Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

THIỀN CHẤT DINH DƯỠNG CỦA MỌI THỜI ĐẠI

 

THIỀN CHẤT DINH DƯỠNG CỦA MỌI THỜI ĐẠI

                            HT Thích Trí Quảng.

           Nói đến thiền, người ta thường nghĩ đến những người tọa thiền, ngồi yên trong một tiếng hay nhiều tiếng. Sau đó, xả thiền đi làm công việc gì đó và lại tiếp tục ngồi thiền. Và điều mà thiền giả đạt được là một cái gì xa xăm, huyền bí ở hư vô, không dính líu gì đến cuộc sống thường nhật và thế giới thiền được đóng khung lợi lạc cho riêng bản thân họ. Không hẳn như vậy là thiền.

          Thiền chẳng nhứt thiết chỉ hiện hữu ở dạng đơn giản ngồi yên và hoàn toàn xa lạ với sự sống con người. Vì vậy các Tổ thường quở trách người bắt chước ngồi thiền mà chẳng sở đắc được pháp nào là “ Sống ngồi, chết nằm” hay “ Ngồi như than nguội, củi mục”.

          May thay, chúng ta chẳng cần tìm hình dạng thiền ở đâu xa. Ngay tại quê hương Việt Nam, cặp mắt thiền đã từng sáng rực, soi sáng mọi sinh hoạt của đất nước. Có thể khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam đã sớm đưa thiền  pháp vào đời sống của dân tộc. Thiền ung dung tự tại hiện diện trong mọi hoạt động, từ thiền của thi ca, hội họa, cho đến thẳng bước tiến vào lãnh vực chính trị và thậm chí cả quân sự nữa. Điều ấy không phải là hiếm thấy.

          Thật vậy, trong lịch sử nước nhà còn ghi đậm nét hình ảnh Vạn Hạnh Thiền sư với những thành công kỳ vỹ trong công cuộc dựng nước và giữ nước qua các triều đại Đinh, Lê, Lý. Vạn Hạnh thiền sư là linh hồn của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi khởi đầu ở Việt Nam. Với đôi mắt thiền ngài thấy rõ chính xác đường đi nước bước của quân Tống, nên khuyên vua chẳng lo sợ trước đối phương hùng mạnh, chẳng cần tấn công nhọc sức chống trả. Quả thật, ngoài sự hiểu biết bình thường của mọi người, ngài chỉ nhẹ nhàng dùng cốt cách thiền để đối phó với đám giặc mạnh hơn ta. Và đúng như sự chỉ đạo về quân sự hoàn toàn chính xác của Thiền sư Vạn Hạnh, vua Lê Đại Hành không cần mang quân đi đánh Tống, không cần làm những cái không đáng làm, không cần lo những điều không đáng lo. Hay nói cách khác, chỉ án binh bất động trong 21 ngày, giặc phải tự rút lui.

          Ngoài ra ở thời Lý, Trần, các vua quan, tướng lãnh hầu hết chịu ảnh hưởng của thiền học. Tư tưởng của dòng thiền Thảo Đường và nhất là dòng thiền Trúc Lâm đã trở thành triết lý sống phục vụ nhân sinh. Tất cả tinh ba thiền đã là hạt nhân quy tụ được lòng người, tạo thành một nền tảng trí tuệ và đạo đức xã hội, hình thành một nước Đại Việt thống nhất vững vàng, hùng mạnh thực sự, chẳng những dẹp tan mọi thôn tính của ngoại xâm mà còn xây dựng được đất nước.

          Dấu ấn vàng son của đôi tay và khối óc nhà thiền làm lợi lạc cho đất nước, làm sáng danh Phật giáo Việt Nam. Chúng ta còn nhớ lịch sử cũng từng ghi nhận nỗi khiếp sợ của các nước trước gót giày xâm lăng tàn phá của quân Nguyên- Mông vào thời ấy. Người ta thường nói nơi nào chúng đi qua thì cỏ cũng không mọc được. Vậy mà đất nước chúng ta đã ba lần bị đoàn quân khét tiếng ấy ồ ạt sang xâm chiếm; nhưng chúng đã hoàn toàn thảm bại trước uy lực và trí tuệ tuyệt vời của vua quan Phật tử thấm nhuần thiền học.

          Ánh sáng thiền đã soi thấu cho các vua quan nhà Trần sự hiểu biết tận ngọn nguồn, không phải chỉ thấy chiến thuật, chiến lược hay sức mạnh bên ngoài, nhưng thấy được tiềm lực thực sự của ta, của giặc và biết rõ bằng cách nào dẹp tan được giặc.

          Ánh sáng thiền cũng tỏa chiếu vào địa hạt chính trị qua hình ảnh bà Ỷ Lan điều hành chính sự nước nhà. Trước khi đi đánh Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông giao quyền nhiếp chính cho bà với lời dặn dò :  “ Vạn biến như lôi, Nhất tâm thiền định”. Lời khuyên dặn của vua thật đơn giản đến độ nghe như đùa. Vâng, dù sấm sét dồn dập cũng không làm gì khác ngoài nhất tâm thiền định để ứng phó. Nếu không phải là cặp mắt sáng của thiền thì làm sao thấy được khả năng nhạy bén của một người xuất thân từ cô gái hái dâu không am tường chính trị mà nhà vua dám giao phó việc đại sự như vậy.

          Và cũng đúng như sự hiểu biết và tin cậy của vua, bà Ỷ Lan nhất tâm thiền định như thế nào đó mới có được những quyết định sáng suốt, khiến các quan lại ỷ thế hoàng thân quốc thích cũng đành bó tay, không thể lộng quyền, làm bậy. Bà điều hành việc triều chính thành công hoàn hảo hơn cả có lúc vua bên cạnh.

          Cũng vào lúc bà đang thay vua điều khiển việc nước thì xảy ra nạn mất mùa. Bà ra lệnh ban phát của cải cho dân, vì theo bà, của cải do dân làm ra, dân gặp khó khăn thì phải giúp đỡ để họ có phương tiện tạo ra của cải khác. Nhưng quan địa phương tham nhũng, không phát cho dân, mà đem bán để bỏ túi riêng. Bà đích thân đến thanh tra, thể hiện phương cách xét xử đậm nét thiền, nghĩa là sáng suốt, thẳng thắn, định tĩnh, vô úy trong việc trị tội. Kết quả là thế lực ác xấu phải cúi đầu chịu tội và chẳng còn quan địa phương nào khác dám nghĩ rằng có thể qua mặt bà. Việc làm sáng suốt, vô tư, thương người làm cho dân chúng cảm phục, thương mến, tôn kính, xem bà như hiện thân của Mẹ hiền Quan Âm.

          Chẳng những hòa quang đồng trần cho người cầm cương lãnh chính trị, quân sự, sức sống thiền còn làm ngập sáng chói trong địa hạt văn hóa. Phần lớn các thơ văn kiệt tác, hội họa, kiến trúc độc đáo của Việt Nam hay Trung Hoa, Nhật Bản còn lưu lại sự biểu trưng cho nét văn minh đặc sắc một thời của mỗi quốc gia, đều là sản phẩm trí tuệ của các thiền sư ngộ đạo.

          Có thể thấy rõ cốt tủy thiền qua lời Phật dạy: “ Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Sở dĩ chúng ta không thấy biết đáp số cho vấn đề chỉ vì tâm trí đầy ắp tham sân, phiền não, nó tác hại trí ta trở thành mờ mịt, nặng nề, phân tán, không tập trung được. Thiền, hay nói cách khác, chế tâm nhất xứ, tức tập trung tâm lại, đoạn dứt sự quấy rầy của phiền não, thì thấy biết trở thành trong sáng, không gì không giải quyết được.

          Có thể nói dù thiền theo Nguyên thủy hay Đại thừa, nếu thực hành đúng pháp đều mang lợi ích thiết thực giúp cho thể lực khỏe mạnh, tinh thần bình ổn và trí tuệ sáng suốt.

          Thật vậy, thực tế cho thấy nhiều trường đại học ở Nhật Bản mở những lớp dạy thiền. Nhờ sự luyện tập thiền định do thiền sư hướng dẫn đúng pháp đã tạo cho giới trẻ  niềm vui bổ ích, trở thành người tốt, lợi ích trong xã hội. Hoặc các chính khách chịu ảnh hưởng thiền, gặp việc biến động, họ tạm thời ngưng mọi suy nghĩ, tính toán để tĩnh tâm cũng lấy lại sự thăng bằng cho tâm trí, từ đó thấy vấn đề sáng ra, giải quyết việc một cách tốt đẹp.

          Hoặc ở Thái Lan, một số công ty hay khách sạn đã tổ chức thành công các khóa hành thiền cho nhân viên quản lý mang lại kết quả xác thực, vì đã giúp họ cơ hội quan sát lại bản thân, bớt căng thẳng, phát triển được tâm trí, nên có cách ứng xử đạo đức, khách quan, đúng đắn.

          Hay ở Âu Mỹ hiện nay, có số người được chữa trị, cai nghiện ma túy bằng phương pháp thiền định đã lành bệnh, lấy lại được sự bình ổn về thể xác lẫn tâm hồn. Kết quả ấy được báo chí đăng tải không ít.

          Hoặc một số nhà tù ở Mỹ hiện nay cũng cho phép mở các lớp dạy thiền, trong đó có một tu sĩ Việt Nam là thầy Thiện Tâm đã hướng dẫn các phạm nhân học thiền, thực tập thiền và họ cũng phải làm bài kiểm tra cuối khóa học. Kết quả không ít phạm nhân sau khóa thiền đã chuyển hóa được tâm đau khổ, sân hận thể hiện thành lời nói, cử chỉ trở nên hiền lành và hòa hợp với các bạn tù, nhờ đó họ đã được ân xá trước hạn tù và họ cũng tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của người lương thiện sau khi ra khỏi nhà giam.

          Vì vậy, một khi thiền được xử dụng đúng pháp vào bất cứ ngành nghề nào trong xã hội đều mang lại kết quả tốt đẹp. Đối với nhà quân sự nắm trong tay thiền pháp thì họ là nhà quân sự tài ba. Người làm chính trị có đôi mắt thiền soi sáng thì họ là chính khách lỗi lạc. Người diễn viên sống được với nguồn thiền thì họ trở thành xuất thần trong vở diễn. Văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, hay nghệ nhân với tâm thiền đưa vào tác phẩm, thì tác phẩm trở thành bất hủ, sống mãi trong lòng người. Đó là sự hiện hữu lợi lạc vô cùng của hình thức xã hội thiền.

          Có thể nói xã hội thiền hay thiền trong sinh hoạt đời thường không phải là thiền pháp của Đức Phật nhằm giúp cho con người đạt đến đỉnh cao Vô thượng Bồ đề và sống ngoài quy luật sinh tử luân hồi. Đối với đệ tử Phật, hay những người không phải đệ tử Phật, việc thể nghiệm thiền pháp của Đức Phật không đơn giản và còn cách xa năng lực của họ.

          Tuy nhiên, không phải vì vậy mà thiền pháp nằm ngoài sức sống của con người. Trái lại, kết quả thực tế cho thấy nhiều lợi ích lớn lao của thiền pháp đã giúp ích cho thể lực và trí lực của con người trong nhiều lãnh vực sinh hoạt đời thường và mở ra lối thoát cho nhiều người trên khắp thế giới đối trước những khủng hoảng của thời đại.

          Thiết nghĩ trong cuộc sống quá phức tạp của thời đại văn minh cao độ ngày nay, sự có mặt của thiền pháp như là người bạn tri kỷ đã thực sự  truyền trao năng lực tập trung cho nhân loại ở khắp mọi nơi, trong mọi tình huống để có được thân tâm bình ổn và có cái nhìn tương đối đúng đắn, chẳng phải là quý báu lắm hay sao./.

   Trích NSGN số 296-11-2020- HT Thích Trí Quảng.

Lời bàn thêm :  Thiền pháp được du nhập vào Việt Nam rất sớm, ảnh hưởng thiền Trung Hoa nhưng hoàn toàn được cải tiến thành thiền Việt Nam. Một pháp thiền nhập thế khác hẳn với các pháp thiền xuất thế ( xa lánh cuộc đời ), thiền Việt Nam so với các thiền của các nước là thể hiện tinh thần Bồ tát hạnh, nhập thế cứu mê tình trên mọi lãnh vực, chính trị, quân sự, văn hóa, hội họa, thơ văn v.v…giữ nước dựng nước chống lại mọi âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang. Trong khi thiền của các nước khác chỉ chuyên tu để giải thoát và chứng ngộ, thiền của Việt Nam không những chứng ngộ giải thoát cho bản thân mà còn làm lợi ích cho quốc gia xã hội mỗi khi đất nước gặp phải khó khăn nan giải. Vua Trần Thánh Tông không những tu chứng ngộ thiền mà còn chỉ huy đánh phá giặc Nguyên- Mông ba lần thất bại đến xâm lăng nước ta. Vạn Hạnh Thiền sư là người hướng dẫn Lý Công Uẩn là một chú điệu ở trong chùa ra làm vua, sau này thành vị vua xuất sắc khởi đầu cho sự nghiệp giữ nước dựng nước cho các triều đại sau này. Lý Công Uẩn lên ngôi vua hiệu là Lý Thái Tổ theo sự hướng dẫn của Vạn Hạnh thiền sư dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long nay là thủ đô Hà nội. Vua Lý Thái Tổ tên thật Lý Công Uẩn mất 1028  thọ 54 tuổi trị vì 19 năm, triều đại nhà Lý có 9 triều vua kế thừa. Thủ đô Hà Nội là một thủ đô có niên đại lâu đời nhất so với các một số thủ đô trên thế giới. Vì thế Phật giáo Việt Nam được mệnh danh : “ Phật giáo đồng hành với dân tộc ” là vậy. Thời đại nào đất nước hưng thịnh hòa bình thì Phật giáo phát triển, thời đại nào loạn lạc yếu kém thì Phật giáo suy vi. Phật giáo ngày nay trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng trên toàn thế giới nói chung đã góp phần to lớn trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, văn học, từ thiện, nhân đạo, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc v. v.. đem lại hòa bình cho các nước và kết tình thân hữu cùng nhau giữa các nước . Do đó Tổ chức UNESCO công nhận ngày Phật đản là ngày lễ Quốc tế (Vesak). Về điện ảnh hai bộ phim Tây Du ký và bộ Phim cuộc đời Đức Phật Thích Ca được giải điện ảnh cao nhất, hai bộ phim này đã làm rung động lòng người mỗi khi xem, không những nội dung mà các nghệ thuật của các nhân vật đóng phim và các dụng cụ hóa trang cho mỗi tình tiết, đem lại cho người xem cảm kích và thán phục nghệ thuật thiền đi vào cuộc sống con người hiện đại.

    Từ năm 1960 cho đến nay Phật giáo Việt Nam đã lan tỏa trên thế giới, người tiên phong đem đạo vào đời là Hòa Thượng Nhất Hạnh dùng pháp thiền “ hiện sinh” để giới thiệu cho người phương Tây, và được người các nước phương Tây đón nhận nồng nhiệt, trong khi phương Tây đã có sẵn đạo Công Giáo và Tin Lành. Nhờ vậy, người phương Tây hóa giải được nổi khổ niềm đau trong thâm tâm họ  xưa nay chỉ dựa vào đức tin nơi đức Chúa không được soi sáng bởi tự tánh sẵn có bên trong mỗi người. Người đem đạo Phật vào phương Tây không kém Hòa Thượng Nhất Hạnh là Ngài Dalai La Ma người Tây Tạng với phương pháp tu Mật Tông. Hai vị này đã làm nên sự thay đổi nhận thức của người phương Tây một cách kỳ vỹ.

          Phật giáo được giới thiệu và chứng minh bởi nhà  bác học vật lý Albert  Einstein ( 1879-1955 ) ông nói Phật giáo là một tôn giáo vượt trên hoa học . Áp dụng Thiền pháp vào các lãnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, trị liệu v.v.. giúp cho các giới trí thức phương Tây thay đổi nhận thức của họ. Người phương Tây tự hào về nền văn minh khoa học của họ, nhưng họ không giải quyết được nổi khổ niềm đau trong tâm con người. Phật giáo không những là tôn giáo vượt trên khoa học mà con làm thay đổi được tâm tánh con người bỏ ác làm lành để có cuộc sống an vui hạnh phúc cả tinh thần lẫn vật chất ./.

THIỀN CHẤT DINH DƯỠNG CỦA MỌI THỜI ĐẠI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét