Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

NGÀI TUYÊN HÓA VÀ KIM SƠN TỰ

 

                               NGÀI TUYÊN HÓA VÀ KIM SƠN TỰ

           Địa điểm Kim Sơn Tự tọa lạc tại Mỹ quốc là một khu vực náo nhiệt, tuy không thuộc khu vực bề thế quan trọng, song cũng rất gần với cảnh phồn hoa: Vì chỗ nằm chẳng cách xa rạp chiếu phim và điện ảnh bao nhiêu. Cạnh đó có ba bốn câu lạc bộ, đối diện chùa là mấy cao ốc khách sạn, ngày đêm đều có phụ nữ lui tới rộn ràng huyên náo, ở góc đường thường có các thanh niên tụ tập, ông luôn cảm thấy khu vực này không được thanh tịnh, nên rất thắc mắc, không hiểu sao Trưởng lão Tuyên Hóa và các cao đồ ban sơ lại chọn điểm này để lập chùa? Ông cũng không biết được là vào thuở đầu tiên ấy thầy trò họ lập nghiệp rất vất vả, gian nan.

          Nguyên là mười mấy năm về trước ngài Tuyên Hóa từ Hương Cảng qua Mỹ truyền pháp, khi đến Francisco, trong mình ngài chỉ có mấy mươi đồng. Trước tiên ngài thuê tầng hầm của một tiệm trong khu phố Tàu để làm nơi trú ngụ và thuyết pháp. San Francisco là đại đô hội phồn hoa muôn màu muôn vẻ, là chốn hưởng thụ vật chất, là nơi thanh sắc phô bày, có trăm hồng ngàn tía xênh xang. Lúc đó đa số người ta đối với Phật giáo không hứng thú, nên chẳng ai để ý đến tiểu Phật đường nhỏ bé, vô danh nơi tầng hầm của khu phố Tàu. Ngài Tuyên Hóa vẫn bền chí ôm bi tâm, chí hùng; không ngừng lên kế hoạch truyền pháp. Ngài đã khổ công tạo ra nơi học Phật, cuối cùng cũng được giới nhân sĩ chú ý đến.

          Nhiều người đã kể lại câu chuyện thú vị về ngài như sau:

          Lúc ngài ở tầng hầm truyền đạo được mấy năm, đây là đạo tràng nghèo nàn, chật hẹp…vô phương phát triển, dù đã có nhiều người biết đến, nhưng chưa được người xem trọng, cho đến khi một kỳ tích xảy ra làm chấn động cả miền Tây nước Mỹ.

          Người ta kể rằng: Đương thời có một vị phu nhân quyền quý trong xã hội bị chứng ung hướu sắp chết, tại y viện các bác sĩ đều nói là vô phương cứu chữa. Phu nhân này tự biết mình không qua khỏi, liền bảo người nhà hãy thỉnh Hòa thượng đến tụng kinh cho bà. Lúc đó ở San Francisco, Tăng sĩ rất ít, người nhà biết đi đâu tìm bây giờ? Bỗng họ sực nhớ mình từng đi ngang qua khu phố Tàu và có thấy Hòa thượng tụng kinh ở đấy, họ liền nghĩ: Thôi thì, trước tiên hãy thỉnh ông này đến tụng kinh cho quý phu nhân. Cả nhà lúc này đối với chuyện tụng kinh cũng hoàn toàn không có mong cầu gì, chỉ là muốn đáp ứng khát vọng của người sắp chết mà thôi.

          Trưởng lão Tuyên Hóa nhận lời đến bệnh viện,  ngài ở trước quý phu nhân, tụng kinh liên tiếp suốt mấy ngày. Về bản kinh thì có rất nhiều lời đồn thuật không đồng nhau: Có người nói lúc đó ngài tụng Đại Bi, người thì bảo là ngài tụng Tâm kinh, có người nhất quyết khẳng định nói ngài tụng chú Lăng Nghiêm, mỗi người một kiểu. Tổng kết lại: Nếu nói là tụng “kinh Phật” thì đúng nhất.

          Sau đó, kỳ tích xuất hiện, vì quý phu nhân này sau khi nghe kinh rồi, không những bà chẳng chết đúng như kỳ hạn bác sĩ tiên đoán, ngược lại còn dần dần hồi phục khỏe mạnh luôn. Sau đó bệnh viện kiểm tra thấy ung bướu trong mình bà tiêu tan đâu mất hết.

          Việc này tất nhiên gây chấn động khắp miền Tây nước Mỹ, khiến giới nhân sĩ Trung Hoa, Tây phương nườm nượp tìm đến phỏng vấn ngài, song ngài luôn khiêm cung, chẳng chịu nhìn nhận là nhờ mình tụng kinh, mà luôn nói: Tất cả đều do lòng chí thành kính tin Phật pháp mà thu được kỳ tích!

          Ông có hỏi về việc này nhưng ngài Tuyên Hóa chỉ cười và đáp: Ta cũng chẳng hiểu nữa, ta không có tài trị bệnh, cũng đâu giỏi phép thuật chi, chỉ toàn là tụng kinh Phật thôi!

          Thượng nhân tính vốn khiêm cung, Ngài chưa từng kể hay khoe khoang bất kỳ chuyện hay, chuyện lạ nào. Thực tế, trong lúc ngài khổ hạnh hoằng pháp  hơn mười mấy năm, những chuyện kỳ diệu xảy ra phải nói là rất nhiều không kể xiết, nhưng bản thân ngài không hề khoe khoang hay nhắc đến mấy chuyện này, chỉ có chúng đệ tử vì quá ngưỡng mộ nên đã kể cho nhau nghe thôi.

           Nếu có ai hỏi, ngài đều nói: Giả như có chuyện kỳ diệu, thì đó là nhờ người có lòng tin, có tâm chí thành và thiện niệm… nên mới được Phật Tổ, Long, Thiên…chúc phúc gia trì.

          Ngài giảng kinh không ưa dùng kỳ tích hay chuyện lạ để tuyên truyền, ngài cho rằng quan trọng nhất là truyền bá chân nghĩa Phật pháp. Khi ngài giảng kinh, thái độ cực kỳ nghiêm túc. Chung quanh ngài, bất kể chúng đệ tử xuất gia hay tại gia, họ đều hành xử thập phần kính cẩn tôn nghiêm. Nhưng trong xã hội, những truyền thuyết và kỳ tích về vị cao tăng này đã xảy ra rất nhiều, thật sự là nhiều vô số kể.

          Bản thân ông Phùng Bồi Đức cũng là nhân vật kỳ tích, một kẻ cứng đầu ngang bướng, còn lại ngôn hành giáo pháp của ngài làm chấn động đến phải phát tâm kính phục, thì đó không phải chuyện lạ hay sao?

          Ngài Tuyên Hóa truyền pháp tại phố người Tàu, đã hấp dẫn khiến cho người Mỹ phải chú ý, mấu chốt quan trọng chính là do ngài giảng quá sâu sắc quá hay. Ngài đã đem tinh hoa Phật pháp giới thiệu cho xã hội Tây phương, nên mới có được các thanh niên và Phật tử trí thức Mỹ xem trọng. Còn về các chuyện lạ xảy ra, thì đương nhiên cũng có tác dụng giáo hóa rất lớn, mặc dù xuất hiện kỳ tích, song nếu không kiên cường dùng Phật lực và tinh túy giáo lý để cảm hóa, thì khó thu được thành tựu vĩ đại như hôm nay.

Giới trí thức ở Mỹ nườm nượp đến nghe ngài Tuyên Hóa giảng kinh, nhiều đại học xúm nhau mời thỉnh ngài vào trường thuyết giảng kinh Phật. Nhiều tiến sĩ, nhân sĩ nghe ngài thuyết pháp rồi, thì phát nguyện quy y Tam bảo, phát nguyện xuất gia, xin được tu học dưới tòa ngài. Họ tinh tấn nghiên cứu Phật lý, phiên dịch kinh Phật ra Anh văn.

          Các thanh niên Mỹ có bằng Tiến sĩ, Bác sĩ, Thạc sĩ… tốt nghiệp từ các đại học nổi danh đã theo tu học dưới tòa của ngài nhiều không thể kể hết. Chúng đệ tử thanh niên này tốt nghiệp đủ ngành nghề, thuộc hàng ưu việt, nhưng họ lại tự nguyện buông bỏ danh vọng, chức cao, lương hậu… để theo ngài xuất gia làm Tăng Ni…tinh tấn tu học hoằng pháp, tự nguyện sống thanh bần kham khổ, dốc sức nghiên cứu và truyền bá Phật pháp.

          Ngài cùng nhóm đệ tử là những nhân tài ưu tú của Mỹ quốc, đồng cam cộng khổ phát triển đạo pháp, ngài hướng dẫn Hội Phật Giáo Trung Mỹ, khởi đầu từ tầng hầm nhỏ bé nhưng đến hôm nay cơ nghiệp đã phát triển quy mô thành “Đại Học Vạn Pháp Giới Vạn Phật Thành” là một cơ sở Phật giáo đầy đủ bề thế…nổi tiếng tại Bắc Mỹ. Những gian khổ mà ngài và chúng đệ tử đã từng trải qua, thật khó mà kể hết được, dùng ngòi bút văn chương hạn hẹp để mô tả cho hết những phấn đấu cam go đó.

          Đầu tiên ngài và chúng đệ tử mua một tòa nhà lớn tại San Francisco làm Đạo tràng và Đồ thư quán, hiện nay đã đổi thành nơi trú ngụ của hơn mấy mươi vị Ni chúng là nhóm nữ đệ tử người Mỹ, họ đã quy y, tu theo Thượng nhân, quý vị này đều có học thức cao, hiểu đạo uyên thâm, phiên dịch kinh Phật rất giỏi.

          Đệ tử Thượng nhân và chúng tại gia đã hợp lực mua một tòa công xưởng Diêm quẹt, cùng xây dựng tu bổ… thành ngôi Kim Sơn Tự ngày nay, dù mức độ quy mô chưa thể gọi khôi hùng, song mỗi lần ngắm nhìn ngôi đại lâu Phật điện ba tầng này cũng thấy rộng lớn rồi.

          Ông Phùng Bồi Đức thắc mắc phỏng vấn  ngài Tuyên Hóa rằng: Chùa Kim Sơn được xây dựng tại chốn phồn hoa, đô thị thì làm sao có thể yên tĩnh, thanh tịnh được?

          Thượng nhân mỉm cười đáp: Đúng vậy! Vì đây là nơi phồn hoa, nên rất thích hợp để thử thách… khảo nghiệm ý chí của người xuất gia tu hành!

          Ông Bồi Đức nghe vậy hoát nhiên đại ngộ: Phải đấy! Chỉ cần bước ra khỏi cổng, thì bên ngoài chính là thế giới phồn hoa đầy thinh sắc quyến rũ, cái gì cũng có…

          Người xuất gia nếu không có ý chí kiên nghị vô bờ, thì khó mà kháng cự lại tất cả những quyến dụ cảnh giới bên ngoài. Quan sát chư tu sĩ nơi đây, thấy các thanh niên Mỹ quốc xuất gia này đối với bao quyến rũ của ngoại giới, họ đều có thái độ dường như “không thấy không nghe, tâm tư vô cùng bình thản”… khiến người phải khâm phục…

          Ông Phùng Bồi Đức nằm trong thiểu số đệ tử tại gia may mắn, có vinh hạnh được thân cận gần gủi Thượng nhân nhất, được nghe ngài chỉ dạy tỉ mỉ… Ngài dư biết ông là một kẻ cứng đầu ương bướng, nhưng lại đối với ông vô cùng bi thiết tha, luôn dịu dàng từ ái, bảo ban, đặc cách cho phép được theo hầu bên cạnh ngài.

          Ông là một trong số ít người được phép đi vào thiền phòng ngài, đồ đạc trong đó rất đơn giản: Ngoài một cái bàn, một ghế ra, thì không có gì khác. Trên bàn chỉ có một số kinh điển Phật, ngài không có bất kỳ tài vật nào. Quanh năm không phân Đông, Hạ… ngài luôn mặc chiếc Tăng bào cũ kỹ, mùa lạnh thì khoác thêm cái áo bông ngắn tay… đây là toàn bộ y vật của ngài. Đương nhiên còn có một số Cà sa ngài dành để đắp trong các buổi lễ.

          Phòng làm việc của ngài ở ngoài thiền phòng, trừ cái bàn dài ra, còn có bộ sa lông để tiếp khách, trên bàn đặc mấy cây bút mực, ngoài ra không có gì.

          Nói đến bút viết, biết tính ngài không ưa cầm bút, cho dù thư pháp ngài rất đẹp, nhưng ngài không hay viết thư tín chi. Ngài thường cười bảo: Chữ ta không được tốt nên không muốn viết ra!

          Cũng không thấy ngài viết lách hay có bất kỳ tác phẩm sáng tác nào, nhưng thấy ngài thường nghiên cứu Phật học. Mỗi ngày Thượng nhân thuyết giảng, câu câu đều là văn chương tuyệt hay, tự nhiên thốt ra, chúng đệ tử chỉ cần thu âm, rồi chép lại, thế là một cuốn luận giảng được thành hình, không phải do ngài đích thân sáng tác…

          Ngài chưa từng viết hay có bản thảo gì. Những lúc giảng kinh, ngài ngồi trên tòa, nói chậm rãi… Ngài là người Đông Bắc, khi giảng thuyết luôn nói tiếng Trung đúng chuẩn, ngài thường khiêm cung tự nhận mình là người không giỏi tiếng Anh văn. Chúng đệ tử Mỹ thường thu âm lời ngài giảng tại hiện trường rồi thay nhau phiên dịch thành Anh ngữ cho người tại Đạo tràng nghe.

                                                ]

NGÀI TUYÊN HÓA VÀ KIM SƠN TỰ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét