Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

VẠN PHẬT KỲ DUYÊN

 

VẠN PHẬT KỲ DUYÊN

          Nguyên vùng đất để thành lập “Vạn Phật Thành” là vùng đất không có nguồn nước, vì vậy bệnh viện cũ trước đây 40 năm đều phải nương vào hệ thống cung cấp nước. Mấy mươi năm gần đây dù chính phủ có mời chuyên gia đào giếng đến, để khảo sát tìm nguồn nước, nhưng tất cả họ đều tuyên bố: Đất này không có nguồn nước!

          Cho nên khu bệnh viện này mới kêu bán, Hòa thượng Tuyên Hóa mới mua được bệnh viện và đổi thành “Vạn Phật Thành”, xong Trưởng lão đã mời chuyên gia đào giếng đến ngài chỉ tay đại một chỗ và nói:

- Ở đây nè, hãy đào đi!

          Công ty đào giếng vâng lời, đem ống sắt cắm xuống, khoan nhưng trong lòng họ bán tín bán nghi. Lúc đó ông Phùng Bồi Đức mới đến Vạn Phật Thành, thì đã rất khuya, nên ông hoàn toàn không biết đến chuyện chùa mời thợ đào giếng đến.

          Tính ông không có ngủ nhiều, nên trong lúc tĩnh tọa ông bỗng nghe được dưới đất có tiếng nước chảy róc rách, trong lòng rất lấy làm lạ. Thế ngay trong tĩnh tọa ông đã quan sát kỹ và nhìn thấy rõ ràng hoạt cảnh: Có đám thợ đang đào giếng sâu đến 40 thước rồi, nhưng chưa thấy có nước.

          Ông nhìn sâu hơn 20 thước nữa… thì thấy có chút nước nhưng chưa thể xài được, ông phát hiện tầng này có đất sét, cát đá tạp, lại có toàn đá cứng và vân thạch… Ông tiếp tục nhìn xuyên qua tầng này, thăm dò 200 mét nữa thì thấy bắt đầu có cát đất, dự biết: Nếu tiếp tục đào xuống nữa thì mới có nước.

          Ông cảm thấy hiếu kỳ, nên tiếp tục nhìn sâu hơn: Phát hiện ra sâu khoảng 240 mét thì có một đầm nước to sâu nhìn không thấy đáy, mà con nước uốn khúc như giòng sông, chảy ra phía sau núi ăn thông cùng hồ trên đỉnh núi, ngay đây ông cảm giác như nữa mê nữa tỉnh, thấy rất thực mà cũng giống cảnh mộng.

          Và trong định tâm ông thấy nhiều chuyện lạ mà sáng ra mọi việc xảy ra đều y như vậy. Nội trong một ngày mà ông thấy nhiều cảnh lạ. Có vị sư người Mỹ đến thăm ông và trò chuyện, nhân đó ông hỏi thăm: Hình như chùa đang mời thợ đào giếng, có phải không?

Rồi ông thuật lại tỉ mỉ hình ảnh ông nhìn thấy, vị sư Hằng Quang vô cùng  ngạc nhiên, vội kêu xe chở ông đến chỗ đào giếng và bàn với viên kỹ sư đang nổ máy đào. Ông kỹ sư nói chỗ này đào xuống 20 mét thấy có chút đất bùn, nhưng không có nước, ngó bộ ông có ý muốn bỏ cuộc.

Ông vội đem toàn bộ những gì ông đã nhìn thấy mô tả cho viên kỹ sư nghe, còn khuyên ông chớ nên bỏ cuộc nửa chừng.

Viên kỹ sư cùng ông tranh luận một hồi lâu. Viên kỹ sư nói đất này mấy mươi năm nay chưa từng có ai thăm dò và xác nhận là có nguồn nước, vậy nước đâu mà có chứ? Chẳng phải có biết bao nhiêu nhà địa chất học đã từng tuyên bố là: Đất này tuyệt không có nguồn nước hay sao? Rồi ông viện dẫn đủ lý do để chứng mình mình bỏ cuộc là có lý…

Ông dốc hết sức thuyết phục, động viên hứa hẹn…Ông đưa tay chỉ xuống đất, mô tả tỉ mỉ mỗi tầng kết cấu như thế nào, còn nói rõ từng lớp đất đá, hình dạng ra sao…và khẳng định là cần phải đào sâu bao nhiêu mét nữa thì thấy có nước…

Ngay lúc đó ông nhiệt tình thuyết phục, nên tất cả những gì ông thấy trong định tâm đều kể ra hết, theo đó phân tích mô tả, giải thích. Vị kỹ sư bèn mời một viên kỹ sư khác giàu kinh nghiệm, làm lâu trong nghề hơn đến, để tranh cãi với ông.

Ông vẫn kiên trì, khuyên họ chẳng nên bỏ cuộc giữa chừng, mà hãy ráng đào thêm hơn 220 mét nữa thì bắt đầu thấy nước dưới lớp cát đất.

Hai vị kỹ sư người Mỹ này nghe ông nói thì, lộ vẻ nửa tin nửa ngờ, ông bèn bảo họ ngày mai hẵng bàn tiếp và ông mô tả trước hình trạng, tính chất đất, đá…sẽ xuất hiện vào ngày mai.

Sáng hôm sau ông đang dùng điểm tâm tại phòng ăn, thì viên kỹ sư đào giếng bước vào, tỏ vẻ rất cung kính, thán phục, ngưỡng mộ ông.

Viên kỹ sư hỏi ông rất nhiều, bởi những gì hôm qua ông mô tả… sáng nay nhất nhất đều ứng hiện, khiến viên kỹ sư kính nể rất nhiều, viên kỹ sư hỏi: Có phải ngài là nhà Địa chất học chuyên nghiên cứu nguồn nước ngầm  hay không?

Sau đó viên kỹ sư trưởng mỗi ngày đều tới báo cáo kết quả làm việc, bởi những gì họ đào lên, kết cấu đất đều xuất hiện y chang như ông nói, do vậy mà họ rất tin tưởng ông.

Do có việc ông phải về Canada để chăm sóc mẹ, nên lúc ông rời khỏi chùa thì giếng đào chưa được 220 mét, nhưng sau này quả nhiên đến 220 mét thì nước đã phun cao, thế cực kỳ mạnh, mỗi phút có thể thu được 500 gallon (3.785 thăng) đúng y như ông đã thấy trước, mà ở cách xa núi này, quả thật có một cái hồ tên Clear Lake (Thanh hồ).

Có điều buồn cười khi ông vừa bước chân ra khỏi Vạn Phật Thành, thì tâm trí đã “ngu” trở lại như người bình thường, ông hoàn toàn không dự kiến được cảnh lạ gì, đừng nói tới chuyện nhìn xuyên qua 300 thước dưới đất, mà ngay cả ba…phân, ông cũng nhìn không tới, hiện tượng kỳ quái này, làm sao giải thích đây? Dẫu trăm tư ngàn suy ông cũng không biết được nguyên do, ở Kim Sơn Tự, Vạn Phật Thành không ai biết được điều kỳ lạ này của ông, mọi người cứ xúm nhau hỏi ông tu làm sao mà được như thế, ông hoàn toàn không có lời đáp.

Nói về tĩnh tọa thì ông thuộc loại ngồi không giỏi. Kinh cũng chẳng tụng, tâm lại không chánh định, nào có cảnh giới chi đâu? Nếu nói ông tài, sao không thấy việc của mình đi? Bởi chính ông cũng nhìn không ra mình sẽ làm ăn thất bại lớn kia mà, nên thiệt là quá phiền đó. Đây mà gọi là “tài của người có tu” ư? Ông ngày ngày đắm chìm trong rầu lo áo não, động niệm, giận hờn, vậy mà là Phật tử ư?  Ông vô phương giải thích những hiện tượng lạ lùng nơi bản thân mình, kỳ quái khi tiếp cận cảnh giới Phật hay chùa chiền…chẳng hạn như khi ở tại Vạn Phật Thành hoặc vào Kim Sơn Tự bái Phật, thì ông mới nhìn thấy những cảnh tượng lạ xuất hiện, nhưng hễ ra khỏi thánh địa của chùa thì ông thua cả một tên ngốc và biến thành một kẻ khờ đến mức dẫu có chạm vào mặt ông cũng không biết rõ. Ngay cả một cộng một (1+1) cũng thành ba! Thậm chí đến sinh hoạt thế sự thường nhật ông cũng ứng phó không lại, thế thì bạn hãy nói xem: Chuyện của ông là thế nào đây? Nếu có ai thông tuệ giải thử việc này như thế nào?

Viên kỹ sư công ty đào giếng đó còn xin địa chỉ của ông, bày tỏ rằng sau này nếu đi chỗ khác làm việc gặp khó khăn, thì sẽ tìm ông để thỉnh giáo v.v..

Trời ạ! Thế mới nguy to! Viên kỹ sư nào biết ông không phải là nhà Địa chất học? Lại chẳng biết rằng, khi ông bước chân ra khỏi Vạn Phật Thành thì thần thông này biến mất…và hóa ra thành kẻ ngu khờ.

Trưởng lão không ưa lắm mồm nên thường dạy: “chớ đa ngôn”, nhưng ông nghĩ chuyện này lẫn những khả năng siêu nhiên kỳ lạ khác của ông, chỉ có giải thích là: Vâng theo Phật lực sai khiến và thông qua khả năng huyền bí này mà ông hiển thị một chút trong  ngàn muôn sự vi diệu của Phật pháp vậy.

                                                          ]

 

 

Phần phụ thích:(1)

          Qua câu chuyện của Phùng Bồi Đức, chúng ta có thể tạm hiểu rằng: Hòa thượng Tuyên Hóa là vị cao tăng có thần thông, có thiên nhãn, biết được tâm người, biết được địa thế, hoàn cảnh và thời cuộc. Nên mới tạo nên những kỳ tích nơi Vạn Phật Thành. Còn ông Phùng Bồi Đức kiếp trước cũng đã tu tập thuần thục nay chuyển kiếp lại làm người, trợ giúp cho Hòa thượng Tuyên Hóa làm Phật sự được hoàn thành tốt đẹp. Vì thế ông Bồi Đức tính tình ương bướng mà Hòa thượng Tuyên Hóa không bao giờ chấp trách mà còn ưu ái, vì Hòa thượng thấy rõ nhân duyên tiền kiếp của ông này và khả năng siêu nhiên của ông có thể làm lợi cho Phật pháp nên không để tâm đến những oai nghi không được tế nhị của ông Bồi Đức.

Khu vực Vạn Phật Thành xưa nay không có nguồn nước, văn minh khoa học của nước Mỹ mà chịu thua không tìm ra được nguồn nước. Với con mắt nhìn thấu suốt trên 300 mét dưới lòng đất Hòa thượng Tuyên Hóa thấy được nguồn nước mới chỉ cho kỹ sư đào giếng rằng: Nè đào chỗ này đi!

Tiếp đến với tiếp sức thần thông siêu nhiên của ông Bồi Đức nhìn thấy rõ qua các tầng lớp cấu kết của đất và nguồn nước ngầm khổng lồ, nên mới thuyết phục các kỹ sư tin tưởng đào tiếp thành công.

Qua sự kiện này chúng ta thấy năng lực Phật pháp vượt ra ngoài khoa học, những gì con mắt thần của Phật pháp nhìn thấy đều phù hợp với khoa học. Phật pháp chỉ dùng tâm mà biết hết mọi sự mọi vật trong thời gian và không gian ngắn ngủi, còn khoa học phải dùng đến máy móc và thời gian thử nghiệm mới cho ra kết quả. Bởi vậy Phật học không những khoa học mà còn vượt trên khoa học.

                                                          ]

VẠN PHẬT KỲ DUYÊN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét