Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

VẤN ĐỀ TÂM VẬT TRONG ĐẠO PHẬT

Đạo Phật chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên, duy tâm hay duy vật?
Đứng ngoài đạo Phật thì "vọng tưởng” rằng đạo Phật là nhất nguyên, là đa nguyên, là duy tâm, hoặc duy vật. Nhưng bước vào trong đạo Phật, trong rừng giáo lý để quan sát, người ta sẽ thấy một hiện tượng kỳ lạ. Là khi đứng về hướng này người ta thấy đạo Phật chủ trương nhất nguyên, nhưng đứng qua hướng kia, lại thấy rằng đạo Phật chủ trương đa nguyên. Rồi đứng trên miếng đất này người ta thấy đạo Phật chủ trương duy tâm, nhưng đứng sang miếng đất khác thì rõ ràng đạo Phật chủ trương duy vật.
Quả thật là một sự kỳ lạ. Kẻ nóng tính nghe như thế sẽ bực mình và cho đó là một lối chủ trương ba phải. Nhưng không. Đứng về phương diện triết học, đạo Phật có những hệ thống lý thuyết rất phong phú, mà tất cả điều đi đến một sự nhất trí vô cùng hoàn mỹ.
Nhiều người nghe câu kinh "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”liền chỉ ngay đạo Phật mà bảo rằng: ấy đấy đạo Phật duy tâm rõ ràng, còn chối cải gì nữa. Thực ra đạo Phật có chối cải đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải chữ tâm của đạo Phật không phải chữ tâm của thế gian, của triết học. Phật học là một môn tâm học. Nhưng tâm ở đây không phải là linh hồn, là tất cả những hiện tượng tâm lý, và "tâm học”của đạo Phật rất khác xa"tâm lý học”của triết học vậy.
Cũng có kẻ thấy đạo Phật chủ trương bác bỏ thuyết linh hồn tồn tại độc lập (điểm này có thể làm nhiều bạn giật mình). Không công nhận tạo hoá, thì chỉ vào đạo Phật mà bảo rằng: ấy đấy đạo Phật duy vật rõ ràng, còn chối cải gì nữa. Thực ra đạo Phật có chối cải đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải rằng cái mà người ta gọi là linh hồn ấy, đạo Phật gọi là ý và thức, và khi xác thân tiêu hoại, ý và thức ấy không còn tác dụng nữa, nghĩa là không sinh hoạt như một hồn ma bóng quế như giới ít học hiểu lầm.
Chủ nghĩa Duy Vật là một chủ nghĩa cho rằng thực tại chỉ là vật chất. Vũ trụ, nhân loại và sinh vật đều là vật chất, nói một cách tinh vi hơn, đều có nền  tảng chung là vật chất cả đến phần tinh hoa nhất của loài động vật là tư tưởng, là tình cảm cũng đều do nền tảng vật chất mà có. Những tư tưởng tình cảm ấy không thể phát hiện nếu không có vật chất. Tinh thần cũng là sản phẩm thượng hạn của vật chất, duy có tinh tế hơn những sản phẩm khác như: đường, mật, sinh tố, như thần kinh hệ... mà thôi.
Người chủ trương duy vật thường lý luận rằng: chỗ nào không có vật chất thì không có tinh thần, do đó tinh thần là do vật chất mà có, tinh thần là một thuộc tính của vật chất.
Ta không cần mất thì giờ để bác bỏ quan niệm nông cạn và thiên lệch này trong khi mọi người đã thấy cái vô lý của nó rồi.
Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng duy vật luận chỉ chú trọng đến phần ngoại giới, xao lãng hẳn phần nội giới phong phú sâu xa. Mà ở đấy nhà khoa học chỉ có thể dọi vào những tia sáng ngắn ngủi nhất. Dù người duy vật có để ý đến nội giới đi nữa thì vẫn xem nội giới như một đối tượng tầm thường như bao nhiêu đối tượng vật chất khác, dù nhà duy vật cho nó là "một hình thức tinh tế của vật chất". Tinh thần tự đối tượng hoá đã là việc khó làm, mà tinh thần tự cho mình là thuộc tính của vật chất lại là chuyện khó nghe. Đời thuở nào lại có một thuộc tính kỳ quái có thể "biết”mình là thuộc tính của vật chất.
Còn bảo rằng "chỗ nào không có vật chất thì không có tinh thần”cũng thật lạ lùng. Làm như tai mắt người có thể "thấy”được tinh thần tồn tại độc lập vậy. Tai ta mắt ta chỉ có thể nhận được sự hiện hữu của tinh thần nhờ những dấu hiệu vật chất. Tinh thần vẫn hiện hữu, nhưng ta không nhận được sự hiện hữu đó nếu ta không nhờ một vài dấu hiệu vật chất, cũng như lúc nào cũng có làn sóng điện,và những âm thanh chở trên các làn sóng điện ấy, nhưng ta chỉ nhận được sự hiện hữu của các  âm thanh được chở trên các làn sóng điện kia nếu ta có một chiếc máy thu thanh.
Vậy thì nhà duy vật đừng bắt ta đi tìm tinh thần ở chỗ không có vật chất. Nhưng nói thì nói thế thôi, chứ đạo Phật cũng không nhận rằng có cái "hiểu biết”(cái mà thế gian gọi là cái hồn) tồn tại ngoài xác thân loài động vật. Lát nữa ta sẽ hiểu điểm này.
Chủ nghĩa duy tâm chủ trương ngược lại rằng vật chất không phải thực có, vật chất không tồn tại ngoài ý thức chủ quan của con người. Chỉ có ý thức chủ quan là thực tại, còn bao nhiêu ý thức là sản phẩm của chủ quan, đều là những biểu tượng của ý thức, gọi tắc là những "ý tượng". Duy tâm luận chủ trương ngoài tâm ý của mình không còn gì cả, vũ trụ thế giới, những người khác cũng không thực tại.
Người duy tâm cũng như người duy vật cố tình phủ nhận một mặt của sự thực, người duy tâm cố tình làm ngơ không nhận những ẩn ảnh hưởng và những tác động của vật chất của sinh lý trên tư tưởng và tâm lý của mình. Những loại hữu tình sống chung quanh ta cũng có những cảm tình, những tư tưởng, nói  tóm lại, một chân lý chủ quan của họ trong sinh hoạt thường nhật ai không nhận rõ điều đó. Ta không thể công nhận có sự tồn tại của tâm lý riêng ta.
Đạo Phật không vướng vào duy tâm, không vướng vào duy vật, nhưng cũng không phải nhị nguyên thuyết. Duy thức học đạo Phật chủ trương rằng ngũ uẩn tức là toàn thể những hiện tượng vật lý, tâm lý, (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là những thứ phát hiện của "chủng tử”tiềm lại trong A-lại gia thức mà thôi.
Những hiện tượng tinh thần hay vật chất (sắc pháp và tâm pháp) đều là đứng về thế hiển phát. Khi chưa hiển phát chúng đứng về phía tiềm tàng. Đứng về thế tiềm tàng chúng gọi là "chủng tử”(danh từ của duy thức học). Đứng về thế hiển phát chúng gọi là hiện hạnh. Chủng tử sanh hiện hạnh, hiện hạnh trở về chủng tử, chủng tử là hiện hạnh, hiện hạnh là chủng tử, sự phát hiện này được tiếp diễn không ngừng
Điểm này đòi hỏi chúng ta nhiều kiến thức về duy thức học. Ở đây chúng ta chỉ lược qua đại cương. Chủng tử là một thứ "năng lực”làm bản chất cho tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, nghĩa là cho mọi hiện hạnh. Mà toàn thể chủng tử nằm trong A-lại-gia-thức, hoặc nói một cách khác toàn thể chủng tử là A-lại-gia thức vậy. Vậy A-lại-gia-thức là căn bản cho mọi hiện tượng Tâm và Vật.
Mỗi hiện tượng (tâm lý hay vật lý) cũng vậy khi tàn hoại thì trở về chủng tử để rồi phát sinh hiện hạnh khác. Nói thế cho dễ hiểu, kỳ thực vì mỗi hiện hạnh sinh diệt trong từng giây phút, nên hiện hạnh luôn luôn trở về chủng tử và chủng tử luôn luôn trở về hiện hạnh. Sự liên tục mau chóng quá đến nổi ta không nhận ra kịp đó thôi.
Các hiện hạnh sinh khởi thế nào? Sinh khởi theo luật tương quan tương duyên. Ví dụ: ý thức, lý trí, tình cảm thì sinh khởi nhờ nương vào các hiện tưng sinh lý vật lý. Nương vào để được phát sinh mà thôi, chứ không phải các hiện tương sinh lý vật lý "sinh ra”các hiện tượng tâm lý. Hiểu như thế ta không còn cho tâm sinh vật hay vật sinh tâm nữa. Chúng nương vào nhau mà tương sanh tương thành, và do chủng tử ở A-lại -gia. Chủng tử là "thân nhân duyên"nghĩa là những nhân chính, còn những hiện tượng giúp chúng sinh phát sinh thì gọi là "tăng thượng duyên”nghĩa là các điều kiện thuận lợi giúp cho sự phát triển ấy.
Nguyên nhân chính của mọi hiện tượng như thế tức là chủng tử. Nhưng gọi là nguyên nhân cũng không đúng hẳn, phải gọi là bản chất.Vậy chủng tử trong duy thức được xem như một thứ "năng lực”làm nền tảng cho cả hai loại hiện tượng Tâm và Vật. Tất cả chủng tử, hiện hạnh gom góp lại gọi chung là A-lại-gia.
Sau khi thân xác tiêu hoại, thiếu điều kiện để "hiện hành"các hiện tượng tâm lý trở về tiềm phục nơi A-lại-gia. Như thế không có một linh hồn tồn tại ngoài thể xác. Cái tác dụng tinh thần kia, sự hiểu biết phân biệt yêu ghét kia không hiện hạnh nữa, thì sao gọi là còn linh hồn được. Tuy nhiên, A-lại-gia-thức sẽ biến chuyển, chín muồi để đem tất cả năng lực chủng tử mà phát hiện ra một thế giới mới, một hoàn cảnh mới.
Nghe nói thế người ta sẽ cho rằng đạo Phật đã rơi vào duy tâm. Nhưng không, không có một A-lại-gia tồn tại độc lập. Mà có nhiều A-lại-gia của nhiều chúng sanh. A-lại-gia này tồn tại nhờ sự hiện tồn của A-lại-gia khác, và các A-lại-gia khác cũng tồn tại nhờ A-lại-gia này.Tất cả đều tuân theo luật tương quan tương duyên mầu nhiệm.
Ý thức chủ quan của ta nằm gọn trong A-lại-gia ta. Thế giới khách quan nằm ngoài ý thức ấy, nhưng không phải chỉ là một thế giới hiện hạnh của riêng A-lại-gia ta, mà là một thế giới hiện hạnh do vô số A-lại-gia cọng kiến tạo. Điều này ta sẽ thấy rõ trong giáo lý tự biến cọng biến của duy nghiệp luận. Chỉ khi nào A-lại-gia trong sạch, sáng suốt do công phu tinh luyện mà trở thành Đại viên cảnh trí, nó mới tách rời ra khỏi sự cộng đồng ấy và thể nhập về bản thể vô cùng rộng lớn thanh tịnh và sáng suốt.
Vấn Đề Linh Hồn Trong Đạo Phật
  Đạo lý luân hồi thường được người ta hiểu một cách nông cạn. Hầu hết mọi người khi nghe đến luân hồi đều nghĩ đến một sự tiếp nối sinh hoạt trong nhiều xác thân của một chiếc linh hồn cố định. Người ta nghĩ rằng khi chết, linh hồn sẽ rời khỏi xác thân để đi vất vơ vất vưởng trong hư không, đợi nhập vào một xác thân mới sinh, hoặc là xuống âm phủ chịu cực hình trước khi đi đầu thai làm thân người hay thân trâu ngựa...
Thực ra đạo Phật chủ trương rằng sau khi con người chết, không có cái gì thoát ra ngoài xác thân để rồi nhập vào một xác thân khác cả. Như chúng ta đã thấy trong bài trước đạo Phật dạy rằng sinh mạng là sự cấu hợp liên tục của ngũ uẩn, tức là những yếu tố sinh lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Sắc uẩn là phần vật chất. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn là phần tinh thần. Những tác dụng tinh thần này chỉ có thể '' hiện hành'' được khi có căn cứ phát sinh. Căn cứ phát sinh ấy là phần thể xác, sinh lý, cũng vì thế mà thân xác được gọi là thân căn. Nếu thân căn tiêu hoại, các tác dụng tâm lý kia không hiện hạnh nữa mà trở lại thể tiềm phục nghĩa là trở thành chủng tử.
Nếu thân căn là một cấu hợp của tứ đại chủng, luôn luôn biến chuyển, thì tác dụng tinh thần kia cũng hợp thành một dòng liên tục biến động không ngừng. Con người của ta đổi mới từng giây phút, có những cảm giác mới, những tư tưởng mới đến thay cho những tư tưởng và cảm giác cũ đang phai dần hoặc đang nép sâu vào ký ức- đang lùi về tiềm thế chủng tử- Vì luôn luôn biến chuyển nên dòng tâm lý ấy không phải là một cá thể đồng nhất vĩnh cửu. Do đó không thể gọi là một bản ngã được. Cái mà người ta cho là linh hồn phải là một bản ngã đồng nhất, bất biến, làm chủ thể cho sinh mạng. Ở đây đạo Phật chủ trương không có bản ngã, nghĩa là không có linh hồn: những tác dụng tâm lý của con người vẫn chỉ là những tác dụng tâm lý. Chúng phát hiện và hoạt động khi có điều kiện (thân căn sinh hoạt) và trở về trạng thái chủng tử tiềm phục khi các điều kiện kia tan rã (thân căn tiêu hoại).
Nhiều người quả quyết rằng nấp sau các hiện tượng sinh lý, vật lý luôn luôn biến chuyển kia, phải là một yếu tố bất biến. Chính yếu tố đó là linh hồn, và chính linh hồn đó là một bản ngã. Nếu không có linh hồn đó thì làm sao giải  nghĩa được cái tính chất đồng nhất nó tồn tại qua mọi người đều cảm thấy ở tự thân mình hoặc ở bản thân một người khác.
Nhưng xét kỷ tính chất đồng nhất ấy chẳng cần đòi hỏi sự hiện hữu của một bản ngã, một linh hồn nào cả.
Năm ngoái tôi có mua một chiếc ghế ghỗ để ngồi. Năm nay, cái ghế ấy đã cũ đi nhiều. Vì nó đã gãy mất một chân và tróc lớp sơn ở ngoài. Tuy nhiên, tôi vẫn biết rằng cái ghế ấy chính là cái ghế mà tôi mua năm ngoái. Vậy thì do đâu tôi nhận được tính chất đồng nhất của cái ghế trong "lịch trình biến chuyển”của nó? Phải chăng cái ghế kia có chứa đựng một "yếu tố bất biến". Nếu thế, cái "yếu tố bất biến”ấy của cái ghế được gọi là gì? Chẳng lẽ gọi là linh hồn của cái ghế, hay bản ngã của cái ghế? Cho nên không có yếu tố nào bất biến, nghĩa là không có linh hồn, không có bản ngã. Chỉ có những hiện tượng vật lý và tâm lý chuyển biến.
Vậy thì nhờ đâu mà ta cảm thấy tính đồng nhất của sự vật? Theo Phật học:  qua sự chuyển biến ta vẫn cảm thấy có một cái gì đồng nhất là vì ta có một vọng tưởng liên tục gây nên.
Các hiện tượng luôn luôn biến diệt và sinh thành ấy xảy ra mau chóng quá đến nổi ta kông nhận thấy kịp và ta tưởng có một tính cách đồng nhất của các vật qua thời gian biến chuyển. Cũng như khi ta quay một đống lửa thành vòng tròn, ta thấy có một "vòng tròn lửa”tồn tại, kỳ thực vòng tròn ấy chỉ là một giả tưởng liên tục, cấu hợp nên do một đốm lửa luôn luôn đổi mới.
Gọi là đốm lửa luôn luôn đổi mới vì tạo nên vòng tròn lửa đó không phải chỉ là một đốm lửa mà là vô số đốm lửa. Đốm lửa sau vì cháy trên một chất củi khác nên không phải là đốm lửa trước nữa. Như thế đốm lửa ở phía trên vòng tròn không phải là đốm lửa ở phía dưới vòng tròn. Tuy vậy, đốm lửa sau cũng không phải là đốm lửa khác hẳn đốm lửa trước. Vì nếu không có đốm lửa trước thì sẽ không có đốm lửa sau. Đốm lửa trước làm nhân cho đốm lửa sau. Dây liên tục đó đã gây nên cho ta vọng tưởng về tính cách đồng nhất. Để hiểu rõ ta nên đọc đoạn này trong trong kinh "Di- Lan- Đà vấn đạo”
- “Này đại vương: Nếu có một người thắp một ngọn đèn lên, ngọn đèn có thể cháy suốt đêm được không?
- Bạch ngài ngọn đèn có thể cháy đến sáng.
- Vậy ngọn lửa đèn lúc canh một có phải là ngọn lửa đèn lúc canh hai không? - Bạch Ngài không?
- Ngọn lửa lúc canh hai có phải là ngọn lửa lúc canh ba không?
- Bạch Ngài cũng không phải.
- Vậy thì canh một có một cây đèn canh hai có một cây đèn canh ba cũng có một cây đèn khác nữa chăng?
- Bạch Ngài: không,  ánh sáng suốt đêm chỉ do một cây đèn toả ra thôi.
- Đại vương:  sự liên tục của một người hay của một vật cũng thế thôi. Con người của phút này sinh, thì con người của phút trước diệt, dòng liên tục không ngừng. Con người phút sau không phải là "một”với con người phút trước, nhưng cũng không phải là khác với con người phút trước. Như thế con người liên tục mãi cho đến giai đoạn cuối cùng của ý thức bản ngã".
Ta có thể tạm ví xác thân ta với cây đèn, bấc, dầu và tinh thần ta với ngọn lửa đèn, cả hai đều biến chuyển không ngừng, không phải "đồng nhất”mà cũng không phải sai dị  "phi nhất phi dị"
Bản thân ta "gồm cả tinh thần lẫn vật chất”không phải là một cá thể đồng nhất bất biến, mà là một dòng liên tục thường biến. Chính cái giả tưởng "một dòng liên tục"ấy đã cho ta khái niệm về tính cách đồng nhất của mọi vật và của chính bản thân ta.
Nếu không có một bản ngã bất biến, một linh hồn thì cái gì đi luân hồi, cái gì đi đầu thai, cái gì làm chủ thể cho dòng sinh tử?
Câu hỏi ấy là một thắc mắc lớn lao cho nhiều người. Chúng ta thường thấy trong kinh Phật có những câu chuyện luân hồi nhân quả, mà trong đó một người chết ở thành Ba la nại có thể đầu thai ở thành Ca-Tỳ La.. Vậy cái gì thoát khỏi xác thân người kia để đi đến thành Ca-La-Tỳ nhập vào xác con vật nọ? Làm sao cái chết của một sinh vật lại được nối tiếp với xác sanh của một sinh vật khác?
Ta đã thấy rằng đạo Phật không công nhận linh hồn, và do đó không công nhận rằng có linh hồn di chuyển. Đạo Phật chỉ chủ trương nhân quả; một hậu quả nào phát sinh cũng có một nguyên do tiền hữu. Còn dục vọng, còn ham muốn thì vẫn còn sự sống. Trong thời gian dục vọng còn tồn tại, các chủng tử trong A-lại-gia phần nhiều còn là hữu lậu, nghĩa là còn khuynh hướng phát hiện sinh tử.
Nếu sau khi đời sống chấm dứt mà dục vọng đều đã tiêu diệt hết, vô minh không còn hiện hữu và các chủng tử đã trở thành vô lậu, A-lại-gia trở về với bản thể sáng suốt, thì dòng sinh mạng không còn tiếp diễn nữa. Nhưng nếu dục vọng vẫn còn, thì A-lại-gia còn nằm trong trạng thái ô nhiểm, chưa có thể giải thoát luân hồi được.
Trong cuốn "The Dhamma of Buddha", Đại đức Jagdish Kasyapa có viết một đoạn đại ý như sau về vấn đề luân hồi: Ai cũng biết trận giặc trăm năm giữa Pháp và Anh. Gọi là trận giặc trăm năm, nghĩa là có nhiều trận giặc nối tiếp nhau trong vòng một trăm năm, chứ không phải là một trận kéo dài trong vòng một trăm năm. Các trận giặc nhỏ kia xảy ra ở những thời gian khác nhau ở những địa điểm khác nhau, và với những chiến binh cụ luôn luôn đổi mới. Nhưng sao tất cả những trận nhỏ ấy được gom lại trong trong một ý niệm “trận giặc trăm năm"? Tai sao đánh một vài trận rồi người ta không thôi đi, để cứ tiếp tục đánh thêm nhiều trận khác? Có phải là do ý tưởng thù nghịch giữa hai nước đang còn không?
Vậy “ý tưởng thù nghịch”kia là nguyên do cho cuộc chiến tranh và cho sự tiếp nối liên tục của các trận đánh. Còn ý tưởng ấy thì các trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Cũng như thế, còn dục vọng thì còn phải tiếp tục sinh tử, với một thân căn mới, một hoàn cảnh mới, một thế giới mới.
Một đợt sóng ở đây xuất hiện. Vì đâu? Vì một sức đẩy ở đàng kia. Đợt sóng này lên rồi xuống, và khi xuống tạo thành một sức đẩy mới.
Do sức đẩy này mà đàng xa kia phát sinh một đợt sóng khác: chính đợt sóng khác ấy là kết quả của đợt sóng này, tiếp nối do đợt sóng này vậy. Giai đoạn sinh mệnh trước tạo nghiệp nhân mê lầm sinh tử cho giai đoạn sinh mệnh sau, giai đoạn sinh mệnh sau tạo nghiệp nhân cho giai đoạn sinh mệnh sau nữa, và cứ như thế mãi.
Tất cả những nghiệp nhân của ta về ngôn ngữ, ý nghĩ, hành vi, cùng tất cả những cảnh tượng, cảm giác đều trở về tiềm phục trong A-lại-gia của ta. Không hề  mất di đâu cả. Chúng tạo thành một động lực, gọi là”nghiệp lực”đẩy chúng ta vào một đoạn sinh mệnh mới, một kiếp sống mới.
Vấn đề luân hồi trong đạo Phật là một vấn đề sâu xa, cần phải tìm hiểu lâu dài. Bài này chỉ có thể gợi được một vài ý niệm căn bản đủ để độc giả có thể phá bỏ những thành kiến từ xưa về luân hồi mà thôi vậy.

{]{

VẤN ĐỀ TÂM VẬT TRONG ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ