Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

THỈNH CHUÔNG

 

THỈNH CHUÔNG

           Chuông là một pháp khí trong thiền môn, có ý nghĩa dùng để thức chúng. Chuông có nhiều loại, lớn gọi đại hồng chung, vừa gọi tiểu hồng chung, chuông u minh, chuông gia trì. Chuông dùng để đánh sớm khuya gọi là chuông U minh, với tính cách dùng tiếng chuông để thức tỉnh hương hồn cõi âm, nên gọi chuông U minh. Chuông gia trì dùng để đánh trong những lúc tụng kinh bái sám. Chuông thức chúng là chuông dùng để đánh báo hiệu chúng biết đến giờ tụng kinh, thiền tập, ăn cơm, hay chấp tác v.v.. tiếng chuông là một hiệu lệnh mọi người đều phải chấp hành tuân thủ cho đúng giờ giấc.

          Mỗi lần đánh đại hồng chung,  hai bài kệ đầu được xướng lên là :

          “Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới

          Thiết vi u ám tất giai văn,

          Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

          Nhứt thiết chúng sanh  thành chánh giác”.

Nghĩa là  Nguyện tiếng chuông này thấu cả pháp giới

              Xa xôi tối tăm trong núi Thiết vi thảy đều nghe

              Nghe tiếng chuông này rồi, trần cấu được thanh tịnh, chứng bực viên thông. 

             Nguyện tất cả chúng sanh đều thành chánh giác.

 Bài thứ hai :

          “Văn chung thinh, phiền não khinh

          Trí tuệ trưởng, Bồ đề sanh,

          Ly địa ngục, xuất hỏa khanh

          Nguyện thành Phật, độ chúng sanh”..

  Nghĩa là : Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ

          Trí huệ lớn, Bồ đề sanh

          Lìa địa ngục, ra khỏi hầm lửa

          Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

          Ý nghĩa và ý nguyện của tâm nguyện người đánh chuông là cầu nguyện cho mọi chúng sanh kẻ âm hay người dương, khi nghe chuông phiền não được tiêu trừ, trí tuệ tăng trưởng, tâm Bồ đề phát sanh, rời địa ngục, ra khỏi hầm lửa,  nguyện thành Phật sẽ độ chúng sanh.

       Với ý nghĩa như thế nên người đánh chuông, và người nghe chuông phải  giữ tâm thanh tịnh, lắng lòng nghe chuông. Cả hai kẻ đánh người nghe đều có lợi lạc, nếu không sẽ không có công đức mà phước đức tổn giảm. Vì thế có câu kệ khuyên người nghe chuông nên  biết lo sợ như vầy.

    Nghe chuông ngọa bất khởi

    Trí huệ tổn, Thiện thần sân,

   Một hậu đọa xà thân….

Nghĩa là : nghe chuông nằm không dậy

  Phước đức trí huệ tổn giảm, Thiện thần không vui

 Sau khi chết đọa làm thân rắn ..

  Vì thế mỗi khi nghe chuông phải thầm đọc bài kệ do Hòa thượng Nhất Hạnh chế tác từ các ý nghĩa nghe chuông như sau:

          Ba nghiệp lắng thanh tịnh

          Gởi lòng theo tiếng chuông

          Nguyện người nghe tỉnh thức

          Vượt thoát nẽo khỏi đau buồn.

          Người đánh chuông với tâm không chánh niệm, thì tiếng chuông vang lên người nghe cảm thấy không yên. Trước khi đánh chuông và đang khi đánh chuông, phải đứng thật yên lắng, hay ngồi thật yên lắng, tập trung tâm ý lại, theo dõi ba hơi thở ra vào thật sâu, sau đó chấp tay vái, nắm dùi chuông lên, với ý thức rõ ràng, đưa dùi chuông chạm nhẹ vào chuông để thức chuông… Sau đó đưa dùi chuông đánh nhẹ vào chuông và chuông sẽ vang lên tiếng.

    Rồi ta tập trung tâm ý để theo dõi tiếng chuông ngân lên ngắn hay dài, âm phát ra thanh hay đục, tiếng ngân là tròn hay chưa tròn.   Thỉnh chuông là một công phu tu tập, nếu ta thỉnh chuông với tâm như thế nào, thì tiếng chuông sẽ phản hồi đúng như tâm ta vậy.

   Ta thỉnh chuông với tâm vội vã, thì tiếng chuông cũng vội vã như tâm ta vậy, ta thỉnh chuông với tâm đằm thắm, sâu lắng thì tiếng chuông ngân lên cũng sâu lắng, đằm thắm như tâm ta vậy. Ta thỉnh chuông với tâm nguyện rộng lớn, thì tiếng chuông ngân lên lan xa và rộng lớn như tâm ta vậy, và ta thỉnh chuông với tâm ý thức trọn vẹn, thì tiếng chuông ngân lên cũng trọn vẹn.

   Nên mỗi lần đánh chuông là mỗi lần thực tập tâm chánh niệm. Đánh chuông trong chánh niệm là một phương pháp tu tập, là công phu tu tập là một  trong các thời khóa tu tập. Với tâm niệm tiếng chuông hướng đến kẻ âm người dương, kẻ còn khỏe mạnh kẻ thác được siêu thăng. Âm dương hai cảnh thảy đều lợi lạc.

{]{

THỈNH CHUÔNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét