Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

THIỀN VÀ PHÁP MÔN VÔ NIỆM

 

THIỀN VÀ PHÁP MÔN VÔ NIỆM

      Từ buổi sơ khai của lịch sử Thiền Trung Hoa hai nhân vật nổi bật. Một trong hai nhân vật ấy, hiển nhiên là Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra Thiền  tông. Và nhân vật thứ hai là Đại sư Huệ Năng ( sinh 638 tịch 713). Là người đóng vai trò quyết định trong tiến trình tư tưởng Thiền đã được khai sáng bởi Bồ Đề Đạt Ma. Nếu không có Huệ Năng và những môn đệ trực tiếp của Ngài, chắc hẳn Thiền đã không thể nào phát triển được như thực tế ở giai đoạn đầu nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa.

          Chính vì thế, vào thế kỷ thứ 8, một tác phẩm của Huệ Năng mệnh danh là “ Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh”, đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong Thiền, và những thăng trầm lịch sử mà tác phẩm nầy đã hứng chịu quả là to tát.

           Qua tác phẩm nầy, vai trò của Bồ Đề Đạt Ma mới được xác định một cách đúng đắn như là người đầu tiên truyền bá tư tưởng Thiền ở Trung Hoa. Cũng qua đây, những nguyên lý cơ bản của tư tưởng Thiền đã được vạch ra cho hàng môn đệ của Ngài như là khuôn mẫu.

          Nhờ có Huệ Năng mà các hành giả Thiền ngày nay mới có được mối liên kết về trước với Bồ Đề Đạt Ma, và cũng kể từ Huệ Năng về sau mà chúng ta có thể ghi nhận sự ra đời của Thiền Trung Hoa, khác biệt hẳn với sắc thái Thiền Ấn Độ là khởi nguyên của nó.  Chúng ta xem Đàn Kinh là một tác phẩm có hệ quả to lớn, chính là do nơi ý nghĩa hai chiều này. Cội nguồn tư tưởng Thiền được trải dài đến Bồ Đề Đạt Ma bắt nguồn từ sự chứng ngộ của chính Đức Phật; trong khi các chi phái của Thiền lại lan truyền khắp vùng Viễn Đông, nơi Thiền đã mang lại nhiều kết quả.

          Đã qua hơn 1000 năm, từ khi lần đầu tiên giáo pháp của Huệ Năng được hoằng truyền, và mặc dù từ đó đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển biến hóa khác nhau, tinh  túy của Thiền vẫn còn lưu nét trong Đàn Kinh.

          Bởi lý do này, nếu xuôi theo dòng lịch sử tư tưởng Thiền, chúng ta phải nghiên cứu tác phẩm của Huệ Năng, là vị tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa; trong mối quan hệ song trùng, một phía với Bồ Đề Đạt ma, và một phía với đệ tử hậu duệ của Đạt ma, đó là Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, và Hoằng Nhẫn, và mặt kia là mối quan hệ giữa Huệ Năng và những người đương thời.

   Đàn kinh được các môn đệ của Huệ Năng nhìn nhận đã chứa đựng giáo lý tinh nhất của Thầy mình, vào giáo lý được lưu truyền trong hàng đệ tử như là một di sản tinh thần, mà chỉ riêng người thừa kế mới được xem là môn đệ chính tông của Thiền Huệ Năng, như chứng minh qua đoạn kinh. ….   Đại sư trụ ở núi Tào Khê, ảnh hưởng tinh thần của Ngài thấm nhuần suốt hơn 40 năm, lan tỏa đến hai tỉnh lân cận là Thiều và Quảng. Đệ tử của Ngài gồm tăng sĩ lẫn cư sĩ, từ 3000 đến 5000 người, còn nhiều hơn số lượng mà người ta có thể tính đếm được. Về cốt tủy giáo lý của Ngài. Đàn kinh được trao truyền cho môn đệ như một ấn chứng chân xác, những ai không được thụ nhận pháp này xem như không phải là người trong tông môn……  Những bài pháp của Huệ Năng đã gây chấn động giới học Phật trong thời của Ngài, có lẽ trước Ngài không có vị tăng sĩ nào gây được sinh khí lôi cuốn trực tiếp đến quần chúng như thế. Việc nghiên cứu Phật pháp mãi cho đến thời bây giờ ít nhiều chỉ hạn cuộc trong tầng lớp có học, và bất kỳ kinh luận nào do các pháp sư giảng nói đều căn cứ trên giáo điều chính thống. Đó là những cuộc thảo luận có tính cách học thuật, trong bản chất của việc nghiên cứu, đòi hỏi nhiều ở sự uyên bác và trí phân tích hơn. Những luận giải này không cần thiết phải có sự phản chiếu từ thực tế của đời sống tôn giáo và kinh nghiệm tâm linh của con người, mà mối liên quan chủ yếu là với những ý niệm và biểu tượng.

           Trái lại, những bài pháp của Huệ Năng biểu lộ trực giác tâm linh của chính Ngài, do vậy nên các pháp ấy vô cùng sống động, ngôn ngữ rất trong sáng và đầy chất uyên nguyên.  Ít ra, đây cũng là một lý do mà quần chúng cũng như các học giả chuyên nghiệp đón nhận ( Huệ Năng) theo cách chưa từng có. Đây cũng là lý do tại sao Huệ Năng mở đầu Đàn Kinh qua việc kể lại khá dài cuộc đời của mình, do vì nếu Huệ năng chỉ là một vị tăng học giả nằm trong tăng đoàn, thì chẳng cần thiết cho chính Ngài, hay hơn cho môn đệ trực tiếp phải giải thích chi tiết về cuộc đời của chính Ngài. Việc các đệ tử nhấn mạnh rất nhiều đến sự ít học của thầy mình chắc chắn có mối liên hệ rất lớn với tính cách độc đáo và sự nghiệp của Ngài.

   Ngài Huệ Năng lúc 34 tuổi đến thọ giáo với tổ Hoằng Nhẫn, Ngài Hoằng Nhẫn viên tịch ngay sau khi Huệ Năng ra đi. Thần Tú hơn 100 tuổi khi ông viên tịch vào năm 706, lúc ấy Huệ Năng chỉ mới 69 tuổi, như vậy giữa hai người Thần Tú và Huệ Năng cách nhau ít nhất 30 năm.

    Trong Đàn Kinh, Huệ Năng tự kể về nơi ngài sinh ra và nói về việc ngài hoàn toàn không hay biết gì về văn học cổ điển Trung Hoa, rồi ngài kể sự thích thú Phật pháp khi nghe người lạ tụng kinh Kim Cang, trong khi chính ngài  lại không biết đọc. Khi đến Hoàng Mai để học Thiền với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Huệ Năng vẫn chưa chính thức được công nhận là một vị tăng xuất gia, mà chỉ xem là một vị cư sĩ làm công quả, ngài được phân công theo chúng làm việc ở nhà trù theo quy chế người làm công quả ở tu viện, ngài được phân công bữa củi và giả gạo, suốt 8 tháng ròng, Tổ mới xuống nhà trù gặp Huệ Năng hỏi gạo dã xong chưa, Huệ Năng trả lời : Dạ xong, gạo trắng còn đợi sàng, Tổ ra hiệu lấy gậy gõ vào cối ba cái rồi lên phương trượng. Trong danh nghĩa đó, rõ ràng không được phép sống chung với tăng chúng đã xuất gia. Và ngài chẳng được hay biết gì về những sinh hoạt đang diễn ra ở các nơi khác trong tu viện.

   Huệ Năng chỉ biết làm công quả dưới nhà trù, với nhiệm vụ là dã gạo trong một thời gian . Một hôm nghe Hoằng Nhẫn thông báo rộng rãi bất kỳ đệ tử nào có thể làm được một bài kệ, trình bày chỗ khế hợp với lý Thiền sẽ được kế thừa làm tổ thứ 6 của Thiền tông. Huệ Năng không được thông báo cho biết sự kiện này, vì rốt cùng, Huệ Năng chỉ là một cư sĩ quèn làm công quả dưới nhà bếp chùa. Nhưng Hoằng Nhẫn chắc hẳn đã nhận ra mức độ chứng nghiệm tâm linh từ Huệ Năng, nên phải có hy vọng một ngày nào đó, bằng cách này hay cách khác, điều ngài tiên đoán về Huệ Năng sẽ được hiển bày.

   Huệ Năng cũng không thể viết được bài kệ ngộ giải của mình, nên ngài phải nhờ người khác viết giùm, trong Đàn kinh  nói Huệ Năng không đọc được kinh nhưng ngài biết rất rõ nghĩa lý của kinh khi có người đọc cho ngài nghe.  Cái cớ không biết chữ của Huệ Năng được người ta nhấn mạnh để tạo thế nổi bật cho chân lý và sức mạnh trực giác trong Phật pháp của ngài, đồng thời làm phơi bày rõ nét giáo lý duy trí của Thần Tú. Để nhấn mạnh sự tương phản (khuynh hướng) giữa Ngài và Thần Tú, người ta thích tạo ấn tượng hơn khi khắc họa ngài như một người không có khả năng biết văn tự.

          Quan niệm nguyên ủy của Huệ Năng đương nhiên là khước từ tất cả văn chương và toàn bộ ngôn từ, vì tâm chỉ có thể lãnh hội bằng tâm một cách trực tiếp, không qua trung gian. Sự xuất hiện của Huệ Năng trong buổi bình minh của lịch sử  Phật giáo Thiền Trung Hoa vẫn có một ý nghĩa siêu tuyệt, và Đàn Kinh được xem như là một tác phẩm bất hủ, vì kinh đã quyết định tiến trình tư tưởng Phật học ở Trung Hoa trong suốt nhiều thế kỷ cho đến nay.

           Trước khi trình bày quan điểm của Huệ Năng về Phật giáo, chúng ta hãy nghiên cứu các quan điểm của Thần Tú, người luôn luôn được mô tả tương phản với Huệ Năng. Vì sự khác biệt ( khuynh hướng) giữa hai thượng thủ này giúp cho chúng ta xác định rõ ràng bản chất của Thiền hơn trước đây. Hoằng Nhẫn là một thiền sư vĩ đại và có nhiều đệ tử, nhiều năng lực. Có hơn 12 người được lịch sử Thiền ghi lại, nhưng Huệ Năng và Thần Tú vượt trội hơn hẳn những người khác, và sau họ, Thiền được chia thành hai tông : Thiền Nam tông và Thiền Bắc tông. Nhờ đó chúng ta được hiểu rõ hơn pháp môn Thiền do Thần Tú, thượng thủ của Thiền Bắc tông giảng dạy và dễ dàng hơn khi tìm hiểu về Huệ Năng chính là người chúng ta đang đề cập đến…..  Trong các văn bản chẳng có văn bản nào do chính Thần Tú viết hết thảy. Cũng như Đàn kinh, thủ bản ấy là một dạng ghi chép của hàng môn đệ về các bài pháp của Thần Tú. Thủ bản có nhan đề “ Bắc Tông Ngũ Đạo Pháp Môn” và ở đây, chữ “ Đạo” có nghĩa là “ phương tiện” hay là phương pháp, dường như ít dùng với một ý nghĩa đặc thù nào khác và “ ngũ đạo” có nghĩa là năm phương pháp qui kết kinh tạng Đại thừa với giáo pháp Thiền Bắc Tông. Đây là nội dung giáo pháp ấy.

1 / Thành Phật có nghĩa là giác ngộ, và giác ngộ cốt yết là không còn khởi vọng tâm.

2/  Khi tâm an trú tịch tĩnh, các thức đã chuyển hóa thanh tịnh. Trong trạng thái nầy, cánh cửa tuệ giác tối thượng được khai mở.

3/  Cánh cửa tuệ giác tối thượng nầy dẫn đến sự chuyển hóa vi diệu của thân và tâm. Tuy nhiên, đây không phải là cảnh giới Niết bàn tịch diệt của Tiểu thừa, vì tuệ giác tối thượng mà chư Bồ tát thể chứng là siêu việt hẳn sự phận biệt của các thức.

4/ Sự siêu việt hẳn tính phân biệt của các thức có nghĩa là tự tại đối với quan niệm nhị nguyên về thân tâm, trong đó chân tướng các pháp vẫn được duy trì.

5/ Cuối cùng là con đường nhất như dẫn đến pháp giới chân như, không ngăn ngại, không sai biệt. Đây chính là giác ngộ.

           “Bắc tông dạy rằng, tất cả chúng sanh đều có sẵn tánh bồ đề, như bản tánh của gương là chiếu soi, khi phiền não dấy lên thì gương không còn phản chiếu nữa, giống như gương bị bụi che phủ. Nếu như theo lời sư dạy, khi vọng tưởng được hàng phục và trừ diệt, thì nó không còn sinh khởi. Thế nên tâm được sáng suốt như bán tánh riêng của nó, không có gì là không thông suốt. Đó cũng như lau gương khi không có bụi dính thì gương chiếu soi, không có gì ngoài sự chiếu sáng”

  Nên Đại sư Thần Tú viết bài kệ trình lên Ngũ Tổ :

          Thân thị  Bồ đề thọ

          Tam như minh kính đài

          Thời thời cần phất thức

          Vật sử nhạ trần ai .

          ( Thân là cây Bồ đề

          Tâm như đài gương sáng

          Luôn siêng năng lau chùi

          Chớ để nhuốm bụi trần )

    Bài kệ này Thần Tú làm xong mà đắn đo ba đêm mới lén viết trên tường để trình Tổ, chứ không dám trình trực tiếp với tổ. Tổ biết và khen ngợi bài kệ của Thần Tú, mọi người đều đến xem, Tổ khuyên mọi người nên biên chép trì tụng bài kệ này có phước, từ đó bài kệ của Thần Tú trong chúng ai cũng biết, bài kệ Thần Tú được nhiều người bàn tán ca ngợi thấu đến tai Huệ Năng, Huệ Năng nhờ người dẫn đến chỗ bài kệ xem và nghe. Nghe xong Huệ Năng nói tôi cũng có bài kệ, nhưng tôi không biết viết nhờ người viết dùm.

           Bài kệ của Đại sư Huệ  Năng :

          Bồ đề bổn vô thọ

          Minh cảnh diệc phi đài

          Bổn lai vô nhất vật

            xứ nhạ trần ai ?

  (  Bồ đề vốn không cây

          Gương sáng không cần đài

          Xưa nay không một vật

          Lấy gì bụi bám .)

  Hai bài kệ,  bài kệ của Thần Tú nói về Tướng, nên phải có điều kiện hình tướng trên sự tu tập. Bài kệ của Huệ Năng nói về Tánh, nên không câu chấp hình tướng.

   Cách tu quét bụi của Thần Tú và hàng môn đệ tất nhiên dẫn đến phương pháp Thiền tịch tĩnh, và đó chính là phương pháp mà họ khuyên dạy. Họ hướng dẫn nhập định qua sự tập trung, thanh tịnh tâm ý bằng cách an trú tâm trên một niệm duy nhất. Họ còn dạy rằng khi khởi một niệm, ngoại cảnh liền chiếu diệu rõ ràng, nên khi làm vắng bặt niệm tưởng ấy đi, thì sẽ nhận biết thế giới nội tâm.

          Thần Tú cũng như các Thiền sư khác, thừa nhận tâm hiện hữu và công nhận rằng tâm nầy phải được tìm thấy từ bên trong bản tâm của mỗi chúng ta. Tâm ấy được thừa hưởng đầy đủ mọi đức tính của chư Phật. Thực tế chúng ta không nhận được tâm nầy vì tập khí của chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh.

    Chúng ta không nhận ra được tâm nầy vì tập khí của chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh, khiến cho ánh sáng chân tâm bị lu mờ đi. Phương pháp tu của sư Thần Tú khuyên mọi người nên quán chiếu bên trong bằng cách tĩnh tu. Điều này hoàn toàn tốt cho chừng mực nào đó, nhưng Thần Tú vốn không có sự thể nhập siêu hình, nên phương pháp trên phải nhận chịu sự thiếu sót nầy.

          Giáo pháp bao gồm những điều mà ta thường gọi là “ hữu vi” hay “ hữu sự” mà chẳng phải là “ vô sự” hay là “ tự tại”.

          Đại sư Thần Tú nghe nhiều người quan tâm đến phương pháp nhập đạo thẳng tắt, nhanh chóng của Đại sư Huệ Năng, bèn gọi một đệ tử tên Chí Thành đến dặn : “ Ông vốn thông minh, lanh lợi hãy vì ta đến núi Tào Khê, và khi đến gặp Huệ Năng hãy đảnh lễ và cung kính lắng nghe. Đừng để cho Ngài biết ông từ nơi nầy đến. Ngay khi hiểu được trọn ý nghĩa mà ông nghe được về Ngài, hãy ghi nhớ nằm lòng và trở về đây nói cho ta nghe về Ngài. Lúc ấy ta mới rõ kiến giải của ta hay của Huệ Năng là thẳng tắt nhanh chóng”.

   Sư Chí Thành hoan hỷ vâng lời thầy, thẳng đến núi Tào Khê sai 15 ngày đường, ông đến cung kính đảnh lễ Đại sư Huệ Năng và lắng nghe sự chỉ dạy, không tiết lộ từ đâu đến. Khi nghe pháp, tâm trí Chí Thành nắm bắt ngay được yếu chỉ giáo pháp của Huệ Năng. Chí Thành nhận ra ngay bản tâm của mình, liền đứng dậy đảnh lễ, thưa : “ Con vốn từ chùa Ngọc Tuyền đến đây. Nhưng tu tập dưới sự chỉ dạy của thầy con là Thần Tú, con chưa được khế ngộ. Bây giờ, nghe được pháp yếu của Hòa thượng, con đã nhận ra ngay bản tâm mình. Ngưỡng mong Hòa thượng tù bi chỉ dạy thêm cho”.

  Đại sư Huệ Năng bảo : “Nếu ông từ chùa  Ngọc Tuyền đến, ắt ông là kẻ do thám ? ”.

           Chí Thành đáp : “Khi con chưa tiết lộ thì đúng con là kẻ do thám, nhưng khi con đã thưa thật với Hòa thượng rồi thì con chẳng còn là kẻ do thám nữa”.

     Đại sư Huệ Năng nói : “ Trường hợp đó cũng là ý nghĩa phiền não tức bồ đề”.

           Huệ Năng bảo Chí Thành : “ Tôi nghe thầy ông chỉ dùng tam vô lậu học, gồm Giới, Định, Huệ để dạy người. Hãy cho tôi biết, thầy ông đã dạy như thế nào ? ”.

          Chí Thành thưa : “  Thần Tú thầy con dạy, giới, định, tuệ như sau : Không làm các việc ác là giới; Vâng làm các việc lành là huệ ; Tự thanh tịnh tâm trí mình là định.  Đây là quan niệm về tam vô lậu học của thầy con. Giáo lý của thầy hoàn toàn tương ứng với quan niệm nầy. Thỉnh ý của Hòa thượng như thế nào, xin chỉ dạy ”.

          Đại sư Huệ Năng đáp  : “ Ấy là quan điểm rất hay, nhưng tinh thần của tôi thì khác”.

          Chí Thành hỏi : “ Thưa Bạch Hòa thượng, khác chỗ nào ?”.

          Đại sư Huệ năng đáp : “ Một bên chậm, một bên nhanh và thẳng tắt ”.

          Chí Thành cầu thỉnh được chỉ bày cái thấy của Ngài về Giới, Định, Huệ. Đại sư Huệ Năng đáp :

   “ Vậy thì hãy lắng nghe pháp của tôi, theo cái thấy của tôi, bản tâm tự nó không bệnh, đó là tự tính Giới . Tâm tự nó vốn không loạn, đó là tự tính Định; tâm tự nó không si mê, đó là tự tính Huệ”. Đại sư nói tiếp, “ Tam vô lậu học mà thầy của ông giảng dạy là dành cho người có căn cơ bậc thấp, còn giáo pháp tam học của tôi dành cho hàng có trí siêu tuyệt. Khi ngộ được tự tính chẳng cần dựng lập tam học nữa”

 Chí Thành thưa, “Thỉnh Hòa thượng chỉ dạy rõ cho con ý nghĩa chẳng cần dựng lập”.

           Đại sư Huệ Năng nói “ Tự tánh vốn không bệnh, không loạn, không si mê, mỗi niệm đều là trí tuệ siêu việt  ( Bát nhã ) mỗi niệm trong ánh sáng trí tuệ quán chiếu nầy thường vượt khỏi mọi sắc tướng. Do vậy, nên chẳng dựng lập tất cả pháp. Đốn ngộ nhận ra ngay liền tự tánh nầy, chẳng phải nhận thức theo từng thứ lớp mà được, đây là lý do của việc không dựng lập”.

   Chí Thành đảnh lễ và không bao giờ rời Tào Khê, trở thành đệ tử của Đại sư Huệ Năng.

  ( Trích   Thiền và Pháp môn vô niệm luận về Pháp bảo Đàn kinh của Lục Tổ Huệ Năng ).

 

  PHẦN II –

   Điều độc đáo có tính cách nổi bật và kỳ đặc nhất trong giáo pháp của Huệ Năng, so với các bậc Tổ sư tiền bối và các Tổ sư đương thời, giáo lý “ bổn lai vô nhất vật” của Ngài, thể hiện tinh thần khác hẳn với bài kệ ngộ giải của Thần Tú.

   “ Xưa nay không một vật” là ý chỉ đầu tiên của Huệ Năng. Đó là tiếng bom nổ trong cứ điểm của Thần Tú và các bậc Tổ sư tiền bối.  Qua ý chỉ này, Thiền của Huệ Năng trở nên có cương lĩnh, độc đáo, đối nghịch hẳn với cơ bản loại Thiền định kiểu “ quét sạch bụi trần”. Quan điểm của Thần Tú hoàn toàn không sai lầm, vì có lý khi giả định rằng chính thầy của Thần Tú, đã cùng có quan niệm như vậy, cho dù quan điểm của Ngũ Tổ không được tuyên bố rõ ràng như Thần Tú. Thực vậy, giáo pháp của Hoằng Nhẫn có thể lý giải theo hai đường lối, một của Thần Tú và một của Huệ Năng. Hoằng Nhẫn là một vị thầy vĩ đại của Thiền tông, và qua ngài đã xuất sinh nhiều nhân vật lỗi lạc mà sau đều trở thành những vị thượng thủ dẫn đạo tông phong. Trong các vị ấy, Thần Tú và Huệ Năng là nổi bậc nhất trong nhiều phương diện, và sự phân phái bắt đầu nẩy sinh từ nơi họ. Thần Tú lý giải giáo lý của Hoằng Nhẫn theo ngộ giải của riêng mình, và Huệ Năng thích ý chỉ Thiền của Hoằng Nhẫn theo sự bừng chiếu tuệ giác của mình . Và như đã giải thích, thời gian đã chứng minh cho giáo lý nào trội vượt hẳn, vì giáo lý ấy hoàn toàn thích ứng với tư tưởng và tâm lý của người Trung Hoa.

          Chính giáo pháp của Hoằng Nhẫn hoàn toàn có khả năng nghiêng về khuynh hướng tương tự như Thần Tú, vì Hoằng Nhẫn có vẻ như đã dạy đệ tử “ luôn luôn phải biết bản tâm” thường phải canh chừng tâm ý. Ngũ Tổ là đệ tử của Bồ Đề Đạt ma, đương nhiên phải tin vào cái tâm mà nó bao trùm khắp cả pháp giới nầy, cũng như tâm lưu xuất vô số hình tướng, nhưng chính trong tự thể là nhất như, không cấu nhiễm, và chiếu sáng như mặt trời không gợn mây “ Tự biết bản tâm của mình” có nghĩa là giữ cho tâm được trong sáng  không còn bị những đám mây mù bản ngã che khuất, để cho ánh sáng thanh tịnh còn được nguyên toàn và vẫn thường chiếu diệu. Nhưng ngay quan điểm này, ý niệm về tâm và mối tương quan của tâm với thế giới phồn tạp đã không được xác lập một cách rõ ràng, nên có rất nhiều khả năng tâm này sẽ tương giao với nhiều khái niệm lầm lẫn.

          Nếu tâm vốn thường thanh tịnh, không cấu nhiễm thì tại sao nó cần phải được phủi bụi, lau chùi, mà bụi ấy vốn không có chỗ nào để dấy khởi  ? Phải chăng việc “ quét bụi” này cũng giống như việc “ canh chừng tâm ý”, là một tiến trình không được bảo chứng của các hành giả Thiền ? Việc quét bụi quả thực là một sự sắp xếp hoàn toàn không cần thiết . Nếu như toàn thể pháp giới này lưu xuất từ tâm, tại sao không để nó sinh khởi theo ý muốn ? Cố gắng ngăn chận sự sinh khởi ấy bằng cách “ canh chừng tâm ý”- có phải điều này đang quấy rầy tâm chăng ? Điều hợp lý và tự nhiên nhất đối với tâm là hãy trả về cho nó hoạt dụng sáng tạo và chiếu soi.

          Giáo lý “ canh chừng tâm ý” của Hoằng Nhẫn có thể nhằm canh chừng cái ý thức về ngã tính của chính hành giả đã tạo nên chướng ngại cho Bản tâm. Nhưng đồng thời, cũng có  lắm nguy hiểm cho hành giả khi hành xử hoàn toàn tương phản với tinh thần giáo lý không can thiệp. Đây là một điểm tế nhị, và các Thiền sư phải xác quyết về vấn đề này- không những trong ý niệm mà còn cả trong phương pháp tu tập. Chính Thiền sư phải có một ý tưởng dứt khoát khi muốn thành tựu việc nhận ra bản tâm cho đệ tử mình, nhưng về sau, họ thường không công phu khế hợp với sự hướng dẫn của thầy. Do nguyên nhân này, các phương pháp hướng dẫn tu tập cũng phải đa dạng, không những thích ứng với từng người mà còn đáp ứng từng thời đại. Và cũng vì lý do ấy, những sự đối lập lại càng căng khẳng định quyết liệt trong hàng môn đệ hơn là giữa các bậc thầy xiển dương các pháp môn tu tập khác nhau.

  Khuynh hướng của Thần Tú dạy môn đồ đệ tử phương pháp “ canh chừng” hay “ quét bụi” hơn là phương pháp “ để mặc”. Tuy nhiên, phương pháp sau cùng này lại tránh được những cạm bẫy nghiêm trọng mà người tu có thể sa vào, vì đó là nơi hội ngộ cơ bản giáo lý tính không. Đó là tư tưởng “ xưa nay một vật”

           Khi Huệ Năng tuyên bố : “ xưa nay không một vật” thì yếu chỉ tư tưởng Thiền của Ngài đã được định hình. Từ đó, chúng ta nhận ra được khoảng cách khác biệt giữa  Ngài và các vị Tổ sư tiền bối cũng như với các vị Thiền sư đương thời. Yếu chỉ này trước đây chưa được định hình rõ nét như thế.

          Các Thiền sư cùng thời với Huệ Năng trình bày Tâm trong mỗi tâm thức cá nhân, và cũng như tính tuyệt đối  thanh tịnh của tâm này, ý tưởng hiện hữu của tâm ấy cùng bản tánh thanh tịnh tuyệt đối như thế gợi lên sự hiện hữu một thực thể riêng biệt, cho dù thực thể ấy có thể được xem là siêu trần và trong suốt. Và kết quả là phải khai quật thực thể ấy ra từ đống vật thể hỗn trược ( trái ngược với chân tính bồ đề vốn hằng thanh tịnh ).

          Ngược lại tư tưởng của Huệ Năng về tính không có thể đẩy hành giả vào hố thẳm, nơi chắc chắn sẽ tạo nên một cảm giác tuyệt vọng ngất trời. Triết lý Bát Nhã, cũng như triết lý của Huệ Năng, có chung một hiệu quả ấy. Để nhận ra được, hành giả cần có một trực kiến tôn giáo sâu thẳm, thể nhập được vào chân lý tính không. Được biết Huệ Năng có được sự giác ngộ khi nghe tụng kinh Kim Cang, kinh này thuộc văn hệ Bát Nhã trong kinh Đại thừa. Qua đó, chúng ta thấy biết ngay được điểm xuất phát của Huệ Năng.

           Ý tưởng nổi bậc thịnh hành mãi đến thời Huệ Năng là Phật tính mà tất cả các loài hữu tình đều vốn có. Phật tính này hoàn toàn thanh tịnh, không nhiễm ô như tự thể của mỗi chúng sanh. Do vậy, công phu của hành giả là thể thiện tự tánh của chính mình, đó là Phật tánh, vốn thanh tịnh từ uyên nguyên. Nhưng như đã trình bày trước đây, về mặt thực hành, ý tưởng này thường có khả năng dẫn hành giả đến khái niệm phân biệt trong khi duy trì ý thức thanh tịnh của tâm đằng sau một thứ hỗn độn u tối bao bọc lấy ý thức ngã tính của mình, công phu thiền định của hành giả có thể đạt đến sự chiếu sáng ở đài gương tâm, trong đó, hành giả hy vọng thấy được khuôn mặt tự thể thanh tịnh ngàn đời của mình phản chiếu. Loại Thiền định này có thể được gọi là tĩnh. Nhưng kiểu Thiền mặc chiếu hay quan sát thanh tịnh của tâm lại có tác dụng như là tự sát. Huệ Năng cực lực phản đối loại Thiền định này …..

  ( Trích : Thiền và pháp vô niệm ).

( Trích một phần những pháp tu thiền để chúng ta thấy Thiền rất hay rất tuyệt nhưng đạt đến chỗ rốt ráo tận cùng thì rất khó, nếu không phải căn cơ bực thượng thì khó đi đến nơi về đến chốn được. Tinh thần Thiền là vô chấp, chấp không cũng không được, chấp có cũng không xong. Chấp không rơi vào trạng thái ngoan không, chấp có dính chặt vào một chỗ,  làm sao vượt qua khỏi trạng thái chấp không và chấp có, mới đúng ý của Thiền. Nhưng bản chất chúng sanh đã từ lâu ưa chấp, nay làm cho không chấp thì thật khó và rất khó… )

 

 

 

THIỀN VÀ PHÁP MÔN VÔ NIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét