Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TỪ TỨ NHIẾP PHÁP

 

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TỪ TỨ NHIẾP PHÁP

Đạo đức là những khuynh hướng tốt phát xuất từ những lời nói và hành vi bên ngoài khiến mọi người thấy an lạc, lợi ích. Là những vấn đề liên hệ đến giá trị tốt xấu, thiện, ác của đời sống, biểu hiện qua những hình thức khác nhau như lương tâm, trách nhiệm, bổn phận.

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp để nhiếp hóa, cảm hóa, hướng dẫn chúng sanh trở về với con đường đạo đức ( Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.)

Đạo đức Phật giáo được xây dựng trên cơ sở hệ thống giáo lý, đó là mối quan hệ giữa Giới, Định và Tuệ đi đến hoàn thiện bản chất con người và đạt được giải thoát.

Đạo đức và hạnh phúc tồn tại song song không thể tách rời. Ở đâu có đạo đức ở đó có hạnh phúc. Tư tưởng, Từ bi, Hỷ xả,, Cứu khổ, Cứu nạn của Phật giáo vẫn được nhân loại  tiếp thu và phát huy trong đời sống xã hội. Những quy tắc đạo đức của Phật giáo có nét tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức xã hội, vẫn được nhân loại tin theo và khuyến khích phát huy. Trong đó hết sức cần thiết là Tứ nhiếp pháp, là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và Đồng sự. Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp để nhiếp hóa, cảm hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh trên con đường phước thiện, đạo đức, sống để người khác thương yêu, và mình cũng thương yêu người khác. Bốn phương pháp này không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn dùng cho cả tập thể nữa.

Bố thí là một nghĩa cử cao đẹp, nhằm hướng con người đến giá trị tối thượng, bố thí không những mang đến cho chúng ta niềm vui, mà còn giúp cho tha nhân vơi đi bớt nổi khổ niềm đau, ít nhiều họ sẽ cảm thấy an ủi, hơn nữa chính nhờ sự bố thí trong lúc cần thiết nhất đưa con người ra khỏi hệ lụy, ngờ vực, làm tiền đề cho sự thành tựu sau này. Bố thí giúp cho chúng ta mỗi ngày tăng trưởng được tâm thiện lành, nhìn thấu cuộc đời và hiểu hơn về những thân phận bạt bèo trong kiếp nhân sinh.

Bố thí không những mang tặng vật chất trên hình thức mà hơn thế nữa chính là dẫn dắt tha nhân có được định hướng trong cuộc sống, thấy được mầu nhiệm trên đường đạo chơn chánh, lập chí nguyện về cứu cánh vô thượng đạo Bồ đề, hiểu bản chất cuộc đời là huyển hóa hư vô. Bố thí là phương pháp truyền trao cho người thoát khổ, khi hiểu cuộc đời là vô thường, chúng ta tâm niệm rằng phải hoàn tất cuộc đời với một sự chân thành nhất, để hy sinh phục vụ cho đời trọn vẹn, vì vô úy thí, chính là sự kiên định, vững vàng của chính mình mà giúp tha nhân đi trên con đường một cách an nhiên, tự tại, hình thành nên một nội lực mạnh mẻ vô cùng. Điều đó cũng có công năng như việc giữ giới trong sạch. Đấy là duy trì một nếp sống đạo đức thiện lành, nỗ lực kiên tránh những điều bất thiện từ thân khẩu ý.

Ái Ngữ và lợi hành : Ái ngữ đem lại cho người nghe một sự dễ chịu, bình an, không lo lắng sợ hãi. Ái ngữ là dùng những lời nói yêu thương, nhẹ nhàng, nhu hòa khiến người nghe luôn được dễ chịu, an ổn, không đau buồn lo sợ, thương tổn. Một lời nói thô tháo nói ra tuy dễ dàng, nhưng có thể khiến người nghe, lo lắng bất an, đau buồn, giận tức suốt từng năm, từng tháng. Cổ nhân có nhắc “ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, chính là nhắc nhỡ mình một khi nói ra lời nào cũng phải suy nghỉ cân nhắc thật kỷ. Vì lời nói tuy nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa biết bao thâm sâu, khiến cho người nghe khổ đau qua từng năm tháng. Như khi chúng ta đi thăm bệnh, lúc họ đang đau đớn, chiến đấu với cái đau thể xác, thì không nên trách họ là tại bạn ăn uống không kiên cử, không điều độ, hay chạy xe quá tốc độ, hay thức quá khuya, hay nhịn ăn tiết kiệm v.v… nên dẫn đến hậu quả như thế này . Thay vào đó bằng những lời lẽ an ủi, khuyến khích, mong cầu cho họ khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, bệnh tật sớm lành. Cũng là lời nói mà đem lại sự an vui, cũng là lời nói đem lại sự bất an. Mỗi người trong chúng ta ai cũng ưa thích người khác đối xử với mình dễ chịu, nhẹ nhàng hòa nhã. Vì vậy, chính mình nguyện sẽ làm một người tốt, người tử tế làm thế nào để người khác cảm nhận được những điều vui, không làm cho người phải buồn lo tức giận vì lời nói của mình.

Lợi hành  : Là thực hành những điều có lợi cho người khác. Bố thí và ái ngữ là hai pháp đem lại lợi ích cho người khác trên hai mặt vật chất và tinh thần. Vì thế bố thí là đem trao tặng niềm vui, sự an ủi, chia sẻ cho người khác. Ái ngữ là dùng lời nói dịu dàng, nhu hòa khiến cho người nghe có được sự dễ chịu an lạc trong tâm hồn của họ, tăng trưởng mối quan hệ và cùng nhau huân tập tăng trưởng những giá trị đạo đức cao thượng. Từ đó giữa mình và người tăng trưởng được thiện căn, vì mình đem đến sự an lạc cho người khác và chính mình cũng cảm thấy an lạc.

Trên tất cả sự cứu giúp bằng lợi hành, là dẫn người ta ra khỏi con đường tội ác, để không sa đọa vào ba đường ác. Hay nói cách khác, người ít tịnh tín ta khuyến khích tăng trưởng tịnh tín, người hay làm ác ta tìm phương tiện ngăn chận không cho làm ác, người xan tham keo kiệt, ta khuyến khích họ thấy sự lợi ích của thí xả. Tất cả những điều trên đều là pháp lợi hành, là những hành động đưa đến lợi mình lợi người, lợi cả hai, trên hai lãnh vực tinh thần và vật chất.

Đồng sự : Theo tinh thần Phật dạy, cuộc sống con người trong đời này là một chuỗi dài nhân và duyên, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”. Cuộc sống là sự kết nối nhân duyên mới tồn tại và phát triển. Một nhân nếu không có duyên thì mọi sự mọi vật không thành nên. Vì thế tinh thần đồng sự là tinh thần cơ bản để đưa đến thành công trong mọi sự mọi việc, đời cũng như đạo. Với tinh thần đó “ Một cây làm chẳng nên non,  ba cây chụm lại thành hòn núi cao” là vậy. Với tinh thần nầy, trong thời kỳ kháng chiến chống giặc xâm, cán bộ cách mạng đã áp dụng “ ba cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, biết được lòng dân, lấy được lòng dân, vì thế việc kháng chiến, đấu tranh đánh giặc ngoại xâm  đem lại thắng lợi thành công.

Cuộc sống lúc nào cũng có những hoàn cảnh khó khăn, bất như ý, ai trong chúng ta cũng cần có sự yêu thương giúp đỡ đùm bọc hỗ trợ cho nhau, san sẻ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa và giá trị hơn. Vì thế, việc luôn đặt mình vào suy nghỉ hay hoàn cảnh sống của kẻ khác, chính là phần nào giúp họ có được sự cảm thông, yêu thương và tháo gỡ những khó khăn khúc mắc. Chúng ta mỗi ngày phải luôn trau giồi tâm từ bi, bao dung đi vào cuộc đời này với tất cả chí nguyện vì cứu độ chúng sanh, đem lại an lạc, bình an đến cho mọi người, trên tinh thần không phân biệt, thương yêu và thấu cảm được với người. Chúng ta và mọi người cùng bước đi trên hành trình hoàn thiện giá trị đạo đức, nhân cách con người là để góp phần tạo nên sự phát triển của xã hội, của nhân loại, mỗi người sống biết nghĩ về nhau, biết chia sẻ nhau, có như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa hơn, mình và người cùng đạt được hạnh phúc, giúp cho xã hội an bình thịnh vượng.

Áp dụng Tứ nhiếp pháp đem lại đạo đức trong mỗi người, hướng đến đời sống cao thượng. Thực hành pháp này chính là ta luôn tâm niệm ở ngay tại thân, khẩu, ý luôn có sự tỉnh thức và vì nghĩ đến tha nhân. Như sứ mệnh của Bồ tát là hành giả luôn biết lắng nghe, từ đó dùng trái tim yêu thương, từ bi của mình mà cứu giúp người thoát khỏi những khổ đau, ngờ vực. Thực hành bốn pháp này cũng chính là giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm mình mỗi ngày tăng trưởng thiện căn, như pháp Bố thí không chỉ phát triển lòng từ bi nơi mình mà còn giúp người khác cảm thấy an lạc. Bốn pháp tu này có mối tương duyên lẫn nhau mà thành tựu được chí nguyện hướng đến giải thoát cho mình và người, bốn pháp này thành tự sẽ duy trì được sự đoàn kết đại chúng, trong mọi thành phần không phân biệt giai cấp, bốn pháp này là pháp Bồ tát độ chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh từ khổ qua vui từ mê đến ngộ.

Kết :  Giáo lý của Phật dạy, hướng dẫn con người đến cuộc sống chân thiện mỹ, bằng những triết lý đi vào đời sống mang tinh thần vị tha, bình đẳng, bác ái. Điều này minh chứng qua sự đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng giá trị đạo đức truyền thống và tinh thần từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo. Đạo đức của Phật giáo có những nét tương đồng với các quy tắc luật pháp, của nền đạo đức xã hội, được nhiều người tin theo và khuyến khích phát huy. Đạo đức cửa Phật giáo là quy tắc mà xã hội con người thời nào cũng rất cần đến để duy trì nền đạo đức và sự an bình xã hội. Đạo đức Phật giáo là một phương pháp giúp cho cuộc sống con người sống lành mạnh, hạnh phúc. Tứ nhiếp pháp chính là phương pháp khéo léo giúp mình và người hoàn thiện đạo đức một cách có hiệu quả. Đem lại tình yêu thương, sự đoàn kết, đem lại chân thiện mỹ trong đời sống, xây dựng một xã hội an lạc thái bình trên hai lãnh vực tinh thần và vật chất ./.

( Trích và bổ sung từ Đạo đức học Phật giáo từ Tứ Nhiếp pháp- SC Thích nữ Huệ Thùy  - VHPG  Xuân Quý Mão-  2023- số 404 )

{]{

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TỪ TỨ NHIẾP PHÁP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét