Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

GIỚI LUẬT VÀ MẠNG MẠCH PHẬT GIÁO

 

GIỚI LUẬT VÀ MẠNG MẠCH PHẬT GIÁO

Người xuất gia chính là những hành giả phát tâm đại nguyện theo tinh thần của Bồ tát “ Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Quan trọng nhất là học và hành trì về giới luật. Giới luật là bước đi đầu mang nền tảng vững chắc giúp hành giả không rơi vào giới cấm thủ. Những điều giới luật Thế Tôn  thuyết ra nhằm duy trì mạng mạch Tăng già, vì hạnh phúc an lạc cho tất cả chúng sanh. Vì thế, hành trì giới luật là thực hành nếp sống khuôn mẫu phạm hạnh, là chuẩn mực đạo đức của Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung.

NỘI DUNG CỦA CÁC LOẠI GIỚI.

 Mục đích của giới luật là giúp cho hành giả thanh tịnh thân, ngữ, ý và đạt được bốn quả vị Thánh. Mặc dù giới luật chỉ nhằm vào một mục đích, nhưng tự thân của giới được phân thành nhiều loại khác nhau. Trước hết theo các nhà Phật giáo Bắc truyền giới được phân thành ba loại : Nhiếp luật nghi giới- Nhiếp thiện pháp giới – Nhiêu ích hữu tình giới.

  - Nhiếp thiện pháp giới, còn gọi là biệt giải thoát luật nghi, gồm các giới tại gia cũng như xuất gia. Đó là 5 giới, 8 giới tức Bát Quan trai giới, 10 giới tức Thập thiện giới.  Cụ túc giới tức 250 giới Tỳ kheo, 230 giới Tỳ kheo Ny.

- Nhiếp thiện pháp giới : Nghĩa là lấy việc thực hành các điều thiện làm giới.

- Nhiêu ích hữu tình giới : nghĩa là lấy việc làm lợi ích chúng sanh làm giới.

  Về sau, do thấy mối liên hệ biện chứng của ba pháp Giới-Định-Tuệ, các luận sư nêu lên một cách phân chia khác. Biệt giải thoát giới, bao gồm ý nghĩa của nhiếp luật nghi giới. Định cọng giới. Lấy Định ( Samadhi) là Giới- nghĩa là do tu tập thiền định mà tâm thanh tịnh, Giới thể được cụ túc và giải thoát là do định sanh. Đạo cộng giới lấy Tuệ  ( Panna ) làm nền tảng cho Giới, nghĩa là do tu tập vô lậu nghiệp mà được trí tuệ vô lậu. Giới thể viên mãn và có được giải thoát là do Tuệ sanh.

 Có thể thấy, Giới-Định-Tuệ luôn đan xen với nhau cả ba được ví như chiếc kiềng ba chân, khi một pháp được hành trì, hai pháp còn lại cũng ẩn tàng trong đó. Đây là ba thành tố, không thể thiếu trên con đường giải thoát do Đức Phật đã khám phá. Bất cứ au muốn  đoạn tận khổ đau, có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tại đây, cuối cùng đạt  được giải thoát sanh tử thì phải kinh qua con đường này.

NỘI DUNG CỦA GIỚI BỔN

 Ý nghĩa của giới bổn là sự thoát khỏi những trói buộc hay phiền não của cuộc sống và đưa đến sự chứng ngộ Niết bàn. Theo giáo lý Phật giáo, sự thanh tịnh của một người tùy thuộc vào các việc làm tốt ( thiện nghiệp) được người ấy thể hiện qua thân, khẩu, ý. Giới thực hành những thiện nghiệp và tránh xa mọi hành động xấu ác ( bất thiện nghiệp ) của thân, khẩu, ý. Bởi bất thiện nghiệp sẽ đưa người ta đến cảnh giới khổ đau, trong khi ấy các thiện nghiệp sẽ dẫn con người đến trạng thái an lạc và cuối cùng chứng đắc Niết bàn. Chức năng của giới rất vô cùng quan trọng đối với nếp sống người tu tập. Do vậy, giới thường được xem là thứ thuốc chữa bách bệnh cho tất cả chúng sanh.

          Giới bổn gồm các giới điều cùng với những hướng dẫn về phương pháp sám hối, đối với một số giới điều mỗi khi hành giả vi phạm. Giới có nhiều loại, 5 giới, 8 giới, 10 giới cho tại gia cư sĩ, 10 giới của Sa di xuất gia. 227 giới cho Tỳ kheo theo truyền thống Theravada – Nam truyền- Thượng tọa bộ hay 250 giới Tỳ kheo theo truyền thống Mahayana – Bắc truyền- Đại chúng bộ. Theo luật định, hai chúng Tỳ kheo và Tỳkheo ni mỗi tháng tụng đọc giới bổn hai lần ( 30 – 15 ). Sự tụng đọc giới bổn nhằm hai mục đích: 1/ Giúp Tỳ kheo và Tỳ kheo ni nhớ lại toàn bộ giới điều đã thọ nhận. 2/  Tạo cơ hội cho các thành viên của Tăng già nhận biết được các lỗi lầm mà họ có thể phạm ( nhưng không tự xác định ), trong khi giới bổn được đọc tụng, để thành tâm phát lồ sám hối.

NỘI DUNG GIỚI LUẬT .

          Để điều chỉnh, sắp xếp hợp lý và thích đáng cho cuộc sống đoàn thể của một cộng đồng, Tăng già phải tồn tại như thế nào cho đúng chân nghĩa, cần phải có những nguyên tắc, điều luật nhất định, tức phải thực thi Tăng già Yết ma một cách nghiêm túc Đây là điểm giới luật vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong hay hưng thịnh của Tăng già. Tăng già Yết ma Pali gọi là Samgha-Kamma – Hán dịch là “tác pháp biện sự”

          Được giải thích “vạn sự do tư thành cố”, nghĩa là tất cả công việc của Tăng già đều dựa vào đây mà thành tựu viên mãn. Để phân biệt hành vi của cá nhân và tập thể, từ Kama thay vì dịch “nghiệp” tức là hành động có tác ý, các vị giới sư phiên âm là “Yết ma”, hay nói cho đủ là  “Tăng già Yết ma”, tức hành vi của Tăng, hay sự biểu quyết của Tăng. Nói như vậy nhằm phân biệt hành vi của các tập thể hay tổ chức thế gian khác với hành vi của Tăng già, tức tập thể các vị xuất gia.

          Trong các tổ chức xã hội khi cần có một quyết định chung những người tham dự biểu quyết phải hội đủ một số điều kiện cần thiết để xác định tư cách của thành viên, những điều kiện để tạo nên tư cách lại căn cứ vào chức năng của cá nhân ấy trong quan hệ tập thể. Ở phạm vị Tăng đoàn, thành phần Tỳ kheo với yếu tố xác quyết tư cách không chỉ là chức năng mà là phẩm chất. Vì thế,  sự thanh tịnh của mỗi Tỳ kheo qua việc tuân giữ các giới điều chính là bản chất của vị ấy.  Đây là nét riêng biệt của Phật giáo.

           Theo Yết ma Yếu chỉ, dựa trên tác nhân để phân chia, có ba loại Yết ma.

          a/ Tâm niệm Yết ma : Nghĩa là tự mình nghĩ và nói ra trước bàn thờ Phật, mà không cần có người thứ hai chứng kiến. Loại này được áp dụng cho những công việc như Bố tát, tâm niệm Tự tứ.

          b/ Đối thú Yết ma : Là sự tác pháp giữa hai hoặc ba vị Tăng. Một người nói, một hay hai người còn lại lắng nghe.

          C/ Tăng pháp Yết ma : chủ yếu có ba loại :

- Đơn bạch hay bạch nhất : Nghĩa là một lần tác bạch ( tuyến bố ) lý do công việc cần phải làm giữa Tăng ( Tăng sự ) thì việc ấy liền thành tựu.

          - Nhị bạch : Nghĩa là một lần tuyên bố, một lần yết ma ( biểu quyết ) thì Tăng sự mới thành tựu.

          - Bạch tứ : Là một lần tuyên bố, ba lần biểu quyết thì Tăng sự mới thành tựu.

 Theo thống kê của Yết ma yếu chỉ có 44 pháp thuộc đơn bạch Yết ma. Thông thường bản chất công việc trong 44 pháp vốn đơn giản, chỉ cần một lần tuyên bố cho Tăng biết là đủ. Bạch nhị yết ma có tất cả 73 pháp, các Tăng sự này có tầm quan trọng hơn lần thứ nhất, vì vậy sau khi tuyên bố xong cần phải có sự biểu quyết thuận của chúng Tăng. Trong khi ấy, bạch tứ Yết ma có 39 pháp. Đây là trường hợp của những Tăng sự quan trọng nhất và các tăng sự này chỉ thật sự thành tựu sau một lần tuyên bố và ba lần biểu quyết thuận của chúng Tăng.

          Như vậy, Tăng già Yết ma, là các quyết định của Tăng đoàn căn cứ trên nền tảng của sự thanh tịnh và hòa hợp, bao gồm những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân thủ và được áp dụng tùy theo đối tượng của việc làm với mục đích duy trì và phát triển những hoạt động của Tăng già theo chiều hướng thanh tịnh và hòa hợp. Tóm lại, những điều này cũng không nằm ngoài bài kệ mà đức Phật đã dạy :

          Không làm các điều ác

          Thành tựu các hạnh lành

          Tâm ý giữ trong sạch

          Chính lời chư Phật dạy

                   (Pháp cú 183 ).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỚI LUẬT.

  Giới luật duy trì mạng mạch : Giới luật mà Thế Tôn đã chế ra “ Tùy phạm tùy kết” Nghĩa là nhân có người vi phạm, Phật mới chế. Giới điều đó có thể thay đổi uyển chuyển theo thời gian và từng quốc gia. Thế Tôn ra đời vì mục đích giải thoát cho chúng sanh khỏi sinh tử luân hồi nên giới luật của Ngài hoàn toàn không mang tính chất cưỡng chế. Ngược lại, đều vì lợi ích an lạc, giải thoát cho tất cả.

           Giới là nền tảng của đạo Phật, vì duy trì và phát triển của chánh pháp luôn tùy thuộc vào sự hiện diện của giới luật: “ Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp cũng hoại diệt”. Giới luật được xem là hiện thân của Đức Phật, là bậc thầy tôn kính, là người hướng đạo cho Tăng già kể từ khi Đức Phật diệt độ. Do đó, giới luật đóng vai trò quan trọng và then chốt trong nếp sống của người xuất gia.  Đức Phật dạy: “ Giới là nền tảng của bồn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần, và tám chánh đạo phần.  Ví như đất là nền tảng, không có nó thì các loài động vật không thể di chuyển. Cũng thế, không có giới thì 37 phẩm trợ đạo không thể được tu tập viên mãn”

           Đạo Phật có vô lượng pháp môn để tu, đối trị vô số phiền não, nhưng tất cả thâu tóm trong 37 phẩm trợ đạo, là con đường duy nhất đưa hành giả từ phàm phu lên bậc thánh. Trong 37 phẩm trợ đạo, giới là nền tảng của tất cả pháp môn. Kinh Hoa Nghiêm nói : “ Niết bàn lấy giới làm nền  tảng, đạo vô thượng Bồ đề lấy giới làm gốc, là chiếc phao nổi cho người qua bể khổ”. Giới sản sinh ra mọi công đức lành cho chính tự thân người hành trì và đem lại an tịnh lợi lạc cho những người xung quanh. Đức Phật giải thích, nếu một Tỳ kheo thiện xảo trong giới luật, chắc chắn sẽ thành tựu 7 đức tánh: “ Biết vi phạm; biết không vi phạm; biết phạm nhẹ, biết phạm nặng; cả hai giới bổn được khéo truyền lại một cách rộng rãi, khéo điều chỉnh, khéo phân loại, khéo quyết định, bốn thiền có được không khó khăn không mệt nhọc; không phí sức,  do đoạn trừ các lậu hoặc tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Giới luật có chức năng vô cùng quan trọng đối với người xuất gia. Chính giới luật là thước đo nhân phẩm đạo đức của mỗi người xuất gia  trong Tăng già. Kinh Hoa Nghiêm nói : “Người trì giới được Long, Thiên ủng hộ, ngoại ma kính sợ. Người phá giới thì quỷ gọi là đại tặc, đi đến đâu thì quỷ quét hết dấu chân”

          Vì thế trong cuộc sống thường nhật, nếu người xuất gia thiếu oai nghi sẽ khiến người đời tỵ hiềm, sanh tâm khinh thường Huống chi người xuất gia giữ giới hạnh, phạm trai phá giới, chẳng những bị bạn đồng tu xa lánh, long thiên hộ pháp không hộ trì, lại bị người đời hủy báng, phá đi chánh kiến của người Phật tử, làm cho nhiều người xa lánh Phật pháp, ảnh hưởng đến uy danh, cũng như sự tồn vong chánh pháp. Người phá giới có năm tội lỗi.

  - 1/ Tự hại mình – 2/ Bị người trí khiển trách- 3/ Tiếng xấu đồn xa- 4/ Khi sắp mạng chung tâm hối hận- 5/ Chết rồi đọa vào ba đường ác.

 Cho nên, Đức Phật dạy : “Này các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn, được chế ngự với sự chế ngự giới bổn, hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, đã sống đầy đủ giới, vậy không có gì cần làm thêm nữa”

  Như vậy, năng lực của giới là thành trì vững chắc ngăn chặn các lậu hoặc phát sinh từ thân, khẩu, ý. Luận đại trí độ nói : “Người nào muốn cầu sự lợi ích lớn, thì trước hết phải kiên trì tịnh giới như ngọc báu, như giữ thân mạng, vì giới là chỗ an trú của tất cả thiện pháp. Người trì giới đến khi mạng chung dù bị gió đao róc thịt xương gân mạch rút đứt, nhưng tâm vẫn không sợ hãi”

GIỚI LUẬT VÀ MẠNG MẠCH PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét