Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

LONG VỊ - LINH VỊ

 

LONG VỊ - LINH VỊ

           Chư Tăng Ni sau khi viên tịch, trên bàn thờ có để thờ cái Long vị, còn người đời thờ cái Linh vị. Long vị, vì người ta hay khắc hình con rồng trên bài vị nên gọi là Long vị, vừa trang nghiêm vừa tôn quý nên dùng hình con rồng khắc trên bài vị, và cũng để khác biệt với Linh vị người thế tục. (còn ý nghĩa nào nữa thì chưa tham khảo).

          Long vị và Linh vị nội dung giống nhau, nhưng Long vị người xuất gia có khác hơn một chút là ghi tông môn pháp phái đời thứ mấy, phẩm vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Sa di…và chức vị trụ trì nếu có.

          Còn giống nhau Họ và tên thế tục, năm sinh và năm mất, có khi để địa danh chỗ ở.   Long vị và Linh vị nó gần giống nội dung thẻ Chứng minh Nhân dân hay thẻ Căn Cước Công dân của người còn sống vậy.

           Người làm Long vị và Linh vị nếu không hiểu sẽ hay lẫn lộn cách trình bày nội dung trong bài vị của người Việt và người Trung Quốc mà ít ai để ý. Vô tình chúng ta biến người Việt thành người Trung Quốc và hương linh ông bà biến thành hương linh người Trung Quốc, vô hình chung chúng ta đồng hóa văn hóa con người Việt thành văn hóa và con người Trung Quốc.

          - Long vị: Nên đề PHỤNG VÌ: LÂM TẾ TÔNG, ĐỜI 43 TRUNG QUỐC, ĐỜI THỨ 9 LIỄU QUÁN VIỆT NAM.

          Nếu đề Lâm Tế Chánh tông, thì không thực, vì đã trải qua bao đời phân phái còn đâu chánh nữa. Hơn nữa Lâm Tế tông nay phần đông chuyển sang Tịnh Độ tông, hoặc Thiền Tịnh song tông nên cũng không còn chánh tông nữa.

          Vì thế chỉ đề: LÂM TẾ TÔNG. Không để chữ CHÁNH

          Tổ Liễu Quán là người Việt Nam được truyền pháp từ Tông phái Lâm Tế Trung Quốc. Nên để cả hai Tổ để phân biệt vị Hòa thượng hay Thượng tọa…đã viên tịch là người gốc Việt Nam. Nếu để Lâm Tế Chánh tông thì người sau hay người Trung Quốc họ đọc họ sẽ nói đây là vị tu sĩ Phật giáo người Trung Quốc trụ trì chùa này. Vô tình chúng ta mở rộng văn hóa và địa phận Việt Nam thành Trung Quốc. Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc các nước lân cận luôn chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ xưa đến nay. Một nước mà mất văn hóa đồng như mất nước, hoặc là chư hầu của nước đó.

          TỲ KHEO BỒ TÁT GIỚI  húy thượng NGUYÊN hạ… TỰ… HIỆU… GIÁC LINH TÒA.

      Ví dụ câu trên: Tỳ kheo Bồ Tát giới húy thượng Nguyên hạ Bổn, Tự Thanh Tịnh, Hiệu Quang Phúc chi Giác linh tòa. Tức là Vị này Giới phẩm Tỳ kheo Bồ tát, thuộc hệ phái Bắc tông (Bên Bắc tông thọ Tỳ Kheo xong sau đó thọ tiếp giới Bồ tát, nếu không thọ Bồ tát giới công năng độ sanh sẽ hạn chế vì thế phần đông ở Bắc tông đều thọ Tỳ kheo giới và Bồ tát giới luôn một lần. Còn Phật giáo Nam tông không có giới Bồ tát).

           Câu kệ truyền pháp của Tổ Liễu Quán bắt đầu từ câu: Tâm Nguyên, Quảng, Nhuận, Đức Bổn Từ Phong.

          Vị Tỳ kheo nay pháp danh là Nguyên nên chữ đầu để là (thượng) Nguyên, chữ sau (hạ) Bổn, tức là Nguyên Bổn, là cách tôn xưng của người sống với người mất, như người đời họ không xưng tên tộc của cha và mẹ mà xưng bằng tên con đầu lòng của người đó.

          Người xuất gia mới đầu tập sự hành điệu bổn sư ban cho cái tên trong đạo gọi là Pháp danh, là tên trong Phật pháp, sau thọ Sa di bổn sư cho pháp Tự, qua thời gian tu tập một năm hay hai năm hoặc nhiều năm bổn sư thấy chửng chạc đủ khả năng lãnh thọ Đại giới, bổn sư cho thọ Tỳ kheo, ban tiếp pháp hiệu. Như vậy người xuất gia ngoài tên đời cha mẹ đặt cho, vào trong đạo thầy bổn sư, hay y chỉ sư ban cho ba tên pháp nữa: Pháp danh, Pháp tự và pháp hiệu.

 LINH VỊ NGƯỜI THẾ TỤC:

Giác linh hay Hương linh đều là tên đặt cho người chết để phân biệt với người còn sống. Giác linh là chỉ cho người giác ngộ được cuộc đời xuất gia tu học cầu sự giác ngộ, nên sau khi chết gọi là Giác linh. Còn những vị thọ Sa di, hay Thập Thiện và Bồ tát giới, sau khi chết gọi là Chơn linh. Chơn là chơn chánh, là người đã hướng đến con đường chân chánh tu tập cầu giải thoát, ra khỏi đường mê, đường tà nên gọi là Chơn linh. Còn ngoài ra thọ 5 giới gọi là Hương linh, còn người chưa thọ 5 giới gọi là Vong linh. Tuy vậy hương linh và vong linh nhiều lúc cũng dùng chung một từ.

           Người làm linh vị thường hay để địa danh trước họ tên người mất ví như: Kinh Triệu Quận Nguyễn Văn A hay Vĩnh Xuyên Quận Lê Thị B .v.v..

           Kinh Triệu Quận hay Vĩnh Xuyên Quận v.v.. là địa danh của khu vực từng họ tộc người Trung Quốc ngày xưa, ngày nay Trung Quốc cũng không còn cách sinh hoạt như xưa nữa, nên cũng không cần để. Hơn nữa ta là dân Việt Nam mà để địa danh khu vực ở Trung Quốc thì không hợp lệ.

          Chỉ đề Phụng vì Hiển khảo, Hiển Tỷ… Nguyễn Văn A chi linh vị, nếu có pháp danh để pháp danh sau họ và tên. Người cha sau khi mất xưng là Hiển khảo, người mẹ xưng là Hiển Tỷ.

          Bàn thờ người sau khi mất, các dịch vụ mai táng hay trang trí trên bàn thờ hai chữ TRUNG TÍN và TRINH THUẬN. Cách thờ hai chữ này ngày nay không phù hợp cho người Trung Quốc cả Việt Nam.  Vì hiện nay cả hai nước thuộc chế độ chính quyền Chủ Nghĩa Xã Hội, không còn chế độ vua quan phong kiến nữa. Nên tư tưởng Tam Cương, Ngũ Thường, Công Dung Ngôn Hạnh không còn phù hợp nữa. Không còn Trung hay Hiếu nữa ngày nay những tư tưởng ấy không còn áp dụng trong cuộc sống nữa.

          Mà chỉ để Hiền Mẫu, Hiền Phụ, hay Hiền thê v.v..

Vã lại người làm dịch vụ mai táng, những em bé trai hay gái mất cũng để thờ Trung tín và Trinh thuận lại càng bất cập nữa, với tuổi chưa dậy thì, thì Trung tín và Trinh thuận lại càng không phù hợp nữa. Hơn nữa chúng ta là người Việt mà thờ chữ Hán, chữ Nho, chẳng ai đọc được, nhiều lúc treo ngược cái chữ cũng không ai biết chữ treo ngược,  thờ như vậy không có ý nghĩa gì. Thế mà nhà nhà đều y như vậy xưa nay.

          Linh vị là miếng giấy, hay bản gỗ ghi tên người mất để con cháu biết ngày tháng năm mất mà làm tuần tự và giỗ kỵ cho dễ nhớ thôi, chứ không có gì linh thiêng hay khó hiểu, thế mà xưa nay ai ai cũng đặt nặng các việc như trên./.

]

LONG VỊ - LINH VỊ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét