Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

LÝ TƯỞNG GIẢI THOÁT

 

LÝ TƯỞNG GIẢI THOÁT

Theo quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy có hai loại Niết bàn, Hữu dư y Niết bàn và Vô dư y Niết bàn. Hữu dư y Niết bàn là trạng thái phiền não đã đoạn tận nhưng nhục thân còn dư tàn.  Như Lục Tổ Huệ Năng.  Vô dư y Niết bàn tức chỉ cho các vị Thánh A la hán đã nhập Niết bàn. Tiêu biểu như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…

          Lộ trình tu tập có những vị chứng thánh mau, có những vị chứng thánh chậm, chứng thánh mau như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp… chứng thánh chậm như Châu Lợi Bàn Đặc, A Nan v.v…

          Lý tưởng giải thoát của Đạo thừa Phật giáo trải qua thời kỳ bộ phái, Phật giáo Đại thừa được hình thành, ảnh hưởng của các vị luận sư nổi bật tại Ấn độ thời đó, như Bồ tát Mã Minh với Đại thừa Khởi Tín luận. Bồ tát Long Thọ với Trung luận và Đại trí Độ luận. Bố tát Đề Bà với Bách Luận, Bồ tát Vô Trước với Pháp Duy Thức tông và Du Già Sư địa luận. Bồ tát Thế Thân với Nhiếp Đại thừa luận và Câu xá luận đã làm cho Phật giáo Đại thừa phát triển.

          Về lý luận, Phật giáo Đại thừa đã bổ sung thêm nhiều pháp tu phù hợp với bối cảnh xã hội với nhiều phương pháp hóa độ của chư Phật như Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Đa Bảo, Phật Di Lặc… và chư vị Bồ tát như Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Dược Vương, Dược Thượng, Nguyệt Quang Biến Chiếu, Nhật Quang Biến chiếu v.v..

          Về thực tiển, Phật giáo Đại thừa nêu cao tinh thần lợi tha. Để chứng đến quả vị Đẳng giác Bồ tát, hành giả phải tu tập trải qua 50 địa vị Bồ tát như, Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng và Thập Địa.

          Các Bồ tát với đại nguyện giáo hóa chúng sanh cùng khắp; tiêu biểu trong phẩm Phổ môn, hình ảnh Bồ tát Quan Thế Âm hóa hiện 33 ứng thân để cứu độ chúng sanh qua các thân khác nhau như thân Phật, Thanh văn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Trưởng giả, Cư sĩ, Bà la môn, Dạ xoa, thần kim cang v.v.. để hóa độ chúng sanh trong những hoàn cảnh khác nhau. Để thực hành hạnh nguyện lợi tha độ sanh, các Bồ tát nỗ lực tu tập sáu Ba la mật gồm Bố thí, trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

          Ngoài hai cảnh giới Niết bàn như Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa còn có thêm hai cảnh giới khác là Vô trụ xứ Niết bàn và Tự tánh Thanh tịnh Niết bàn. Bồ tát với tâm từ bi bao la rộng lớn thương xót chúng sanh đau khổ nên không trụ nơi Niết bàn, dùng Bát nhã cứu độ chúng sanh, nên không trụ trong sanh tử. Như trong kinh Bát nhã có ghi rằng “ Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết chúng sanh”. Đó là vô trụ xứ Niết bàn của Bồ tát Quán Thế Âm trong việc dùng trí tuệ hóa độ chúng sanh tu tập giải thoát khổ đau, cảnh giới Tự tánh thanh tịnh Niết bàn ( hay còn gọi bản lai thanh tịnh Niết bàn, Tánh tịnh Niết bàn) là chỉ cho tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, có đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn, nhưng do chúng sanh bị khách trần phiền não ngăn che nên không nhận ra, chỉ có các bậc Thánh chứng ngộ mới rõ biết.

          Có thể thấy, giữa quan điểm về giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều cùng một nền tảng là giáo lý của Đức Thế Tôn, tôn trọng chánh pháp căn bản như : Tứ đế, Tam pháp ấn, Duyên khởi hay Thập nhị nhân duyên, Nhân quả Nghiệp báo, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn, Luân hồi, Bình đẳng, Tam vô Lậu học v.v.. nhưng trong đó Duyên khởi làm nền tảng và chúng xuất gia và tại gia nỗ lực đạt được sự giác ngộ giải thoát.

          Tóm lại, Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa đều rất thiết thực cho lộ trình tu tập của hàng xuất gia và tại gia. Để tiến bước trên con đường giác ngộ mỗi mỗi chúng ta đều cần sự nỗ lực tu tập tinh nghiêm của tự thân và sự hộ trì chánh pháp của hàng cư sĩ tại gia. Hành giả đó đêm ngày hạ thủ công phu ngõ hầu thành tựu đạo đức giải thoát tự thân và đem chánh pháp truyền bá lợi ích tha nhân, khiến cho Phật pháp mãi rạng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam khắp thế giới nói chung./.

  ( Trích : Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Đại thừa-  SC Thích nữ Thắng Tâm – VHPG -1-8- 2022- số 394 )

{]{

LÝ TƯỞNG GIẢI THOÁT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét