Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

TÂM SANH TỬ KHÔNG THA THIẾT

 

TÂM SANH TỬ KHÔNG THA THIẾT

   Vì sao chúng ta niệm Phật không nhất tâm, hay bị vọng tưởng và hôn trầm xâm nhập trong những lúc công phu tu tập ?

    Niệm Phật không chuyên, công phu không đắc lực, lúc đầu tinh tấn lúc sau dần không muốn niệm, trước siêng sau biếng lần lần bỏ cuộc. Khi niệm Phật nếu không vọng tưởng thì hôn trầm xuất hiện, tất cả những trạng thái này do nguyên nhân từ đâu ?  

Trạng thái này ai cũng có, vậy làm thế nào để giải quyết nó đây ? Theo các lời khai thị của các vị Tổ sư, tất cả đều do Tâm sanh tử của ta không tha thiết mà ra. Vậy tâm sanh tử là tâm gì ? Tức là ta không quyết liệt để tâm hướng đến thoát ra ngoài sanh tử. Sanh tử là từ nói tắt , nói cho đủ là “ sanh tử luân hồi” nghĩa là hết sanh lại tử, tử rồi lại sanh.

  Chúng ta rõ biết pháp môn Tịnh độ rất thù thắng, biết công đức của danh hiệu Phật không thể nghĩ bàn, thế nhưng câu Phật hiệu càng niệm càng thấy vô vị, càng thiếu công lực, đến sau cùng thậm chí bỏ luôn, không còn niệm nữa. Do nguyên nhân gì ?  Nguyên nhân căn bản do tâm sanh tử không tha thiết.

   Các lời dạy của các vị Tổ sư rằng, mọi thứ khổ nhất ở thế gian chẳng qua là khổ sanh tử, không liễu sanh tử, thì sanh tử, tử sanh. Ra khỏi bào thai này lại nhập vào bào thai khác. Thế  cũng đã khổ lắm rồi, huống hồ không thoát ra khỏi luân hồi, khó tránh đọa vào bụng heo, bụng chó, bụng ngựa, bụng trâu, bò v.v.. chỗ nào cũng vào, đầu thai làm heo, làm chó, trâu, bò ngựa v.v…

           Cái thân làm người thì khó được nhưng lại dễ mất, nếu có một ý niệm sai biệt liền đọa vào ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tam đồ dễ vô mà khó ra, thời gian ở địa ngục vừa dài lâu lại vừa khổ sở bức bách vô cùng.

          Ngài Ấn Quang nói  : “ Con người ở thế gian, việc gì cũng có kế hoạch lo toan, duy việc sanh tử thì bỏ qua một bên không màng tới, chờ đến khi mạng chung thì theo nghiệp mà đi đầu thai, không biết tâm thức lúc này lại tiếp tục đầu thai về đâu ? cõi trời hay cõi người, hay ba đường ác. Một khi đọa lạc vào, trăm ngàn kiếp khó có ngày trở lại làm thân người, cho nên pháp liễu sanh tử không thể không thường xuyên đề cập, nhắc nhỡ”.

           Sau khi chết đi về đâu ? chúng ta chưa biết được, nếu công phu tu tập chưa đắc lực. Đây là đại sự mỗi người cần phải quán niệm thường xuyên. Chúng ta suốt ngày cứ bận rộn với những việc không cấp bách, không quan trọng, cứ lo tranh chấp với những việc không quan hệ gì với sanh tử, chưa bao giờ cho việc sanh tử là trọng đại, cũng không biết lo sợ cái khổ của luân hồi lục đạo, cũng không nghĩ sau khi chết sẽ đầu thai về cõi nào ?

          Đôi lúc nhìn thấy bạn bè, người thân đột ngột qua đời, tạm thời có chút cảm động, cảm xúc, thế nhưng nhanh chóng bị những việc cấp bách của thế gian chôn vùi trong quên lãng.Tuy nhiên có niệm Phật vài câu, nhưng niệm rồi có thể được vãng sanh không ?  Nếu không vãng sanh thì đời sau sẽ phải chịu khổ khi đọa vào ba đường ác. Vì thế hãy quán chữ Tử hằng giờ hằng phút trong mỗi ngày.

          Mỗi khi thấy người chết, mình thường tự nhũ, lần này về nhà mình nhất định phải tu, phải niệm Phật cho tốt hơn, buông xả hết mọi thứ duyên. Thế rồi, chỉ qua một vài ngày, tánh nào vẫn hoàn tật đó, trước đây lăng xăng với những việc không cần thiết thế nào thì giờ vẫn cứ lăng xăng như thế ấy. Kết quả sau khi chết phải chịu sa đọa vào ba đường ác, cho nên Tổ dạy chúng ta luôn quán niệm chữ Tử là vậy.

          Tổ Ấn Quang khai thị rằng : “ Muốn tâm không tham chuyện bên ngoài, phải chuyên tâm niệm Phật, dù không thể chuyên cũng bắt nó chuyên, không thể niệm bắt nó phải niệm, không thể nhất tâm, bắt nó phải nhất tâm”

           Không có pháp đặc biệt nào khác, chỉ đem cái chữ Tử quán niệm thường xuyên. Nghĩ rằng, ta sẽ chết, trước sau cũng phải chết. Đời nay may mắn được làm thân người, được gặp Phật pháp, nếu không siêng năng tinh tấn tu tập, không nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây phương, khi hơi thở không còn, thì chắc chắn sẽ vô chảo dầu sôi, lò than, chảo nước nóng, núi đao rừng kiếm, chịu khổ không biết bao nhiêu, lúc đó cầu ra khỏi chỗ đó cũng khó có được. Muốn niệm một niệm Phật cũng không được, cho dù ra khỏi địa ngục, còn phải đọa vào ngạ quỷ, bụng to cổ nhỏ, đói khát triền miên, không từng nghe thấy danh từ cửa nước, rất khó có được một bửa ăn tạm no, chưa nói đến ăn ngon. Sau khi thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ, lại làm súc sanh, bị người cưỡi trên lưng, bị đánh bị đập, đi xa chở nặng, cuối cùng đem thân làm thức ăn cho con người,  bị nước sôi, lửa nóng khổ thân, bị xào bị nấu, xương thịt trở thành thức ăn cho con người và các loài khác. Nếu ra khỏi súc sanh làm lại được thân người, thì ngu si vô trí, tánh tình hung hăng, lấy việc tạo nghiệp làm đức năng, cho việc tu tập là gông cùm, xiềng xích, là khổ sở, là đọa đày. Được làm thân người không quá ba mươi năm rồi chết, trở lại sa đọa vào ba đường ác, lại tiếp tục luân hồi trong lục đạo, dù muốn ra khỏi cũng không làm chủ được mình. Khéo biết quán tưởng như thế, việc cầu sanh Tịnh độ mau thành tựu.

  Nếu có quán tưởng như thế, thì chúng ta mới biết sợ biết lo trong mọi thời, mọi lúc mọi nơi đều  tiết lộ tâm sanh tử vô cùng tha thiết, một khi tâm sanh tử tha thiết chắc chắn tâm cầu vãng sanh tha thiết, vì thế hoa sen nơi Tịnh độ có phần, chắc chắn tâm cầu vãng sanh sớm có ngày vãng sanh.

   Hiện tại ở thế giới loài người cũng quá khổ, huống nữa ở nơi ba đường ác. Vì sao phải cầu vãng sanh ? Vì ở thế giới này đầy dẫy sự khổ, khổ thân, khổ tâm, khổ hoàn cảnh. Đối với thân luôn bịnh tật, đối với tâm mê mờ bất giác, đối với đạo thầy tà bạn ác vô số kể, đối với xã hội pháp luật luôn thay đổi, đối với thời tiết, nắng mưa, bảo lụt, động đất sóng thần, dịch bệnh v.v diễn ra liên tục. Bên trong không yên tâm, bên ngoài không yên thân làm sao tu cho có kết quả là việc vô cùng khó khăn. Vì thế, cần phải cầu sanh tịnh độ, vì ở Tịnh độ dễ tu dễ thành, không có khổ về tâm và không có khổ về thân, vì cùng ở chung với các bậc Thánh làm bạn. Nên gọi là cõi Cực lạc, thế giới Tịnh độ gọi là cực lạc, ngược lại cõi nhân gian gọi là cực khổ, hai cảnh giới khác nhau trên hai lãnh vực tâm lý và vật lý.

   Quán niệm cảnh giới khổ nơi thế giới ta ở như vậy, nên sớm niệm Phật cầu sanh Tây phương, một phút không chần chừ, không luyến tiếc bất cứ thứ gì ở trần gian này nữa. Vì thế lúc lâm chung tâm ta không một chút lưu luyến nên việc vãng sanh được nhẹ nhàng. Hiểu được như thế ngày đêm chúng ta không ngừng dụng công, nghĩ đến sanh tử đại sự, nghĩ đến vô thường nhanh chóng nên dù một phút cũng không dám buông lung. Cho nên kiên trì niệm Phật không gián đoạn.

          Luôn nghĩ mình như đang rớt xuống vực sâu, lúc nào cũng muốn được thoát lên, tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương lại cũng như thế, nên ma nghiệp dễ tiêu trừ.  Điều quan trọng khi muốn thoát khổ, từng niệm đều biết sợ chết sẽ bị đọa xuống tam đồ ác đạo. Câu Phật hiệu tự nhiên sẽ thành thục, tịnh nghiệp tự nhiên sẽ thành. Tất cả trần cảnh không thể đoạt mất chánh niệm của mình.

   Niệm Phật không bị hôn trầm thì tán loạn, đó là hiện tượng niệm Phật tâm không được tha thiết, niệm lấy lệ, niệm như học trò trả bài cho cô giáo. Nếu niệm Phật với tâm khẩn cấp như cần đang cầu cứu ra khỏi lửa cháy, như nước đang ngập, như giặc cướp đang đuổi giết, thì tâm mới không bị tán loạn hay hôn trầm làm chủ.

   Ngài Ấn Quang treo một câu đối để nhắc nhở mình :  Đạo nghiệp chưa thành, nào dám để tâm này tán loạn, cái chết sắp đến, xin tạ từ mọi thứ xã giao.

 - Đại sư Tỉnh Am trong bài văn khuyên phát Bồ đề tâm được Ấn Quang đại sư vô cùng tán thán, trong đó miêu tả cái khổ của sanh tử cũng là trạng huống đời đời kiếp kiếp trong lục đạo luân hồi của chúng ta.

   “ Ta cùng chúng sanh, từ bao kiếp trước, quanh quẩn trong tử chưa hề thoát ra, lúc làm người, lúc sanh cõi trời, khi chui vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cổng đen sáng mở tối lại chui vào, hang sắc tạm rời lại đi vô, leo lên núi đao, thân không còn mảnh da nguyên vẹn, vịn vào hàng cây kiếm, từng ô thịt bị rách bươm.

          Viên sắt nóng không trừ được cơn đói, vừa nuốt vào gan ruột nát tan, nước đồng sôi không giải được khát, uống vào thịt xương tan nhừ, cưa bén xẻ thân đứt xong liền lành lại tiếp tục tái diễn, gió nghiệp thổi qua chết xong lại sống, trong thành rực lửa, tiếng thét thảm thương, trên bàn ngào nướng, vang vọng tiếng gào tê tái. Nơi ngục băng hàn, thân hình xanh như nhụy sen xanh, máu thịt rã nứt lại đỏ như sen đỏ trổ hoa.

   Trong chốn địa ngục, một đêm sống chết đến cả vạn lần so với nhân gian, một buổi hành hình lâu tròn thế kỷ, bao phen lính ngục trừng trị mệt mõi, nào ai chịu tin lời răn của Diêm Vương. Lúc bị hình phạt mới biết khổ, hối hận cũng đã muộn rồi ! Khi được thoát ra thì liền quên ngay, vẫn nghiệp cũ lại gây như trước.

   Đánh con lừa văng máu nào hay chính mẹ mình đang đau khóc, xua heo vào giết, nào hay chính cha mình sắp rã thây.

  Ăn thịt con mà không hay không biết, Văn Vương cũng thế, ăn thịt song thân mà nào có biết, phàm phu nhân gian cũng thế thôi. Năm xưa ân ái, nay thành oan gia, ngày trước oán thù nay là cốt nhục.

   Đời trước là mẹ đời này làm dâu, thưở xưa là cha nay lại làm chồng, có thần thông túc mạng soi thấy, thật đáng hỗ thẹn, đáng kinh đáng sợ, lấy thiên nhãn mà nhìn, thật đáng buồn cười tội nghiệp.

   Trong vũng phân nhơ, bao bọc mười tháng, qua đường ngập máu để được sanh ra, thật đáng thương quá, bé thơ biết gì, mọi sự chẳng hiểu.

   Lớn lên dần hiểu, tham dục liền sanh, loáng thoáng đã già đau bệnh tìm tới, vô thường nhanh chóng cũng đi theo sau. Gió lửa giao tranh, thần thức bắn loạn, khí huyết vơi cạn, da thịt khô dần, từng lỗ chân lông như bị kim đâm, mỗi một khiếu huyệt đang bị dao cắt.

   Rùa đem bị nấu, lột được vỏ ra, tưởng chừng còn dễ, thần thức rời khỏi xác thân, khó gấp bội phần. Tâm con người thường không vững, như kẻ lái buôn bôn ba khắp chốn, còn thân thì không định hình, như nhà cửa cứ mãi đổi thay, nhiều như bụi trần trong thế giới cũng không sao đếm hết số lần sanh tử luân hồi khổ đau. Ba đào bốn biển lường sao cho hết nước mắt biệt ly ?  Xương cốt chất chồng trội hơn núi cao, dẫy đầy thây chết nhiều hơn đại địa. Giá như không được nghe lời Phật dạy, việc ấy ai thấy ai nghe. Không xem kinh Phật lý này ai hiểu, ai biết. Thế mà, có kẻ vẫn mãi tham luyến, vẫn cứ si mê. Một lỡ trăm sai. Thân người khó được lại dễ mất, vận may dễ qua khó tìm trở lại.  Đường đời mờ mịt, biệt ly dài lâu, tam đồ ác báo rồi phải tự thọ. Khổ không thể kể xiết, nào ai thế cho .  Cho nên phải quyết tâm đoạn dứt dòng sanh tử, vượt nẻo ái hà, mình với người cùng thoát, cùng lên bờ giác. Công lao muôn kiếp chính là bắt đầu từ nay.

           Sư Ưu Đàm đời nhà Nguyên có bài

          Quay nhìn hài cốt chất như núi

          Nước mắt phân ly thành sông biển lớn

          Thế giới cuối cùng cũng hư hoại

          Đời người qua mau như búng tay

          Có gì vui đâu kiếp con người

          Trải qua ngàn lần thay đổi mãi

          Lúc làm thân nam khi thân nữ

          Mang lông đội sừng bao vạn kiếp

          Không nhân đời nay sanh Tịnh Độ

          Lạc bước đầu thai thì muộn rồi.

   Ba phần cơ bản của pháp môn Tịnh độ là tin sâu nguyện thiết, hành chuyên. Nếu tâm sanh tử không tha thiết, thì lấy đâu tin sâu nguyện thiết, không tin sâu nguyện thiết, sao có thể vãng sanh được ?

          Cổ nhân nói :

          “Cuộc đời cứ già đi trong bận rộn

          Mấy ai chịu ngưng trước khi lìa đời”

    Đại đa số con người bị già đi trong những chuỗi ngày lăng xăng bận rộn, không mấy ai nghĩ đến cái chết để sớm buông xả bớt những chuyện của thế gian, cứ như thế khi ta lâm chung sẽ đi về đâu ?

   Việc lớn sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay, không chỉ niệm vài câu Phật hiệu một cách lơ là, hữu khẩu vô tâm mà có thể giải quyết được vấn đề.

  Câu Phật hiệu của chúng ta thường xuyên bị xen tạp, đánh mất hoặc gián đoạn. Nếu thật sự muốn ngay trong đời này vãng sanh thì cố gắng ngay nơi tín nguyện mà hạ thủ công phu cho tốt, muốn tín nguyện vững mạnh, trước tiên phải có tâm sanh tử tha thiết.

   Lời khai thị của Hám Sơn đại sư :

  “Khai thị niệm Phật thiết yếu” : Pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ này, vốn là vì muốn liễu sanh tử đại sự, nên nói niệm Phật liễu sanh tử, nay người phát tâm vì muốn liễu sanh tử nên mới chịu niệm Phật, chỉ nói niệm Phật có thể liễu sanh tử, nếu không biết căn gốc của sanh tử thì hướng về đâu mà niệm. Nếu cái tâm niệm Phật kia không đoạn được căn gốc sanh tử, làm sao lại liễu thoát được sanh tử.?

  Thế nào là căn gốc của sanh tử ?  Người xưa nói: “ Nghiệp bất trọng bất sanh Ta bà, ái bất đoạn bất sanh Tịnh độ” cho thấy ái căn là gốc rễ của sanh tử.

          Tất cả chúng sanh hứng chịu cái khổ của sanh tử đều do lỗi của ái dục, suy rộng ra ái căn không phải chỉ một đời này mới có, cũng chẳng phải một, hai, ba, bốn đời trước đã có, nó từ vô thủy khi bắt đầu có sanh tử đến nay, đời đời kiếp kiếp, thụ thân xã thân đều do ái dục mà lưu chuyển.

          Hãy nghĩ xem từ hiện nay lui về ngày xưa, đã từng có một ý nghĩ nào xa lìa ái căn đâu, cái chủng tử ái căn chồng chất sâu dầy nên sanh tử cũng vô tận.

          Nay phát tâm niệm Phật, chỉ biết cầu sanh Tây phương một cách trống không, ngay đến danh từ ái là gốc của sanh tử cũng không biết, thì lấy đâu ra ý niệm để  đoạn, như vậy một mặt niệm Phật, mặt khác thì cứ tăng trưởng gốc sanh tử. Niệm Phật như thế không tương quan gì đến việc sanh tử.

          Mặc cho bạn niệm Phật đến mức độ nào, đến khi lâm chung, chỉ thấy ái căn hiện ra, khi đó mới biết niệm Phật chẳng được gì, rồi oán trách niệm Phật không linh, hối hận đã muộn.

          Cho nên khuyên người niệm Phật ngày nay, trước phải biết ái là căn gốc của sanh tử, từng niệm đều phải đoạn ái căn. Người tại gia niệm Phật, mắt nhìn con cháu, gia duyên tài sản, không một thứ gì không thích, thật từng việc từng ý nghĩ đều nóng lòng lo âu sinh kế sống chết, như toàn thân ở giữa đống lửa vậy.

          Khi niệm Phật trong tâm chưa từng có một ý nghĩ buông bỏ ái căn ( sự ham thích), chỉ nói vì sao niệm Phật không tha thiết, nào hay ái nó đang làm chủ tể, khiến việc niệm Phật chỉ ở ngoài da, như thế dù Phật hiệu cứ niệm, ái căn cứ mặc tình tăng trưởng.

          Nhất là lúc tình cảm con cái hiện ra, xem lại câu Phật hiệu của mình có thể chóng chọi lại cái ái này không  ? Nếu không thì làm sao đoạn được sanh tử. Ái duyên này đã huân tập quen thuộc quá nhiều đời rồi, niệm Phật thì mới phát tâm, còn rất xa lạ lại không thiết thực, nên không đắc lực.  Phải biết tình cảm yêu thương ở trước mắt này không làm chủ được, đến khi lâm chung chắc chắn cũng sẽ không làm chủ nổi.

          Cho nên khuyên người niệm Phật, điều kiện đầu tiên phải có tâm biết tha thiết với sanh tử, tâm tha thiết muốn đoạn sanh tử, phải từng ý niệm muốn chặt dứt gốc rễ của sanh tử, được như vậy mỗi ý niệm đều giúp ta liễu thoát sanh tử, hà tất phải chờ đến lúc ba mươi tháng chạp ( ý nói lúc lâm chung) mới liễu thoát, quá muộn ! Phải nói : trước mắt đều là việc sanh tử, đều muốn giải quyết cho xong, từng ý niệm đều thật sự tha thiết, đều như từng nhát dao chỉa thẳng vào sanh tử, dụng tâm được như vậy, nếu không ra khỏi được sanh tử thì chư Phật đều nói hư vọng sao ?

          Bởi thế, tại gia hay xuất gia, chỉ cần hiểu được tâm sanh tử, chính là thời tiết xuất ly sanh tử vậy, không còn diệu pháp nào hơn.

          Trung ngôn nghịch nhĩ, thuốc đắng là thuốc hay. Tổ sư vô cùng từ bi, đọc hết đoạn khai thị này, chúng ta như bắt được bảo vật, bài khai thị này gọi là “niệm Phật thiết yếu” thật đúng với danh xưng.

          Lời khai thị này chỉ ngay vào nguồn gốc của căn bệnh, tuy không dài lắm, nhưng chất lượng của nó trong Tịnh tông thật không thấp, đối với việc chỉ dẫn chúng ta cách niệm Phật, thiết thật có chỗ rõ ràng để hạ thủ công phu.

           Như vậy, hai điểm trở ngại niệm Phật mà không được vãng sanh là do  tâm nguyện rỗng không, thứ hai là để Ái làm chủ tể, niệm phật chỉ để ngoài da. Tự mình hoàn toàn không có tâm xuất ly, không có chân tín nguyện thiết thực, những việc làm hằng ngày chỉ là bề mặt, như thế làm sao vãng sanh được ?  Chư tổ nói pháp môn niệm Phật là “ vạn người tu, vạn người thành” thế nhưng hiện nay vạn người tu chỉ có vài ba người đạt. Vấn đề xuất phát từ chỗ nào ?  Ngài Vĩnh Minh nói “ Vạn người tu vạn người thành, là chỉ cho những người có đầy đủ tín nguyện”. Chân tín nguyện thiết thì vạn người tu vạn người đạt. Tín không chân, nguyện không thiết mới biến thành vạn người tu vài ba người đạt.

  Vấn đề tồn tại một cách phổ biến của chúng ta là : Tín, Nguyện, Hành không đủ chất lượng, không thể nói là không tin, mà là bán tín bán nghi, cũng chẳng phải không có nguyện, vừa nguyện lại vừa do dự, không phải không có hành, cái hành đó như phơi đồ một nắng mười mưa làm sao khô được. Tỷ dụ vãng sanh cần có 100 % mà tín nguyện của chúng ta chỉ có 10 % niềm tin,  10 % tâm nguyện thì làm sao vãng sanh được.

          Vì sao tín nguyện hành không đủ, nguyên nhân căn bản vẫn là không có tâm xuất ly. Tâm xuất ly ở đây chính là tâm nhàm chán Ta bà, vui cầu Cực lạc. Người xưa nói : nguyện rời khỏi Ta bà như kẻ tội mong ra khỏi ngục tù, nguyện sanh Tây phương như gã cùng tử xa quê lâu ngày mong trờ về quê cũ. Nay chúng ta một chút tâm này cũng không có, phải biết tâm xuất ly chính là nội hàm của tín nguyện.

  Đại sư Hám Sơn khuyên chúng ta buông xả, lời nói thống thiết, chẳng qua là muốn thúc giục chúng ta, bởi vì chúng ta bị mê mờ dại khờ quá lâu rồi ! Đối với việc sanh tử không hề động lòng dốc tâm, ai cũng nói : khó buông xả quá ! Buông không nổi ! Buông không được ! Kỳ thật, có gì mà không buông được ? Chỉ là chúng ta nuối tiếc không chịu buông ! Hãy nghĩ xem có đúng vậy không ?

          Nuối tiếc con cái, nuối tiếc tài sản, nuối tiếc bạn bè, người thân, nuối tiếc sự cung kính, khen tặng của người đối với mình, nuối tiếc danh vọng địa vị v.v.. Những thứ này đều là từng lớp dây xiết chặt chúng ta trong lục đạo luân hồi. Nuối tiếc không buông xả thì là gốc rễ của sanh tử tiếp tục tăng trưởng bám sâu đến vô lượng kiếp rồi vô lượng kiếp nữa, không biết đến bao giờ mới có ngày ló đầu ra được. Đối với ái chúng ta cứ ôm giữ trong lòng, còn đối với hận thì nhớ mãi không quên, như vậy thì làm sao mà vãng sanh ? Cho nên trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật than rằng : “ Người ôm chấp vợ con, nhà cửa, tài sản còn hơn kẻ bị nhốt tù, bị nhốt trong tù còn có ngày phóng thích, tâm ôm chấp vợ con không có ngày viễn ly”.

          Một ngày trong 24 giờ chúng ta hãy nghĩ xem, được bao nhiêu giờ để tâm nhớ đến Cực lạc ?  Bao nhiêu giờ lo và sống với Ta Bà ?  Thời gian lo sống với Ta Bà rất nhiều, Tâm nhớ Cực lạc rất ít. Trong 24 giờ có được 10 phút nghĩ đến vãng sanh không ?  Tỷ lệ này thật chênh lệch một trời một vực.

  Tình trạng sống một ngày như vậy, nếu mỗi ngày đều như thế, một năm trôi qua lại một năm, chúng ta lấy gì để đi Tây Phương ?  Mới biết chúng ta đang bị nguy hiểm biết dường nào !  Hòa Thượng Hải Hiền dạy những người niệm Phật rằng : “ Niệm Phật cho tốt, thành Phật mới là đại sự, những thứ khác đều là giả”. Trên đời tất cả mọi thứ đều là giả tạm,  chỉ có niệm Phật thành Phật mới là thật, luôn mong sớm về Tây Phương Cực lạc, được như vậy việc cầu vãng sanh mới chắc thật, không rỗng tếch. Bằng không phải cố gắng nổ lực dụng công.

           Chúng ta niệm Phật bao nhiêu năm rồi hy vọng có được vãng sanh không ? Việc này không cần hỏi ai, tự hỏi chính mình ! Đại sư Ngẫu Ích có một tiêu chuẩn để đo lường.

          “Thế tình nhạt đi một phần, niệm Phật tự có một phần đắc lực, sinh kế của Ta Bà nhẹ đi một phần, vãng sanh Tây Phương liền thêm một phần vững chắc, việc này chỉ có tự hỏi tâm mình, không cần phải hỏi thiện tri thức, vì họ chỉ khuyên nên nhạt thế tình, nhẹ sinh kế, chuyên tu xuất ly là chính yếu”.

          Tự tâm mình phải hiểu rõ :  đối với thế giới Ta bà này tiêu cực, mới có thể tích cực với Tây Phương Tịnh đô, đối với Ta Bà càng buông xả,  mới càng nắm bắt được Tây Phương Cực lạc. Tình cảm với thế gian càng nhẹ, với Cực Lạc mới càng sâu, sinh kế của thế gian nhẹ đi một phần hoặc mười phần, niềm hy vọng vãng sanh Tây Phương sẽ được một phần đến mười phần. Vì thế Hòa thượng Hải Hiền mới nói “” A Di Đà là căn gốc của ta”

 Hám Sơn đại sư khai thị rằng : “ Tu hành quan trọng nhất là phải vì sanh tử tâm thiết. Tâm sanh tử không tha thiết, làm sao dám nói niệm Phật thành phiến ?  Vã lại chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, niệm niệm vọng tưởng, tình căn phủ lấp kiên cố, đời này từ lúc ra đời có từng khởi lên ý niệm thống thiết vì sanh tử chăng ? Mỗi ngày từng niệm đều thuận theo thế tình, không thường phản tỉnh. Nay muốn dùng tín tâm phù du hư vọng để đoạn sanh tử nhiều đời. Khác nào rải từng giọt nước mong cứa đám lửa đang cháy, nào có lý này ?  Quả vì sanh tử tâm thiết niệm niệm như cứu lửa đang cháy trên đầu, như sợ mất thân người trăm kiếp khó được lại.

   Phải nắm chặt câu Phật hiệu, quyết vượt qua vọng tưởng, ở tất cả mọi nơi niệm niệm phân minh không bị vọng tưởng che lấp chướng ngại, có thể hạ thủ công phu một cách tích cực tha thiết như vậy, lâu dần thành thói quen, tự nhiên tương ưng, dù không cầu thành phiến mà công phu tự thành phiến.

  Nếu đem việc niệm Phật làm hình thức bên ngoài, thì cũng chẳng lợi ích gì, đến tận vị lai tế cũng không bao giờ thành công. Nên phải lập tức dõng mãnh chuyên cần, chớ chậm trễ.  Niệm Phật phải vì sanh tử tâm tha thiết, trước phải đoạn ngoại duyên, chỉ giữ một niệm là câu A Di Đà Phật xem như mạng sống của mình, niệm niệm không quên, niệm niệm không dứt, đi đứng nằm ngồi, cuối xuống đứng lên, động tĩnh, rảnh rang hay bận rộn trong tất cả mọi lúc mọi nơi, không si không mê, không vướng những duyên khác dụng tâm như thế, lâu lần thành thói quen, thậm chí trong giấc mộng cũng không quên, khi ngủ lúc thức đều như nhau, cong phu sẽ miên mật thành phiến, được xem là đắc lực.

           Từ nay đem hết cái tâm vọng tưởng, truy cầu phan duyên lúc bình sanh, tóm thâu toàn bộ lại để buông xả, tập trung hợp nhất với câu A Di Đà Phật, hầu trở về với tự tánh Di Đà của mình. Niệm niệm không thay đổi, tâm tâm không dứt đoạn, xưa kia vọng tưởng, tạo thành nhân ô nhiễm luân hồi, niệm Phật một câu chính là tịnh nhân ra khỏi sanh tử, nếu có thể đem tịnh niệm này xông đi những nhân tố ô nhiễm khổ đau biến thành nhân tố chân chính của Tịnh Độ, thì lập tức khiến những nhân quả khổ đau từ vô lượng kiếp đến nay trở thành nhân quả an lạc của Tịnh Độ ./.

 ( Trích  từ tập  “ Sanh tử tâm thiết” của Pháp sư Tự Liễu- Cư sĩ  Diệu Hà dịch – in năm 2017- tại nhà xuất bản Hồng Đức )

{]{

TÂM SANH TỬ KHÔNG THA THIẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét