Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

TỲ KHEO

 

TỲ KHEO

  Phạn văn Bhiksu ý nghĩa chủ yếu là “ Khất sĩ ”. Trên cầu Phật pháp để nuôi dưỡng huệ mạng của pháp thân, dưới hướng về người tục khất cầu cơm áo để nuôi sống sinh mạng của sắc thân. Vì thế gọi là Khất sĩ. Ngoài ra còn có các nghĩa Bố ma, Tịnh mạng, Tịnh trì giới.  Nhân vì xuất gia, học Phật làm Tỳ kheo là muốn liễu thoát sanh tử, không còn bị sự quấy nhiễu và chi phối của ma nghiệp cùng ma cảnh. Ma vương bớt đi một ma dân để lợi dụng và chi phối, cho nên ma cảm thấy sợ hãi, vì thế gọi là Bố ma. Tỳ kheo trì giới hay phá được phiền não ác nghiệp, vì thế gọi là Phá ác. Tỳ kheo không làm các nghề buôn bán, trồng trọt, thợ thuyền, mưu sinh, mà chỉ thanh tịnh khất thực để tự sống, vì thế gọi là Tịnh mạng.  Tỳ kheo đem cả hình tướng, thọ mạng của suốt đời mình kiên trì giới luật thanh tịnh vì thế gọi là Tịnh trì giới.

Tỳ kheo còn dịch là Bí sô là tên một loài cỏ, căn cứ vào truyền thuyết, loại cỏ này có 5 đức tính đặc biệt.

1/ Thể tánh mềm mại.

2/ Bò ra bên ngoài.

3/ Hương thơm bay xa

4/ Trị được đau nhức

5/ Không tránh ánh sáng mặt trời

 Vì thế lấy làm tên gọi của người xuất gia. Bí sô là cựu dịch, Tỳ kheo là tân dịch. Thời Phật còn tại thế, hoạt động của Phật giáo lấy Đức Phật làm trung tâm, sau khi Phật diệt độ, hoạt động của Phật giáo lấy Tăng đoàn xuất gia  làm trung tâm. Nếu như không có Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, sự trụ thế của Phật giáo sẽ mất đi giá trị của tôn giáo  mà chỉ có giá trị của triết học hoặc học thuyết văn hoá. (Như học thuyết Khổng Mạnh).

Chủng loại Tỳ kheo:

1/ Danh tự Bí sô

2/ Tự xưng Bí sô (tự thuyết Bí sô)

3/ Khất cầu Bí sô (người thế tục vì mưu cầu sinh sống)

4/ Phá phiền não Bí sô

5/ Bạch tứ yết ma Bí sô (tác pháp Bí sô)

   Hai loại 4 và 5 hợp pháp, ba loại trên phi pháp.

Trong luật có bao gồm giới, nhưng trong giới thì không có bao gồm luật. Vì trong Tỳ ni tạng có Ba la đề mộc xoa (Biệt giải thoát giới) còn Ba la đề mộc xoa không thể nhiếp hết Ty ni Tạng.

Nói rõ hơn, Tỳ ni bao gồm cả chỉ trì và tác trì. Ba la đề mộc xoa duy chỉ có chỉ trì. Vì thế trì luật bao gồm trì giới, Trì giới không bao gồm trì luật. Vì luật là việc cộng đồng của đại chúng trong Tăng đoàn, còn trì giới là việc của mỗi cá nhân Tỳ kheo. Trì giới gọi là chỉ trì, vì không làm ác. Trì luật gọi là tác trì vì hay thành thiện. Việc của Tăng đoàn phải do đại chúng trong tăng đoàn cùng chung quyết giải, cùng chung suy triển, cùng chung trợ thành, vì thế cần phải hoà hợp ý kiến của đại chúng. Tổng hợp ý kiến của đại chúng hành sự tác pháp, đây là tinh thần trì luật, gọi là tác trì.

Trong luật tạng quy định điều văn giới tướng là giới, là chỉ trì, quy định các pháp yết ma là luật, là tác trì. Luật là giúp cho sự tiến hành của giới, luật còn là người giám đốc của sự thực hành giới. Tỷ như người muốn xuất gia trì giới, trước tiên cần phải nhờ pháp yết ma chứng minh, cấp cho tư cách và thân phận của Tỳ kheo xuất gia. Điều văn của giới, nếu trên sự thực hành gặp phải khó khăn cũng có thể dùng pháp yết ma để nghiên cứu giải quyết.  Nếu như phát hiện một Tỳ kheo nào hoặc sinh hoạt vượt ra ngoài phạm vi của giới liền phải làm yết ma cử tội, chiết phục đuổi đi, cho đến diệt tẫn (trục xuất) vì thế giới là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của sinh hoạt Tỳ kheo. Luật là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của giới. Sinh hoạt của người Phật tử phải lấy giới làm chủ yếu, muốn giải thoát sinh tử cần phải trì giới. Phật giáo muốn tồn tại lâu dài với thời gian cần phải trì luật.

  Một Tỳ kheo chân chính không thể không trì giới. Một tăng đoàn có triển vọng không thể không trì luật, nếu như Tăng đoàn không trì luật được thì Tỳ kheo trì giới cũng sẽ không được bảo hộ. Theo nội dung của Luật phân phối 250 giới của Tỳ kheo và 348 giới của Tỳ kheo ni là chỉ trì, 20 thứ kiền độ là tác trì. Trước là giới sau là luật. Trong giới có luật trong luật có giới, đây là lấy điểm trọng yếu  của nó mà phân biệt.

Nếu như nói giới pháp là phương thuốc đề phòng sự hư đốn của đạo giải thoát, thì pháp sám hối là phương thuốc làm cho thanh khiết của đạo giải thoát. Chưa từng nhiễm ô hư đốn, phải nên ngăn ngừa, nhiễm ô hư đốn rồi lập tức xử lý làm cho thanh khiết, đây là công dụng của pháp sám hối. Nhưng không nên hiểu lầm, pháp sám hối không phải là toàn năng hoặc vạn năng. Pháp sám hối đối với 4 tội nặng (tánh tội) của giới căn bản là thương mà không thể giúp, pháp sám hối đối với tánh tội (bản lai là tội) cũng không có năng lực, pháp sám hối chỉ có thể hồi trừ giới tội của sự phân giới, hoặc gọi là giá tội hoặc gọi là chế tội. Tỷ như giết súc sanh là tánh tội trong Tỳ kheo giới, không được giết súc sanh là giá tội. Tỳ kheo giết một súc sanh bị hai lớp tội, pháp sám hối chỉ có thể trừ được giá tội, tánh tội phải bị quả báo bồi thường sinh mạng. Điều này giống như một người vừa là Đảng viên của một chính đảng, đồng thời là một quan chức của chính phủ, nếu ông ta phạm pháp quốc gia, đương nhiên bị sự chế tài của luật pháp quốc gia. Sự chế tài của kỷ luật  đảng không thay thế được cho sự chế tài của luật pháp quốc gia. Điều này đồng một lý với pháp sám hối của Phật giới. Vì thế chúng ta tuyệt đối, không nên cho rằng vì có pháp sám hối nên có thể mặc tình to gan lớn mật dám phạm giới./.

{]{

TỲ KHEO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét