Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

ĐẠO PHẬT VÀ ẤN ĐỘ

1- Dân tộc Ấn Độ là anh em chú bác với dân tộc tộc Ba Tư. Cả hai cùng ở phía đông biển Caspienne tiến xuống phương Nam, người Ba Tư ngừng lại trung nguyên Iran thì người Ấn Độ tiếp tục tiến, vượt sông Ấn vào bán đảo Ấn Độ. Bán đảo này hình tam giác, phía bắc là một dãy núi hiểm trở, còn ba mặt kia là biển, vì có 2 con sông lớn ở biên giới Đông và Tây (sông Ấn và sông Hằng) xứ đó gần như cô lập. Theo bờ biển có hai dãy đồi cao ngăn gió mưa từ biển thổi vào, nên miền giữa bán đảo khô, nóng lắm, và có nhièu bãi sa mạc nhỏ.
Người Ấn Độ tới bán đảo, đánh đuổi thổ dân rồi chiếm đất. Họ bỏ nghề du mục, sống về nghề nông, thương mãi không có gì phát đạt.
Do địa thế, xứ đó chia thành hàng ngàn tiểu quốc, giao thông với nhau hơi khó, nên lịch sử Ấn Độ thời xưa không có gì đáng kể: họ không bị dân tộc nào xâm lăng mà cũng không thống nhất được. Có tiểu quốc chỉ nhỏ bằng một làng mà sống yên ổn hàng thế kỷ.
Họ đã có một lối chữ viết nhưng chưa được thông dụng và kinh Vệ Đà của họ là một án văn chương có giá trị.
Xã hội chia làm nhiều giai cấp, hàng quý phái sống mơ mộng trong cung điện, hết đi săn thì hưởng thanh sắc, hàng tu hành Ba La Môn chẳng làm việc gì, chỉ tụng niệm và rất được kính trọng. Hạng binh sĩ, hạng thương nhân và nông dân, và hàng tôi tớ tuy chưa đến nỗi như hạng tiện dân, (hạng này bị các giai cấp khác khinh tởm  như ta tởm người cùi, đến nỗi không ai dám lại gần họ và cái bóng họ chiếu vào vật nào thì vật đó coi như dơ bẩn phải ném đi chứ không ai chịu mó tay vào nữa) song chắc cũng không hơn gì hạng nô lệ Hy Lạp là mấy.
Hạng tu hành Bà La Môn không có quyền hành như hạng quý phái, nhưng uy thế rất mạnh, cũng tựa như Giáo hội thời trung cổ ở Âu. Thực ra họ hành đạo để giữ chế độ giai cấp như trên hơn là để cứu nhân độ thế. Họ đặt ra rất nhiều nghi lễ, ai cũng phải theo và chỉ họ mới được làm chủ lễ, nên ai mà dám chống lại họ? Họ dạy người ta thờ thần Bà La Môn và chịu khổ hạnh để giải thoát vòng sinh tử, mà khi chết đi linh hồn được nhập với đại khối.
Giữa xã hội như vậy, một vị Phật ra đời, cũng muốn san phẳng các giai cấp.
**            **        **
2-Trong lịch sử nhân loại, hạng anh hùng có công cứu nước, hạng bác học có tài phát minh thì rất nhiều, còn hạng người nhờ đạo đức cao đẹp mà thu phục nhân tâm, cải hoá quần chúng thì rất ít, may mắn lắm được 5, 6 người. Họ không có một tấc đất mà khinh hết thảy của cải trần gian, không có một chút quyền mà vua chúa phải nể, áo quần rách rưới, thân hình tiều tuỵ, họ lang thang khắp nơi, thốt một lời là người ta chép thành kinh, vẫy một cái là người ta ùn ùn tới.
Họ đều sinh ở Châu Á, người ra đời trước hết là Moise rồi tới Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, và Giêu Su.
 (Không kể Mahomet người sáng lập ra đạo Hồi, đạo Ông không có gì sáng sủa và mới mẻ, ông dùng binh lực để truyền bá, và bắt buộc người ta phải theo).
Vị giáo chủ hiện nay được nhiều người theo nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni. Đời Ngài thật là một thiên tiểu thuyết.
Đức Thích Ca sinh vào thế kỷ VI trước Thiên Chúa giáng sinh, tại một tiểu quốc bên cạnh xứ Nepal hiện nay, dưới chân dãy núi Himalya. Thân phụ ngài là một vị quốc vương tên là Tịnh Phạn, thân mẫu ngài là Hoàng hậu Ma Gia, Thân mẫu Ngài ngoài 50 mới sinh Ngài, nên Ngài rất được cưng quý lắm.
Trong tuổi thơ ấu và thành niên, Ngài được nuôi dưỡng và dạy dỗ kỹ càng và đầy đủ mọi thú vui cũng như các môn học, bản chất Ngài rất thông minh và nhân hậu không ai bằng. Do vì muốn nối dõi tông đường và kế thế sự nghiệp Vương triều. Vua cha và Hoàng hậu quyết định cho Ngài phải lấy vợ  lúc 19 tuổi. Tuổi xuân của Ngài thật là một vườn hoa tươi đẹp đầy hương thơm và màu sắc, Ngài sống một đời vương giả giữa vàng bạc, ngọc ngà vợ đẹp con xinh, cung tầng mỹ nữ, lầu gác cung điện lúc vui trong cung lúc ra ngoài dạo cảnh, du ngoạn đó đây, sự sung sướng và tự do dường như không có một người thứ 2 bằng Ngài. Nhưng giữa chốn thanh sắc đó Ngài cảm thấy buồn, nỗi buồn mênh mông, cái buồn của một tâm hồn cao cả, nỗi buồn không phải vì bất mãn, vì chán chường, vì thất bại do ai gây ra cho Ngài, mà Ngài buồn vì muốn làm một cái gì đó giúp cho nhân loại mà chưa được. Mỗi khi Ngài buồn, thì kẻ hầu người hạ tìm đủ mọi cách để làm vui Ngài, hương lại ngát thêm, sắc lại tươi thêm,tiếng đờn ca du dương lại réo rắt thêm, nụ cười khoé mắt tình tứ lại quyến rũ thêm nhưng cái sầu của Ngài chỉ tăng mà không giảm, như cái sầu vạn cổ vậy.
Ngài thấy cuộc đời sống trong cung điện nguy nga, bên những cung nữ diễm lệ không phải là đời của Ngài, nó chỉ như “một vụ nghỉ đã kéo dài quá lắm”.
Trong khi tâm hồn Ngài khủng hoảng hoang mang như vậy thì bốn cảnh mắt thấy tai nghe làm Ngài suy nghĩ.
Một hôm, Ngài ra ngoài thành chơi, gặp một người ốm yếu, mắt lờ, tai điếc, chân chậm da nhăn, tay lòng còng, Ngài xúc động thở dài, hỏi Xa Nặc người hầu cận trung thành rằng cảnh đó như thế nào? Xa Nặc bảo: “Đường đời như vậy, ai nào thoát khỏi cảnh già, than thở làm chi? ”. Ngài chưa quên cảnh đó, luôn luôn ám ảnh trong tâm của Ngài, dạo chơi lần khác Ngài lại thấy một người bị bệnh dịch, rên la ở gốc cây, thân hình quằn quại, hai tay quào đất, miệng méo xệch, mắt trợn trừng. Lần này khiến Ngài càng xúc động hơn, nhưng Xa Nặc lại bảo: “Đường đời là vậy, ai nào thoát khỏi cảnh bệnh hoạn đâu, than thở mà chi? ”
Lại lần thứ ba, Ngài gặp một xác người chết không ai chôn cất, trương lên hôi thúi, diều quạ rỉa cắn, thú dữ xé thịt, Ngài cảm thấy đau buồn rơi lệ, Xa Nặc lại vỗ về: “Đường đời như vậy, nào có ai thoát khỏi cảnh chết bao giờ, than khóc mà chi ”.
Từ đó ba hình ảnh, già, bệnh, chết cứ lởn vởn hoài trong đầu óc Ngài, cho đến khi gặp  một nhà tu hành khổ hạnh, đăm đăm suy nghĩ để tìm chân lý, Ngài quyết chí  đi tu, thì lúc đó có tin vợ Ngài đã sanh con trai. Ngài đã chẳng vui, còn than thở:‘‘ Lại thêm một dây tình nữa phải cắt đứt ”.
Kể từ đó trong cung lại tổ chức yến tiệc linh đình để ăn mừng tin vui lần ấy, nhưng Ngài cũng chỉ gượng vui, cho đến nửa đêm, Ngài thức giấc choàng dậy “hoảng hốt bàng hoàng như một người hay tin nhà mình đang cháy ”. Ngài ngồi dậy suy nghĩ một lát, ra phòng ngoài, đánh thức Xa Nặc bảo sửa soạn xe ngựa cho Ngài đi, rồi trở vào.
Dưới ánh đèn mờ, vợ Ngài đang ngủ, con nhỏ trong tay, Ngài muốn ôm vợ vào lòng trước khi vĩnh biệt, nhưng sợ thức giấc người thân, Ngài đành lặng lẽ quay ra, qua các phòng vũ nữ, thấy mặt hoa thiêm thiếp dưới ánh trăng mờ, rồi Ngài rảo bước leo lên lưng ngựa cùng Xa Nặc tiến ra khỏi thành.
Giữa đêm khuya thanh vắng như vậy, Thái tử bảo  Xa Nặc dắt ngựa cho Ngài, Xa Nặc thắc mắc hỏi:
Trời tối nhân gian mờ mịt quá  -  Giờ nầy Thái tử định đi đâu?
           - Thái tử đáp:
Chính đời mờ mịt nên ta phải   -  Ra đi để tìm ánh đạo mầu
           -Xa Nặc hỏi:
Ngày mai sẽ có bao nhiêu người  than khóc,
Ly biệt thương Ngài nổi khổ đau.
          -Thái tử đáp:
Ta sẽ trở về khi thấy đạo -  Cứu vớt nhân gian mọi thảm sầu
Lúc đó dông tố nổi dậy trong lòng Ngài, Ngài ráng chống lại với tiếng gọi của gia đình, của phú quý vinh hoa. Sáng hôm sau, Ngài đã tới bờ sông ANô Ma, lấy gươm cắt tóc đưa cho Xa Nặc cùng áo mão mang trở về, còn một mình Ngài lang thang đi tìm đạo, hễ nghe đâu có nhà tu hành lỗi lạc nổi tiếng thì Ngài đến tham vấn học hỏi tu tập theo, đã trải qua nhiều thầy hay bạn tốt, nhưng tất cả lối tu và chí hướng của họ không làm Ngài thoả mãn ý nguyện. Thế rồi Ngài lại từ giã họ ra đi tự tu tự học.
Hồi đó, Người Ấn Độ tin rằng càng chịu khổ hạnh thì càng dễ tìm được con đường sáng. Họ coi thân thể là kẻ thù của linh hồn, xác thịt là con thú phải xiềng xích, phải hành hạ cho đến bao giờ tê mê mà không còn cảm giác nữa, Ngài cũng bắt chước họ làm theo, cùng với 5 người đệ tử vào rừng sâu nhịn đói, nhịn khát, đày đoạ thân hình, danh tiếng vang lừng, nhưng lòng Ngài vẫn buồn bã vì chưa thấy ánh đạo.       
Cho đến một hôm vì yếu quá, Ngài đang đi lảo đảo rồi té, nằm mê man trên đất, khi tỉnh lại, Ngài nhận ra rằng, cách tu ấy vô lý, và muốn suy nghĩ sáng suốt thì thân thể phải được khoẻ mạnh trước đã. Năm người bạn thấy Ngài đổi ý, bèn bỏ Ngài và xa lánh, mọi người khinh Ngài thối chí. Một mình Ngài lủi thủi trên đường mặc tiếng thị phi.
Thế rồi một lần Ngài ngồi dưới gốc cây Tất Bát La, trầm tư, trải qua 49 ngày đêm, Ngài bỗng nhiên hoát ngộ tìm thấy chân lý. Ngài đã tự giác và đắc đạo.
Sau đó Ngài đi tìm 5 người đệ tử cùng tu, để giảng đạo cho họ nghe, mới đầu mọi người đều nghi ngờ Ngài không tiếp, nhưng sau mới và gọi Ngài là Phật. Phật là một danh từ chỉ cho những người đã đắc đạo, giáng thế cứu nhân loại. Theo truyền thuyết Ấn Độ rất thịnh hành thời đó. Cứ vài trăm năm lại có một vị Phật ra đời. Vậy trước Đức Thích Ca đã có nhiều Phật và sau Ngài còn có nhiều vị khác nữa.
Trong suốt 49 năm huyết pháp độ sanh, Ngài đã đi khắp thung lũng sông Hằng giảng đạo cho mọi người, trên từ vua quan dưới đến dân dã kẻ giàu sang phú quý cho đến kẻ nghèo hèn cô quạnh, kẻ hiền lương đức độ cho đến kẻ hung tàn bạo ngược, kẻ khôn người trí kẻ ngu người dại, kẻ câm người điếc, kẻ lớn người nhỏ, kẻ khoẻ mạnh người tật nguyền bệnh hoạn tất cả đều được Ngài chỉ dạy và tu học có một đời sống tinh thần khá cao, không còn sầu khổ trong chốn thinh trần nữa, với xã hội Ấn Độ thời ấy có 96 phái ngoại đạo và 4 giai cấp chia rẽ và phân cách con người tạo cho một xã hội hỗn loạn nhiễu nhương về tinh thần lẫn vật chất. Sự ra đời và thành đạo của Ngài như một ngọn đèn sáng lớn chiếu phá hắc ám của đêm khuya, như mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm cho những đêm đông dài lạnh lẽo, sự giác ngộ và thành Phật của Ngài như quả bom lớn phá vỡ và san bằng những giai cấp bất công, những tập tục mê tín dị đoan, tất cả đều hướng về một nẻo, Chân, Thiện, Mỹ, từ đó về sau cái gương sáng lớn đó được mọi người noi theo, cái ngọn đuốc soi đường ấy người người trao nhau cho đến tận bây giờ vẫn còn sáng và cháy mãi luôn luôn làm lợi ích cho quần sanh.
Cuộc đời Ngài đã hiện diện trên cõi trần thế, tính được 80 năm, 80 sự hiện diện của Ngài là 80 bông hoa tươi thắm làm đẹp cho đời và có ích cho loài người. Ngài đã thị hiện bằng xương bằng thịt như bao con người khác và Ngài đi ra khỏi cõi trần cũng như con người đến lúc phải ra đi chứ không có gì khác. Nhưng có điều kỳ diệu thay với sự hiện diện của Ngài không có con người nào trên trái đất lại giống, Ngài sống trong vinh hoa phú quý mà không chìm đắm đam mê, sống trong nguy hiểm ngặt nghèo khó khăn mà không sờn lòng thối chí, cả cuộc đời Ngài là rừng hoa tươi đẹp dâng hiến cho đời. Và sự kết thúc đời Ngài được khép lại, Ngài để lại cho đời những lời dạy làm khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế noi theo tìm đến con đường hạnh phúc chân thật.
Với sắc thân tứ đại đến lúc phải để lại, không ai có cái thân mà không phải trải qua 4 giai đoạn thành- trụ- hoại -không, với lẽ đó Ngài thị tịch Niết Bàn vào năm 488 trước Công Nguyên.
Nhìn lại cuộc đời Ngài ta thấy những thắc mắc của Ngài cũng chính là của chúng ta, ai không buồn rầu về cảnh già, bệnh, chết, ai không có lúc muốn tìm một chân lý, một mục đích cho đời? Và khi tìm chưa được ai chẳng băn khoăn?
Vậy nhìn vào đời Ngài, ta thấy hình ảnh của chúng ta, một hình ảnh cao đẹp, rực rỡ hơn bội phần, nhưng quả là hình ảnh chúng ta, nên ta vừa kính phục vừa cảm mến. Sở dĩ Ngài có đông đệ tử có nhiều tín đồ có lẽ vì vậy.
**           **            **
3- Đạo Phật là đạo có nhiều kinh sách nhất. Người mới bước vào cái rừng kinh, sách đó cũng phải ngộp và hoang mang trước những lý thuyết rất huyền diệu, thâm sâu. Tuy nói rằng lời dạy của Phật thân sâu huyền diệu, nhưng không phải con người chỉ tin mà không hiểu được, nó rất rõ ràng giản dị và cụ thể mặc dầu sâu sắc.
Sự tra cứu của các nhà học giả, những bài thuyêt pháp của Phật đã được ghi chép lại sau khi Phật nhập diệt còn lưu lại cho đến ngày hôm nay, mà người ta xác nhận là sự thật chứ không phải do sự thêm bớt của con người đời sau.
Đức Phật Thích Ca rất dày lòng Từ bi, Ngài nói “nước mắt chúng sanh trong 3 ngàn thế giới đem dòn lại nhiều hơn nước trong 4 biển”. Sống ngày nào là khổ ngày ấy, nhưng chết đi không chắc hết khổ? Vì sau khi chết sẽ đầu thai kiếp khác, đó là thuyết luân hồi, cứ như vậy sinh rồi tử, tử rồi sinh, không bao giờ ngừng. Hành vi của ta trong kiếp này sẽ là nguyên nhân cho những việc xảy ra trong kiếp sau, đó là thuyết nghiệp báo. Nghiệp báo đó nó khốc liệt khổ hại vô cùng, không con người nào, sinh vật nào thoát khỏi. Có lẽ nổi khổ và bất hạnh ấy thôi thúc Ngài ra đi tìm con đường chân lý độ thoát chúng sanh.
Ngài nói muốn diệt nghiệp báo phải diệt cái vô minh là cái u mê, không hiểu lẽ sinh tử. Muốn hết khổ phải trừ nghiệp báo, không còn nghiệp báo thì khỏi phải luân hồi, khỏi phải vào sinh ra tử, ra khỏi vòng sinh- lão- bệnh- tử.
Từ vô minh đến sự sinh còn có 9 nguyên nhân nữa, thêm với lão, bệnh, tử thành ra là 12 nguyên nhân, mà đạo Phật gọi là “Thập nhị nguyên nhân”chính 12 điều kiện này dệt thành cái vòng luẩn quẩn mà chúng sanh đời đời kiếp kiếp không thoát ra được.
Muốn thoát ra được cái vòng ấy, phải diệt trừ vô minh, vô minh là cái nhân ban đầu để tạo ra các điều kiện kế tiếp tạo nên cái vòng sinh tử triền miên, vô minh chính là đám mây che lấp ánh sáng khiến mắt người trần không thấy được lẽ thật phải ở mãi trong vòng luân hồi. Phật dạy muốn ra khỏi cái nẻo trầm luân đó phải nương theo con đường với tám phương tiện đó là pháp tu, gọi là Bát Chánh Đạo gồm có: 1/ Chánh kiến: thấy biết chân chánh. 2/ Chánh tử duy: suy xét chân chánh. 3/ Chánh ngữ: lời nói chân chánh. 4/ Chánh nghiệp: việc làm chân chánh. 5/ Chánh mệnh: mưu sinh chân chính. 6/ Cánh tinh tấn: siêng năng chân chính. 7/ Chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8/ Chánh định: ngẫm nghĩ chân chánh (quyết định).
Thực hành trọn 8 điều này thì thấu rõ được nghĩa “vô nhân vô ngã”(không có người không có ta) phá được vô minh và đạt được cảnh giải thoát. Tức cảnh thênh thang, lâng lâng của một tâm hồn không còn gợn chút bụi trần, không vướng chút tình ái, không còn sầu khổ lo âu, không nhiễm mùi vật dục.
Đối với đạo Phật, giáo lý cơ bản chứa đựng phần tinh tuý là Tứ Diệu Đế tức là 4 sự thật. Từ 4 chân lý này chia chẽ ra các pháp tu khác được hình thành cũng đều dựa trên 4 nguyên tắc này tức là Khổ đế - Tập đế - Diệt đế - Đạo đế. Đối với khổ đế cần phải biết, với Tập đế cần phải dứt trừ, đối với Diệt đế cần phải tu, đối  Đạo đế cần phải chứng.  
Đạo Phật chủ trương rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng, dù con người hay con thú đều có quyền sống, đều có sự ham sống sợ chết, tất cả đều có sinh mệnh, đều có tính sáng suốt (Phật tánh) nhưng vì nghiệp lực có khác nhau nên ta thấy có hơn có kém. Đạo Phật kêu gọi không nên sát hại vì tất cả đều só sự sống như nhau. Đạo Phật khuyên ta tránh ác làm lành giữ tâm ý cho trong sạch, lấy Trí tuệ làm căn bản, lấy Từ bi làm chất liệu, lấy hành động làm phương châm. Phật dạy chúng ta hãy tự cường để tự giác không nương cậy ỷ lại bất cứ một thần linh nào. Khi đã tự giác rồi phải hy sinh để giác tha. Song chung quy cũng chỉ mong thoát khỏi cảnh khổ sanh già bệnh chết. Còn đời sống hiện tại chỉ tạm bợ không thật.
Sau khi Phật Thích Ca tịch diệt, các đệ tử của Ngài ghi chép lại những lời Ngài giảng dạy suốt 49 năm thành kinh điển, gồm có 3 phần gọi là Kinh-Luật- Luận gọi là Tam Tạng. Ấn Độ thời ấy, giai cấp nông dân thường bị giai cấp Bà La Môn và giai cấp quý phái tức vua quan áp bức, nên sau khi Phật thành đạo Ngài tuyên báo không có giai cấp khi mọi người máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, đây là lời nói đầu tiên được tuyên bố sự bình đẳng con người trên trái đất, xóa bỏ được giai cấp tức phá huỷ được cái thành trì kiên cố đã mấy ngàn năm giam hãm số phận con người sống trong bất hạnh khổ nhục, nay được giải toả nên mọi người tìm đến Phật rất đông. Tuy vậy áp lực cuả Bà La Môn giáo mới đầu cũng quyết liệt nhưng rồi dần dần được đức Phật thuần hoá trở thành đệ tử Phật thuần thành và đắc lực trợ giúp Phật tuyên dương chánh pháp suốt 49 năm và kéo dài cho đến ngày nay. Tuy rằng có sự ngăn cản của đạo Bà La Môn, nhưng sự phát triển của đạo Phật khá mau, không những trên lãnh thổ đất Ấn mà còn lan ra các nước phía nam như Thái Lan, Cao Miên, Tích Lan, Miến Điện, Nam Dương - Phía bắc như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam rất mạnh có thể hơn Ấn Độ.
Giáo lý đạo Phật chia làm hai hệ thống: Nam Tạng và Bắc Tạng.
Về triết lý Bắc Tạng gọi là đại thừa, quan niệm về vũ trụ nhân sinh như là ảo ảnh, cảnh mộng không có gì thực thể cả, cho đến cái bản thể con người, cái mà ta xưng là “ta”gọi là “ngã”của ta cũng không có thực vậy. Nhân đó sinh ra những thuyết về “sắc không”, về “vô ngã”.
Về luân lý đại thừa chú trọng lấy Từ bi làm cơ bản khác với tư tưởng Nam Tạng lúc đầu lấy giải thoát làm cứu cánh, lấy Từ bi làm phương tiện, còn đại thừa lấy Từ bi làm mục đích. Tuy trên phương diện thời gian về sự hình thành hệ thống giáo lý của Phật ta lấy chia ra có 2 phần, nhưng trong thực tế của nó chỉ có một, như một cái cây nó phải đủ gốc rễ thân cây và cành lá, hệ thống giáo lý nhà Phật cũng như vậy. Tuy có khác nhau giữa ban đầu và cuối nhưng trước sau đều có cùng một chất liệu là giác ngộ giải thoát và độ sanh, như nước 4 biển tuy nhiều nhưng cùng một vị mặn, đạo Phật cũng thế có một vị chung dù đại thừa hay tiểu thừa cũng cùng chung một vị đó là vị giải thoát mà thôi.
Đạo Phật vốn là một hệ thống triết lý hơn là một tôn giáo. Đức Phật không muốn ai phải ca ngợi Ngài và lệ thuộc nơi Ngài, và Ngài cũng không cổ xuý phải nương tựa thần linh nào khác mà Ngài dạy tất cả mọi người hãy tự coi mình là hải đảo duy nhất, tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Đạo Phật càng về sau sự truyền thừa có nhiều sai khác, có nhiều lý do bởi những pha trộn với các phong tục tập quán, bởi những lý thuyết ngoại đạo, cùng với những người lấy đạo Phật làm chỗ nương tựa cho đời mình hơn là mục đích giải thoát độ sanh không vì sự tồn vong của đạo. Chính vì thế đạo Phật càng ngày mang nhiều màu sắc mê tín dị đoan hơn là chánh tín. Cơ sở Phật đạo ngày càng nhiều tín đồ càng đông mà mà sự thực học chân tu lại càng ít khiến đạo Phật tăng phần số lượng mà giảm phần chất khiến cho những người đến với đạo Phật hoang mang đứng trước con đường nhiều nẻo không biết mình nên đi về đâu cho đúng đích.
Tuy nhiên, đạo Phật dù có sai lạc tới bực nào, đạo Phật vẫn là một đạo Từ bi, không ganh với đạo khác, không lấy sức mạnh uy quyền để đưa người vào đạo, không dụ dỗ, không dùng mưu hay chước khéo để rủ rê người tin đạo mà đạo Phật lấy trí tuệ để xét đoán và hướng dẫn người đến với đạo bằng con đương chánh kiến. Trong đạo Phật cũng có một sự tổ chức song so với các tổ chức đạo khác thì có phần đơn giản hơn nhiều. Đạo Phật đã trải qua nhiều thời đại, nhiều chế độ vua quan chính trị, có thời được tôn sùng kính ngưỡng, lại cũng lắm lúc gặp những thời đại vua quan bạc đãi hành hạ tiêu diệt. Tuy vậy mà đạo Phật không bao giờ ta thấy gây chiến với ai cả. Chỉ có bấy nhiêu cũng đã đủ cho ta hết lòng kính phục đạo Phật cao thượng biết chừng nào rồi./.

Dựa theoLịch sử Thế Giới- Nguyễn Hiến Lê -Thiên Giang

ĐẠO PHẬT VÀ ẤN ĐỘ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét