Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA GIỚI THANH VĂN VÀ GIỚI BỒ TÁT

 

NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA GIỚI THANH VĂN VÀ GIỚI BỒ TÁT

Có người cho rằng Giới Thanh văn thì quá nghiêm cẩn, mỗi chút mỗi vi phạm, vì thế rất khó giữ gìn cho trọn vẹn. Nhưng giới Bồ Tát thì rất khoan dung và không câu nệ tiểu tiết. Vì thế có người tu học tự cho mình là Bồ Tát, tu Bồ Tát hạnh, khi làm những điều bất hợp pháp, bị người chỉ trích là luật nghi không hoàn chỉnh, lại lấy cớ ta đây là Bồ Tát để đáp lại kẻ chỉ trích mình, nhưng người đó họ không biết đó là điều sai lầm. Vì thế điều kiện thứ nhất trước nhất cần thọ trì Nhiếp luật nghi giới, vì nhiếp luật nghi giới chẳng những là cội gốc của nhiếp thiện pháp giới, mà là nền tảng cho nhiêu ích hữu tình giới.

Bồ Tát không giữ giới luật, thì không những thiện pháp giới không thể khởi sanh và luôn cả Nhiêu ích hữu tình giới cũng hoàn toàn không thực hiện được. Vì thế hành giả Bồ Tát đối với Tam tụ tịnh giới phải xem trọng như nhau, như thế mới thể hiện rõ điểm đặc sắc của Đại Thừa Bồ Tát.

 Thọ giới: có ba cách thọ Bồ Tát giới:

Thượng phẩm: Từ nơi Đức Phật mà thọ giới, điều này rất khó thực hiện, vì Đức Phật đã nhập diệt không còn trên đời nữa.

Trung phẩm: Từ người đệ tử của Phật mà bẩm thọ. Vị Bồ Tát nào đã thọ giới Bồ Tát trước thì thỉnh làm pháp sư, dạy bảo giới pháp cho mình. Phải thành kính đảnh lễ dưới chân pháp sư, thứ đến tác bạch như vầy: Kính thỉnh tôn giả làm thầy truyền giới cho con, giới tử đắc giới ấy gọi là Trung phẩm giới.

Hạ phẩm:  Trường hợp không có Phật xuất thế, không có đệ tử của Phật làm thầy truyền giới, phật tử có thể đối trước tượng Phật mà bẩm thọ. Quỳ gối chấp tay tự thệ nguyện thọ giới. Tác bạch như vầy: Đệ tử kính bạch Thập phương chư Phật, chư Đại Bồ Tát, con nguyện thọ học tất cả giới của giới Bồ Tát, đây là hạ phẩm.

Giới Thanh văn thuộc “ Tận hình thọ”  thọ trong một đời, đến chết thì giới không còn. Khi sanh mạng không còn, giới thể tự nhiên theo đó mà mất. Như vậy có đắc giới tất nhiên có thất giới. Còn Đại thừa Bồ Tát giới là pháp sẵn đủ của tự tâm, là pháp sẵn có, không phải sau khi thọ giới mới có được giới pháp đó.  Giới của Bồ Tát lấy tự tâm làm thể, vì tâm vô tận nên giới thể cũng vô tận.

Phần mở đầu giới kinh nêu rõ: “Quang minh Kim cương bảo giới, thị nhứt thiết bổn nguyên, nhứt thiết Bồ tát bổn nguyên, Phật tánh chủng tử. Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nhứt thiết ý thức sắc tâm thị tình, thị tâm, giai nhập Phật tánh giới trung ”.

 Nghĩa là:  “ Giới pháp Kim Cương quang minh quý báu này, chính là bổn nguyên của tất cả chư Phật, bổn nguyên tất cả Bồ Tát, cũng là chủng tử của Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả ý thức sắc tâm, là tình, là tâm, đều vào trong phạm vi Phật tánh”.

Bồ Tát giới là pháp sẵn đủ trong tâm tất cả chúng sanh. Chẳng những không cần đợi duyên chế lập mà còn có sẵn công năng “ phòng phi chỉ ác”. Công năng “ Từ bi lợi vật”, công năng “vô biên công đức thanh tịnh, định huệ v.v...”.   Nhưng sở dĩ phải thọ giới trở lại trong hiện tại, chẳng qua là để làm cho giới đức sẵn đủ ấy huân phát và tăng trưởng mạnh mẽ. Giới Phật tính thường trụ lấy tâm làm thể, nên sau khi phát tâm thọ giới, chẳng những trong đời hiện tại không bị mất giới, mà khi sanh mạng kết thúc, giới thể vẫn tồn tại. Bồ Tát giới là giới cùng tột vị lai, nên Phật tử thọ trì không thất giới, thì mãi mãi cho đến chứng quả vị vô thượng Bồ đề, giới thể đều tương tục, không gián đoạn. Dẫu sau khi sanh mạng kết thúc, tái sanh trở lại, không ghi nhớ việc thọ giới mình đã thọ giới ở đời quá khứ. Nếu hiện tại phát tâm thọ giới trở lại, trường hợp này  gọi là duyên tăng thượng, không được gọi là “tân đắc”. Đến như đời hiện tại, giả sử phạm trọng giới, dù cũng có thể gọi là thất giới, nhưng nếu đúng pháp sám hối, thì có thể thọ giới lại.

 Cho nên kinh nói: Giới Bồ Tát có pháp thọ mà không có pháp xả, có phạm mà không mất giới, vì là giới thể cùng tột đến đời vị lai vậy.

 Cho nên trong giới kinh nói: “Tâm địa đại giới này là bổn nguyên của chư Phật, là căn bản của người hành đạo Bồ Tát, là căn bản của đại chúng Phật tử ”.

 Giới Tỳ kheo Thanh văn y cứ theo luật Phật chế, hàng Phật tử tại gia chưa thọ Cụ túc giới, tuyệt đối không được phép xem giới, đọc giới, nghe giới. Nhưng đối với Đại Thừa Bồ Tát giới người chưa thọ giới,  tuy không được tham dự bố tát, tụng giới, những nghe giảng ý nghĩa của giới pháp hay xem đọc hoặc nghiên cứu nghĩa của giới bổn thì có thể được, không bị cấm chỉ tuyệt đối.

Được nghe giảng giới Bồ Tát chẳng những không vi phạm giới luật mà còn có nhiều lợi ích nữa. Vì nghe được giảng ấy, sẽ được kích thích phát tâm Bồ đề và huân phát Phật tánh vốn đã sẵn có trong mỗi người.

Giới điều của Thanh văn: 5 giới của phật tử Ưu bà tắc, Ư bà di- 10 giới của Sa di, Sa di ni, 6 giới của Thức Xoa ma na, 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ kheo ni.

Giới Bồ Tát: 6 giới trọng 28 giới khinh của Bồ tát tại gia.  10 giới trọng 48 giới khinh của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni Bồ Tát.  Khi thọ giới  là để phát khởi công năng “ phòng phi chỉ ác” trong nội tâm của hành giả.

Giới Thanh văn gặp duyên Phật mới chế lập, còn giới Bồ Tát không cần đợi thời duyên. Giới Thanh văn và giới Bồ Tát đều do Đức Phật đích thân chế, ngoài ra không ai được chế. Giới Thanh văn khi có một trường hợp phạm thì Phật chế giới, trái lại giới Bồ Tát không như vậy, nghĩa là không cần phải đợi có người phạm mới chế giới luật. Mà Đức Như Lai nhất thời đốn chế, nghĩa là khi Đức Như Lai thành đạo liền chế định giới Bồ Tát ngay lúc đó.

 Mở đầu kinh văn thuyết minh rằng: “ Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni, sơ toạ Bồ đề thọ hạ, thành Vô Thượng Chánh Giác, dĩ sơ kiết Bồ Tát ba la Đề Mộc Xoa”.   (Lúc bấy giờ, Thích Ca Mâu Ni, Phật mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ đề, bắt đầu kiết giới Bồ Tát Ba la đề Mộc xoa).

Giới Bồ Tát là đại căn cơ, giới Thanh văn là tiểu căn cơ. Giới  Bồ Tát căn cứ vào Lý Thiện mà chế lập gọi là giới “ Phật tánh thường trụ”.  Giới Thanh văn căn cứ vào Sự Thiện mà chế lập, gọi là “ hộ thế cơ hiềm giới”  (hỗ trợ tâm niệm, chấn chỉnh nhơn cách người tu hành để tránh sự sanh tâm báng bổ của người thế gian).

Giới Bồ Tát chủ đích là trở về bổn tánh, giới Thanh văn cốt yếu tránh xa sự chê bai, dị nghị của thế nhân.  Đây là sự khác biệt về y chỉ trong sự chế lập giới pháp của Đại Thừa giới  và Thanh văn giới vậy.

Về tư chất thọ giới cần thiết của Thanh văn giới và Bồ Tát giới.

Người thọ giới Thanh văn Tỳ kheo về tư chất của vị ấy được chú trọng một cách nghiêm cẩn đặc biệt như:

 Bản thân không bị bịnh (cùi, hủi, lác, ghẻ, ung thư, điên loạn)

Về thân thể:  sáu căn không đủ, lùn, cao, đui, mù, điếc, lé, chột mắt, sứt môi, sứt mũi, thiếu chân tay, thiếu ngón, tay chân cong vẹo v.v...

Hoặc người hoàng môn (bị thiến), người hai căn (bê đê) nhị hình. Hoặc nô bộc, người mắc nợ, người phạm tội, hoặc quan chức nhà nước,  hoặc phi nhơn, súc sanh v.v...  Những hạng người kể trên không đủ tư cách thọ giới Tỳ kheo Thanh văn và luôn cả tư cách Sa di nữa. Trái lại giới Bồ Tát không có hạn chế nghiêm ngặt như vậy.

 Trong kinh nói: Nếu người thọ giới này, không luận là quốc vương, thái tử, các quan chức, Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, không luận là chư thiên cõi sắc, cõi dục, không luận là hàng thường dân, huỳnh môn,dâm nam, dâm nữ, hay hạng nô tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ thần, thần Kim cang hay loài súc sanh, nhẫn đến kẻ biến hoá, hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp sư  thời đều được thọ giới và đều được gọi là thanh tịnh thứ nhất. Giới Bồ Tát tuy khoan dung rộng rãi như thế, tất cả đều có thể thọ giới được. Nhưng cần phải có chủng tánh Bồ tát, phát tâm Bồ đề, có tâm hạnh thù thắng, mới có thể cảm được tịnh giới Bồ Tát ./.

  Ngày 6 tháng 5 năm Kỷ Hợi 0 8-6- 2019- Pl 2563.

{]{

Phật thuyết Phạm Võng kinh: Chủ đích lấy Tâm Địa Giới làm pháp tắc cho thân tâm hành giả, cho nên cả đến các bậc chư thiên, chư tiên, biến hoá nhơn và Bồ Tát, cũng không thể tuyên thuyết. Duy chỉ có một mình Đức Phật là bậc Đại Thánh Giả, mới có thể tự thân phu dương. Vì thế đề mục là “ Phật thuyết”.

Phật thuyết, hai chữ năng thuyết chỉ cho người nói.

Chữ Phạm võng, chỉ cho sở thuyết, là nêu thí dụ để thuyết minh giới pháp. Tâm Địa Giới pháp của chư Phật đồng tuyên dương, ngàn thánh đồng thực hiện, cũng là huệ mạng của chư Phật, là bổn nguyên của tất cả chúng sanh.

 Bổn nguyên tự tánh thanh tịnh nên gọi là Phạm,

Huệ mạng khắp truyền nơi trần sát gọi là võng. Đó là giải thích chữ Phạm võng. Nhưng trên thực tế lúc bấy giờ Đức Phật lấy mành lưới bảo tràng dùng để trang nghiêm bảo điện của Đại Phạm Thiên Vương ẩn dụ cho giới kinh Tâm Địa pháp môn này.

Trong kinh Phạm võng, Ngài dạy rằng: “ Vô lượng thế giới, dường như lỗ lưới. Mỗi thế giới đều khác nhau, khác nhau đến vô lượng, giáo pháp của Phật cũng như vậy ”. Chính nơi thí dụ Phạm võng này mà hàm nhiếp nhiều ý nghĩa bên trong cho nên từ nơi thí dụ mà lập đề mục kinh. 

Phật nói kinh Phạm võng không phải ở cảnh giới nhơn gian hiện hữu này, mà Ngài ngự ở nội đình trong cung của Đại Thiên Vương. Vì Đức Phật nhận thấy Tâm Địa Giới pháp sắp giảng là pháp thậm thâm bí mật, thanh tịnh, tối thắng, độc tôn, vô thượng, không thể ở trong cõi nhân gian này mà tuyên nói được, nên đặc biệt Ngài ngự ở nơi nội điện, trong cung của Đại Phạm Thiên Vương mà tuyên thuyết. Chính vì vậy, Ngài mới lấy từ Phạm Võng làm thí dụ.

Pháp môn của Đức Phật nói có vô lượng sai khác, thi thiết giai cấp của Thánh hiền có vô lượng sai khác, không pháp nào chẳng phải là tuỳ theo sự cấu nhiễm trong tâm của chúng sanh mà có khinh có trọng mà phương tiện an lập. Nếu như không có tất cả Tâm, nhọc chi Phật nói tất cả pháp. Dù Phật nói pháp môn có nhiều, nhưng đều là vốn ở trong tâm của chúng sanh, và cũng không ra ngoài thí dụ phạm võng. Phạm võng là tóm tắt về ngôn giáo của Đức Như Lai, chữ Phạm ý nghĩa là thanh tịnh, để biểu thị ngôn giáo của Đức Như Lai từ trong bể Đại giác thạnh tịnh mà lưu lộ ra, đều là công năng chỉ đạo cho mọi người hướng thiện, hướng thượng, hướng quang minh, thân tâm được thanh tịnh, là ngôn giáo tối cực thanh tịnh trên thế gian. Nên bất luận loài hữu tình nào được tiếp thọ ngôn giáo ấy, đều có thể xa lìa cấu nhiễm.

Chữ võng là ý nghĩa gạn lọc, mò bắt, để biểu thị giáo pháp thanh tịnh của Đức Như Lai giống như cái lưới bắt cá người thế gian dùng bắt cá. Giáo pháp của Phật có công năng lựa lọc, mò bắt tất cả chúng sanh đang lặn ngụp trong bể khổ sanh tử, đem về cảnh giới Niết bàn, an ổn, không còn bị nổi chìm trong bể khổ sanh tử nữa.

Kinh Hoa Nghiêm thuyết rằng:

 Trương Đại giáo võng,  Cẳng sanh tử hải

Lộc thiên, nhơn, long, Chỉ Niết bàn ngạn.

Nghĩa là:   Bủa giăng màng lưới pháp Đại Thừa

Trùm suốt khắp cả bể sanh tử

Gạn bắt tất cả người, trời, rồng

Đem về để trên bờ Niết bàn

Bài kệ này chứng minh rõ ràng giáo pháp của Phật như Phạm võng rất quý báu vậy. Xưa nay thường nói nghiêm trì giới cấm là Phạm hạnh, nên giới pháp chính là phạm hạnh. Vì công năng “Phòng phi chỉ ác” cùng một ý nghĩa thanh tịnh với chữ Phạm, nên giữ giới thanh tịnh, gọi là phạm hạnh. Hành giả nếu có thể nghiêm trì tịnh giới tức là tu phạm hạnh.

 Luật nghi Thanh Văn giới thì xem trọng hai nghiệp thân và khẩu tuyệt đối không vi phạm, khi nào hai nghiệp thân và khẩu hành đúng pháp đúng luật, thì được cho là giữ giới thanh tịnh. Trường hợp ý khởi vọng niệm không chính đáng thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thuộc vào trong hạn lệ của phạm vi ngăn cấm. Nếu khi nào bản thân thực sự giết người, nói dối, cướp đoạt trộm cắp v.v...bằng hành động bằng ngôn ngữ, thì đương nhiên là đã phạm giới. Nhưng nếu nội tâm khởi một niệm giết người, một niệm dâm dật, một niệm nói dối, một niệm lừa đảo dối gạt, nhưng chưa thực sự giết, chưa thực sự dâm, chưa thực sự dối gạt, như thế không thể gọi là phạm giới. Vì hành giả Thanh văn  không phòng phi chỉ ác niệm của tâm ý, cũng không phá trừ các kiến giải, cho nên dù có giữ gìn tịnh giới một cách nghiêm cẩn, nhưng xét một cách thâm sâu vào bên trong, vẫn không được gọi là phạm hạnh. Còn giới Bồ Tát trong lúc khởi tâm động niệm, như muốn giết hại sanh mạng chúng sanh, tuy chưa hành động giết, nhưng cũng phạm vào giới căn bổn sát sanh. Nội tâm chỉ khởi một niệm muốn sát hại sinh mạng chúng sanh là đã vi phạm giới sát căn bản.

Có người cho rằng giới Bồ Tát căn cứ vào đại thể, không câu chấp tiểu tiết, ý nghĩa này thực sự sai lầm, nhưng họ không biết rằng, giới Bồ tát nghiêm cấm đến mức ngăn cấm ngay trong lúc khởi tâm động niệm những tư tưởng phi pháp. Nếu đem so sánh luật nghi giới Thanh văn lại càng khó giữ gìn cho được thanh tịnh.

 Đại thừa Bồ Tát giới rất xem trọng nội tâm thanh tịnh, vì Bồ tát giới căn cứ nơi nội tâm mà luận việc phạm tội, cho nên hành giả Đại thừa cần phải phòng hộ trong lúc khởi tâm động niệm.

Nếu có thể phòng hộ trọn vẹn ba nghiệp, phá trừ các kiến chấp, chứng nhập chân lý, thế mới được gọi là “chân phạm hạnh”. Đó là phân biệt rõ về nghĩa thế nào là phạm hạnh và không phải phạm hạnh.

 Bồ tát là tiếng gọi tắt tiếng Ấn Độ, nói cho đủ là Bồ Đề Tát đoả, tiếng Phạn:Boddhisattva. Trung văn dịch là Giác hữu tình, hay Đại Đạo Tâm chúng sanh, cũng gọi là Khai sĩ hoặc Đại dũng tâm.

Quá trình của một vị Bồ Tát thật lâu dài, trong quá trình dài xa ấy, trình độ tu chứng của một vị Bồ tát được phân làm hai cấp cao hạ khác nhau.  Bồ tát được phân chia thành nhiều giai cấp, địa vị sai khác như 30 tâm và thập thánh v.v...

 Vì vậy, phàm người đã phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát lợi mình lợi người lấy việc cầu thành thành Phật đạo làm mục đích, đều gọi là Bồ Tát. Đối với tất cả hành giả trong Phật pháp, Bồ Tát là bậc quý nhất, hành giả Nhị thừa không thể bì kịp. Trong kinh có câu “ sơ phát dĩ vi nhơn thiên sư, thắng xuất Thanh văn Duyên giác” . Nghĩa là người mói phát tâm Bồ đề, đã là bậc thầy của nhơn thiên, vượt lên trên  bậc Nhì thừa Thanh Văn Duyên giác chính là ý nghĩa nầy vậy.

Tâm Địa giới: Tâm Địa chính là chỉ thẳng vào vùng đất bổn nguyên của tâm tất cả chúng sanh.

Cảnh giới chứng đắc của chư Phật là chứng ngay Tâm Địa này.

Chỗ mê muội của chúng sanh cũng chính là sự mê muội ngay trong Tâm Địa này. Đức Như Lai vì một mục đích duy nhất, là phát minh bổn nguyện Tâm Địa cho tất cả chúng sanh. Vì vậy, Phật khuyên bảo tất cả chúng sanh nên y theo Tâm Địa này bẩm thọ bảo giới Phật tánh, lầm chỗ tu nhơn căn bản, hướng về Phật quả, tối cao mà thẳng tiến, cho nên mệnh danh là Tâm Địa.

Bổn nguyên Tâm Địa này là tâm của chúng sanh, nhưng không thể dùng tai nghe, mắt thấy được, cũng không thể dùng tâm thức mà suy lường được. Nếu nói lớn thì nó rất lớn, không có gì ra ngoài nó được. Nhược bằng cho là nhỏ, thì nó rất nhỏ không thể chứa vật gì bên trong, rỗng rang sáng suốt vắng lặng, thường hằng, tuyệt danh tuyệt tướng, vô cùng linh minh.

Tất cả pháp giới, tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đồng nương nơi Tâm này. Tâm Tánh thanh tịnh này của chúng sanh, xưa nay vẫn thanh tịnh, nhưng bị phiền não làm nhiễm ô, nên biến thành cảnh tượng tạp nhiễm. Những tạp nhiễm này chẳng qua là khách trần.

 Hiện tại chúng ta chỉ cần nương nơi Tâm Địa giới pháp này, từ sơ phát tâm cho đến bực Đẳng Giác đại sĩ, mà tu tập theo từng giai cấp, địa vị, cứ lên mỗi giai cấp, địa vị, những nhiễm ô khách trần sẽ dần dần được tước bỏ khiến cho Tâm Địa giới được thành tựu kiên cố. Một ngày kia chứng nhập quả vị Diệu Giác, giới thể được viên tịch, tất cả ác pháp được vĩnh viễn tịch trừ, muôn pháp lành được hoàn thành mỹ mãn, ấy chính gọi là Lô Xá Na Phật.

 Đức Lô Xá Na sở dĩ được gọi như vậy, không phải ngẫu nhiên mà được, mà là do tu tập Tâm Địa này và được chứng đắc. Chư Bồ tát trong nhân vị Tâm Địa này, muôn đức đều tu, chính là dùng bổn nguyên tâm địa làm diệu dụng duy nhất. Quả vị thù thắng nhờ đó phát sanh, cũng như quả địa cầu có công năng trưởng dưỡng tất cả vạn vật nên gọi là Tâm Địa.

Tóm lại, nếu muốn tu tập các pháp lành, tăng trưởng Bồ đề tâm, chỉ có thể nương theo Kim Cương Giới Quang Minh Bảo Giới sẵn có đủ trong Tâm Địa này, tu tập mới chứng được diệu quả thù thắng.

Thích Ca Mâu Ni: Thích Ca là họ, Mâu Ni là tên. Thích Ca nghĩa là Năng nhơn, có khả năng nhẫn nhịn những điều vui buồn đến với Ngài, Ngài vẫn điềm nhiên. Khen ngợi, tán thán không mừng, không có thái độ kiêu căng, tự đắc hoan hỷ. Trái lại có người phê bình, chỉ trích, lăng mạ, Ngài cũng tuyệt đối không bao giờ cảm thấy không vui. Thế nên đối với những điều vui mừng, buồn giận trong tâm hoàn toàn không xao động, không ảnh hưởng nên gọi là Năng nhân.

Mâu Ni là đức hiệu của Phật, đây là danh do phụ hoàng đặt cho Ngài. Nhân một cuộc Đại hội sắp khai mạc, số người quá đông nên không khí đại hội quá ồn áo huyên náo một cách dị thường. Nhưng thái tử vừa đến thì cả những người tham dự đại hội đều đột nhiên im lặng, phụ hoàng Ngài trông thấy cảnh tượng ấy, nội tâm dâng lên niềm cảm khái phi thường, liền đặc tên cho thái tử đức hiệu Mâu Ni. Lại còn cách giải thích khác. Năng nhân là Từ bi,  Tịch Mặc là trí tuệ. Đức Phật đầy đủ Bi và Trí để độ khắp chúng sanh ra khỏi bể khổ trầm luân.

 Ma tiếng Ấn Độ là MaLa, Trung Quốc dịch là Sát giả, nghĩa là nó có khả năng sát hại huệ mạng của chúng sanh, khiến cho thân tâm của chúng sanh không thể được tự tại.

 Chữ Ma trong Phật pháp đề cập thì đều nhắm vào ý nghĩa không tốt, vì các thứ này hay nhiễu loạn sự tu hành của hành giả.. Căn cứ vào bản ý của  Thiên ma mà nói thì yêu cầu tối đại của chúng là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành quyến thuộc của chúng. Nếu chúng sanh nào cứ mãi lặn ngụp trong tam giới, không có ý niệm nghĩ đến xuất ly, thì chúng ma đối với chúng sanh ấy rất là khách khí, (tức tử tế, cung kính, khiêm nhường, vị nể, chiều chuộng v.v) Nếu người đó có yêu cầu chi thì Ma có khả năng cung cấp cho đầy đủ. Nếu muốn hưởng thọ sự khoái lạc, nó cũng đem sự khoái lạc cung cấp cho.

Nhưng nếu chúng sanh nào có tâm niệm muốn cầu thoát ly tâm giới, ly khai  khỏi quyền hạn của Ma, không chịu làm quyến thuộc của chúng, lúc đó, chúng sẽ bắt đầu lộ ra bộ mặt dữ tợn, cực lực ngăn trở và phá hoại, không chút vị nể, làm cho chúng sanh ấy không còn cách nào có thể thoát ly tam giới, vĩnh viễn ở trong quyền quản chưởng của chúng.

Nói Ma thì có nhiều thứ Ma, không phải chỉ Ma ở bên ngoài, y cứ trong Du Già Bồ Tát giới, nói rõ rằng: “ Bao nhiêu những thứ lợi dưỡng, danh dự, cung kính, phóng dật, keo kiệt, bỏn xẻn, ham muốn, tức giận, giả dối, kiệu ngạo v.v... đều là Ma cả”.

Tham sân, si kinh gọi là Tam độc là bà con quyến thuộc của Ma cho đến ngã mạn (mạn) nghi ngờ (không quyết định được chân giả, phải trái) Ác kiến (có 5: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ) là sáu thứ Ma căn bản, còn 20 thứ Ma chi mạt (cánh, ngọn).

Như: Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cử, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.

Cõi nhân gian có ba thứ thù thắng: Phạm hạnh thù thắng, Ức niệm thù thắng, Tinh tấn thù thắng.

Phạm hạnh là tu tập hạnh thanh tịnh. Do nơi tu tập thanh tịnh này mà khiến cho thân tâm của mỗi cá nhân được tập hợp với lý thanh tịnh, thậm chí còn làm những việc hữu ích cho xã hội. Tinh thần đạo đức của nhân loại chính do nơi đây mà được triển khai và điểm đắc sắc của con người, gọi là bản chất người, cũng từ đây  mà được biểu lộ đầy đủ.

Ức niệm thù thắng: nghĩa là đối với những việc đã kinh nghiệm có công năng lưu giữ trong tâm bỗng nhiên lúc nào đó nhớ lại rõ ràng. Chính vì khả năng ghi nhớ những việc dĩ vãng, nên đối với lịch sử, văn hoá chúng ta có thể bảo tồn, và từ ký ức tích luỹ kinh nghiệm chúng ta có thể khai phát trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề.

Tinh tấn thù thắng:  người ở cõi nhân gian có tinh thần nhẫn nại đặc biệt, trước những khó khăn, khổ nhọc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khắc nghiệt, hay tình trạng sinh sống cơ cực cỡ nào, họ đều có thể vận dụng tất cả nghị lực khắc phục và vô cùng tinh tấn, hướng về mục tiêu của mình đã nhắm đến. Nếu chưa đạt mục tiêu, họ quyết không dừng nghỉ. Có thể nói, đây chính là điểm ưu thắng tối đại của loài người ở Nam Thiệm Bộ Châu. Ngoài ra có một thắng duyên nữa đó là, chư Phật xuất thế, thành Phật  trong cõi nhân gian này, điều ở ba châu kia không có../

Trích    VHPG  1-1-2018-số: 288 – của-  HT:  Thích Chơn Thiện

{]{

NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA GIỚI THANH VĂN VÀ GIỚI BỒ TÁT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét