Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

THONG DONG TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN

THONG DONG TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN

          Sakyong Mipham Rinpoche nói rằng tâm chúng ta giống như mặt đất khô cằn lâu ngày không được tưới nước. Khi thực hành thiền định, chúng ta bắt đầu tưới nước. Khi thực hành thiền định, chúng ta bắt đầu tưới nước, cày bừa để chúng ta có thể vun trồng cái tâm giác ngộ.

          Phật giáo mênh mông vô cùng. Ở một thời điểm nào đó bạn có thể nghĩ là bạn hiểu được Phật pháp, nhưng thực tế những lời Phật dạy là vô tận.Cho dù bạn là Bồ tát ở tầng thứ năm (ngũ địa Bồ tát), thì người ở tầng thứ tám (bát địa) vẫn hiểu biết nhiều nhơn. Phật pháp giống như một hòn núi lớn mà chúng ta leo lên chậm chạp, từng bước một. Nhưng mỗi bước là sâu sắc; mỗi bước là diệu kỳ.

          Người ta thường nói thực hành Chánh pháp giống như  đi qua một màn sương dày đặc. Nó từ từ, từ từ thấm vào xương cốt chúng ta; Nó thấm vào nhân cách của ta. Người ta thường nghĩ đến chuyện giác ngộ như là một sự biến đổi đột ngột, giống như cái bóng đèn giây phút trước thì tắt, giây phút sau thì bật sáng:  Thái tử Tất đạt-đa ngồi thiền dưới gốc cây, bạn bật đèn lên và Ngài tỉnh dậy thành Phật. Nhưng sự giác ngộ của Ngài không phải là một chuyện xảy ra đột ngột; Ngài trải qua một quá trình. Ngài thực sự đã tịnh hóa và biến đổi bản thân mình.

          Nhiều người nghĩ rằng thiền định có nghĩa là không suy nghĩ. Càng ít suy nghĩ thì thiền định càng tốt. Nhưng thiền định thực sự là việc thay đổi quan niệm của chúng ta về thế giới. Đó là một điều cực khó, bởi vì chúng ta muốn đi theo con đường để đạt đến quả vị Phật nhưng rốt cục ta trở thành con người như ta đã là trước đây. Chúng ta suy nghĩ, “ Tôi sẽ được giác ngộ và tôi sẽ vẫn là tôi. Tôi sẽ có được mọi thứ tốt lành”. Không một ai trong chúng ta nghĩ rằng “Có thể tôi sẽ hoàn toàn thay đổi. Có thể quá trình tôi dấn thân với đời sẽ khác đến nỗi tôi thậm chí sẽ không nhận ra tôi”

          Thiền định giúp chúng ta làm một việc đặc biệt: thay đổi. Thiền định thay đổi cách ta ứng xử với thế giới- đó là lý do tại sao chúng ta thực hành suy ngẫm. Có nghĩa là chúng ta đang tự cải tạo mình- không phải theo ý nghĩa tâm linh bí hiểm, nhưng chỉ là như những con người. Thiền định là việc tu tập để thực sự trở thành con người. Chúng ta trở nên con người đàng hoàng, hữu dụng. Chúng ta đã bắt được chính chúng ta, cái ta sống theo tập tính, và chúng ta bắt đầu thay đổi cách chúng ta nhìn mọi sự.

          Trong thiền định, chúng ta bắt đầu hiểu biết về chính chúng ta như những con người căn bản, và khi chúng ta hiểu biết về chính mình, chúng ta hiểu biết cách thay đổi. Tâm chúng ta như đất khô cứng, lâu ngày không được tưới nước. Đất đó không thể cung cấp chất dinh dưỡng cho bất kỳ thứ gì. Thứ gì trồng trên đó cũng chết, không gì mọc lên được. Là những người thực hành thiền định, chúng ta bắt đầu tưới nước, cày bừa cái tâm của chúng ta để có thể trồng một thứ: đó là cái tâm giác ngộ. Chúng ta đang cố gắng thay đổi.

          Tâm giác ngộ là Bồ đề tâm. Có nghĩa là ta tự nhiên và không ngừng nghĩ đến lợi lạc của người khác. Chúng ta có thể hỏi xem tâm của chúng ta có như vậy không. Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng sớm mai, có phải cảm giác đầu tiên là cảm giác ấm áp nghĩ về người khác và nghĩ về cách chúng ta có thể mang lại lợi lạc cho người khác? Có thể có chuyện như vậy. Nhưng thông thường chúng ta nghĩ về chính mình. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đi từ việc nghĩ về chính mình đến việc nghĩ về lợi lạc cho người khác?

          Thiền chánh niệm hay thiền chỉ quán (shamatha) tạo ra một cái tâm có thể ổn định được. Khi chúng ta đang thực hành tâm linh, chúng ta cần phải có một cái tâm có thể ở yên trong khoảnh khắc đó, ở yên trong tình huống đó đủ lâu để hấp thu và thấu hiểu. Chẳng hạn như nếu chúng ta nói, “Cầu mong cho tất cả chúng hữu tình hết khổ đau và cầu mong mọi chúng sanh hưởng được hạnh phúc”, cái tâm suy ngẫm về điều này phải có thể trụ lại trong không gian từ bi đủ lâu để được thay đổi thật sự. Nếu cái tâm không thể trụ lại ở đó, bồ đề tâm sẽ không bao giờ phát triển, nó sẽ không bao giờ bén rễ.

          Người ta nói có năm hình thái của tâm luôn hiện hữu, bất kể chúng ta đang làm gì. Một trong những hình thái đó là chánh niệm. Chánh niệm là hình thái của cái tâm quy ước- cái tâm chúng ta hiện đang có bây giờ- nó trụ vào một cái gì . Đó là khả năng của tâm dừng lại đủ lâu trên một cái tách khiến cho bàn tay ta cầm cái tách lên. Nó là khả năng lưu giữ một hình ảnh trong trí của chúng ta hay là trụ lại ở một địa điểm đủ lâu để hiểu được những gì đang xảy ra.

          Trong thực hành chánh niệm, chúng ta đang học cách mở rộng chính cái tính chất cơ bản này của tâm. Kế hoạch luyện tâm theo cách này rất giống với cách ta đối xử với trẻ con: Khi chúng ta đang dạy chúng những gì phải làm, chúng ta phải nhắc nhở chúng, nhắc đi nhắc lại. Chúng ta rèn luyên tâm theo cách tương tự- phải cố gắng không ngừng làm cho tâm ổn định trở lại, làm đi làm lại.

          Ở điểm nầy, chúng ta thật sự không phải đang nói về Phật giáo. Những văn bản đầu tiên về chánh niệm xuất phát từ một truyền thống thiền định đã có mặt tại Ấn Độ trước thời của Đức Phật. Những giáo lý này được kết hợp vào Phật giáo bởi vì người ta hiểu rằng nếu bạn muốn rèn luyện về mặt tâm linh thì điều đầu tiên bạn cần là thực hành thiền định để ổn định cái tâm của bạn.

          Điều gì cản trở chánh niệm và sự phát triển cái tâm định ? Trong quá trình thiền định chúng ta bắt đầu thấy rằng tâm không ngừng chuyển động. Nếu chúng ta quan sát cái tâm của chúng ta, chúng ta thấy nó luôn ở trong trạng thái hỗn loạn - không nhất thiết là lúc nào cũng lăng xăng vọng động, nhưng luôn chuyển động như những đợt sóng trên đại dương. Chúng ta nhìn thấy sự chuyển động này như là những ý nghĩ của chúng ta.

          Khi chúng ta thực hành thiền chánh niệm, chúng ta biết nhận ra chuyển động này của tâm và biết chia tách nhiều cấp độ của ý nghĩ. Chúng ta làm việc này bằng cách dùng hơi thở thay đối tượng khác của thiền định để có được cái nhìn về những gì đang xảy ra. Khi chánh niệm được ổn định cùng với hơi thở, chúng ta ở vào trong khoảnh khắc tức thì và cái ý thức ở ngay tại đó. Ngay khi chúng ta thoát ra và bắt đầu nghĩ về một điều gì khác, ý thức sẽ mang chúng ta trở lại.

          Theo một câu nói thiền nổi tiếng, mang đạo Phật đến với một nền văn hóa khác thì chúng cũng giống như đem một cành hoa đến và cắm nó kế bên một tảng đá. Hy vọng cành hoa sẽ bám rễ. Nhưng phải mất một thời gian dài. Tâm cũng chúng ta cũng giống như tảng đá, và Phật pháp là cành hoa đẹp. Phải mất bao lâu cành hoa này mới bám rễ nơi chúng ta?

          Sự thay đổi sẽ không xảy ra tức thì, nó là một quá trình tiến triển tự nhiên và phải mất thời gian. Bạn càng học nhiều giáo lý mà người ta gọi là giáo lý bậc cao, bạn càng hiểu rõ sự quan trọng của lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn có nghĩa là ứng xử một cách thực sự với từng loại tình huống trong cuộc sống của chúng ta. Khi mỗi ý tưởng hay tình huống xuất hiện, chúng ta có thể chậm lại và bắt đầu tự huấn luyện chính mình, từng chút một. Có điều nghịch lý là cách nhanh chóng để hiểu bản chất lớn lao của tâm là có được sự kiên nhẫn trần tục này. Chúng ta không hài lòng với chứng loạn thần kinh chức năng của chúng ta, nhưng chúng ta hài lòng rằng chúng ta sẽ đi thong dong trên con đường thiền theo tốc độ mà chúng ta thấy phù hợp .

(Sakyong Mipham Rinpoche - Nguyễn Văn Nghệ dịch -  trích VHPG số 214- 1-12-2014)

]


THONG DONG TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét