Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

NHỮNG VÍ DỤ VỀ GIỚI

 

NHỮNG VÍ DỤ VỀ GIỚI

Giới như đám đất tốt, muôn hạt giống lành từ đất mà sinh ra; Giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ ; Giới như bộ áo giáp kiên cố để bảo vệ sự tấn công của lục trần.  Ngoài ra nếu người giữ giới vi phạm do lợi dưỡng, tiếng khen, hay bị dục vọng sai khiến, thì gọi là giới bị rách, giới bị lủng, giới bị hoen ố.  Người phạm giới, không có giới đức mà thọ dụng tứ sự cúng dường thì gọi: Dùng như kẻ trộm; Người có giới đức mà không chân chánh cảnh giác khi dùng vật cúng dường thì gọi là kẻ mắc nợ. Trái lại sử dụng tứ sự cúng dường để tu tập đạt đến 7 bậc hữu học, thì gọi là dùng như kẻ hưởng gia tài tổ tiên. Một vị đoạn trừ hết phiền não, không bị dục vọng sai sử thì dùng các vật cúng dường thì gọi như người chủ.

VI- SỰ UYỂN CHUYỂN CỦA GIỚI LUẬT:  Lần kiết tập thứ nhất, các trưởng lão phân vân về tính chất thiết thực của một số giới nhỏ nhặt. A Nan thưa rằng: “Bản thân tôi từng nghe và nhớ rõ những lời Phật dạy: Ta vì các Tỳ kheo, bỏ các giới nhỏ nhặt” . Ngài Ca Diếp hỏi A Nan, Phật có xác định giới nào là nhỏ nhặt có thể bỏ được không? A Nan bảo là Phật không cho biết. Do đó Ca Diếp quyết định giữ nguyên, không được tuỳ tiện bỏ bớt. Và nói rằng: Từ nay trở đi, chúng ta lập quy ước: Nếu những gì trước đây Phật không chế định, thì nay không nên đặt ra; Những gì trước đây Phật đã chế định thì nay không nên loại bỏ, mà tùy nghi tuân thủ những gì do Phật chế .

Mặc dù vậy, đây là giải pháp dung hòa, có tính cách uyển chuyển, chứ không mang tính cách bắt buộc. Lại một chỗ khác Đức Phật cũng giải thích rõ ràng rằng: “Tuy những điều ta chế định, nhưng đối với những nơi khác không cho là hợp lý, thì những điều đó không nên làm. Tuy những điều không do ta chế định, nhưng đối với những nơi khác bắt buộc phải làm, thì không thể không làm”.

Như vậy, giới luật hiển nhiên không phải là những giáo điều khô cứng, bất di bất dịch, mà là những nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống trở nên tốt đẹp, nó vừa có tính khế lý mà cũng khế cơ và đồng thời luôn uyển chuyển và sinh động.

Qua các trình bày sơ lược về ý nghĩa, phân loại, vị trí, lợi ích, ví dụ và uyển chuyển của giới luật. Theo tinh thần chân chính của giới luật thì đó là những nguyên tắc chỉ đạo tối ưu để giúp hành giả, sống một cuộc đời thánh thiện, phù hợp với chân lý, đạt đến an vui giải thoát.

Tuy vậy, hiện nay chúng ta đang tuân thủ một loại giới luật do Đức Phật chế, nơi xứ người Ấn Độ cách đây 25 thế kỷ, không gian, thời gian khác nhau, trình độ hoàn cảnh bất đồng, phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác. Do vậy, chắc chắn có một số giới điều không phù hợp với hiện tại, và không thể phát huy hết hiệu quả của chúng một cách tích cực.  Điều này được Đức Phật và các vị trưởng lão tiền bối đã thấy trước, đã đặt vấn đề và đã dự liệu những giải pháp uyển chuyển tương đối khả thi.

Do đó, khi hành trì chúng ta không nên câu nệ một cách cứng nhắc vào các hình thức giới luật mà cần phải linh động, vận dụng tinh thần giới luật miễn sao đạt được kết quả thiết thực đưa chúng ta đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ, thì sẽ không cô phụ tâm đại bi của Phật./.

{]{

NHỮNG VÍ DỤ VỀ GIỚI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét