng do sự hiểu lầm về thiền định) tự cho rằng mình thật chứng pháp thánh nhân, nếu là nhân duyên nghiệp báo, không nói là do tu mà đắc hoặc nói đùa, hoặc nói trong chiêm bao, hoặc nói lầm,đều được kể là có tội.
Sát sanh có 3 thứ:
A - Do tham dục mà giết: vì tham vị ngon của thịt, vì tham lợi nhuận mà sanh ra sự sát sanh bán thịt, vì tham giá cao hoặc vì đền đáp ân huệ mà sát sanh, vì sự khen chê mà sát.
b- Do sân nhuế mà giết: Vì báo cừu rửa hận, vì buồn thẹn phẩn nộ,vì trừ khử chướng ngại.
c- Do tà kiến mà giết:  Vì cầu phước báu, vì cầu công đức, vì cầu bình an, vì cầu phồn thịnh, như là giết các loài súc sanh để tế thần cúng quỷ, thậm chí có dân tộc dã man bắt người chặt đầu để tế lễ tạ ơn thần linh.
Loại nghiệp sát này đều thuộc tri kiến tà ác cho nên gọi là tà kiến sát
Trộm cướp có 3 thứ:
a- Tham dục trộm cướp: Thấy lợi quên nghĩa, vì cầu phát tài, vì cầu hưởng lạc, vì cầu sinh hoạt được tốt hơn, vì cầu thoả mãn tâm tham.
b - Sân nhuế trộm cướp: Tật đố sự giàu sang của người khác, bất mãn người khác phát tài, hoặc vì báo thù người mà làm cho người bị tổn thất tài vật hoặc vì kích thích, nhân do đó mà phẩn nộ, đến nổi trộm cướp và làm tổn thất tài vật của người.
c- Tà kiến trộm cướp: Vì cầu bình an, vì cầu nguyện vọng thành đạt,như có nơi tin theo một điều mê tín, người phụ nữ có chồng lâu không có con,thích đến tự viện trộm cắp giày dép của người xuất gia hoặc đồ cúng trang nghiêm ở điện Phật đem về ép dưới gối ngủ, họ cho rằng làm như thế sinh son trai, đây có thể coi là một loại tà kiến trộm cắp.
Tà dâm có 3 thứ:
a- Tham dục tà dâm: Vì tham hưởng thụ khoái lạc dâm dục, bất luận là đồng lòng thông dâm, dụ dỗ thông dâm, hoặc hiếp dâm, cho đến mại dâm,vì thích khoái lạc dâm dục nên cùng nam nữ ngoài vợ chồng sinh ra quan hệ dâm dục, đều gọi là tham dục tà dâm.
b- Sân nhuế tà dâm: Vì cừu oán gian dâm với mẹ, con, chị, em, vợ chính, nàng hầu của người khác. Như thời chiến tranh, hể có người lính nào bị địch tấn công ở làng nào. Thì lính ấy sẽ càng quét, thấy nhà liền đốt, đàn ông thì giết, đàn bà con gái thì hãm hiếp rồi bắn giết. Đây là một thứ sân nhuế tà dâm.
c – Tà kiến tà dâm:  Vì cầu công đức, vì cầu phước báo, vì cầu con cái, vì cầu trường sinh, cho đến vì cầu giải thoát mà hành dâm.
Thuở xưa có nhiều tôn giáo mê tín. Như Đạo giáo của Trung Quốc có thuyết “Phòng trung thuật “cho rằng lấy âm để bổ dương, lấy dương để bổ âm, nam nữ giao cấu là pháp tu luyện trường sanh bất lão.Trong Ấn Độ giáo cũng có loại tà kiến tương tự, cho rằng có thể giải thoát ở ngay sự khoái lạc dâm dục của nam nữ, nói là “ tánh mạng song tu “ “thân tâm song tu ”.Còn một  thứ tà kiến là một số nam nữ kết hôn với nhau lâu năm không có con, có hành vi mượn thai mượn giống, kỳ thật muốn từ trong phương pháp không phóng túng dâm dục để được trường sanh, thiền định giải thoát, công đức, phước báo, con cái, ấy là việc tuyệt đối hoang đường.
Vọng ngữ có 3:
a- Tham dục vọng ngữ: Vì tham danh tiếng lợi dưỡng, vì tham tửu sắ ,thế lực
b- Sân nhuế vọng ngữ: Vì làm cho oan gia bị gạt, vì khiến cho người cùng phi nhân cho đến súc sanh làm não loạn mình và chướng ngại mình bị sự tàn hại cho nên vọng ngữ. Vì giận hờn mà ác khẩu và lưỡng thiệt là điều rất phổ biến.
c- Tà kiến vọng ngữ: Cho rằng nói dối có thể tránh được nạn, mắng người có thể tiêu tai, tỷ như người dân quê ở Trung Quốc khi cảm mạo có người dùng tờ giấy viết mấy chữ “xuất mại trọng thương phong, nhất niệm tựu thành công “ dán ở trên cây bên đường hoặc  trên vách tường,ấy cũng là một loại tà kiến vọng ngữ.
5- GIỚI UỐNG RƯỢU:
Giới uống rượu là giới đặc biệt của nhà Phật. Từ ngũ giới cho đến Đại thừa Bồ tát giới điều có giới cấm uống rượu. Tỳ kheo Tiểu thừa không giữ giới ăn thịt nhưng vẫn giữ giới uống rượu. Có nơi chủ trương ăn chay trường nhưng chẳng giữ giới rượu, họ cho rằng uống rượu có thể dưỡng sinh, họ quan niệm uống rượu mà không cho say, tham luyến vật trong ly, kỳ thật là hành vi phạm giới.
Bản thân của rượu vốn không gây tội ác, vì thế uống rượu là một giới duy nhất của ngũ giới thuộc giá giới. Nhưng vì sau khi uống rượu có thể tạo thành tội ác phạm giới, cho nên chẳng cho uống rượu, Uống rượu tuy chẳng chính là phạm tội, nhưng rượu lại hay khiến người phạm tội hơn hết, ba ly đổ vào bụng, do sự kích thích của chất men rượu khiến cho hệ thống thần kinh hưng phấn, mật to xung động, mờ mắt, mất đi sự khống chế của lý trí, có thể mắng người, giết người, đánh người, hiếp dâm,phóng hoả v. v..
Trong luật Đại thừa Tiểu thừa đều chủ trương giới rượu.Lưu truyền sự tích một Ưu bà tắc uống lầm rượu say, nào ngờ lúc tính chất rượu phát tác khiến ông ta phạm giới một cách liên tục, từ sát sanh, đến tà hạnh,vọng ngữ.Vì uống lầm một chén rượu mà khiến ông ta liên tục phạm đủ 5 điều giới, tội ác của rượu rất lớn vậy.
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị A La Hán tên là Sa Dà Đà,thần lực của ngài có thể hàng phục độc long. Sau khi khất thực Ngài nhận lầm chén rượu có màu nước do tín đồ cúng dường, uống xong ngài đi về bị say té ngả dọc đường. Đức Phật thấy bèn hỏi các đệ tử: “Sa Dà Đà trước kia có thể hàng phục được độc long, bây giờ hàng phục con cóc có được không? ”.
Uống rượu say, hoặc men rượu, hoặc hèm rượu, tất cả thứ nào có thể làm cho người say, hể nuốt vào là phạm, còn không phạm như lấy rượu làm thuốc, lấy rượu rửa vết thương, song phải do thầy thuốc dặn bảo, chứ chẳng được tự chủ trương giả danh lấy rượu làm thuốc mà hưởng sự thích thú uống rượu, bằng không thì uống vào phạm tội khả hối.
Tội báo của uống rượu rất đáng sợ, trong Tứ Phần luật có nói 10 lỗi,lỗi thứ 10 là khi chết rồi đoạ vào ba đường ác, ngoài ra có 36 lỗi.
Trên sự trì phạm của ngũ giới, một giới uống rượu rất là dễ trì, song muốn vĩnh viển không phạm giới uống rượu cần phải đến bậc thánh A La Hán mới có thể không phạm.
Uống rượu có 3 thứ:
A - Tham dục uống rượu: Vì muốn thoả mãn cái miệng, cái bụng, tham sự kích thích của men rượu, vì cầu sự hưng phấn dẫn khởi cho sắc dục (uống rượu và người đẹp thường thường không thể tách rời nhau).
b- Sân nhuế uống rượu: Như nói: “mượn rượu giải sầu “người ta lúc phẩn nộ hoặc thất ý thường dùng rượu để giải sầu, kỳ thật đâu không nghe “mượn rượu để giải sầu càng thêm sầu “hay sao.
c- Tà kiến uống rượu:  Vì cầu dưỡng sinh, vì cầu đắc đạo thành thần tiên, vì cầu sinh lên trời mà uống rượu. Tỷ như có một số người cho rằng uống rượu hữu ích cho sự tráng kiện; Có người cho rằng Lý Thái Bạch uống rượu rốt thành tửu tiên. Có tôn giáo cho rằng rượu có khả năng thông thần,  trong các vị thần cũng có tửu thần. Ngoại đạo loã thể ở Ấn Độ thậm chí cho rằng uống rượu giúp cho sự giải thoát. Những thuyết này đều là tà kiến, đều là tri kiến điên đảo. Chúng ta thấy một người say rượu mặt đỏ gay, mắt đầy tia máu, mùi rượu nồng nực, chúng ta có cảm tưởng gì? cho là đáng ghét hay đáng yêu?
                                                     

 BÀI 4:  CẦU THỌ NGŨ GIỚI VÀ CÔNG ĐỨC THỌ GIỚI

Thọ 5 giới như thế nào?
Trước đã nói người thọ Tam quy rồi, nếu muốn tiến lên thêm một bước để được sự lợi ích thiết thực của sự tin Phật học Phật, cần phải cầu thọ 5 giới, mới được coi là bắt đầu học điều Phật học, hành điều Phật hành. Quy y Tam Bảo chỉ là mới vào cổng thôi, nếu như sau khi vào cổng dừng chân ở dưới hành lang mà không lên nhà trên, không vào phòng ốc, không lên lầu tham quan, không lên mỗi tầng cho đến tầng cao nhất, thì chỉ có thể coi là đệ tử Tam bảo kiểu “tài tử “(không chuyên nghiệp) nay gọi là “nghiệp dư ”. Do đó, xin khuyên mọi người đã quy y Tam bảo, tốt nhất nên thọ ngũ giới để thành người Phật tử tại gia đúng tiêu chuẩn. Nghe thuyết Phật pháp có thể kiến đạo, thọ trì ngũ giới có thể chứng đạo, cao nhất là chứng được tam quả A Na Hàm, tiến vào vị bất thối, sinh lên Tịnh cư thiên tu thành quả A la hán. Vì thế công năng của 5 giới ít nhất là bảo đảm được sanh trong cõi người, loài trời, cao nhất là làm chiếc bè báu vượt qua khỏi biển sanh tử.Đã tin Phật, học Phật sao chẳng cầu thọ ngũ giới. Nếu không thọ 5 giới mà thọ Tam quy thì chẳng phải chân thật Phật tử.
Căn cứ quy định của kinh Ưu bà tắc giới sau khi thọ Tam quy, từ 6 tháng trở lên, sau khi khảo hạch về tư cách rồi mới chấp nhận truyền cho ngũ giới.Cũng có chủ trương sau khi thọ Tam quy phải có 3 năm, hoặc một năm ít nhất 4 tháng mới nhận cho thọ 5 giới. Nhưng thời đức Phật còn tại thế, đệ tử sau khi tin Phật Tam quy ngũ giới được thọ tiếp liền theo nhau.
Khi thọ giới phải hướng về vị Tỳ kheo mà cầu thọ, hoặc Tỳ kheo ny. Nếu thọ Tam quy rồi, mà thọ một giới gọi là nhất phần Ưu bà tắc (hay Ưu bà di) thọ 2 giới gọi là thiểu phần, 3 giới gọi là  bán phần, 4  giới gọi là đa phần, thọ 5 giới gọi là mãn phần, Nếu thọ 2, 3 hoặc 4, 5 giới rồi mà lại phá một giới trong 5 giới gọi là vô phần. Đây là cho phép tuỳ phần thọ trì 5 giới song phải xem năng lực của mỗi người có thể thọ bao nhiêu thì cho thọ bấy nhiêu, chẳng nên ép buộc. Vì hể thọ rồi lại phá thì mắt tội lớn, cho nên nói “trì hai giới rồi, nếu phá một giới thì gọi là vô phần”. Thật ra, nếu trì 5 giới hể phá một giới cũng gọi là vô phần.
Trong Tứ phần luật chủ trương, ngũ giới phải thọ trì suốt đời cho đến già chết mới thôi, thọ một lần là vĩnh viễn thọ. Nhưng cũng có chổ giải thích rằng: Giới có pháp thọ cũng có pháp xả, thọ rồi lại xả, xả rồi lại thọ cũng được, cho nên sau khi thọ giới cần phải trì giới.Nếu như xả giới, tuy làm việc ác cũng không có tội phạm giới, mà công đức trì giới trước kia vẫn còn. Do đó, chúng thọ ngũ giới nên phải nghỉ tưởng là suốt đời. Nếu chẳng trì được thì tuỳ thời có thể xả từng giới hoặc xả toàn bộ.
Luận Tát Bà Đa nói: Gặp nhân duyên ác bức bách muốn xả giới, không cần ở trước 5 chúng xả, mà xả ở trước một người cũng được. Muốn xả giới tuỳ thời tìm một người hiểu được lời mình nói, nói một lần “tôi xả giới nào đó” liền thành xả giới. Như sau khi xả muốn thọ giới lại cũng không khó. Trong bộ Nghĩa sao có nói, nếu tự nhiên tâm muốn sắp phạm giới thì nên xả về sau sám hối thọ lại cũng được, theo đây có thể biết thời hạn ngắn dài của sự thọ 5 giới chẳng phải là vấn đề nghiêm trọng, chỉ cần hiểu rỏ quy củ đạo lý của thọ và xả mà làm là được.
Trong luận Tát Bà Đa quyển I nói: Phàm đắc giới trong ngũ đạo (Trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) chỉ có loài người đắc giới, lại nói tuy trong kinh có nhiều chổ nói rồng thọ trai pháp, thọ công đức lành song chẳng đắc trai. Từ 5 giới đến Bồ tát giới đều gọi là Ba La Đề Mộc Xoa, dịch là Biệt giải thoát, trì một giới có công đức giải thoát của một giới, gọi biệt biệt trì, biệt biệt giải thoát, cho nên gọi là Biệt giải thoát giới.Trừ loài người ra chúng sanh ở các loài khác đều chẳng thể đắc giới
Điều quan trọng ở trong loài người cũng có hạng người không đủ tư cách cầu thọ 5 giới, đó là người phạm tội ngũ nghịch và tự phá tịnh giới hoặc phá tịnh giới của người khác.Vị truyền giới cho người trước phải hỏi rỏ có phạm tội nghịch hay không? Nếu như chẳng hỏi mà truyền,người thọ giới cần thọ giới, tuy cầu giới cũng không được đắc giới.
Tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hoà hiệp tăng,làm thân Phật ra máu.
Vào thời mạt pháp, không có A la hán, không có Phật, thì không thể phạm vào hai giới nầy, phá pháp luân tăng người đời không thể làm được,phá tăng có hai thứ ; phải có 8 thầy Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ny trở lên mới có thể phá yết ma tăng. Phải có chín thầy Tỳ kheo trở lên, một người tự xưng là Phật mới có thể phá chuyển pháp luân tăng. Người nữ cũng không thể phá pháp luân tăng, nhân vì người nữ không thể ngay thân nầy thành Phật, vì thế không thể tự xưng là Phật (Trong Phật giáo sử chỉ có một người là ông Đề Bà Đạt Đa phạm tội ngũ nghịch phá chuyển pháp luân tăng) vào thời mạt pháp khó có A la hán xuất thế, muốn giết các ngài đâu phải là việc tầm thường.
Tự phá tịnh giới và phá tịnh giới của người khác là việc có thể xảy ra. Sau khi thọ giới phạm tội trọng bất khả hối gọi là tự phá tịnh giới. Người khác trì giới mà lần đầu tiên làm cho người ấy phá giới, gọi là phá tịnh giới của người khác.
Giới phẩm phân làm ba hạng:
1- Ngay lúc thọ giới, nghe lời pháp ngữ của giới sư tâm liền khai thông phát tâm rộng lớn tối thượng duyên khắp pháp giới hữu tình vô tình,đều nguyện đoạn trừ tất cả tội ác, nguyện tu trì tất cả giới hạnh, nguyện rộng độ tất cả chúng sanh, đắc thượng phẩm ngũ giới.
2- Nếu ngay lúc thọ giới tuy nghe giới sư khai đạo cùng duyên tất cả cảnh hữu tình vô tình, song tâm nguyện không lớn, chỉ cần tự thoát sanh tử hoàn toàn không có tâm độ chúng sanh, đắc trung phẩm ngũ giới.
3- Nếu ngay lúc thọ giới cũng nghe giới sư khai đạo hoặc vì tánh trí kém cõi, hoặc vì tâm ý tán loạn cho nên duyên cảnh chẳng khắp, chỉ đắc giữ gìn giới tướng, không thể phát huy công dụng của giới thể, đắc hạ phẩm ngũ giới.
Nếu như tâm ý tán loạn, hoặc giả nghe không rõ lời của giới sư, hoặc giả nghe như không nghe không biết gì hết, chỉ theo chúng quỳ xuống đứng lên như thế chỉ có gieo căn lành nhưng không đắc giới.
CÔNG ĐỨC TRÌ GIỚI
Người đi thuyền mục đích không phải là ở tại đi thuyền, nhưng đi thuyền cốt làm cho người ta đạt đến mục đích họ mong muốn, thuyền chỉ là công cụ mà thôi, cũng vậy, người thọ 5 giới mục đích không phải ở tại bản thân của sự thọ giới, nhưng thọ giới lại khiến cho người ta đạt đến mục đích của sự học Phật, giới chỉ là phương tiện mà thôi. Thọ ngũ giới là phương pháp làm thiện cho nên cũng chắc chắn sinh ra công đức.
Tu trì ngũ giới,Thập thiện nếu phát tâm xuất ly có thể do đây chứng được sơ quả cho đến tam quả. Nếu chỉ cầu phước báo nhơn thiên, hoặc người có sức trì giới bạc nhược cũng có thể nhân đây chẳng bị đọa tam đồ, cuối cùng nhân duyên thành thục, phát tâm xuất ly vượt ra tam giới.Nếu như toàn bộ 5 giới không thể thanh tịnh, chỉ kiên trì được một giới cũng có thể giữ được thân người. Sự trì giới nhiều ít và giới lực mạnh yếu (chỉ cho đối với tội khinh khả hối, trì phạm nhiều ít mà thôi), có thể quyết định sau khi bỏ thân nầy sinh vào cảnh giới nhân thiên cao nhất của trì ngũ giới là có thể sinh lên cõi trời thứ 6. ít nhất cũng có thể làm một người bình thường.
Đối với sự hưởng thọ ngũ dục, mỗi từng trời cao hơn lại thù thắng hơn, nhưng thiên nhân rốt cuộc cũng phải chết, phước trời có lúc cũng phải cùng tận. Đến cõi trời chỉ là hưởng phước, khó có tâm cầu phước,cũng có ít cơ hội để cầu phước. Phước trời hết sau khi chết vẩn bị đoạ,có thể chẳng còn được thân người mà lại vào tam đồ.
Nhân gian là khổ, nhưng ở trong ngũ đạo chỉ có loài người nhân vì thọ khổ mà hành thiện cầu phước, vì thế ở trên có nói chỉ có loài người thọ giới đắc giới, Phật giáo là Phật giáo của nhân gian, học Phật trì giới tuy có thể được quả báo sinh lên trời, nhưng người chân chính học Phật chẳng cầu sinh lên trời.
Tất cả nghiệp lực có thể do nguyện lực của mỗi người chuyển biến,nếu như nhân công đức thọ trì ngũ giới có thể được quả báo sanh lên trời,nguyện đem công đức nầy trở lại nhân gian đời đời kiếp kiếp thấy phật nghe pháp, hoặc làm trưởng giả cư sĩ hộ trì Phật pháp, hoặc làm tăng bảo thanh tịnh hoằng pháp lợi sanh. Nếu như không chịu như thế hoặc do chí nguyện bất đồng cũng có thể nguyện đem công đức trì giới nầy hồi hướng vãng sanh Tây phương Tịnh độ, tăng trưởng phẩm vị của đài sen,đến lúc mạng chung Phật đến tiếp dẫn, hoa nở thấy Phật được bất thối chuyển.
Công đức của ngũ giới tuỳ theo người mà có khác. Người tại gia có thể do bố thí cầu phước. Nhưng công đức của thọ 5 giới còn vượt lên tất cả công đức bố thí tài vật. Kính mong những kẻ nam người nữ tại gia thọ giới rồi chẳng cần cầu lên cõi trời, tốt nhất là nương nơi nguyện lực trở lại nhân gian, bằng không cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ.
Ngay nơi hiện đời, người trì 5 giới có thể giảm bớt những phiền não về tai nạn hiểm nghèo, ít nhất là không còn nhân vì sát sanh, trộm cướp,tà dâm, vọng ngữ, uống rượu mà sanh ra tại hoạ.Kinh nói trì mỗi giới có 5 vị thiện thần thường theo ủng hộ bên mình bảo vệ. Nếu trì 5 giới thì có 25 vị thiện thần ủng hộ, khiến cho cuộc sống đều được an ổn, gặp dữ hoá lành .
Phật pháp chẳng những làm cho con người hưởng được an lạc vĩnh cửu mà còn làm cho người ta an lạc ở hiện đời.Thọ trì 5 giới là điều kiện để nhận lấy hai thứ báu an lạc nầy vậy.
Xã hội lý tưởng của Phật giáo nhân gian là dùng thập thiện làm tiêu chuẩn, ngũ giới nếu được mọi người hành trì rộng rãi thì thế giới đại đồng an lạc hạnh phúc trở thành sự thật .
Soạn theo ''Đại Cương Giới Luật''Của HT Thánh Nghiêm
                               

             QUAN ĐIỂM   NGHIỆP TRONG ĐẠO PHẬT

      Nghiệp không phải là cố định. Nó có thể được thay đổi tuỳ theo sự tác động của nhân duyên. Nhân xấu cũng có thể trổ được quả tốt và ngược lại, chứ không nhất thiết là nhân nào quả nấy, hoặc có nhân nhưng không có quả. Cho nên quan niệm của nhà Phật về nghiệp là một quan niệm mới mẻ và đạo đức. Quan niệm  mới mẻ này là một cuộc cách mạng tầng lớp nông nô vốn bị đè nặng bởi bàn tay giai cấp thống trị vin vào quyền lực của thần linh.
       Khi nói đến nghiệp là người ta có hàm ý là xấu, là không tốt. Bởi lẽ con người chỉ ý thức sâu sắc về nghiệp, chỉ khi con người rơi vào một hoàn cảnh bi đát đau thương, một hoàn cảnh trái ngang, chua chát,chứ ít ai sung sướng mà có ý thức về nghiệp dù đó là nghiệp Thiện.
      Đạo Phật nói nghiệp là bao hàm cả 2 lãnh vực Thiện và ác. Là nghiệp thiện và nghiệp ác. Thường người ta hiểu lầm nói đến nghiệp là nghĩ đến ác. Cho nên trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe người ta thốt lên: '' Ôi nghiệp tôi nặng quá, '' hay '' Âu  đó cũng là cái nghiệp của mình ''.  Và khi nói đến nghiệp là người ta nghĩ là một cái gì khó tránh như câu thơ của Nguyễn Du.
                    ''  Đã mang lấy nghiệp vào thân
                     Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa ''.
       Có nghĩa đã gây ra nghiệp ác rồi thì không có cách gì thay đổi được. Đây là những tư tưởng cục bộ, phản lại giáo lý Nghiệp của Phật giáo. Mục đích của đạo Phật là giải phóng con người ra khỏi đau khổ từ tâm lý đến vật lý, chứ không phải dẫn con người đến chổ bế tắc đường cùng, là an phận thủ thường.
      Nói đến Nghiệp thì ai cũng biết, nhưng để hiểu đúng về Nghiệp thì có lẽ không mấy ai, ngay cả những nhà trí thức, những nhà làm văn hoá vẫn có cái hiểu sai lầm về chữ Nghiệp, như trong cuốn văn hoá Tâm linh, tác giả Nguyễn Đăng Duy đã viết: ''... Đó là những lẽ sống hay, nhưng cũng có những lẽ sống không hay mà lâu nay là từ Phật giáo. Đó là Định mệnh nghiệp kiếp, đã mang lấy nghiệp vào thân, ''đời là bể khổ'', khiến con người dễ an phận, dễ cam chịu nhẫn nhục, không khuyến khích con người vươn lên sáng tạo ''.
     Qua nhận định trên có thể có nhiều người gật gù cho là đúng, nhưng hiểu chữ Nghiệp thuần tuý theo đạo Phật thì chúng ta sẽ có cái  nhìn khác hơn, mới mẻ hơn, tích cực hơn và lạc quan hơn. Sở dĩ chúng tôi nói hiểu chữ Nghiệp theo thuần tuý Phật giáo là vì có nhiều người đánh đồng chữ '' Nghiệp'' với chữ '' Định mệnh '', '' Thiên mệnh'' hay '' Số phận'' '' Tiền định'' của một vài tư tưởng khác, không phải của Phật giáo.
     Định mệnh hay tiền định là những mệnh lệnh thiêng liêng nào đó áp đặt lên con người, lên thân phận con người, hay nói cách khác, mỗi người sinh ra trên đời đều bị qui định bởi một hoàn cảnh sống nào đó, do một vị thần linh nào đó định đoạt. Con người hoàn toàn bất lực và thụ động trước hoàn cảnh số phận:  '' Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao''. Con người chủ trương thuyết định mệnh, tin có một năng lực thiêng liêng nào đó mà họ không thể hiểu nổi đã chi phối cuộc đời họ, xuất phát từ ý tưởng này, con người dễ dàng buông xuôi đời mình, mặc cho đời mình ra sao cũng được và cũng từ ý tưởng này, thuyết định mệnh trở thành điểm tựa cho những người thiếu quyết tâm, thiếu nghị lực và thiếu hẳn ý chí. Định mệnh hay tiền định là vậy, còn Nghiệp theo Phật giáo thì sao?
    '' Nghiệp'' theo Phật giáo là những hành động có tác ý. Thực ra những hành động không có tác ý không phải không tạo thành nghiệp, nhưng mức độ nghiệp quả của nó rất yếu, có khi không đủ sức để tạo thành nghiệp quả. Hơn nửa, đạo Phật rất chú trọng đến ý tưởng con người. Theo Phật giáo, ý là quan trọng, ý làm chủ mọi hành động và lời nói của con người, cho nên trong 3 nghiệp, ý nghiệp là nặng nhất. Kinh Pháp cú nói: ''ý hết sức tối cao, ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác, nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động an lạc bước theo sau như bóng không rời hình; nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như bánh xe đi theo chân con vật kéo xe''.
    Hành động có tác ý rất quan trọng, hoàn cảnh sống của mỗi người đều bị quy định bởi hành động có tác ý của chính mình: '' Là cùng đinh không phải do sinh trưởng, là Bà la môn không phải do sinh trưởng. Do hành động người này là cùng đinh, do hành động người kia là Bà la môn ''.  Theo Phật giáo, trái ngược với quan niệm về '' Thiên mệnh '' ''định mệnh '' hay '' số phận '' của một vài học thuyết khác. Nếu như quan niệm về Thiên mệnh và định mệnh tư duy thần quyền và huyền bí thì quan niệm về nghiệp của Phật giáo mang tư duy nhân quyền và cụ thể. Nếu như thiên mệnh và định mệnh khước bỏ mọi nổ lực và trách nhiệm về hoàn cảnh sống của con người thì nghiệp, theo Phật giáo đã khích lệ họ nổ lực và đặt họ vào những trách nhiệm về hoàn cảnh sống của họ. Hoàn cảnh sống của mỗi người ra sao thì chính mỗi con người phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh sống đó mà không phải đổ lỗi cho bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào, một đấng tối cao nào hay một vị thần linh nào. Hoàn cảnh sống của mỗi người ra sao thì do chính mỗi người tự tạo lấy, hoặc là hành động trong quá khứ, hoặc là hành động trong hiện tại. Hành động trong quá khứ có thể là những hành động trong nhiều kiếp trước. Tuy nhiên, cuộc sống của con người trong kiếp hiện tại không hoàn toàn bị quy định bởi kiếp trước, bởi nếu hoàn toàn bị quy định bởi kiếp trước thì người ngu dốt mãi mãi ngu dốt, người hung ác mãi mãi hung ác, người nghèo khổ mãi mãi là nghèo khổ, người nô lệ mãi mãi là nô lệ  sao?   
      Hơn nửa, Nghiệp không phải là cố định. Nó có thể được thay đổi tuỳ theo sự tác động của nhân duyên. Nhân xấu cũng có thể trổ được quả tốt và ngược lại, chứ không nhất thiết là nhân nào quả nấy, hoặc có nhân nhưng không có quả. Cho nên quan niệm của nhà Phật về nghiệp là một quan niệm mới mẻ và đạo đức. Quan niệm mới mẻ này là một cuộc cách mạng tầng lớp nông nô vốn bị đè nặng bởi bàn tay giai cấp thống trị vin vào quyền lực của Thần thánh.
      Trở lại thời Đức Phật, ta thấy xã hội Ấn  Độ bấy giờ có 4 giai cấp: Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Thủ đà la. Chính đức Phật là người lên án chế độ ấy và kêu gọi bình đẳng cho con người: '' Là cùng đinh không phải do sinh trưởng, là Bà la môn không phải do sinh trưởng. Do hành động người này là cùng đinh, do hành động người kia là Bà la môn''. Đức Phật nói thêm: '' Người nào đủ trí đức thì người đó tối thắng giữa nhơn thiên ''. Do vậy, bảo rằng Phật giáo nêu lên quan điểm về nghiệp là để an ủi con người, khuyên con người chịu đựng là không đúng. Đành rằng, trong cuộc sống, có những lúc con người rơi vào hoàn cảnh '' lực bất tòng tâm '' thì họ cũng cảm thấy dễ chịu hơn với thuyết nghiệp này. Tuy nhiên, không phải vì những trường hợp cá biệt như vậy mà cho rằng quan điểm về nghiệp của nhà Phật là tiêu cực. Nét chủ đạo trong thuyết nghiệp của nhà Phật luôn khích lệ con người nổ lực vươn lên, chuyển hoá hoàn cảnh, chuyển hóa đời mình, làm cho đời mình ngày một hoàn thiện hơn. Nếu có ai đó vì ý chí yếu kém, không nổ lực hành động để chuyển hoá hoàn cảnh, chuyển hoá đời mình, mà cam chịu đổ lỗi cho nghiệp quá khứ đời trước thì đó là lỗi tại họ, chứ thuyết nghiệp của nhà Phật không dạy họ như thế. Một người nghèo khổ, với sự nổ lực, cần cù làm lụng của họ, cũng có thể trở nên giàu có. Tương tự vậy, một người ít thông minh nhưng với sự chăm chỉ học tập thì anh ta cũng có thể trở nên một người thông minh. Ngược lại, một người giàu có nhưng anh ta suốt ngày chơi bời nhậu nhặt, cờ bạc thì cũng trở nên người nghèo khó, một người sinh ra có bẩm tính thông minh nhưng nếu không chịu học tập, nghiên cứu thì cũng không thể trở nên người tài, người giỏi được.
       Vì thế, nghiệp theo Phật giáo ta có thể chuyển hoá được, làm chủ được. Ta chuyển hoá được bằng cách phải nổ lực ý chí mạnh mẻ, phải có sự cố gắng mạnh mẻ, do đó, trong sự báo ứng của nghiệp, sự cố gắng và sự thiếu cố gắng giữ một vai trò chính yếu. Có thể nói, tất cả những thành công đều phải trải qua một sự cố gắng nhất định nào đó, một khi có sự cố gắng thì nghiệp bắt đầu thay đổi. Tuy rằng, có những trường hợp '' lực bất tòng tâm'' như nói ở trên. Ở những trường hợp này, có thể nghiệp nhân quá lớn, có đủ thời gian cho nhân duyên hội tụ để trổ quả, do đó, người thọ loại quả báo này không đủ sức để chuyển nó nữa, vì quá lớn và quá cận kề.
      Do đó, chúng ta phải luôn nổ lực sống hướng thiện khi tuổi còn xuân, khi sức còn khoẻ, đừng bao giờ đợi nước đến chân mới nhảy, như thế thì không kịp. Khi trong tâm có sự bao dung, rộng lượng, nhân từ thì dù nghiệp quả có  đến, sức ảnh hưởng của nó lên cuộc sống của chúng ta không đáng kể. Ngược lại, trong tâm có sự ích kỷ, xấu xa nhỏ mọn thì khi nghiệp quả đến, dù là nghiệp quả nhỏ, cũng tác động lên cuộc sống của chúng ta đáng kể.
      Đức Phật ví dụ:cùng một nắm muối, nếu bỏ vào trong một ly nước thì nước trở nên mặn đáng kể, nếu bỏ vào trong một thau nước thì nước mặn tương đối ít hơn, còn nếu bỏ vào một hồ nước thì độ mặn của muối trở nên không đáng kể, nước có thể dùng uống được. Do đó, vấn đề khích lệ con người là phải tạo cho mình một hồ nước bao dung, khoan hoà, rộng lượng và nhân từ. Mỗi người tạo được cho mình một hồ nước khoan dung, rộng lượng, vị tha và nhân từ như thế thì xã hội này sẽ vơi đi nghiệp quả khổ đau, bất hạnh nhiều lắm.
       Tóm lại, chữ Nghiệp theo  Phật giáo, là những yếu tố do chính con người tạo ra và dĩ nhiên, con người thừa hưởng, đối với những hành động tốt, hoặc chịu lấy, đối với những hành động xấu, kết quả của nó. Tuy nhiên, con người không hẳn phải gặt hái hết những gì mình đã tạo ra, bởi nghiệp mang tính chất duyên sinh. Vì nghiệp mang tính chất duyên sinh cho nên ở nghiệp ta không thể tìm đâu ra một nguyên lý định tính nào của nghiệp. Con người thay đổi thì nghiệp thay đổi, cho nên Phật giáo bảo tu là chuyển nghiệp là vì vậy.

         Hoàn Nguyên  (Nội San Pháp luân. PL: 2548 - DL: 2004)

GIỚI LUẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét