Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

GIỚI LUẬT LÀ CHUẨN MỰC CHO NẾP SỐNG PHẠM HẠNH

 

 GIỚI LUẬT LÀ CHUẨN MỰC CHO NẾP SỐNG PHẠM HẠNH

 Để làm chuẩn mực cho nếp sống phạm hạnh Đức Phật dạy chúng ta hãy trang bị cho mình bằng những giới hạnh, khoác trên mình bằng chiếc áo giáp thiền định và hãy chuẩn bị cho mình một hành trang trí tuệ. Vì: “ Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu”. Đức Phật khẳng định tầm quan trọng của Giới-Định-Tuệ, giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau. Chính giới luật ngăn ngừa các tội lỗi phát inh từ thân, khẩu, ý đưa đến thân tâm an tịnh, khi tâm vắng lặng không vẩn đục thì ánh sáng trí tuệ xuất hiện, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc chứng thánh quả. Đó cũng chính là nếp sống phạm hạnh của người xuất gia.

Vậy nếp sống phạm hạnh hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống thanh tịnh, hành động thánh thiện, hay nguyên tắc của cuộc sống độc thân để bảo đảm nền tảng vững chắc cho lý tưởng giải thoát. Đời sống này  còn có ý nghĩa là tinh tấn thực hành, là sự nỗ lực liên tục để đối trị lại mọi sự khát ái, dục thủ và bất tịnh để hướng đến một đời sống thanh tịnh tuyệt đối. Mục đích của đời sống này nhằm đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, những phiền nào do tham, sân, si tạo ra từ vô lượng kiếp về trước, từ đó làm động lực thúc đẫy cho sự tu tập giải thoát giác ngộ.

Đời sống phạm hạnh của người xuất gia luôn dựa trên nền tảng giới luật, đối lập với cuộc sống thế tục, vốn luôn hàm chứa những yếu tố dục vọng và khổ đau. Đời sống phạm hạnh đó cần hội đủ hai yếu tố. Về hình thức, vị ấy từ bỏ gia đình, sống độc thân, không bà con quyến thuộc, cạo bỏ râu tóc, từ bỏ mọi thứ dục vọng mà người bình thường được thọ hưởng, sống theo Pháp tứ y ( Tứ thành chủng ) của người xuất gia. Về nội dung, vị ấy hành trì đầy đủ giới luật, tinh tấn tu tập thiền định và trí tuệ. Vị ấy thuần thục trong chánh pháp của Đức Phật, từ bỏ các ác pháp và thực hành các thiện pháp để tăng tiến trên đời sống giải thoát của mình. Để thành tựu mục đích đời sống phạm hạnh, hành giả phải thực hành theo nếp sống mẫu mực trọn vẹn của một Thánh giả A la hán, bao gồm bốn sự thanh tịnh dưới đây : “ Sự thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi ( Đó là khả năng đề kháng những dòng nước lũ ô nhiễm từ bên ngoài ngang qua các hành vi hay nghiệp đạo, tràn ngập vào tâm làm cho tâm dơ bẩn). Sự thanh tịnh về phòng hộ căn môn ( Đó là sự kiểm soát các giác quan, những cánh cửa mà ô nhiễm có thể đi xuyên vào trong tâm. Sự thanh tịnh về phương diện sinh sống ( Tức là sinh sống theo bốn truyền thống của chư Phật, gọi là Tứ Thánh chủng). Sự thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác ( Nghĩa là luôn chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi ..)

Về nguyên tắc, con đường để thành tựu bốn sự thanh tịnh hay đời sống phạm hạnh nói trên chính là Giới-Định—Tuệ. Dựa trên cơ sở Giới-Định-Tuệ, trong đó lấy giới làm nền tảng căn bản, Đức Phật đã thành tựu viên mãn nếp sống phạm hạnh và hoàn toàn thanh tịnh tuyệt đối, Ngài chỉ rõ nếp sống ấy cho chúng ta một cách đầy đủ trong kho tàng giáo lý. Nương vào nếp sống này để tu tập, hành giả sẽ thoát khỏi mọi khổ đau hoàn toàn.

Kết luận : Nhập vào hàng ngũ xuất gia, việc giữ gìn giới luật và thực tập nếp sống phạm hạnh là điều không thể thiếu. Là trưởng tử Như Lai, ngoài việc tự mình tu tập để giải thoát, chúng ta phải đảm đương trọng trách giữ gìn gia tài Phật pháp mà Đức Thế Tôn đã để lại. Thân bên ngoài chặt dứt mọi giao duyên với bạn ác, gọi là xa lìa tướng uế tạp của thân;  tâm bên trong dứt bỏ các tư duy phân biệt xấu xa điên đảo, gọi là xa lìa tưởng uế tạp của tâm. Muốn thực hiện được điều này cần phải cố gắng thực tập theo tinh thần giới luật. Lời cảnh tỉnh của Thế Tôn là kim chỉ nam cho người con Phật, để giữ gìn giềng mối Phật pháp. Với nếp sống phạm hạnh thanh tịnh lấy giới luật làm thầy, giữ gìn giới luật từ thân, khẩu, ý, hộ trì các căn, đối trị các phiền não sân hận, kiêu mạn, sống thiểu dục tri túc… thì bước đầu đã thành tựu về Giới. Điều này sẽ giúp cho tâm dễ định tĩnh, tâm thuần tịnh trong sáng là kết quả của thành tựu Định và Tuệ. Giới Định Tuệ là con đường đưa chúng ta thoát khỏi khổ đau và là con đường độc nhất đưa đến hạnh phúc sau cùng, đến Niết bàn tối thượng. Đó chính là ý nghĩa, giá trị đích thực của giới luật để định hướng một đời sống an lạc giải thoát, cho hiện tại và mai sau ./.

( Trích:  Giới luật và mạng mạch Phật giáo – SC Thích nữ Tuệ Phương- VHPG số 392- 1-7- 2022 )

{]{

GIỚI LUẬT LÀ CHUẨN MỰC CHO NẾP SỐNG PHẠM HẠNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét