Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

ĐẠI CƯƠNG GIỚI LUẬT

 

ĐẠI CƯƠNG GIỚI LUẬT

Kinh Ưu Bà Tắc nói: “Giới nghĩa là cấm chỉ, năng lực cấm chỉ ác nghiệp gọi là giới. Giới có nghĩa là bước lên, năng lực bước lên loài trời cho đến trí giác vô thượng gọi là giới”. Hai định nghĩa này cho ta thấy rõ bản chất và năng lực của giới luật. Bản chất của giới luật là đình chỉ tất cả hành động lỗi lầm, năng lực của giới luật là đem lại cho người giữ từ an lạc của chư thiên cho đến sự giác ngộ của Phật đà. Tư cách của tất cả tầng lớp Phật tử, tại gia cũng như xuất gia, đều do giới luật mình thọ trì mà quy định. Bỏ giới luật đi thì hết thảy tư cách Phật tử, đều bất thành cả. Lời kết luận này vĩnh viễn là lời nói xác thực trong tất cả không gian và thời gian.

       “Giới luật còn, Phật pháp còn”

  Toàn bộ giới luật có 5 phần:

1/ Biệt biệt giới:  Từng giới điều riêng biệt đề phòng đến diệt sạch từng tội lỗi riêng biệt đối lập với nó.

2/ Định cọng giới:  Năng lực của thiền định đề phòng các tội lỗi do sự tán động gây ra.

3/ Đạo cọng giới: năng lực của trí giác diệt trừ những tội lỗi phát sinh bởi si mê

4/ Nhiếp căn giới: Năng lực đề phòng  sự phóng túng và bị mê hoặc của giác quan.

5/ Vô tác giới:  Các giới trên huân tập tâm thức, gây thành một năng lực có thể đề phòng và diệt sạch cả đến tội lỗi trong những đời sau.

Tuy có 5 phần như vậy, nhưng thực ra chỉ phần thứ nhất “Biệt biệt giới” mới thật là giới luật, phần này đại cương có ba loại:

1/ Thế tục giới, 2. Thắng nghĩa giới, 3/ Đại thừa giới.

 Thế tục giới là những giới luật chỉ đem lại sự an lạc còn trong phạm vi luân hồi, như 5 giới cấm và 10 thiện nghiệp mà thọ trì với mục đích cầu phước lạc trong loài người và cõi trời. Thế tục giới với định nghĩa đó, nó gồm có Ưu bà tắc giới, Ưu bà di giới, một phần của 8 trai giới và một phần của 10 thiện nghiệp.

  Trái lại, Thắng nghĩa giới là những giới luật có năng lực giải thoát luân hồi. Bởi vậy, thắng nghĩa giới bao gồm tất cả giới phẩm của người xuất gia, Sa di, sa di ni, Thức xoa ma na. Tỳ kheo, Tỳ kheo ny.

  Ngoài hai loại trên. Đại thừa giới không hạn định trong phạm vi nào hết. Tại gia xuất gia đều thọ trì được, phước lạc trong vòng luân hồi do Đại thừa giới mà có, thánh quả giải thoát luân hồi cũng do Đại thừa giới mà thành. Phạm vị rộng rãi và kết quả phụ thuộc của Đại thừa giới như vậy, nhưng mục đích của Đại thừa giới là để đạt đến quả vị Phật đà, đầy đủ đại giải thoát và đại giác ngộ.

 Nội dung của 3 loại giới luật trên đây không ngoài 4 điều này:

1/ Giới pháp: là phẩm loại của giới luật do Phật đà chế định.

2/ Giới thể: Là năng lực trừ bỏ ác pháp phát sanh trong tâm sau khi thọ giới pháp.

3/ Giới hành: là thuận theo giới thể mà động tác ra nơi thân, miệng, ý một cách đúng với giới pháp.

4/ Giới tướng:  là động tác ấy có chỉ trì, tác trì theo các điều tiết của giới pháp.

ĐẠI THỪA GIỚI BAO GỒM 3 LOẠI NHƯ SAU:

1/ Nhiếp luật nghi giới,

2/ Nhiếp thiện pháp giới

3/ Nhiêu ích hữu tình giới.

Nhiếp luật nghi giới là loại bao gồm tất cả các giới phẩm nhắm vào mục đích đình chỉ các việc ác. Trái lại nhiếp thiện pháp giới là loại bao gồm tất cả những điều nhắm vào mục đích thực hiện các điều thiện. Còn nhiếp hữu tình giới, là loại bao gồm tất cả những điều nhắm vào sự lợi ích hết thảy chúng sanh. Ba loại này không những bao gồm hết thảy phẩm loại và chi tiết của Đại thừa giới, mà hết thảy hạnh pháp của Bồ tát cũng thâu nhiếp trong đó. Ba loại trên đây hình thành hai cách giữ.

1/ Chỉ trì: (giữ bằng cách đình chỉ) tức trì giữ loại thứ nhất. Loại này trái lại hai loại sau, làm là phạm.

2/ Tác trì: (giữ bằng cách thực hành), tức là giữ hai loại sau. Hai loại này trái lại loại trước bỏ thì phạm.

  Hành giả có thực sự giải thoát và an lạc đem lại lợi ích cho tự thân và tha nhân đời này, đời sau thì phải đủ đức tin, đủ nghị lực và phải hiểu rõ để thọ trì. Kinh Anh Lạc Bản Nghiệp nói: “Muốn nhập vào bể Phật pháp thì lấy tín tâm làm gốc, mà ở trong nhà Phật đà thì lấy giới luật làm căn bản”. Như vậy phần căn bản ấy bỏ thì cái gì cũng vất bỏ hết.

{]{

ĐẠI CƯƠNG GIỚI LUẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét