Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

TÂM VÀ HÌNH KHÁC TỤC

 

TÂM VÀ HÌNH  KHÁC TỤC

           Người tu gọi là những người “ tâm hình dị tục”  là tâm và hình khác nhau với thế tục. Có nghĩa cách sống của người tu gọi là ngược dòng đời. Khác đời có nghĩa là nội dung và hình thức khác nhau với đời. Người đệ tử Phật có nội dung và hình thức khác với người đời, nên gọi là dị tục, dị là khác, tục là thế tục. Tâm thế tục là tâm gì ? Tâm thế tục là tâm chúng sanh, tâm luôn hướng đến ngũ dục, tâm tham dục, tâm nhiễm ô, tâm cố chấp, tâm chấp ngã chấp nhơn, tâm tà kiến, tâm đầy đủ tham, sân, si. Tâm hưởng thụ, tâm thụ động, tâm kiêu căng ngã mạn v.v.. Ngược lại tâm người tu là tâm thanh tịnh, tâm trong sạch, tâm bao dung, từ bi, hỷ xả, tâm luôn mong muốn ly dục, tâm luôn hướng đến cứu độ chúng sanh, tâm buông xả, tâm ly ngã, ly sân, ly si  v.v… Có thể nói tâm thế tục gọi là tâm chúng sanh, tâm hành giả tu tập gọi là tâm ly dục.

           Trong tâm có những chất liệu chúng sanh chay, nếu đem những cái chất “ chúng sanh chay” đó gặp với nhau thì sẽ xảy ra bất ổn, bất an. Sự biểu hiện của tâm chúng sanh chay như thế nào ? Nó biểu hiện hết sức thô bỉ và dữ dằn. Trong cuộc sống  thường ngày chúng ta thường gặp, thường chứng kiến một người với tâm chúng sanh chay như thế trong gia đình mình và ngoài xã hội. Họ điều khiển hành động và ngôn ngữ của họ đối với những người thân, những người chung quanh. Và nếu hai người cùng có tâm chúng sanh chay đối xử với nhau thì ngôn ngữ và hành động của họ diễn ra và đối xử với nhau, nếu nghe và thấy, thì hết sức kinh dị. Miệng khua chân tay quơ múa, ngôn ngữ bất thường. Vì thế cuộc sống tự thân của họ và gia đình họ không an lạc không hạnh phúc, xã hội cũng còn trật tự, nếu thiếu phước chúng ta ở trong môi trường đó không khác gì đang ở trong địa ngục. Ai là đệ tử của Phật mà có tâm chúng sanh như thế, thì không phải là đệ tử của Phật, mà đệ tử của ma, của A Tu la.

          Tâm của người đệ tử Phật là tâm có nội dung của Giới, của Định và của Tuệ. Tâm có nội dung của giới, tức tâm có niềm tin, có lương tri, biết hổ thẹn với chính mình và người khác mỗi khi làm điều gì sai và nói sai. Vì vậy mà khi mình làm bất cứ công việc gì, mình cũng luôn soi xét lại cái tâm của mình. Mình đem 100 đồng, hay 10 kg gạo bố thí cho người nghèo, trên hình thức đó là một hành vi tốt, nếu hành vi tốt đó được khẳng định với tâm thương yêu thật sự. Mình phải xem lại, mình chia sẻ như thế này là với một động cơ nào. Đôi khi vì dư thừa, hay vì một lý do nào đó nên mình mới chia sẻ, rồi mình bắt người nhận phải cảm ơn mình, nhớ ơn mình, thì đó không phải là điều tốt. Tốt và xấu, thiện hay ác không phải nơi vật cho mà ở nơi động cơ cho và hành động cho, gọi là của đem cho không bằng cách cho là vậy.

           Nếu vật dư thừa, mình đem cho, mà người ta không nhận, thì mình phải đem đi vứt, và nếu để trong nhà thì chật nhà, và nếu để tiếp nữa, thì nó sẽ bị thối hoặc bị hư. Nên khi ta lấy một tặng phẩm ra để cho người, ta phải hỏi lại ta rằng, cái này có phải là cái của mình dư hay không . Nếu mình thấy rằng, đó là cái dư của mình, mình đem cho, thì người nhận có phước mà người cho không có phước gì cả. Đó là điều mà ta cần phải nhìn thật sâu để thấy. Có đôi người cứ thắc mắc, không hiểu vì sao, mình cứ đem của đi bố thí, đi giúp đỡ người khác hoài, mà sao cứ bị tai họa mãi ? Bị người trở mặt vô ơn là vì sao?   Không có ai đi cúng dường bố thí với tâm thanh tịnh và thành kính mà bị tai nạn cả, mà bị tai nạn là do bố thí hay cúng dường bằng những phẩm vật dư thừa, với tâm không thanh tịnh mà ra.

             Có một anh thí sinh nọ, sắp đến ngày thi anh định lên chùa lễ Phật cầu nguyện cho việc thi cử để được suông sẻ, trước khi đến chùa lễ Phật anh ghé nhà vị thầy tướng số xem một quẻ thử hên xui ra sao. Gặp vị thầy tướng số nhìn khuôn mặt anh bằng lòng ngay và nói rằng : Anh bốc cái quẻ này rất tốt, có khả năng 90%  là anh thi đậu cao kỳ này, thôi tôi có cô gái út sẽ gã cho anh làm vợ sau khi thi đậu về, và bao nhiêu chi phí đi thi tôi lo liệu cho anh, anh yên tâm cho việc thi cử cho tốt.  Anh  nghe vị thầy tướng số nói như vậy, anh quá đổi vui mừng và thẳng đến chùa lễ Phật cầu nguyện. Sau khi lễ Phật trở về ghé lại nhà thầy tướng số rồi mới về nhà. Không ngờ trở lại nhà vị thầy tướng xem lại  thấy sắc diện sáng sủa hanh thông của anh thí sinh khi trước không còn, hào khí không còn, vị thầy tướng số mới nói, hôm trước thôi hứa với anh như vậy, vì tôi thấy vầng hào quan sáng tốt của anh báo hiệu điềm lành, nay không còn nữa nên tôi không thể hứa với anh như trước nữa. Anh  thí sinh này không còn phấn khởi hy vọng như trước nữa thất thiểu ra về, chưa đi thi đã thất bại ê chề ! 

          Vì sao trước khi chưa lễ Phật tinh thần minh mẫn sáng sủa, hào khí thịnh vượng, có nhiều điềm tốt lành, sau khi lễ Phật thì tướng tốt không còn mà hiện tướng xấu là do đâu ?  Vì khi chưa lễ Phật, chưa gặp vị tướng số tâm của anh đều hướng sự cung kính nơi Phật, nhưng sau khi nghe vị tướng số cho biết sẽ thi đậu cao và hứa sẽ cho làm rễ nhà ông ta, bao nhiêu sự tốt đẹp và hy vọng, khiến chàng thí sinh tâm không còn thành kính khi lễ Phật nữa, tâm danh lợi nẩy sinh, nên Phước tổn nghiệp tăng, tướng tốt ẩn tàng, lộ bày tướng xấu, tướng bất an hiện ra, nên ông thầy tướng từ chối lời hứa tốt đẹp với anh.  Tâm thay đổi thì hoàn cảnh và sự việc thay đổi.  Anh chàng thí sinh do tâm không thanh tịnh và tâm không thành kính  khởi tâm danh lợi, mà từ tướng tốt hanh thông chuyển thành tướng xấu và mọi việc không suông sẻ là vậy.

          Hiểu được tâm thành kính và tâm thanh tịnh, ta thấy ở trong kinh Địa Tạng, tại sao dạy ta rằng, phải đem vật thực mới làm ra, chưa có sử dụng gì cả để cúng dường Phật, Pháp, Tăng, thì mới có phước đức, không được đem những thứ mình đã dùng rồi để dâng cúng, bởi vì cúng như vậy không có phước. Ta phải hiểu câu kinh ấy để thực hành. Hay gần đây, chủ quán bán thức ăn, lấy thức ăn thừa dọn khách, cộng đồng mạng phản ứng không những chủ tiệm bị phạt mà từ đó về sau không có khách đến ăn nữa nên phải nghỉ bán.

    Thí như, nếu ta chiêm nghiệm thật sâu và hết sức thực tế, thử hỏi trong bản thân mình, nếu bị thịt dư, thì sẽ như thế nào ? Máu dư  thì ra sao ?  Rồi cũng bị huyết áp cao, rồi phải đi giải phẫu… Mình đến nhờ người khác giải phẫu để mình được tồn tại, mình sống, thì tất nhiên là mình phải cảm ơn người kia và người kia có phước hơn mình phải không ?

          Nhìn thật sâu sắc mình mới thấy được điều đó. Rất nhiều người cứ thắc mắc và nói rằng, sao tôi tu ghê lắm, tôi làm phước nhiều lắm, tôi bố thí ghê lắm, tôi cúng dường nhiều lắm, mà sao đủ thứ tại nạn trên đời cứ ập đến với gia đình tôi, với bản thân tôi ! Thực ra nghiệm cho cùng là xưa nay mình chỉ toàn làm chuyện  “dã tràng xe cát mà thôi”  chứ có phải bố thí, cúng dường gì với tâm thanh tịnh đâu nào ! Nên làm cái gì chúng ta cũng phải có chánh niệm tỉnh giác, làm cái gì chúng ta cũng phải quán chiếu thật sâu sắc để gạn lọc những tạp niệm và vọng niệm ở trong tâm mình, làm cái gì chúng ta phải nhìn cho thật sâu. Cho nên, tâm của người đệ tử Phật, nó phải khác với tâm người đời là vậy.

   Ví thế mỗi lần bố thí cho ai vật gì chúng ta thầm niệm bài kệ rằng

          “ Ngã kim hành bố thí

          Đương nguyện chúng sanh

          Xả ly tham dục ý

          Nhập không đạo vị”

 Nghĩa là : “ Tôi nay thực hành hạnh bố thí

                   Xin nguyện cho hết thảy chúng sanh

                   Loại bỏ hết ý tham dục ở trong tâm

                   Để thể nhập đời sống trung đạo”

 Cũng tùy là hành động bố thí mà, tâm có cạn, có sâu, rộng, hẹp, nhiễm hay tịnh mà đem lại lợi ích cho chính mình và đối tượng tiếp nhận. Nên dù là những hành động như ăn cơm, mặc áo, đi đứng, hay nằm ngồi, giúp đỡ người nghèo, nói năng hay làm bất cứ việc gì thì tâm của người tu tập cũng phải hoàn toàn khác người thế tục.  Tâm thì có chánh niệm tỉnh giác, rộng lớn mênh mông; hình thì điềm đạm nhẹ nhàng mà sâu lắng. Chỉ cần nhìn vào là biết ngay chính là con của Phật, không cần phải giới thiệu gì cả . Khi xưa Ngài xá Lợi Phất nhìn thấy tướng đi của tôn giả A Thuyết Thị ( Pi. Assaji) một trong 5  nhóm ông Kiều Trần Như mà Ngài mến mộ bỏ đạo theo tu với Phật  trở thành trưởng tử của Như Lai.

Người tu ăn mặc ở đều khác tục, mặc áo nâu sồng, gọi là áo hoại sắc, tức là loại áo đã hủy hoại màu sắc chính nên gọi là hoại sắc. Các màu sắc chính là xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng v.v… còn màu hoại sắc pha trộn giữa màu đen với màu đỏ, màu vàng trở thành một màu. Nói lên ý nghĩa từ chối những màu sắc gợi ý tham dục của người đời, màu hoại sắc khiến cho nhìn vào không còn đẹp, không còn ham muốn, nên gọi là hoại sắc. Chiếc áo hoại sắc nói lên ý nghĩa phân biệt áo chính sắc với áo hoại sắc. Người đời cũng mặc áo, người tu cũng mặc áo nhưng không đi theo cách ăn mặc của người đời, người tu có cách ăn mặc của người tu.  Vì thế, người đời phải đi theo dòng  chảy của sanh tử. Người tu cũng mặc áo, ăn cơm nhưng không đi theo dòng chảy của sanh tử, mà có khả năng phá hủy dòng chảy sanh tử ấy, để đi về quê hương bến giác.

Vì vậy, người biết tu tập, người ấy không chạy theo hình sắc, mà biết buông bỏ hình sắc để quay về với tự tính giác ngộ. Nên mọi hình sắc không thể trói buộc, giam cầm, nhận chìm những người biết tu tập.

Tâm người biết tu tập, vốn là tâm đã dị tục rồi, bây giờ hình cũng dị tục, tức là mặc chiếc áo hoại sắc. Ta không đi theo cái sắc tướng bên ngoài, ta không đi theo với cái sắc trần bên ngoài, để ta có cơ hội đi sâu vào đời sống bên trong. Khi đã mặc chiếc áo hoại sắc rồi, tiếp tục mặc chiếc áo hoại danh thì đời tu mới an ổn . Tức không đắm chìm nơi danh lợi, từ khước danh cao lợi lớn thì sự tu tập mới thanh tịnh. Không đi theo sắc và danh thì đời tu mới vững vàng bền chắc, đó là bước tiến rất tốt trên sự nghiệp tu tập.  Người tu không ham bất cứ một danh xưng nào, sự ca ngợi nào của người đời, không đắm chìm vào bất cứ một danh hư huyễn nào mà người đời phong tặng cho mình, thì khi đó mình mới có khả năng đi về quê hương tâm linh của mình, mình mới tiếp cận được cái rộng lớn vô biên bên trong đời sống của mình.  Đã là người tu tập rồi, mà có quá nhiều chức vụ, thì không có một quê hương nào để đón chào mình. Nếu đi tu mà có quá nhiều  chức vụ  là một sự bất hạnh chứ không phải là hân hạnh. Nhưng người đời lại cho đó là một vinh hạnh, nên giả như trong một cuộc họp có ai đó họ không giới thiệu chức vụ của mình ra, hay thiếu đi một chức vụ nào đó, thì họ buồn lắm và sẽ sinh sự với người kia, hay bỏ đi ra về, buồn lắm không vui tí nào.

Nếu người tu có chánh niệm tỉnh giác, thì thấy rằng, trong người mang quá nhiều hình sắc, quá nhiều danh tướng, áo tướng vào, thì đó là nổi bất hạnh rất lớn. Nếu không nhận biết được như vậy, thì mình  sẽ chạy theo và rơi vào cạm bẫy của ma, cạm bẫy của dục vọng và không bao giờ gặp được Như Lai.

Vì vậy, người thực tập chánh niệm, tỉnh giác phải luôn biết rõ tâm mình, và biết rõ hình thức mà mình đang có mặt. Nhờ biết rõ có chánh niệm tỉnh giác ở nơi tâm, cho nên tâm mình là tâm khác tục. Khi mà nơi tâm mình thắp lên ngọn đèn của ý thức chánh niệm, thì tâm của mình trong giây phút đó là tâm hoàn toàn khác tục, tâm đó là tâm của Phật. Và khi mình mặc chiếc áo mà thắp lên ngọn đèn chánh niệm tỉnh giác vào trong lúc mặc, thì cách mặc đó và chiếc áo đó là chiếc áo của Phật. Nên chiếc áo đó hoàn toàn khác tục, dù mình đang mặc chiếc áo màu đà màu vàng, hay màu xám. Giả như mình mặc áo vàng, áo xám hay áo đà mà thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì áo đó cũng chỉ là áo đà, áo tím mà thôi.

Tâm khác tục của người đệ tử Phật là khác ở chỗ nào ? Người đời họ thương, đệ tử Phật cũng thương. Người đời họ yêu, đệ tử Phật cũng yêu. Nhưng người đời thương và yêu ở trong vụ lợi, trong vướng mắc, đệ tử Phật thương và yêu bất vụ lợi, không vướng mắc đó là sự khác nhau, chứ mình không phủ nhận cái thương hay cái yêu. Siêu việt và thực tiễn là ở chỗ đó. Như vậy tâm thương yêu của đệ tử Phật khác với tâm thương yêu của người đời. Cho nên gọi là tâm khác tục. Và khi mà tâm thương yêu bất vụ lợi, thì mình tặng một cái gì cho người mình thương đều là bất vụ lợi.

Nếu ta thương với tâm có ý vụ lợi, thì ta là người câu cá và người thương là con cá bị ta câu.  Đệ tử Phật không phải là những người câu cá, mình thương là mình thương thôi, trong đó không có cái gì mang tính cách vụ lợi cả. Và mình hiến tặng cho mọi người, là mình hiến tặng không có chi vụ lợi hết. Vì cái tâm như vậy, nên gọi là tâm khác tục.

Người đệ tử của Phật đi đến đâu là an toàn đến đó, đi tới đâu là hạnh phúc đến đó, đi tới đâu là bình an tới đó. Mình cứu giúp ai là mình cứu giúp một cách bất vụ lợi, nên mình chỉ cứu giúp thôi, mà không có kể công. Nếu mình có kể công, tức là mình cứu giúp có vụ lợi, và chứng tỏ là tâm của đệ tử Phật và tâm của người đời không khác gì nhau.

Ví như một vị thầy hướng dẫn cho các đệ tử tu học, nhưng giả như có một hay nhiều người nào đó không theo ý của vị thầy, vị thầy ấy nổi cáu lên, và nói rằng : “ Ta đã dạy cho các người như thế rồi, mà vẫn còn như thế à ! ”. Nói như vậy, chứng tỏ rằng dạy có vụ lợi, nên khi những người kia không làm theo ý của mình, thì mình bắt đầu nổi cáu lên và kể công.

Như vậy, chứng tỏ rằng tuy làm thầy dạy cho người, nhưng chưa phải là chân sư. Và nếu như các vị không thông minh nhận ra, quý vị cũng sẽ bị mắc kẹt ở nơi cái không chân sư rồi, và quý vị sẽ bỏ lỡ mất cơ hội để đi đến với đời sống rộng lớn bên trong của mình rồi.

Ta làm được việc gì cho đời là ta cứ làm, và làm cho hết tấm lòng của ta, còn thành công hay thất bại không phải nơi tấm lòng của ta mà ở nơi duyên nghiệp của cuộc đời và của người đời.

Với tâm thương yêu vô vụ lợi, với tâm cứu giúp vô vụ lợi, với tâm đồng cảm, bao dung bất vụ lợi, thì phong thái của người đó đối với đời khác hẳn. Phong thái ấy ta cần phải học tập mỗi ngày. Nếu không, thì nó dễ rơi vào cái bẫy của vụ lợi.

 Hễ mình có vụ lợi là mình có sợ hãi, có lo âu, có ghen tuông, có ganh tị và hạnh phúc cũng theo đó mà bay đi. Khi nào chúng ta thấy mình thương yêu mà không có tâm vụ lợi, cứu giúp không có tâm vụ lợi, đồng cảm không có tâm vụ lợi, cộng tác với nhau không có tâm vụ lợi, thì ngay trong chính những việc làm đó là đã ly dục rồi. Dục đã ly thì phiền não sẽ không có, an lạc thanh tịnh không cầu sẽ đến.

Hễ mình muốn có hạnh phúc, muốn có an lạc, muốn có cao quý, thì mình phải có những chất liệu ly dục. Nếu không có được chất liệu này, thì ta càng làm là ta càng thêm gây rối cho đời mà khổ lụy cho mình.

Xã hội ngày nay, thế giới ngày nay, con người sống với điện toán, điện tử, chỉ để tâm hướng ra bên ngoài, không quay vào bên trong, nên cuộc sống không có an ổn không có hạnh phúc. Sống lệ thuộc vào máy móc, điện đài quên đi mất tiềm năng sẵn có của mình, bản tánh hiền thiện cũng theo đó mà ẩn khuất, vì thế sự bạo hành, sự bạo động luôn xảy ra bất cứ nơi nào dù thôn quê hay thành thị đều xảy ra tệ nạn như nhau. Biến con người không thành con người, mà con thú cũng không phải con thú nữa. Đó là nguy cơ của  con người trong thế kỷ 21.

Cho nên, việc điện tử hóa cuộc sống con người chỉ có cái lợi về vật chất, nhưng hại về tinh thần, đánh mất tinh thần. Vì thế các nhà  lương tâm xã hội học bắt đầu thiết lập những trung tâm tu tập chánh niệm, tỉnh giác và từ bi cho thế giới con người.

Khi đời sống con người đã được cơ giới hóa, điện tử hóa mọi vấn đề, thì con người bây giờ sẽ là cái máy hoặc con người bây giờ bị vứt ra khỏi cái máy. Con người sẽ là cái máy hay con người bị vứt ra khỏi cái máy, đó là những nguy cơ cho con người ở thế kỷ 21. Con người bị bận rộn bởi máy móc và nô lệ máy móc, nên đời sống con người sẽ bị chết bởi máy móc. Và máy móc làm thế cho con người, thì con người trở nên nhàn rỗi, và con người sẽ bị chết trong nhàn rỗi. Tình trạng ấy, nếu không có những trung tâm tu học, trung tâm thực tập chánh niệm tỉnh giác và từ bi, hay những trung tâm niệm Phật,  thì con người sẽ khủng hoảng nhiều mặt và thế giới con người sẽ cực kỳ bi đát và bế tắc, chứ không phải như những Nhà thiết kế mô hình xã hội theo điện tử tưởng tượng đâu.

Vì vậy, mỗi người chúng ta phải tu tập và phải biết thực tập chánh niệm tỉnh giác và từ bi  cho thực tinh chuyên để tự cứu lấy chính mình, chứ không phải ngồi chờ đợi Phật, Bồ tát đến cứu mình đâu, nếu mình không tự cứu mình. Tự mình phải cứu lấy mình, trước khi có sự cứu giúp của người khác, đó là cách nghĩ của người đệ tử Phật, và với cách nghĩ này sẽ tạo nên tâm và hình của người con Phật khác với đời, thì hình thức và cách sống hiển nhiên là phải khác./.

  ( Trích từ tập: Một thời làm điệu – HT Thích Thái Hòa- xuất bản  8/7-2022)

{]{

TÂM VÀ HÌNH KHÁC TỤC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét