SUY
BỤNG TA RA BỤNG NGƯỜI
Hoàng
Tá Thích
Phần đông, tâm địa con người mình thế nào thì cứ nghĩ người khác
cũng như thế. Tính mình tham lam thì không bao giờ thấy mình tham, mà cứ nghĩ mọi
người đều tham và vì vậy hễ đâu có chuyện miễn phí thì ở đó cũng sẽ có chuyện
tranh giành nhau, cứ sợ chậm chân thì không còn phần. Tính mình nhỏ mọn hẹp hòi
thì cứ nghĩ ai cũng nhỏ mọn hẹp hòi như mình và không bao giờ nhìn thấy cái rộng
rãi của người khác. Tính mình qua loa thì cứ nghĩ ai ai cũng xuề xòa như mình
thôi, hay ít nhất là xem chuyện xuề xòa qua loa chẳng có gì là quan trọng. Vốn
có tính trăng hoa thì thấy hai người khác phái nhỏ to với nhau thì nghĩ ngay đến
chuyện hai người có tình ý với nhau. Tóm lại, cái tâm thế nào thì nghĩ ra người
khác cũng thế ấy.
Hậu quả của những chuyện suy bụng ta ra bụng người không những là
không nhận thức được tính xấu của mình mà còn vô hình trung đánh giá thấp người
khác một cách sai lầm.
Những người tốt thường nghĩ ai cũng đều tốt như mình, nhưng số người
như thế không phải là nhiều. Người có tâm địa xấu thì không bao giờ nhận thức
được cái xấu của mình một cách rõ ràng nhưng thường cho rằng ai cũng như mình
vì có hai lý do: một là suy bụng ta ra bụng người, cứ nghĩ ai cũng thế, hai là
cũng muốn người khác không khác gì mình như một cách biện minh cho mình vậy.
Không như thế, lại còn không muốn chấp nhận cái tốt của người khác. Chẳng hạn
tính mình cái gì cũng qua loa xuề xòa thì lại thường phê bình cái cẩn thận chu
đáo của người khác, cho là không cần thiết.
Có một giai thoại về danh sĩ Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn, câu
chuyện tuy cũ, nhưng cũng nên nhắc lại như là một điển hình về chuyện suy bụng
ta ra bụng người có tính cách răn đời. Tuy được phổ biến rộng rải trên mạng, gần
như ai cũng biết, nhưng vẫn là câu chuyện rất hay đáng nhắc lại. Tô Đông Pha là
một danh sĩ nổi tiếng của Trung Hoa thời nhà Tống. Ông kết giao với thiền sư Phật
Ấn là trụ trì chùa Kim Sơn ở Dương Châu.
Một hôm sau khi cùng ngồi thiền, Tô Đông Pha hỏi Ngài Phật Ấn: “Ngài thấy tôi
ngồi thiền thế nào?” Ngài Phật Ấn trả lời:
“Giống như Phật”. Tô Đông Pha đắc chí và cũng muốn trêu chọc Ngài Phật Ấn, nên
khi vị này hỏi lại: “ Thế còn ông thấy tôi thế nào?” thì Tô Đông Pha cười: “Ông
ngồi trông giống như cục phân bò”. Ngài Phật Ấn cũng chỉ cười. Lúc về nhà, gặp
cô em gái Tô Tiểu Muội, là một người thông minh xuất chúng, Tô Đông Pha kể lại
câu chuyện ngồi thiền vừa qua một cách hý hửng thì Tô Tiểu Muội nói ngay: “Anh
thua ông Phật Ấn rồi”. Tô Đông Pha hỏi vì sao thì cô em trả lời: “Tâm Ngài Phật
Ấn là tâm Phật, nên thấy anh ngồi thiền như Phật, còn tâm của anh chỉ là một đống
phân bò, nên thấy người khác cũng là một đống phân bò”. Lúc đó, danh sĩ họ Tô mới
chửng hửng và cảm thấy thẹn lòng.
Giai
thoại này được phổ biến rất rộng rãi, gần như ai cũng biết, nhưng biết để mà biết
chứ không phải biết để mà học cái ý nghĩa thâm thúy của nó. Tô Đông Pha không
những là một danh sĩ nổi tiếng, mà còn là một cư sĩ, kết giao thân tình với
ngài Phật Ấn, một vị thiền sư thoát tục, nhưng không phải vì thế mà ông ta có
thể thoát khỏi cái tính “suy bụng ta ra bụng người” của đời thường.
Chuyện
suy bụng ta ra bụng người nhiều lúc cũng vô tình làm cho nhiều người khác bị
tai tiếng. Đôi khi chưa biết gì về người khác, nhưng chỉ nghe dư luận đồn đãi
không được tốt về người đó, cũng đã lấy tâm lý của mình để có một kết luận vội
vàng ngay.
Vô tư là một thái độ sống rất khó trong việc đánh giá người khác.
Vô tư mới có thể phán đoán mọi việc một cách công bằng được. Phần đông không ai thấy bản thân mình là xấu
cả, và có dù làm điều xấu, cũng tìm mọi cách biện minh cho hành động của mình để
không thấy mình xấu, nên khi suy bụng ta ra bụng người, mình sẽ đánh giá người
khác như điều đang nghĩ về bản thân mình và vô hình trung đã đánh giá sai lầm về
đối tượng. Không phải ai cũng như ngài Phật Ấn, nhìn người khác bằng cái tâm Phật
của mình. Tuy nhiên, trong giai thoại trên, ngay cả Tô Đông Pha là một người học
thức uyên thâm, nếu không kể chuyện lại với cô em gái Tô Tiểu Muội, thì ông vẫn
vô minh, không bao giờ biết được điều sai lầm của mình. Chính Tô Tiểu Muội đã
khai thị cho Tô Đông Pha. Khi nói lên ngài Phật Ấn ngồi thiền như một bãi phân
bò, thì thực ra Tô Đông Pha chỉ muốn nói đùa thôi để chọc ghẹo ngài Phật Ấn,
nhưng vì trong lòng vẫn có một chút hiếu thắng mà Tô Đông Pha đã so sánh ngài
Phật Ấn như một bãi phân bò, thay vì có thể nói nhẹ nhàng hơn, như một cục đất
chẳng hạn. Lúc đó trong lòng ông hả hê vì cho rằng đã hạ gục được ngài Phật Ấn.
Dĩ nhiên Tô Đông Pha không phải là người xấu, nhưng chỉ vì một chút hiếu thắng
mà cái tâm của ông nhất thời đã bị che mất làm nổi lên chút sân si. Trái lại, với
ngài Phật Ấn, cái tâm trong sáng của ngài luôn luôn có sẵn trong lòng, nên nhìn
thấy và nói ra điều gì cũng đều tốt cho người.
Giai thoại thì cũng chỉ là những câu chuyện kể lại cho vui, chưa
chắc đã có thực, nhưng cái ý nghĩa của giai thoại này rất cao thâm để nói đến
cái tâm Phật trong con người và cái tâm được khai thị của Tô Đông Pha sau khi
nghe Tô Tiểu Muội giải thích. Tuy vậy, không phải ai nghe câu chuyện trên cũng
đều hiểu rõ ý nghĩa của nó, và người ta chỉ đọc qua như một câu chuyện vui vui,
nhất là vì Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn đều là những nhân vật nổi tiếng.
Nếu có thể nghe và suy gẫm để được khai thị qua câu chuyện trên
thì con người có thể tránh được cái lỗi thường tình của đời thường, là mình thế
nào thì nghĩ người ta như thế đó và sẽ đánh giá sai lầm về người khác. Tuy
nhiên, người có tâm địa xấu nhìn người khác cũng xấu như mình thì thật không
may cho đối tượng, nhưng người có tâm địa tốt và cứ nghĩ ai cũng tốt như mình
thì lại có thể dễ bị cuộc đời đánh lừa mà không hay.
(Trích VHPG số 214 – 1-12-2014 - Suy bụng ta ra bụng
người: Hoàng Tá Thích)
—]–
0 nhận xét:
Đăng nhận xét