Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

BA MÔN HỌC GIỚI ĐỊNH TUỆ

Đức Phật ra đời thuyết pháp độ sanh trải qua 49 năm, những lời dạy của Ngài được kết tập lại thành 3 tạng kinh điển. Nhưng chung quy trọng tâm giáo lý cũng chỉ là 4 Đế, tức là sự thật về Khổ (Khổ đế) sự thật về nguyên nhân đưa đến Khổ (Tập đế) sự thật về sự diệt Khổ (Diệt đế) và sự thật về con đường đưa đến diệt Khổ (Đạo đế), rồi từ Tứ Diệu đế đó, Đức Phật đưa ra gồm nhiều khía cạnh, tuỳ căn cơ chúng sanh mà lại có nhiều phương pháp tu tập, như Tứ chánh cần,Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, 12 nhân duyên, quán vô thường, Vô ngã, Bất tịnh quán, và Bát Chánh đạo v.v... pháp môn tuy nhiều nhưng tất cả đều được bao gồm trong 3 môn học (Tam vô lậu học) tức Giới Học, Định Học và Tuệ Học, thường gọi chung là Giới Định Tuệ. Vậy ba môn học này cũng là tên gọi khác của 3 tạng Kinh Luật, Luận mà thôi.
     Lời dạy của Phật tuy nhiều nhưng tóm lược trong 3 môn Giới, Định, Tuệ. Là đệ tử Phật và đi đúng con đường Phật dạy thì không thể thiếu sự thực tập và học hỏi trong ba môn học này, nếu người nào tu theo Phật mà thiếu một trong ba môn nói trên thì không phải là người tu học đi trên con đường chánh đạo mà là tà đạo. Như vậy cho ta thấy ba môn học này được bàn bạc trong ba Tạng kinh điển dưới nhiều hình thức, nó đóng vai trò quan trọng trong việc tu tập hành trì của người Phật tử,nó giúp con người thăng hoa trong cuộc sống tâm linh.
Nội dung lời dạy của Đức Phật được tóm tắt trong bài kệ như sau
  Chư ác mạc tác                       :           Không làm mọi điều ác
  Chúng thiện phụng hành        :           Thành tựu các hạnh lành
  Tự tịnh kỳ ý                            :          Giữ tâm ý trong sạch
  Thị chư Phật giáo.                  :          Chính lời Phật dạy      
Có thể nói bài kệ trên đã bao gồm ba môn học Giới, Định, Tuệ. Khi mọi điều ác của ba nghiệp được chấm dứt, không còn khởi lên nữa thì đó là ý nghĩa của Giới,và điều thiện phát sanh sau khi loại bỏ điều ác, thân tâm dần trong sạch, xa rời phiền não. Đó là ý nghĩa của Định. Chặng cuối của nền giáo lý nêu lên là Tuệ. Vì Tuệ có khả năng đoạn trừ các tham ái, chấp thủ  vi tế đột phá mọi chướng ngại của hành giả trong khi tu tập, nhờ đó hành giả mới có thể chứng được Tam minh, đạt đến giải thoát giác ngộ.
GIỚI:   Định nghĩa:  Giới có nghĩa là răn dè, không cho vi phạm, còn có nghĩa là thanh lương giải thoát v.v... Vì từ ý nghĩa đó, giới cấm làm ngăn chặn các ác pháp nảy sinh, và tăng trưởng thiện pháp, nên còn gọi là giới luật. Bất cứ một tổ chức nào cũng đều có quy luật của tổ chức đó, ngay cả loài động vật cũng có quy luật của nó. Huống nữa là con đường tu đạo để đưa đến giải thoát thì lẽ tất nhiên phải có giớí  luật. Mục đích của luật nhằm giúp con người đoạn tận khổ đau và đưa đến giải thoát giác ngộ. Tuỳ theo hoàn cảnh và trình độ Đức Phật chế ra nhiều loại giới. Giới người xuất gia, Sadi, Sa di ni, 5 giới, 10 giới, 8 giới tuỳ theo đó mà hành trì. Công năng và lợi ích của việc trì giới là “Phòng phi chỉ ác” (ngăn chặn các điều sai trái và đình chỉ các điều ác). Chính nhờ hành trì các giới điều mà người Phật tử được thanh tịnh ba nghiệp.
Chính tầm quan trọng và vô cùng lớn lao và quyết định của giới mà Đức Phật khi sắp nhập Niết Bàn đã tha thiết nhắn nhủ các Tỳ Kheo phải giữ giới và Ngài ví sự tồn vong của giới luật là sự tồn vong của Phật Pháp vậy.
ĐỊNH: Định nghĩa:  Chữ định nguyên ngữ là Samadhi. Tàu dịch Tam Ma Địa. Đó là sự tập trung, chú tâm có lợi ích. Là sự xoay quanh của Tâm và Tam Sở một cách đều đặn và chánh đáng vào một đối tượng duy nhất. Đấy là trạng thái Tâm và Tâm Sở ở trong tình trạng quân bình, chánh đáng và đặt hết vào một đối tượng duy nhất, không phân tán hay xao lãng. Trong quá trình tu tập theo giáo lý Phật giáo. Định được diễn tả ở cấp độ thứ hai sau giới. Vì nhờ có sự tuân thủ nghiêm ngặt của giới nên hành quả đạt được sự tập trung tức Định. Các giới điều như một bức tường kiên cố ngăn chặn các ác pháp mà nhất là đối với sự tán loạn, phóng túng của tâm mình “Nhơn giới sinh định, nhơn định phát huệ”. Đây là hệ quả tất yếu khi hành giả thật sự đóng kín các cửa ngõ của các căn, không cho các căn tiếp xúc với các trần bên ngoài. Đó là con đường trở về “biện tâm” thật sự bằng các pháp môn hộ trì các căn, chú tâm tỉnh giác, chánh niệm tỉnh giác  v.v...
TUỆ: Định nghĩa: Tuệ tức là trí tuệ, là đức tính cao nhất và là chặn cuối của tiến trình “Tam vô lậu học”. Theo ý nghĩa của Phật giáo. Trí tuệ là sự quán tưởng một cách chân chính như thật có phương pháp về các pháp. Trí tuệ có đặc tính thấu nhập vào bản chất vạn pháp. Biểu hiện của nó là không bị mê mờ. Thiền định là nguyên nhân trực tiếp của nó.
Chúng ta cũng cần phân biệt đặc tính riêng của trí tuệ. Trí có tính quyết định đối với sự lý các pháp. Tuệ có tính phân biệt rõ ràng đối với sự lý các pháp. Tuy vậy, Trí và Tuệ  đều cùng một thể, nên có khi nói trí, có khi nói Tuệ mà nghĩa cũng như nhau. Lại Trí Tuệ được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như quán nhẫn, Kiến, Quang, Minh, Giác v.v... cho đến chánh kiến, chánh tư duy, Trạch pháp v.v..trong 37 phẩm trợ đạo.
Như vậy, nhân gần  đưa đến giác ngộ là trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mới nhận thức được như thật các pháp là vô thường, khổ, không vô ngã. Những hành trì kiên cố từ bao đời nay ngăn chặn chúng sanh không thể đạt đến giải thoát giác ngộ như tham ái, chấp thủ,vô minh đều sụp đổ hoàn toàn nhờ sức công phá mảnh liệt của trí tuệ vô lậu này vậy.
Vậy trí tuệ là chặng cuối của tiến trình tu tập Tâm  và đóng vai trò quyết định tối hậu, vì rằng chỉ sức mạnh của trí tuệ vô lậu mới có thể phá vỡ và đốt cháy mọi chấp thủ lậu hoặc vi tế.
Tóm lại: Giới, Định, Tuệ được gọi là ba môn học vì bất cứ những ai hành trì theo lời dạy của Đức Phật đều phải học tập và tu trì theo ba môn này.Tầm quan trọng của nó rất lớn và giữ phần quyết định cho việc giải thoát giác ngộ.
Trong ba môn Giới, Định, Tuệ đều đan chặt vào nhau và hỗ tương cho nhau. Trong Giới có Định, trong Định có Tuệ,  và tất nhiên trong Tuệ phải có Giới và Định. Ta có thể ví dụ Giới- Định- Tụê như cái vạc ba chân. Nếu có một trong ba chân hỏng thì cái vạc không thể nào đứng vững được. Cũng vậy, người tu tập theo Phật giáo, nếu có Định và Tuệ mà không giữ giới  thì Định, Tuệ ấy là Tà Định, Tà Tuệ của ngoại đạo mà thôi. Nếu không trú vững trên đất giới thì chắc chắn Định và Tuệ không thể nảy mầm được. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Dầu có người tu hành mà đắc Định, đắc Tuệ mà không có giới luật thì cũng ma đạo mà thôi”
Vai trò quan trọng của mối liên hệ mật thiết trong ba môn học nói trên, cho ta thấy rằng không thể nào tách rời hay coi trọng bất cứ một môn học nào cả. Giới- Định- Tuệ là pháp môn mà Đức Phật đã tu tập và thực chứng dưới cội Bồ Đề, cho nên người tu phải luôn kết hợp chặt chẽ ba môn học đó. Không được loại bỏ một đề tài nào, vì như vậy đích điểm tối hậu là giải thoát, an lạc sẽ không bao giờ đạt đến được.

       MỐI QUAN HỆ GIỮA BÁT CHÁNH ĐẠO VÀ BA MÔN HỌC GIỚI, ĐỊNH, HUỆ

    Bát chánh đạo là pháp tu học căn bản, và bao gồm tất cả hệ thống giáo lý của sự tu tập. Hay nói Bát Chánh Đạo là cách nói rộng ra của Giới  Định Tuệ mà thôi. Hay nói cách khác trong Bát Chánh Đạo có hàm chứa Giới Định Tuệ và ngược lại Giới Định Tuệ bao gồm Bát Chánh Đạo. Trong cái này đã hàm chứa cái kia và trong cái kia đã chứa cái nọ. Đó là khái niệm tương quan tương nhiếp trong triết lý duyên sinh của Phật. Như vậy theo khái niệm này thì mỗi một chi phần của Bát Chánh Đạo đều có sự hiện diện của Giới Định Tuệ. Hơn nữa trong mỗi môn học đều tồn tại trọn vẹn 8 chi phần.
Trong thực tế, ngay như trong Chánh Kiến là chi phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo, thuộc Tuệ học nhưng nó cũng luôn có sự hỗ trợ của Giới và Định học. Vì nếu không có hai môn học này trợ lực thì chánh kiến ấy không thể tồn tại lâu dài. Kết quả tất yếu là nó trở thành tà kiến và cả một  chuỗi mắc xích trong Bát Chánh Đạo đều tan rã, cho đến chi cuối cùng là chánh định cũng vậy. Nếu khi đã đạt đến chánh định mà không có Giới và Tuệ hỗ tương đi kèm thì hành giả không thể chứng Chánh trí và Chánh giải thoát được. Như vậy mối quan hệ giữa Bát Chánh Đạo với Giới, Định, Tuệ là mối quan hệ bất khả phân.
Tuy nhiên ở đây ta cũng cần đề cập các chi phần nào của Bát chánh đạo có liên hệ nhiều nhất đến từng môn học một. 
     1-   Giới <=> chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
     2-   Định <=>  Chánh tinh tấn, Chánh niệm.
     3-   Tuệ  <=>  Chánh kiến, Chánh tư duy.
Có một điều chúng ta cần chú ý rằng trong Bát Chánh Đạo chi đầu tiên là chánh kiến, chánh tư duy (tuệ học) như vậy nếu xét theo ba môn học được nêu Giới rồi đến Định và Tuệ là chặng cuối. Vậy có gì trái ngược và mâu thuẩn trong lời dạy của Phật chăng?
Đức Phật tuỳ căn cơ mà thuyết pháp, tuỳ thực tế tâm lý của chúng sanh mà trị bệnh, chúng sanh tà kiến, điên đảo, vọng tưởng tạo biết bao nhiêu nghiệp nhân xấu xa. Điều đầu tiên, Đức Phật muốn chữa trị những sai lầm đó thì Ngài cần chỉ cho họ thấy đúng đắn về những vọng kiến và chánh tư duy (tuệ) đóng vai trò quyết định đầu tiên nhằm phá vỡ và thiêu cháy mọi sai lầm và đưa thành quả vào trật tự đạo đức của chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (giới) sự an lạc và định tĩnh từ đó sinh khởi để nhập vào lộ trình tự chứng rồi dẫn đến ba chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Và lại một lần nữa tuệ góp phần chủ yếu trong việc phá vỡ bức tường vô minh chấp thủ vi tế trong khi đạt đến các cảnh giới thiền định. Chính những chấp thủ vi tế ấy trói buộc tâm thức hành giả cứ quanh quẩn mãi mà không thể thoát ra được. Cho nên trí tuệ trong giai đoạn này có công năng giúp hành giả đạt đến giải thoát tri kiến, an trú trong cảnh giới Định mà khi ấy mọi thọ tưởng đều diệt tận, gọi là diệt thọ tưởng định.
Trên cơ sở những phân tích trên, cho ta thấy rằng lời Đức Phật dạy không mâu thuẫn mà có tính cách khoa học và lôgíc biện chứng. Mối quan hệ giữa Bát Chánh đạo và Giới, Định, Tuệ là mối quan hệ trùng trùng nhân quả, tương quan mật thiết với nhau như một vòng tròn khép kín. Tu tập Bát Chánh đạo là tu tập Giới, Định, Tuệ và ngược lại. Vì thế nếu cho rằng 8 chi phần trong lộ trình ấy, hay ba môn học phải được tu tập và thực hành cái này sang cái khác, theo một thứ tự nhất định thì quả thật hoàn toàn sai lầm. Chúng ta cần phỉ được phát triển như đồng bộ, đồng thời với nhau, càng nhiều càng tốt, tuỳ khả năng từng người.

***               ***       ***

BA MÔN HỌC GIỚI ĐỊNH TUỆ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét