Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LUẬT PHẬT VÀ LUẬT PHÁP THẾ GIAN

 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LUẬT PHẬT
 VÀ LUẬT PHÁP THẾ GIAN

Luật nghi Phật giáo khác với luật pháp thế gian, luật pháp bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Luật nghi bao trùm cả năm chi phần, đối với bất cứ hữu tình nào (động vật), đối với bất cứ thời gian nào, đối với bất cứ nơi đâu, đối với bất cứ trường hợp nào, đối với bất cứ phương tiện nào.

Chính luật nghi là cơ sở phòng hộ cho người thọ giới được sống an ổn, và đi vững vàng trên con đường thánh đạo. Nền tảng cho chánh niệm, tỉnh giác để đi vào Định và Tuệ, tiến đến giác ngộ và giải thoát. Giới còn có chức năng rất quan trọng là bảo trì sự tồn tại của Phật pháp.

Có thọ giới, tất có lúc phạm giới, phạm giới tức gây tội. Tội với ai? Trước tiên tội với chính ta, vì ta đã vi phạm vào những điều mà ta đã phát nguyện giữ. Thứ đến có tội với Tam bảo, với giới sư, người ta xin giới và hứa sẽ giữ giới. Như vậy, khi phạm giới chúng ta có thể sám hối và xin giới để thanh tịnh trở lại.

Người đã thọ giới mà phạm giới giống như người đã thua cuộc. Như phạm tội sát sanh, thì họ đã tạo một nghiệp ác, vừa phạm giới vừa sát sanh. Phạm giới thì có thể sám hối được, và khi sám hối đúng pháp thì giới sẽ phục hồi. Ngoài việc sám hối còn phải thực hành các phước nghiệp như, bố thí, phóng sanh, hành thiền, phục vụ…để hoá giải các nghiệp đạo ác đã có.

Luật pháp thế gian được xây dựng trên quyền lợi của số đông hay quyền lực nên người ta chỉ tuân thủ do tác động ngăn chặn bên ngoài. Còn giới luật của Phật được xây dựng trên Từ bi và Trí tuệ luôn đặt mình vào vị trí của người để giúp đỡ người. Làm điều ác có hại cho người, bằng trí tuệ là hiểu rõ nhân quả nghiệp báo nên không làm điều ác, chứ không cần sự khống chế bên ngoài. Giới luật Phật giáo không bao giờ được tuân thủ một cách độc lập như luật pháp, mà bao giờ cũng đi đôi với Định và Tuệ. Nếu không có năng lực của thiền định, hiểu biết của trí tuệ, thì sự giữ giới dù rất đầy đủ cũng chỉ là hình thức và khó đi vào thánh đạo.

Mục đích tu tập của đệ tử Phật là giác ngộ và giải thoát, mà muốn giải thoát thì lấy giới luật làm căn bản. Do đó, theo quy định của luật nghi là không cho phép người nào tự thọ giới (ngoài quan điểm của đạo Bồ tát).  Hàng đệ tử Phật lấy giới hạnh để phân biệt tôn ty, người cư sĩ dù có trình độ tu học cao đến đâu cũng không được ở trên vị trí của người xuất gia.

Giới thể được xem là bản chất tồn tại của giới pháp,  giới thể này thành tựu do ba điều kiện trong lúc thọ giới, Giới tử chí thành, giới sư thanh tịnh, giới đàn trang nghiêm. Một thành viên  của đệ tử Phật, tiến hay thối không phải chỉ đưa đến thành hay bại của cá nhân ấy, mà còn liên quan đến sự thạnh suy của đạo pháp.

Trong đạo Phật, ba Quy y là tối quan trọng trên vấn đề thọ giới và trì giới. Vì sao? Ba quy y không phải là giới, mà nó trở thành một loại giới quan trọng trong tất cả loại giới. Vì khi đã phát nguyện quy rồi thì trong thâm tâm người ấy đã có đủ giới thể. Khi nguyện thọ ba quy y nó có sự chế tài trong việc tín thọ và hành trì tam quy suốt đời. Khi đã quy y Phật rồi từ nay về sau, suốt đời thệ nguyện không quy y với trời, thần, quỷ, vật. Quy y pháp rồi, từ nay về sau, nguyện suốt đời không tin theo ngoại đạo tà giáo. Quy Tăng rồi từ nay về sau, nguyện suốt đời không quy y với thầy tà, bạn ác.  Vì thế, mỗi khi phát nguyện thọ trì 5 giới, 8, giới, 10 giới, 250 giới trước tất cả đều phải xướng thọ tam quy y. Như vậy, tất cả giới của Phật chế đều đặt nền móng trên Tam quy. Vì sao thế? Tam quy là con đường hướng thượng, mục tiêu của người tu theo đạo Phật là con đường hướng thượng, cho nên dù có giữ đủ giới luật nghi mà đối với ba quy y không đủ lòng tin (chánh tín) thì sự giữ giới ấy cũng chỉ là ma sự. Hoặc giữ đủ giới luật mà huỷ phá tam quy, chỉ cần phá một trong ba quy y thì dù có khắc khổ giữ giới cũng chỉ là tà giới, không những không thoát sanh liễu tử, không chứng đạo quả, mà còn đi vào con đường ma lối quỷ.

Phần đông người ta thọ giới chỉ nhắm mục tiêu không làm ác là để được phước là đủ, nhưng người ta không hiểu giữ giới Phật là để được thành Phật. Tất cả giới Phật chế dù ít hay nhiều cũng bao gồm trong hai yếu tố, chỉ trì và tác trì (bỏ ác làm lành). Nhưng người ta lại lầm tưởng ý nghĩa “ác” và “thiện” của thế gian giống như “ác” và “thiện” của Phật giáo đề xướng. Cho nên mỗi khi khuyên một người nào đó đến với đạo Phật, họ nói tôi ở nhà không làm ác ăn hiền ở lành cũng như đi chùa rồi, cho nên người ta an lòng đứng nhìn đạo Phật, tuy có cái hay nhưng họ không quan tâm đến. Hoặc có người đã tin phật rồi, nhưng họ đinh ninh rằng mình đã an phận thủ thường, không lo sách tấn, không quan tâm đến vấn đề giải thoát sanh tử, vấn đề kiến tánh thành Phật.  Cho nên phần đông người ta thọ giới Phật với tâm không chánh tín, nên sự trì giới trở thành tà giới.

Chữ “ ác” trong đạo Phật gọi là ác đạo, chỉ cho sáu nẻo luân hồi, ý nghĩa rất xa và rất rộng. Chữ “ thiện” trong thiện nghiệp đạo, là con đường dẫn đến hết khổ được vui Niết bàn. Tin Phật, thọ giới Phật, sẽ thành Phật, như thế mới đúng hoài bão của Phật. Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

Trên vấn đề tu tập, trước tiên phải nói đến giới, nói đến giới tức nói đến đạo đức. Đạo đức lấy giới làm đầu. Giới do đâu mà có? Do sự phát nguyện thọ trì, tuân giữ mới có. Đã có phát nguyện thọ giới tất nhiên có lúc vi phạm giới, mà đã vi phạm giới thì phải sám hối mới khôi phục giới được thanh tịnh. Khi sám hối phải sám hối đúng pháp mới được giới thanh tịnh. Nếu vi phạm giới không sám hối đúng pháp thì không những mất giới mà còn thêm tội (tội che giấu) hoặc sám hối không đúng pháp thì tội cũng không trừ.  Phạm giới mà không sám hối thì thêm một tội thứ hai là tội tùng sanh.

Khi vi phạm giới ta sẽ sám hối với ai? Tuỳ theo tính chất nặng nhẹ của việc phạm giới và địa vị cùng công hạnh của mỗi người phạm giới, mà việc sám hối có sai khác không đồng nhất. Khi phạm giới, người phạm đến trước Tăng xin phát lồ sám hối những tội đã vi phạm.

Tăng chia làm các khoảng như sau:  Tăng 2-3 người, Tăng 4-5 người, Tăng 20 người, Tăng 40 người. Tuỳ theo nặng hay nhẹ mà sám hối với số Tăng nhiều hay ít. Vị phạm nặng trong bốn giới trọng, thì phải sám hối với 20 vị Tăng thanh tịnh. Trong 4 giới trọng, khi phạm giới sát sanh, giết người chết, thì không bao giờ sám hối được, vì con người đã chết thì không thể sống lại được. Còn ba giới sau, trộm cắp, tà dâm, nói dối thì có thể sám hối được. Nhưng bản thể của Tỳ kheo không hoàn phục được. Sám hối để tu không đoạ vào địa ngục, chứ không được đắc thánh quả trong hiện đời.

Còn phạm giới nhẹ hơn là tội Tăng tàn, thì cũng sám hối với 20 vị Tăng thanh tịnh, đủ 20 vị Tăng thanh tịnh, tác pháp yết ma cho sự sám hối của mình thì tội mới được thanh tịnh, 20 vị nếu thiếu một vị, có 19 vị sám hối cũng không thành. Hoặc 19 vị thanh tịnh có một vị không thanh tịnh, việc sám hối cũng không thành. Còn các tội nhẹ hơn về sau, có thể đối trước 4 vị Tỳ kheo thanh tịnh, hoặc một vị Tỳ kheo thanh tịnh mà phát lồ sám hối thì tội được thanh tịnh.

Theo luật Thập tụng nói có sáu trường hợp phạm tội Tăng tàn, nếu phấn phát dũng mãnh tự trách tâm, thành khẩn sám hối, thì có thể xem là thanh tịnh, không đoạ vào ác đạo: 1/ Bậc thượng toạ có uy danh, 2/Bậc tôn túc có đức hạnh, 3/ Người có hổ thẹn, 4/ Người đang làm bệnh, 5/ Tăng không đủ số để làm yết ma, 6/ Tăng chúng không thanh tịnh. Luật Nhiếp còn đề cập đến sáu hạng người phạm Tăng tàn, chỉ cần sám hối với một vị Tỳ kheo thanh tịnh thì tội có thể tiêu trừ đó là:  Người thọ trì tạng Kinh, người thọ trì tạng luật, người thọ trì tạng luận, 4/ Người cả hỗ thẹn, 5/ Vị thượng toạ cao tuổi nhất trong chúng, 6/ Người có phước đức lớn.  Sáu hạng người nầy, nếu bị phạt sẽ dẫn đến hậu quả không tốt đối với đại chúng. Do đó, nếu phạm tội, mà họ quyết tâm sám hối, thì tội có thể tiêu trừ.

Phật pháp là pháp bất định pháp, cho nên giới Phật chế cũng bất định, tuỳ căn cơ mà giới luật có đại, tiểu, khai, giá, trì, phạm. Giới luật như phương thang và dược tính, người tu tập như con bệnh. Giới dụ cho dược tính, luật dụ cho phương thang, hai thứ hỗ trợ cho nhau không thể tách rời. Có giới mà không có luật, biết đâu là trì, là phạm, đâu nặng, đâu nhẹ v.v... Có thuốc mà không có phương thang, biết uống như thế nào, trị bịnh gì, kẻ lớn người nhỏ liều lượng ra làm sao, bệnh gì uống thuốc gì… có thể nói giới luật của Phật là một loại thuốc thần diệu chữa trị bịnh tâm phiền não điên đảo của tất cả chúng sanh, cho nên khi phát nguyện tu học, phát nguyện thọ giới, trì giới, chúng ta không có nghi ngờ, ngần ngại, lo âu, sợ hãi. Có như thế giới thể của ta mới được sung mãn, con đường đau khổ sớm chấm dứt, Niết bàn không xa, nhân gian biến thành tịnh độ ./.

{]{

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LUẬT PHẬT VÀ LUẬT PHÁP THẾ GIAN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét