Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

NIỀM TIN TRONG PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

 

 NIỀM TIN TRONG PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

  Cuộc sống của chúng sanh luôn có những thử thách và khổ đau, nhất là đối với con người. Vì vậy đã xuất hiện những con người vỹ đại, tự mình đi tìm lối giải thoát xa rời khổ đau cho mình và người khác. Đó cũng là nguyên nhân hình thành nên các tôn giáo trên thế giới, trong đó có Phật giáo. Mục đích của các tôn giáo là hướng dẫn con người đến chân thiện mỹ trong đời sống hiện tại và sau khi chết đi.

Người xưa từng nói :  “ Như nhơn ẩm thủy, noãn lãnh tự tri”  nghĩa là người thật sự uống nước mới biết được nóng lạnh của nó. Cũng vậy, người nào thực hành tinh chuyên theo phương pháp  tu hành của một tôn giáo thì người đó mới đạt được mục đích, mới cảm nhận sự giải thoát về tâm linh, biết được giá trị con người. Người chuyên tu tập về pháp môn Tịnh độ cũng vậy, họ có niềm tin sau khi chết sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Tất nhiên muốn sanh về những cõi đó, cần phải thực hiện các điều kiện tất yếu.

Kinh Hoa Nghiêm nói “ Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn” , lòng tin chính là mẹ đẻ ra các công đức, làm cho các căn lành sinh trưởng và phát triển. Người nào muốn sanh về cõi nước Cực lạc Phật A Di Đà, cần hội đủ ba điều kiện là Tín, Hạnh và Nguyện. Trong đó niềm tin đứng đầu, tin rằng cõi Phật đó trang nghiêm thanh tịnh, tin bản thân đủ khả năng tu tập để sanh về cõi đó. Như vậy niềm tin là liều thuốc về tinh thần, khi chúng ta có đủ sức mạnh về tinh thần thì làm gì cũng sẽ đưa đến kết quả tốt. Tuy nhiên lòng tin cần có trí tuệ, nghĩa là lòng tin đặt đúng chỗ, tin đúng đối tượng, tin về những gì thật sự có ích lợi, niềm tin chắc thật không mù quán. Nếu lòng tin không có sự suy xét rõ ràng sẽ rơi vào mê tín. Đối với Phật tử niềm tin đó gọi là Chánh tín, vì Phật pháp là con đường đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Nhưng một niềm tin thuần túy chưa đủ để đưa Phật tử ra khỏi khổ đau, cũng không dẫn đến chân hạnh phúc mà cần phải kết hợp, xây dựng trên nền tảng của trí tuệ và thực nghiệm thì con người mới có thể tự giải thoát khỏi nghiệp lực và khổ đau.  Tin Phật cần phải hiểu lời Phật dạy, từ đó áp dụng thực hành nhằm mang lại an vui hạnh phúc cho mình và người. Nếu chỉ nghe người khác nói về  Đức Phật A Di Đà và phát khởi lòng tin không thôi thì vẫn chưa đủ mà còn phải chứng thực. Bởi vì phật dạy  “Tin Ta mà không hiểu Ta tức là hũy báng Ta”. Có câu chuyện như vầy : Gia đình nọ cha và mẹ đi làm xa căn dặn con ở nhà coi chừng cửa nẻo kẻo trộm vô nhà lấy cắp đồ trong nhà. Đêm hôm ấy trong làng có gánh hát tổ chức tại sân làng, anh ta mê hát nếu ở nhà thì không đi xem hát được, anh mới nghĩ ra cách cha mẹ bảo giữ cửa nẻo thì mình tháo cửa cất kỷ rồi đi xem hát thì an toàn cho việc đi xem hát, thế là anh tháo cửa cất rồi đi xem hát. Xong sau khi xem hát về nhà không có cửa ăn trộm vào tha hồ lấy hết đồ. Té ra anh ta không hiểu lời dặn của cha mẹ, giữ cửa nẻo là giữ những thứ quý giá ở trong nhà chứ không phải việc giữ cửa nẽo là xong.

Người tin Phật cũng vậy, chỉ căn cứ trên lời dạy của Phật, nhưng không suy xét hiểu được ý Phật nói, nên chỉ giữ trên hình thức, thực hành trên hình tướng, còn ý nghĩa thâm sâu thì không hề hay biết. Vì thế càng tu càng thấy bất an và đau khổ là vậy, tu chỉ chuyên bề tín ngưỡng lễ lạy đọc tụng mà không thay đổi tâm tính, còn về phần thực hành thì không áp dụng trong cuộc sống nên mọi việc đâu vào đó. Trong văn Cảnh Sách có câu “ Bước đi năm trước, tất bước không dời”, tức những tập khí năm xưa nay vẫn còn nguyên như ban đầu không thay đổi. Thế rồi đỗ thừa cho Nghiệp, vì tu là chuyển nghiệp mà lại đỗ thừa cho nghiệp là việc sai lầm.

Tin Phật mà không hiểu ý lời Phật dạy chỉ áp dụng hình thức bên ngoài thì trái lời Phật dạy lòng tin đó ngược lại ý của Phật, trở thành người phá hoại, hay hũy báng lời Phật. Cũng vậy với Pháp môn Tịnh độ lòng tin đối với Phật A Di Đà và cõi Cực lạc cần phải đặt trên nền tảng của trí tuệ. Đạo Phật gọi là đạo trí tín là đạo tin bằng lý trí chứ không phải tin bằng sự mê tín, cuồng tín. Điều này, chứng tỏ đạo Phật đề cao sự nỗ lực cá nhân. Con người có được giải thoát hay không, có được giác ngộ hay ra khỏi luân hồi hay không là do chính bản thân mình. Vì vậy, ngoài niềm tin đối với Đức Phật và giáo pháp Ngài truyền trao còn phải tin vào bản thân mình, chính bản thân chúng ta sẽ là người tiếp nhận và thực hành giáo pháp Đức Phật. Và chính mình người sẽ là người đạt được kết quả tu tập do bản thân mình đem lại, chứ không ai thay thế cho mình được. Như vậy, niềm tin rất cần thiết và quan trọng trong tôn giáo. Đó cũng là con đường để chúng ta đi đến kết quả của sự tu tập.

Tóm lại : Cõi Tịnh độ là sự mong muốn, ao ước của con người về một thế giới tốt đẹp, nơi mà con người bớt đi mọi khổ đau thay vào đó là sự an vui hạnh phúc. Đây không chỉ là ước muốn con người nói riêng và tất cả chúng sanh nói chung mà còn là mục đích của những bậc giáo chủ các tôn giáo nhằm tạo ra cho con người một con đường giải thoát, xa lìa mọi khổ đau ở thế gian. Cũng chính nhờ sự nhìn nhận riêng của mỗi người nên cõi Tịnh độ được diễn đạt theo hai hướng: Một hướng là cầu sự an lạc của nội tâm, hướng đến sự giác ngộ của tự thân đề cao tinh thần tự giác ;  Một hướng là cầu mong sự giúp đỡ bên ngoài và đặt trọn niềm tin vào nơi đó. Như vậy, sự mong cầu khác nhau, đều do sự nhìn nhận, suy nghĩ của mỗi người, vì những cõi an lạc đó đều là mục đích cho con người hướng đến và niềm tin chính là cánh cổng mở ra con đường đi đến mục tiêu.

Tất cả đều là phương tiện mở ra để dẫn dụ con người có một cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại, chỉ là chúng ta có chọn đúng con đường hay không mà thôi. Và vấn đề đạt đến mục đích đó, ngoài việc đặt trọn niềm tin và nổ lực của sự thực hành theo chánh pháp của Phật, thì trong hiện tại chúng ta cũng phải sống tốt, đem lại bình an cho mình và người khác. Và nếu hiện tại chúng ta đã thành tựu được vậy thì tương lai chắc chắn sẽ sinh về quốc độ của chư Phật như mong muốn. Đức Phật dạy các pháp Ngài đã thuyết như ngón tay chỉ mặt trăng, khi các pháp đã  được thuần thiện, mục đích cuối cùng của con người không còn phân biệt mà sẽ trở thành một nơi chung cho tất cả. Nhân quả thế gian là chung cho tất cả chúng sanh, khi một người tạo nhân thiện thì sẽ có được kết quả thiện. Do đó, quan trọng nhất vẫn à sự thực hành của mỗi cá nhân, đạt được mục đích giải thoát hay không đều do chính bản thân mình. Một người khi tâm thanh tịnh thì không còn ham muốn phải sanh về cõi nào khác, mà chính nơi người đó là cõi Tịnh độ rộng lớn, có thể dung chứa tất cả và giải thoát mọi hạn cuộc trên thế gian này./.

( Trích : VHPG số 403 – 15-12-2022 . “Định nghĩa cõi Tịnh độ theo các kinh và tiến trình lịch sử kết tập kinh A Di Đà”   SC Thích Nữ Hạnh Liên.)

{]{

NIỀM TIN TRONG PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét