Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

GIỚI

 

GIỚI

GIỚI:  Là là khởi điểm để hướng thiện và hướng thượng.. Giới là thềm thang của các pháp lành;  Giới là cội gốc của tất cả thiện; Giới như đại địa tất cả thảo mộc đều phát sinh từ đất;  Giới là Đạo sư tối cao của các thiện căn, là vị thương chủ dẫn đoàn thương nhân. Giới là thắng tràng của tất cả thiện pháp v.v...

  Giới có công năng đoạn trừ tất cả ác nghiệp và phá tan ác đạo; Như dược thảo có công năng trị liệu tất cả bệnh; Giới như tư lương trên đường hiểm  sanh tử, đưa đến giải thoát Niết bàn.

Phật giáo Đại thừa lấy phát tâm Bồ đề làm căn bản, tức lấy tâm Bồ Đề làm giới thể. Nếu như không phát tâm Bồ Đề, thì dù có nghiêm trì tịnh giới, cũng chỉ là giới của thế tục. Người tu cần phải phát tâm Bồ đề, không nên  “độc thiện nhất thân”,  nghĩa là chuyên tu thiện pháp để cầu giải thoát cho riêng bản thân mình, riêng thụ hưởng tịch diệt.

  Giới Thanh văn phát tâm chán lìa, hàng Bồ tát thì phát tâm Bồ Đề hoá độ chúng sanh.

Giới Thanh văn gọi là giới Biệt giải thoát; Giới Bồ Tát gọi là thông giới. Thế nào gọi là biệt giới, tức mỗi loại giới dành riêng biệt cho một thành phần thọ giới. Như 5 giới dành cho người tại gia cư sĩ; 10 giới Sa di và Sa di Ni; 6 giới cho Thức xoa ma na, 250 giới cho Tỳ kheo, 348 giới cho Tỳ Kheo Ni.  Đệ tử Phật phân làm 7 chúng là do nơi bẩm thọ giới pháp bất đồng mà phát sinh ra. Từ chỗ phân biệt giới có sâu có cạn khác nhau trong từng giới, còn phân biệt giới cho nam, cho nữ riêng thọ. Phật vì muốn thích ứng với hoàn cảnh xã hội cũng như cơ tâm của chúng sanh, nên chế giới cho hàng Phật tử không được hành động như thế này hay thế kia.

Bồ Tát giới thuộc về thông giới, bất luận Phật tử nào, có tín tâm với Phật đều có thể thọ, chỉ đặc biệt là phải có một điều kiện duy nhất là phải phát Tâm Bồ Đề, bất luận tại gia hay xuất gia, già, trẻ, lớn nhỏ, nam, nữ v.v... Đó là điểm cốt yếu cho những ai muốn bẩm thọ Bồ Tát giới.

Người đã thọ 5 giới rồi, sau phát tâm thọ Bồ Tát giới thì gọi là Bồ Tát Ưu bà tắc, hay Bồ Tát Ưu bà di.Thọ 10 giới rồi phát tâm thọ Bồ tát giới thì gọi là Bồ Tát sadi, Bồ tát sa di ni,  cho đến thọ Cụ túc giới thì gọi là Bồ Tát Tỳ kheo, hay Bồ tát Tỳ kheo Ni. Giới Bồ tát tất cả thành phần nào thọ cũng được nên gọi là thông giới.

 Giới Thanh văn có công dụng là “phòng phi chỉ ác” hành giả Thanh văn còn có Định cọng giới và Đạo cọng giới  còn gọi là Tịnh lự luật nghi và Vô lậu luật nghi). Biệt giải thoát giới chứng được từ nơi bẩm thọ, trong khi Định cọng giới và Đạo cọng giới không do bẩm thọ mà từ nơi chứng đắc.

Biệt giải thoát thuộc về thi la của cõi Dục giới.

Định cọng giới thuộc về thi la cõi sắc và vô sắc giới

Đồng về nghiệp hữu lậu trong tam giới. Định cọng giới và Đạo cọng giới cả hai giới này đều gọi Tuỳ tâm chuyển giới. Giới tuỳ theo tâm mà chuyển. Khi tâm hành giả ở trong trạng thái Định là lúc tâm tương ưng với Vô lậu thánh đạo, khi đó hai nghiệp thân và khẩu của hành giả tuỳ thuận theo sự tương ưng đó mà phát sanh tác dụng “phòng phi chỉ ác” một cách tự nhiên.

 Hành giả thọ Bồ tát giới không chỉ không làm những việc ác là đủ, mà còn phải cố gắng tu tập các thiện pháp. Đây mới chính là thể hiện mặt tích cực của giới Bồ Tát. Như khu vườn vừa dẫy sạch cỏ xong, mà còn phải trồng trên đó những cây lương thực có lợi ích nữa.

Có phát Bồ đề tâm mới có Bồ tát hạnh, không có Bồ đề tâm thì không có Bồ tát hạnh, Bồ đề tâm có khi còn gọi là Bồ đề nguyện, cả hai là một, đều là tâm  “thượng cầu hạ hoá”. Hành tướng của Bồ đề tâm nằm trong bốn hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Bốn lời nguyện này bắt nguồn từ giáo lý cơ bản của Đức Phật mà triển khai ra. Sau khi thành đạo, Ngài dạy về pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như. Đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Hành giả Thanh văn tu tập Tứ đế thì đạt được quả vị A La Hán, dứt trừ ái, thủ. Ái, thủ được dứt là Diệt đế, chứng hữu dư y Niết bàn, Vô Dư y Niết bàn.  Còn Bồ tát đi xa hơn một bước nữa, cũng từ nơi Tứ đế, nhưng hiểu rõ mục đích siêu việt về lời Phật dạy, đó là phát bốn hoằng thệ nguyện.

Duyên khổ đế phát lời nguyện, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Duyên Tập đế, phát lời nguyện, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Duyên Diệt đế, phát lời nguyện, pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Duyên Đạo đề, phát lời nguyện, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Bốn lời thệ nguyện này rất quan trọng cần phải hiểu rõ để áp dụng trên bước đường tu tập.

 Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ:Chúng sanh vô biên, gồm có chúng sanh hữu tình, vô tình, hữu tướng vô tướng, chúng sanh thai sanh, noãn sanh, hoá sanh, thấp sanh, chúng sanh hai chân, bốn chân, không chân, nhiều chân, chúng sanh bao gồm sáu cõi, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, Trời và người, đều còn nằm trong luân hồi luân hồi.

Độ chúng sanh là danh từ đặc biệt của Phật giáo, “chúng sanh đa sanh tử”, là loài hữu tình đang còn ở trong vòng luân hồi, nhiều lần sanh tử vì mắc nghiệp hữu lậu, khi còn nghiệp hữu lậu thì phải thọ sanh thân hữu lậu trong tam giới. Như vậy, còn chút vô minh, một niệm tham ái, một chút hữu lậu thì còn là một chúng sanh. 

Chúng sanh có tướng chúng sanh và tánh chúng sanh. Tướng chúng sanh là chúng sanh mang hình tướng tứ đại, vô thường, tánh chúng sanh là tánh chấp ngã, chấp nhơn, phân biệt mình với người.

Nếu còn mắc hình tướng chúng sanh, nhưng không còn tánh chúng sanh, không còn vô minh thì giờ phút đó không còn là chúng sanh nữa. Còn mang niệm tham, sân si chấp ngã thì thành tánh chúng sanh của các niệm ấy. Nhưng nếu ngộ nhập lý vô ngã, tức vô lậu, thì không còn luân hồi, và bấy giờ không còn là chúng sanh nữa.   Đức Phật dầu Ngài  hiện diện trên thế gian chúng ta, Ngài có thân tứ đại, có sanh và tử như ta, nhưng không thể gọi Ngài là chúng sanh được, mà Ngài là một vị Phật, vì Ngài đã hết vô minh, hết chấp ngã. Cái tướng chúng sanh vẫn còn, nhưng tánh chúng sanh nơi Ngài không còn nữa. Khi nhìn một chúng sanh ta thấy người ấy vừa là tướng vừa là tánh, cho nên khi nào ta độ cho ta và cho người giải thoát khỏi sự ràng buộc của tham ái, sân, si  thì đó là độ chúng sanh.  Như vậy, việc độ sanh rất đa dạng và tế nhị, nếu có Bồ đề tâm thì lúc nào cũng có thể độ sanh được. Người tu học phải học theo hạnh từ bi của Phật, phát nguyện độ vô biên chúng sanh, không phải đó là lời nguyện suông, không thể thực hành được trong cuộc sống hằng ngày.

Phật dạy có nhiều cách độ sanh, như không phá hoại sự sống của muôn loài, bảo vệ sự sống, phóng thích sự sống cho muôn loài chúng sanh, đó cũng là độ sanh. Làm cho chúng sanh giác ngộ giải thoát khỏi vô minh, tham ái, chấp thủ, đó là độ sanh cao thượng nhất, ta có thể thực hành hạnh Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự, hoặc Lục độ ba la mật để độ chúng sanh.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: kinh nói phiền não có 108 thứ, hoặc 88 thứ, hoặc vô lượng, nhưng tóm lại không ngoài vô minh, ái và thủ. Vô minh là sự chấp ngã.  Ái và thủ là con đẻ của vô minh. Muốn chấm dứt được đau khổ, không bị luân hồi phải đoạn ái và thủ. Muốn đoạn tận gốc Ái và thủ thì phải đoạn vô minh, muốn đoạn vô minh thì phải hiểu thật tướng của vạn pháp, là duyên sanh vô tướng, duyên sanh vô tác. Muốn đoạn phiền não thì phải có tâm tỉnh giác, có tâm tỉnh giác phải hạ thủ công phu tu tập. Có tâm tỉnh giác thì vô minh, ái và thủ làm sao thâm nhập được, như cây bị đón trụi cành lá thì không thể phát triển được sẽ phải chết.

 Tóm lại, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, chủ yếu là đoạn vô minh, ái và thủ, vì nó là mắc xích rất kiên cố, đoạn nó thì phải dùng đến tâm tỉnh giác.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Trong suốt 45 năm giáo hóa Phật không đưa ra một pháp môn nào nhất định, lời dạy của Phật rất nhiều, cho nhiều căn cơ nên nói là nhiều pháp môn. Nó như một phương thuốc trị bệnh, chúng sanh bệnh khổ. Nguyên nhân khổ của chúng sanh là vô minh, ái và thủ gây ra. Ba thứ giặc phiền não này biến ra muôn hình vạn trạng, nên pháp môn cũng có nhiều cách để đối trị. Như 37 phẩm trợ đạo, lục độ vạn hạnh v.v...

Tóm lại dù Phật có nói ra vô lượng pháp môn, nhưng không ngoài ba pháp môn căn bản đó là: Giới, Định, Tuệ. Giới như bóng đèn, Định như cái đèn, Tuệ như ngọn đèn và ánh sáng. Đèn, bóng đèn và ngọn lửa của đèn, có công năng phá màng đêm u tối. Màng đêm như Vô minh  của chúng sanh vậy. Giới như dây cương kiềm chế con ngựa hung hăng. Giới như dây cương con ngựa như hành giả tu tập, người tu không giới như ngựa không dây cương, có ngày nó đưa người xuống vực thẳm.  Định là tu tập thiền định, Tuệ là Văn tuệ; Tư là tư tuệ.

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành:  Thành phật đạo có hai thành phần: a/ Thành Phật đạo một cách viên mãn như Phật, b/ Và thành Phật từng phần, mỗi ngày có đoạn được phiền não, có hành thiện thì là mỗi ngày mình đã có thành Phật đạo. Đây là ý nghĩa câu, chư Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

 Vậy giờ phút nào không còn tham ái, không còn sân si, không còn vô minh, thì lúc đó cũng là đã thành Phật đạo, tức thành tựu lời dạy của Phật, thành tựu sự giải thoát giác ngộ từng phần.

Tóm lại bốn lời nguyện trên là bốn hình tướng của Bồ đề tâm, ai thành tựu lời nguyện đó là thành tựu Bồ đề tâm. Bốn lời nguyện này có thể thâu tóm tất cả nguyện lực, mà hằng ngày tụng kinh đều hồi hướng về lời nguyện là thực hành Bồ đề tâm như:

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não.

Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

Thế thế thường hành Bồ tát đạo.

Hoặc: Nguyện đem công đức này

            Hướng về khắp tất cả,

          Đệ tử và tất cả chúng sanh

            Đều trọn thành Phật đạo.

Đây là thể hiện Bồ đề tâm qua bốn lời thệ nguyện ./.

{]{

Giới Thinh Văn chủ yếu cầu giải thoát tự thân mình, còn Giới Bồ Tát hướng đến độ thoát chúng sanh là chính. Trong ba tụ tịnh giới, Nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới. Nhiếp Luật nghi giới và nhiếp thiện pháp giới đồng như “ chỉ trì và tác trì ” là bỏ ác làm lành của giới Thanh Văn. Bồ Tát giới còn đi xa hơn nữa là nhiêu ích hữu tình. Vậy nhiêu ích hữu tình là gì?

Nhiêu ích hữu tình giới, là biểu thị công hạnh của hành giả Bồ Tát lấy việc hoá độ chúng sanh làm chủ đích, nếu không thực hành việc độ sanh, thì đâu thể gọi là Bồ Tát. Bồ Tát lấy nhiếp hoá chúng sanh làm căn bản, lẽ đương nhiên chính bản thân mình phải làm mô phạm cho chúng sanh. Nếu bản thân Bồ Tát không tu giới hạnh, thì làm sao được sự tín nhiệm của chúng sanh, cho nên lấy sự hoá độ chúng sanh làm hạnh nguyện, thì cần phải nghiêm giữ giới pháp không được vi phạm.

{]{

GIỚI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét