Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

LỜI ĐẦU

 

LỜI ĐẦU

 

Kinh nói “Tỳ ni trụ tắc Phật pháp trụ”. Đức Phật dạy: “Sau khi ta nhập Niết bàn, hàng đệ tử của Ta phải lấy giới luật làm Thầy, như khi Ta còn ở đời không khác vậy”.

Với Phật pháp cũng như với hàng đệ tử của Phật, giới luật rất quan trọng lắm thay! Giới kinh nói: “Giới như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm… Giới như gương báu sáng chiếu rõ tất cả pháp”, như thế thời giới luật đúng là bậc thầy sáng suốt dẫn đường và nêu gương lành cho người tu hành theo chánh đạo. Thiếu giới luật là không minh sư, tất khó khỏi lạc vào đường tội lỗi mà phải sa vào hố sâu ác đạo!

Đã thọ giới phải trì giới: Có người trì giới chính là giới luật còn. Nương vào giới mà đắc định, phát tuệ, thành tựu đạo quả, đó là Phật pháp tồn tại thế gian.

Xét theo những lời và ý nghĩa trên cho ta thấy rằng: Tôn trọng giới luật chính là tôn trọng Phật pháp. Giữ gìn giới luật chính là giữ Phật pháp. Muốn hộ trì chánh pháp tất trước hết phải hộ trì giới luật. Trái lại nếu phá giới huỷ luật thời chính là phá huỷ Chánh pháp vậy.

Hiểu biết giới luật là để tôn trọng và hộ trì là điều tối cần thiết của mỗi người xuất gia, cho nên cần phải học để hiểu mới áp dụng cho sự nghiệp thượng cầu hạ hoá đúng với ý nghĩa của một hành giả tu học hướng đến mục đích giải thoát và giác ngộ.

Hướng dẫn   HT Thích Thiện Phương

 

   Mỗi khi vào Hạ an cư trước hết làm lễ kiết giới. Kiết giới có ba vòng là Giới trường, Tiểu giới và Đại giới.  Giới trường là nơi diễn ra các việc tác pháp An cư, Bố tát, Truyền giới, Tự tứ v.v…  Tiểu giới là vòng ngoài của giới trường cách giới trường khoảng 3,4 mét, lấy khuôn viên chùa làm ranh giới. Đại giới là  toàn bộ vòng đai khuôn viên vườn chùa. Như vậy giới có ba lớp : Lớp trong lớp giữa và lớp ngoài, với mục đích phân biệt ranh giới trong khu vực tu tập, mỗi nơi một việc không lẫn lộn để đưa đến sự thanh tịnh cho việc tu tập. Ngoài ra còn có kiết giới nhà kho, nhà trù nữa, để hạn chế việc ăn uống nhiều lần tốn phí thời gian tu học, và tránh sự giao tiếp  với cư sĩ .v.v...

          Kiết giới trong giới trường lấy 4 phương: từ góc Tây Nam đến góc Tây Bắc lấy trụ ..làm nêu (1), từ góc Tây Bắc đến góc Đông Bắc lấy trụ ... làm nêu (2), từ góc Đông Bắc đến góc Đông Nam lấy mốc ... làm nêu (3), từ góc Đông Nam đến góc Tây Nam lấy mốc ... làm nêu (4). Trong kinh luật quy định, khi kiết giới trường lấy Phật làm trung tâm, Phật lưng xoay về hướng chánh Tây, mặt nhìn về hướng chánh Đông.  Vì thế có chùa mặt quay về phía Đông , tượng Phật  xây lưng về hướng Tây thì nhìn thấy tiêu tướng trong giới trường thuận chiều với phương hướng bên ngoài (như chùa Hòa an, chùa Đạo Nguyên). Nhưng có chùa mặt quay về phía Tây thì  lưng tượng Phật hướng về phía Đông, vì thế mốc tiêu tướng phía Đông lại ghi là phía Tây Bắc là thế. Và tiêu tướng của tiểu giới và Đại giới cũng như vậy. ( như chùa Tịnh Độ ).

          Trong kinh Luật, một năm có 12 tháng chia làm ba mùa, mỗi mùa bốn tháng, gồm có mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Đông, không có mùa Thu như nước ta.

 -Từ ngày 16 tháng 12  đến 15 tháng 4 là mùa Xuân (Xuân Phần)

-Từ ngày 16 tháng 4   đến 15 tháng 8  là mùa Hạ (  Hạ Phần)

-Từ ngày 16 tháng 8  đến 15 tháng 12  là mùa Đông (Đông Phần)

  Vì thế khi bắt đầu vào An cư từ ngày 16 tháng 4 đến 15 tháng 7 thời gian trong mùa Hạ nên gọi là Kiết hạ An cư là vậy. Mỗi năm tổ chức An cư là cơ hội cho các Tỳ kheo, Tỳ kheo n, Sa di, Sai di Ni có dịp gặp nhau trao đổi sự tu học, và cũng cơ hội cho hàng cư sĩ gieo trồng công đức nơi ruộng phước. Nhờ pháp An cư mà đạo Phật được duy trì bền vững trong thế gian.

LỜI ĐẦU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét