Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

SỰ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT

 

SỰ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT

           Từ khi phát tâm tu tập đến thành Chánh giác, Đức Phật phải trải qua các giai đoạn khó khăn cả thể xác lẫn tâm hồn mới đạt được quả vị Phật.  

          Lộ trình tu hành của Phật là một tấm gương sáng để cho người đời sau noi gương theo mà tu tập để đạt đến quả vị chân thật vô sanh bất tử. Đức Phật đã trải qua hai giai đoạn khó khăn nhất mới thành tựu được quả vị Vô thượng Bồ đề, đối với con người tầm thường như chúng ta khó mà vượt qua được. Đó là  xa lìa dục lạc và kiên trì nhẫn nại là hai giai đoạn rất khó mà Phật đã vượt qua được.

1/ Xa lìa dục lạc:  Đức Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, cung phi mỹ nữ, ăn ngon, mặc đẹp, địa vị cao sang. Vì sao đức Phật từ bỏ những thứ mà người đời mơ ước không thôi. Vì đức Phật quán xét nhận thấy, các dục lạc ở trên đều là đầu mối đau khổ cho bản thân mình và mọi người. Các dục là vô thường, là bất tịnh, là không chân thật, là giả tạm không bền, vì thế Đức Phật từ bỏ một cách dứt khoát không một chút lưu luyến. Với cái nhìn tuệ giác cùng với lòng đại bi vô lượng muốn tìm phương cứu khoát vòng dục lạc đau khổ cho chúng sanh. Vì thế đức Phật quyết chí đi tầm sư học đạo dù có khó khăn Ngài vẫn không bỏ cuộc.

2/ Kiên trì nhẫn nại:  Sự thành công thứ hai của Phật là kiên trì nhẫn nại để vượt qua gian lao cực khổ trong suốt 6 năm tầm sư học đạo. Ngài chỉ một mình một ngựa, trên thân khoát một chiếc áo nâu sồng, đầu trần chân đất, dấn thân trên con đường sỏi đá, vượt qua suối đèo. Nghe đâu có vị đạo sĩ nổi danh Ngài đến đó tầm sư học đạo. Ngài đã đến vị đạo sĩ  nổi tiếng là  Alala Kalam, vị đạo sĩ này đã tu chứng được định Vô hữu xứ định. Trong thời gian ngắn tu tập với vị đạo sĩ này, Ngài đã chứng được quả vị này như vị thầy của mình. Nhưng Ngài thấy rằng quả vị chứng đắc này chưa thực sự giải thoát. Nên Ngài liền từ giả vị thầy  Alala Kalam nầy đi đến vị đạo sĩ khác tên là Uất Đầu Lam Phất. Vị đạo sĩ này đã chứng đắc quả vị Phi tưởng phi phi tưởng định, cũng chỉ trong thời gian ngắn Ngài đã chứng đắc được quả vị này. Nhưng quả vị này Ngài nhận thấy còn nằm trong vòng sanh tử nên Ngài lại từ giả ra đi. Ngài tìm đến Khổ hạnh lâm cùng với 5 anh em Kiều Trần Như tu tập. Qua 6 năm trường nơi núi tuyết tu khổ hạnh, đến nổi thân thể chỉ còn da bọc xương, sức lực cạn kiệt. Lúc bấy giờ Ngài nhận định rằng, con đường tu khổ hạnh không đem lại kết quả, là lối tu lầm lẫn, rồi Ngài rời bỏ 5 anh em đồng tu ra đi tự tìm cho mình lối tu khác.

           Ngài đến gốc cây Bồ đề lấy cỏ trải tòa làm chỗ ngồi, và phát nguyện rằng: “Nếu không thành đạo, thì dù xương tan thịt nát cũng không rời khỏi chỗ này”. Sau khi nhận bát sữa của tín nữ Sujatu  và ăn uống lại bình thường. Ngài xuống sông Ni Liên thiền tắm rửa thân hình sạch sẻ, rồi quyết chí tu tập thiền định trong 49 ngày đêm, Ngài đã chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi chiến thắng nội ma và ngoại ma.  Sáu năm khổ hạnh, 5 năm tầm sư học đạo, công phu tu tập nhọc nhằn Ngài đã chứng được chân lý giải thoát cho nhân sinh thoát khỏi ngục tù tam giới, sanh, lão, bệnh, tử.

          Sự kiện thành đạo của Đức Phật đã khai sáng cho nhân loại con đường chân lý, 1000 năm về trước cho đến 1000 về sau vẫn còn sáng ngời. Nhân loại từ đây sống trong nguồn Từ bi, Trí tuệ, biết yêu thương, định tĩnh và sáng suốt hơn trước cạm bẫy cuộc đời đầy rẫy tham, sân, si, hận thù.

          Từ đó Ngài mở ra con đường giải thoát không của riêng cho ai. Ngài tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Nếu ai đi đúng lộ trình sẽ giải thoát.

          Chúng sanh bị sanh tử luân hồi là do Nghiệp dẫn dắt ràng buộc, nên không thể giải thoát được. Muốn giải thoát phải chấm dứt Nghiệp thì ra khỏi khổ đau sanh tử. Muốn thoát khổ phải tìm ra nguyên nhân của nó. Nguyên nhân tạo nên Nghiệp là Tham ái và chấp thủ. Chấm dứt tham ái và chấp thủ thì giải thoát được Nghiệp thì ra khỏi khổ đau.

          Khổ đau thì ai cũng có, nhưng biết cách đoạn tận khổ đau thì chỉ có những người học và hành theo lời Phật dạy mới được mà thôi. Muốn được như vậy phải noi gương chí nguyện cao cả của phật. Noi gương thành tựu quả vị giác ngộ của Phật, theo dấu chân của Ngài mà tu tập chuyển hóa nội tâm. Thứ đến phải chiến thắng những thói hư tật xấu của mình. Dùng trí tuệ để thấu rõ các pháp, dùng trí tuệ để phân biệt đúng sai, chánh tà, thiện ác. Và gia công thực hành không thối thất.

          Đạo Phật có 5 điều mà các đạo khác không có đó là: 1/ Nhân đạo. 2/ Trí tuệ, 3/ Khoa học, 4/ Thực tiễn. 5/ Bình đẳng.

1/ Nhân đạo: Đạo Phật chủ trương hướng đến nhân đạo, hướng con người sống hòa bình thân thiện, giác ngộ chân thiện mỹ. Không đối đầu, không chủ trương phát động chiến tranh, không xúi dục mọi người đấu tranh, bạo loạn. Đạo Phật không khuyến khích sát sanh dưới bất cứ hình thức nào. Đạo Phật tôn trọng sự sống và bảo vệ sự sống của bất cứ chúng sanh nào.

          2/ Trí tuệ: Trí tuệ của Phật siêu phàm, Phật là vị toàn năng toàn giác, các nhà khoa học, vật lý đều công nhận, lời của Phật nói không chống trái với khoa học.

3/ Khoa học: Được giới trí thức khoa học đã chứng minh lời Phật nói đều hợp với khoa học, đạo Phật còn đi trước khoa học. Trong các kinh Đại thừa Phật nói ngoài trái đất chúng ta đang sinh sống còn có vô số các thế giới, và các đời sống chúng sanh khác, hay trong một bát nước có tám vạn bốn ngàn con vi trùng.  Đức Phật đã nói quy luật Nhân quả, ngày nay giới khoa học đều dựa trên quy luật Nhân quả mà phát minh ra các máy móc làm thăng tiến cho nền khoa học. Điều này chứng tỏ rằng đạo Phật rất khoa học mà còn vượt lên trên khoa học.

4/ Thực tiễn:  Giáo Pháp đức Phật nói ra trải qua trên 2600 năm nay vẫn còn nguyên giá trị đối với cuộc sống thực tế của con người. Những lời Phật dạy làm kim chỉ nam cho giới khoa học và trí thức để phát triển kho tàng trí tuệ của nhân loại. Lời Phật dạy giúp cho người quản lý xã hội đi đúng với quy luật an ninh trật tự của con người; giúp con người không mê tín dị đoan, tiết kiệm được vật chất và thời gian, giúp cho con người tiến bộ hơn.

5/ Bình đẳng: Việc tu tập trong xã hội rất bình đẳng và phổ thông ai ai cũng có thể tu tập, từ vua quan đến thứ dân dã, già cả trai gái đều tu tập được. Việc tu tập không ảnh hưởng công việc làm ăn, không làm mất an ninh trật tự xã hội.

          Người học Phật có ba cách tạo phước đó là Tài thí, Pháp thì và vô úy thí.

a/ Tài thí là dùng của cải vật chất cúng dường bố thí cho những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Thuộc về vật chất.

b/ Pháp thí, pháp thí là loại thí cúng dường có hiệu quả nhất, là đem sự hiểu biết của mình về Phật pháp chia sẻ đến những người khác chưa biết về Phật pháp. Từ đó họ biết Phật pháp tu tập ra khỏi con đường khổ đau. Pháp thí có pháp thế gian và xuất thế gian, pháp thế gian là sự hiểu biết về nghề nghiệp và sự ứng xử trong cuộc sống, pháp xuất thế gian là Phập pháp tu tập ra khỏi sanh tử phiền não khổ đau.

c/ Vô úy thí, người tu tập sẽ đem lại niềm vui , sự an lạc cho chúng sanh, giúp cho chúng sanh có nghị lực trong cuộc sống. Khi học hỏi Phật pháp họ giác ngộ có nghị lực, có tự tin, có sự thanh tịnh cuộc sống trở nên an lạc hạnh phúc.

           Ba cách tu tập tạo phước  giúp mình và người cùng đi trên con đường tĩnh thức ra khỏi khổ đau sống đời an lạc hiện tại và mai sau./.

                                                          ]

SỰ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét