Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

CAO ĐÀI GIÁO

Người sáng lập ra Cao Đài là quan phủ Ngô Văn Chiêu từ năm 1926.
Ngô Văn Chiêu là một người đạo đức, rất tin theo sự giáng khẩu của các thần linh, ông thường bàn xoay để tiếp xúc với giới vô hình và trong một cuộc cầu đồng ông đã được một vị xưng là Cao Đài giáng đồng cho phép ông được tôn thờ dưới hình thức một con mắt.
Từ đó ông phủ Chiêu tin theo phép huyền bí của Đức Cao Đài và 6 năm sau đạo Cao Đài được chính thức thành lập với giáo chủ là ông Lê Văn Trung. Ông phủ Chiêu, sau một thời gian làm việc tại Phú Quốc, được đổi về Sài Gòn. ở  đây ông gặp một nhóm công chức người Việt cùng ông cầu đồng, bằng chiếc bàn xoay. Trong các cuộc cầu đồng, Đức Cao Đài thường giáng đồng  với danh hiệu A,Ă, Â, và thường đem triết lý cao siêu ra giảng dạy cho nhóm cầu đồng. Nhóm cầu đồng này về sau bắt liên lạc với ông Lê Văn Trung. Người ở chợ lớn, và là một người chỉ ham quay cuồng vật lộn kiếm tiền để sa đoạ vào mọi thú vui vật chất, cờ bạc, thuốc sái trăng hoa.
Trong một buổi ngồi đồng ở chợ Gạo của phái  Minh Lý, do một thân nhân nài ép, ông Lê Văn Trung đã tiếp được với hồn của nhà thơ Lý Bạch, Lý thi sĩ nói riêng cho ông Trung biết mình là ai và cũng báo cho ông biết  là ông phải mang một nhiệm vụ cao cả về đạo giáo.
Sau buổi ngồi đồng này, ông Trung thay đổi hẳn tính tình ông bỏ hết mọi sự sa đoạ rượu chè, cờ bạc, trăng hoa và ông sống theo khuôn khổ đạo đức.
Rồi do sự run rủi của Đức Cao Đài, ông Lê Văn Trung  được nhóm cầu đồng của ông Phủ Chiêu cho hai đại diện là các ông Phạm Công Tắc và Cao Văn Cừ tới gặp và tổ chức một buổi cầu đồng. Chính trong buổi cầu đồng này, đức Cao Đài đã giáng đồng và trao cho ông Trung nhiệm vụ đạo giáo trong đạo mới Ngài sẽ thành lập để cứu dân độ thế.
Ông Phủ Chiêu lúc đó được đức  Cao Đài trao cho nhiệm vụ hướng dẫn các ông Trung, Tắc và ông Cừ trên con đường đạo giáo. Nhóm Cao Đài đầu tiên hình thành từ đó.
Nhóm này được rất nhiều người tin theo và vào đầu năm Bính Dần (1926) thì đạo Cao Đài đã được rất nhiều người biết tới.
Những buổi cầu đồng càng ngày càng nhiều và được tổ chức tại nhiều nơi: Chợ Lớn, Cần Guộc, Lộc Giang, Tân Định, Thủ Đức.v..v
Cao  Đài  chính  thức  thành  lập
Với sự tổ chức cầu đồng tại nhiều  nơi, Đạo Cao Đài được bành trướng rất mạnh và rất được dân chúng hoan nghênh. Thấy đạo được tôn sùng và nhiều tín đồ, các ông Trung, Tắc, Cừ v.v.. liền nghĩ tới chuyện hợp thức hoá đạo để tránh mọi sự lôi thôi phiền phức với chính quyền.
Ngày 7 tháng 10 năm 1926 có tất cả 28 người cùng nhau làm một bản tuyên ngôn chính thức thành lập đạo đệ lên cho viên thống đốc Nam Kỳ. Đính kèm bản tuyên ngôn chính thức này có bản danh sách 247 tín đồ đủ chữ ký, có mặt tại buổi lễ chính thức hoá đạo Cao Đài.
Bản tuyên ngôn thành lập đạo Cao Đài được chính quyền Nam Kỳ tiếp nhận một cách lịch sự nghĩa là không có ý gì ngăn cản.
Đạo Cao Đài sau đó liền tổ chức những phái đoàn truyền đạo gởi tới miền Đông, miền Trung, và miền Tây Nam Việt.
Trong hai tháng đầu, có hơn 20.000 người nhập đạo, trong đó có rất nhiều các bậc đàn anh trong thôn xóm, xã.
Sự thành công này do ở sự cầu đồng linh ứng một phần và cũng do điểm đạo Cao Đài không trái với nguyên tắc Đạo giáo đang được tuân theo tại Việt Nam.

TẤN  PHONG  CHỨC  SẮC

Vào ngày 10 tháng 10 năm Bính Dần (14.11.1926) ba phái đoàn truyền đạo các nơi đều quay về chùa Từ Lâm, gần Tây Ninh để lo tổ chức ra mắt đầu tiên của đạo và đồng thời là lễ Tấn Phong các chức sắc trong đạo.
Buổi lễ được tổ chức rất long trọng trong ba ngày 14,15 và 16 tháng 10 năm Bính Dần (19,20,21 năm 1926).
Viên toàn quyền Đông Dương, viên Thống đốc Nam Kỳ và nhiều viên chức cao cấp Pháp- Nam được mời tới dự.
Qua buổi lễ long trọng này, các hàng chức sắc Cao Đài được Tấn Phong.
Ông Lê Văn Trung được tôn làm đức Giáo Tông tức là người điều khiển toàn thể Đạo Cao Đài, đứng đầu Cữu Trùng Đài
Ông Phạm Công Tắc là đức Hộ Pháp, đứng đầu Hiệp Thiên Đài, có nhiện vụ thi hành  phép tắc của Đạo
Đức Giáo Tông có các hàng chức sắc thuộc ba ngành Khổng giáo- Phật giáo- và Lão giáo phụ tá. Những chức sắc thuộc ngành Khổng giáo mặc áo đỏ, ngành Phật giáo mặc áo vàng và ngành Lão giáo mặc áo Lam.
             Ba màu tượng trưng cho ba đức tin:
           - Màu đỏ tượng trưng cho uy tín
           - Màu vàng tượng trưng cho đức hạnh
           - Màu lam tượng trưng cho bao dung
Đức Giáo Tông và ba vị chưởng pháp thuộc ngành Lão giáo mặc áo trắng.
Các nữ chức sắc cũng mặc áo trắng. Các chức sắc Cao Đài phải đi lần từ các bậc Lễ sanh,Giáo hữu, Giáo sư, rồi Phối Sư. Sau đó có công trạng mới có thể được vào các chức Tiếp, Khai, Hiển rồi Bảo ở Hiệp Thiên  Đài được.
    - Đạo Cao Đài lúc đầu lấy chùa Từ Lâm làm nơi sinh hoạt, chùa này do Hoà Thượng Giác Hải ở Chợ Gạo tạo tác nên. Hoà Thượng sau khi theo Đạo Cao Đài đã đặt chùa thuộc  quyền đạo sử dụng. Sau khi lễ ra mắt Cao Đài ít bữa, các tín đồ Phật giáo trước đây đã quyên tiền để xây dựng chùa, phản kháng việc Hoà Thượng Giác Hải đem dâng chùa cho đạo Cao Đài không lấy sự đồng ý của họ. Trước thái độ này của tín đồ Phật giáo, đạo Cao Đài liền hoàn trả lại cho đạo Phật ngôi chùa Từ Lâm. Hơn nữa, chùa này quá hẹp và đất chùa cũng không đủ rộng để có thể xây dựng một Thánh Thất khang trang  xứng với đạo.
Trong một cuộc cầu đồng các chức sắc đã được một thần linh chỉ cho nên chọn khu đất Long Thành để kiến tạo Thánh Thất.
Vào khoảng tháng 3-1927 Thánh Thất bắt đầu được hìmh thành xây dựng. Nơi đây được làm Thánh Thất vĩnh viễn cho đạo. Với Toà Thánh Thất mới, đạo càng thịnh và số tín đồ ngày một đông, có thể nói mỗi ngày có cả nghìn người xin theo đạo.
Đạo cao Đài gồm tất cả các chân lý của những cựu đạo tại Á Đông: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo./.
 (Trích:  nếp cũ Tín Ngưỡng Việt Nam  - Toan Ánh XB Hoa Đăng)

***      ***    ***

CAO ĐÀI GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ