Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

SỰ TƯƠNG TÁC NHÂN QUẢ

 

SỰ TƯƠNG TÁC NHÂN QUẢ

          Phật pháp xem chúng sanh là chủ thể để nói về nhân quả, mà loài người là đối tượng chính trong vô số chúng sanh mà phật giáo muốn nhắm đến, cho nên luật nhân quả của Phật giáo đặc biệt chú trọng vào hành vi và tư tưởng của loài người. Điều này cũng nhằm mục đích giúp con người trở thành người tốt trong thế giới  hiện thực bằng những hành động thực tiễn. Vì con người có khả năng đem lại lợi ích cho mình và người khác trong cuộc đời này. Phật giáo luôn răn dè thái độ sống buông thả bởi những hành vi phi đạo đức trong xã hội.

Trong kinh Phật vị Thủ ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt, đức phật nói rõ cho trưởng giả Thủ ca, về quả báo sai khác mà chúng sanh nhận lãnh trên đời này .

“ Có 10 loại nghiệp thường khiến chúng sanh bị quả báo đoản mệnh :

1/ Tự mình sát sanh, 2/ Khuyên bảo người khác sát sinh, 3/ Khen ngợi sự giết hại , 4/ Thấy giết hại vui mừng,  5/ Đối với kẻ oán ghét, muốn họ chết sớm, 6/ Thấy kẻ mình oán ghét bị tiêu diệt rồi, lòng mình sinh hoan hỷ, 7/ Làm hư bào thai người khác, 8/  Dạy người hủy hoại bào thai, 9/ Xây dựng miếu thờ thần, trời nhằm giết hại chúng sanh để cúng tế, 10/  Dạy người đánh nhau, khiến tàn hại lẫn nhau. Do 10 nghiệp này mà lãnh thọ quả báo đoản mệnh.

   “ Lại có 10 loại nghiệp thường khiến chúng sanh được quả báo trường thọ :

1/Tự mình không sát sanh, 2/Khuyên bảo người khác không sát sanh, 3/ Khen ngợi việc không sát hại, 4/ Thấy người khác không giết, lòng sinh hoan hỷ, 5/ Thấy người hoặc vật bị giết hại, dùng phương tiện cứu sống, 6/ Thấy kẻ khác sợ hãi khi đối diện cái chết, mình an ủi tâm họ, 7/ Thấy người sợ hãi, ban cho họ sự vô úy, 8/ Thấy người khổ đau vì tật bệnh, khởi lòng thương xót, 9/ Giúp những người bị tai nạn nguy cấp, khởi lòng thương lớn; 10/  Dùng thức ăn nước uống ban bố chúng sanh. Do 10 nghiệp này mà được quả báo trường thọ.

“ Lại 10 loại nghiệp thường khiến chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh tật :

1/Ưa đánh đập chúng sanh; 2/Khuyên người khác đánh; 3/Khen ngợi người khác đánh; 4/Thấy người khác đánh hoan hỷ; 5/Làm phiền cha mẹ, khiến lòng cha mẹ luôn buồn rầu ; 6/Làm não loạn hiền thánh; 7/Thấy người oán ghét bị bệnh, trong lòng vui sướng; 8/Thấy người oán ghét hết bịnh, lòng mình không vui; 9/Đối với bệnh của kẻ oán thù, cho không đúng thuốc trị bệnh; 10/Đã ăn chưa tiêu, mà lại tham ăn tiếp. Do 10 nghiệp này mà bị quả báo nhiều bịnh.

“ Lại có 10 nghiệp thường khiến chúng sanh  được quả báo ít bịnh :

1/Không thích đánh đập hết thảy chúng sanh; 2/Khuyên người khác không đánh đập; 3/Khen ngợi việc không đánh đập; 4/Thấy người không đánh đập, lòng sinh hoan hỷ; 5/Cúng dường cha mẹ và bệnh nhân; 6/Thấy bậc hiền thánh bệnh, chăm sóc cúng dường; 7/Thấy người mình oán ghét hết bịnh, sinh tâm hoan hỷ; 8/Thấy người khổ vì bệnh, cung cấp thuốc hay; 9/Đối với chúng sanh khổ vì bệnh, khởi lòng thương xót; 10/Đối với việc ăn uống, thường tự tiết chế. Do 10 nghiệp này mà thường được quả báo ít bệnh.

          “ Lại có 10 nghiệp thường khiến chúng sanh bị quả báo xấu xí :

1/Thích nổi giận;  2/Ưa ôm lòng giận; 3/Dối lừa người khác; 4/Não loạn chúng sanh; 5/Đối với cha mẹ không tâm yêu kính; 6/Đối với hiền thánh, không sinh tâm cung kính; 7/Xâm đoạt của cải của bậc hiền thánh để tạo điền nghiệp cho mình; 8/Dập tắt đèn nến ở chốn  tháp miếu; 9/Thấy người xấu xí bĩu môi khinh chế; 10/Quen hành các hạnh ác. Do 10 nghiệp như vậy chúng sanh thường bị quả báo xấu xí.

“ Lại có 10 nghiệp thường khiến chúng sanh  được quả báo xinh đẹp :

1/Không sân; 2/Thường hay bố thí ; 3/Yêu kính cha mẹ; 4/Tôn trọng hiền thánh; 5/Tu bổ, sơn quét tháp Phật; 6/Lau quét chùa chiền; 7/Quét dọn đất già lam ( chùa ) 8/Lau quét tháp Phật; 9/Thấy người xấu xí, không sinh tâm kinh chê; 10/Thấy người đoan chánh, biết rõ nhân đời trước mà có được .

Và có vô số những quả báo thiện ác khác khiến loài hữu tình sinh ra ở dòng dõi cao quý hay thấp hèn, thông minh hay đần độn, giàu có hay nghèo cùng, sinh lên cõi trời hay đầu thai làm người, làm súc sinh…mà đức Phật đã nói đến trong kinh này.  Các loài chúng sinh là chủ nhân của nghiệp. Nghiệp là quyến thuộc để dẫn dắt chúng sinh đi vào con đường hạnh phúc hay đau khổ . Nghiệp là điểm tựa để loài hữu tình thăng tiến hay đọa lạc. Chỉ có đức Thế Tôn mới có đủ tuệ giác vén bức màn bí ẩn của thế giới chúng sinh mà mắt thường phàm nhân chúng ta không sao nhìn thấy những nguyên nhân tiềm ẩn của nghiệp lực.

Do đó, phàm làm người, khi bắt đầu nói năng hoặc hành động, chúng ta phải suy nghĩ ngay đến lời nói hoặc hành động ấy có mang lại lợi ích cho mình và cộng đồng xã hội hay không? Nếu lời nói hay hành động ấy xuất phát từ tâm ý hướng thiện, không phương hại đến lợi ích của mình và người thì chúng ta nỗ lực phát huy. Ngược lại, nếu lời nói hay hành động ấy làm tổn hại người khác và gây bất lợi cho mình thì cần phải ngăn chặn khi mới bắt đầu khởi lên ý niệm. Cho nên, hành vi, ngôn ngữ chúng ta hoặc hoặc thiện hoặc ác không phải do thánh ý của đấng vạn năng nào đó quy định, cũng chẳng phải do kiếp trước an bài, lại càng không phải do số phận đặt để, mà là do tâm ý chúng ta chọn lựa, muốn làm việc tốt hay xấu đều do chúng ta quyết định. Nếu đã tạo nhân bất thiện thì chúng ta phải mạnh dạn nhận lãnh kết quả tương ứng đưa đến. Vì vậy, khi nhận lãnh quả báo đau khổ, chúng ta không có cớ gì phải vò đầu bóp trán để oán người trách trời.

Về quá trình tu chứng, đức Phật là bậc thể ngộ chân lý, là đấng tự tại tự do tuyệt đối, có đầy đủ công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, nhưng kết quả này không phải tự nhiên, không nhân không duyên mà có được. Trước khi thành Phật nhiều kiếp, ngài đã từng thực hành hạnh nguyện lợi tha của bậc Bồ tát, làm lợi ích cho vô số chúng sanh nên mới có được kết quả cao tột trong đời này. Đức Phật không những không thể vượt thoát nhân quả mà còn không thể thay đổi nhân quả theo ý của mình. Cho nên trong kinh thường nói, đức Phật có thể độ vô số chúng sanh nhưng không thể độ hết chúng sanh. Vì đức Phật mang tâm nguyện độ tha không từ bỏ một chúng sanh nào, nhưng chúng sanh thì cứ quen theo thói ác, cứu vớt ra khỏi khổ đau hôm nay thì ngày mai chúng sinh lại sa vào ác nghiệp. Chúng sinh muốn nhận lãnh kết quả tốt đẹp hơn thì phải tự mình chuyển hóa hành nghiệp của mình. Đức Phật chỉ là vị thầy dẫn đường cho chúng sanh chứ không thể nào can thiệp vào nghiệp của chúng sanh. Ngài chỉ rõ hai con đường : con đường này là thiện nghiệp sẽ dẫn đến hạnh phúc, an vui; con đường kia là ác nghiệp sẽ rơi vào khổ đau, bất an . Chúng sanh là người quyết định chọn lựa lộ trình cho cuộc đời mình. Đức Phật không bao giờ tuyên bố ngài có quyền năng thưởng thiện phạt ác, hoặc có thể vớt người này lên thiên đường, đày kẻ kia xuống địa ngục. Phương thức giáo hóa của ngài thể hiện thánh cách của bậc giáo chủ của một tôn giáo tự do, không câu nệ hoặc lệ thuộc vào thần quyền.

Quy luật nhân quả mà Phật giáo nói đến còn mang sắc thái đặc biệt, đó là nhân quả tương thông ba đời. Quan điểm này không giống với các học phái khác, tức là các học phái khác chỉ thừa nhận nhân quả trong đời này mà không nói đến quá khứ hoặc tương lai, hoặc chỉ nói đến hai đời hiện tại và tương lai mà bỏ qua quá khứ. Mặc dù họ có tin nhân quả nhưng chỉ dừng lại ở một đời hoặc hai đời nên việc luận bàn về quy luật nhân quả chưa được đầy đủ.

Chỉ thông nhân quả ba đời mới có thể thuyết minh rốt ráo về thực tướng của nhân quả trong vòng thời gian không có khởi đầu cũng không có kết thúc này. Lấy sự hiện hữu của bản thân chúng ta trong đời này làm trung tâm, sinh mạng đời này là kết quả cảm vời bởi nghiệp lực trong quá khứ. Hành nghiệp trong quá khứ, hoặc lành hoặc dữ, đều có ảnh hưởng đến nỗi khổ hoặc niềm vui của chúng ta trong hiện tại. Và đến lượt nó, quả báo khổ hay vui này lại biểu hiện  ra các hoạt động của hành vi, tạo ra những nghiệp mới để cảm vời sinh mạng trong kiếp sống mai sau. Sinh mạng trong kiếp sau tốt hay không tốt thì hãy nhìn vào sự biểu hiện của hành vi trong hiện tại là thiện hay ác. Cho nên tất cả những hoạt động của ngôn ngữ và hành vi chúng ta trong hiện tại bị tác động bởi ý thức có mối quan hệ rất lớn đến sinh mạng mới của chúng ta trong tương lai. Vì vậy, có cơ may sinh ra làm người,  và may mắn hơn nữa là làm người có duyên lành tiếp cận được chân lý đức Phật, chúng ta không thể sống cẩu thả cho qua ngày đoạn tháng theo sở dục để tạo nghiệp xấu, mà mỗi người chúng ta phải tích cực nỗ lực hướng thiện tìm được an lạc trong đời này, chuẩn bị hành trang đầy đủ tự tạo ra cho một sinh mạng mới mỹ mãn hơn cho kiếp sau.

Quy luật nhân quả thông với ba đời nên mạng sống chúng sanh xoay vòng không bao giờ dừng nghỉ. Trong vòng quay không dừng ấy, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chỗ khởi đầu của sinh mạng. Trong dòng chảy vô tận của sinh mạng, không thể không có hoạt động của hành vi làm nhân. Khi hành vi dấy khởi bởi sự tham gia ý thức thì sẽ cấu thành nghiệp lực. Nếu nghiệp lực gây tạo trong quá khứ chưa đủ mạnh để chiêu cảm lấy quả báo hiện hành trong đời này thì những nghiệp nhân ấy tạm thời tiềm ẩn. Rồi từ đó, chúng ta cộng thêm với nghiệp nhân trong đời sống hiện tại để đến khi đủ điều kiện trổ quả thì kết quả cộng hưởng ấy sẽ hiện hành lớn hơn rất nhiều lần so với các nhân đã từng gây tạo. Do người đời không hiểu vấn đề này, hoặc xem sự được mất trước mắt mà nghi ngờ nhân quả không công bằng, hoặc do cách nhìn lệch lạc mà cho rằng báo ứng có trái ngược với nghiệp nhân rồi sinh ngờ vực, bất chấp mọi thứ để tạo ra nghiệp xấu.

Mối quan hệ nhân quả trong đời chằng chịt nhau, mặc dù chúng ta không thấy nhưng không có nghĩa là không có. Hôm nay ông A giúp cho ông B một số tiền để giải quyết cuộc sống khó khăn của ông B. Nhưng thời gian sau, có thể vài năm hoặc vài chục năm nữa, ông A sẽ nhận được số tiền nhiều hơn số tiền đã giúp cho ông B từ ông C hoặc ông D nào đó. Có thể ông A không nhận được sự giúp đỡ từ tiền bạc của người khác nhưng cuộc đời của ông A sẽ may mắn hơn, hạnh phúc hơn nhiều người nhờ hành động tốt hoặc thúc đẩy bởi tâm ý thiện khi đã giúp đỡ ông B.

Nhờ xuất phát từ tình thương và tin hiểu luật nhân quả mà xã hội Việt Nam chúng ta xưa nay có rất nhiều người làm việc thiện nguyện. Khi hay tin cá nhân hoặc dân chúng vùng miền nào đó gặp thiên tai, thảm họa, người Việt chúng ta nỗ lực vận động quyên góp tài vật để gởi đến cá nhân hoặc vùng miền đó để cứu trợ với tinh thần “ tương thân tương ái”, mặc dù người giúp không cần người khác biết mình là ai. Khi dắt một người tật nguyền hoặc già cả qua đường, người dắt sẽ không trông mong người được dắt kia mai mốt sẽ trả công ơn lại mình, nếu có trông mong đi nữa thì kết quả nhận lại cũng có xác suất rất thấp, vì người già hoặc người tật nguyền lấy đâu ra khả năng để đền đáp ! Cho nên, người làm việc tốt ( nhân ) sẽ mang đến niềm vui cho mình và người ngay lúc đó ( quả ), chưa kể việc tích lũy thêm phước đức cho tương lai.

Do nhìn thấy sự được mất nhất thời mà có người đặt câu hỏi : Tại sao mình suốt đời không làm điều gì xấu ác mà luôn luôn gặp phải những điều bất như ý; trong khi người hàng xóm hành động bất chấp mọi thủ đoạn mưu mô, nhưng cuộc sống của họ gặp điều may mắn ? Hoặc giả, trong đời này mình gây tạo nhân lành, biết bố thí người nghèo, cúng dường người có đức hạnh, nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu thốn nghèo khổ; trong khi người kia chỉ biết bo bo tích trữ cho riêng mình, thậm chí còn trộm cắp tài sản của người khác nhưng tại sao gia cảnh của họ vẫn đầy đủ và phè phỡn tiêu xài ? Như vậy nhân quả làm gì có thật?

Như trước đã nói, nhân quả liên quan đến ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai chứ không phải chỉ riêng một đời này. Thời gian từ nhân đến quả khác nhau còn tùy thuộc vào duyên (điều kiện phụ ) nữa chứ không thể đòi hỏi nhân quả phải diễn ra cùng thời gian như nhau. Đời này bạn không làm điều gì xấu, nhưng không biết gây nhân lành, hoặc kiếp trước vô tình hay cố ý bạn đã từng gây nghiệp xấu, cho nên may mắn không đến với bạn. Người hàng xóm kia trong đời này họ hành động xấu ác nhưng do phước đức đời trước họ đã gây tạo nên dư báo còn lại trong đời này, khi hưởng hết phước  đức ấy thì họ sẽ chuốc lấy đau khổ.

Chẳng hạn, hai người cùng có một số tiền như nhau. Anh A dùng số tiền ấy vào việc kinh doanh sinh lợi, hằng ngày anh ta phải lo tính toán mua món hàng nào để bán lại cho có lãi. Nhìn bên ngoài, anh A rất vất vã về thể xác lẫn tinh thần nhưng anh ta vẫn tự tin vào công việc của mình hằng ngày, và nuôi hy vọng nguồn tiền ấy sẽ càng lớn thêm lên. Và thực sự, anh ta đã giàu lên nhanh chóng, vừa giữ được số vốn đã có, vừa biết làm cho tiền lãi của mình ngày một tăng thêm. Trong khi anh B lại cất số tiền ấy vào trong két sắt, hằng ngày anh không phải lo nghỉ hoặc vất vã như anh A mà tiền bạc anh vẫn rút ra đều đều tiêu xài thỏa mái. Sau khoảng thời gian ngắn, số tiền trong két sắt anh B cạn dần và anh trở nên trắng tay. Nếu nhìn từ thực tế đời sống của hai người này, chúng ta thấy luật nhân quả rất công bằng, Phước đức con người cũng vận hành theo quy luật như vậy.

Có người ban đầu  đam mê theo vòng danh lợi, không việc xấu nào không làm, buông tuồng theo bản năng để thỏa mãn tự thân. Sau khi rong ruổi trên đường đời nếm nhiều đắng cay thất bại, anh tay quay đầu nhìn lại việc đắc thất, thành bại của đời mình qua cuộc hành trình lao tâm khổ tứ nhưng chẳng lấy gì làm vinh hạnh. Anh ta bắt đầu tìm hiểu Phật pháp và tin nhân quả, rũ bỏ hết mọi tính tham lam, đố kỵ, siêng năng hành thiện, bố thí cúng dường, nhưng làm được một thời gian mà vẫn chưa thấy cuộc đời mình khởi sắc, rồi sinh tâm ngờ vực luật nhân quả bất minh. Nhưng anh ta đâu biết rằng, chỉ tính trong đời này, thời gian anh ta gây nghiệp xấu trước khi anh giác ngộ lý nhân quả nhiều hơn thời gian anh ta hành thiện gấp mấy chục lần, đó là chưa kể nhiều kiếp quá khứ đã gây tạo ác nghiệp, vậy thì thời gian hành thiện làm sao bù đắp lại được thời gian anh ta đã tạo nghiệp xấu kia ?

Đó là chúng ta nhìn theo hướng được mất về tài sản vật chất trước mắt nên mới thấy anh ta còn nhiều khốn khó, chứ thực tế, việc hành thiện của anh ta đã mang lại kết quả trong và sau khi anh ta thực hiện. Anh khởi tâm hoan hỷ khi được giúp đỡ người khác, mọi người có duyên được anh ta giúp đỡ sẽ nhận được niềm hạnh phúc từ việc làm và hết lòng khen ngợi nghĩa cử cao đẹp của anh ta. Xét về giá trị vật chất, phước đức anh ta tạo dựng chưa đủ để mang lại kết quả giàu sang như mong đợi; nhưng xét về giá trị đạo đức, tiếng thơm lan tỏa bốn phương, được mọi người khen ngợi và mang đến bình an cho người khác là kết quả có mặt ngay trong đời hiện tại của mình.

Có nhiều người hay chấp thủ quan niệm sai lầm như vầy : Quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới cấm ngăn ngừa điều ác, tạo dựng nhân lành là việc của người Phật tử, còn mình không quy y, không giữ giới cấm thì cũng chẳng có sao. Người quy y giữ giới nếu làm việc ác thì bị quả báo ác, người không quy y, giữ giới nếu tạo nghiệp ác thì sẽ không mắc tội báo nào. Bởi họ nghĩ rằng, nhân quả chỉ thuộc phạm vi  của những người học Phật và tin phật.

Thử nhìn một hòn than đỏ ở bếp lò kia, người biết than đỏ là nóng mà dùng tay bốc lên và người không biết than đỏ là nóng cũng dùng tay bốc lên, cả hai người đều bị nóng như nhau. Người biết than nóng và người không biết than nóng, khi bốc đều nóng như nhau, kết quả cả hai đều bị bỏng tay như nhau. Vậy việc gây nghiệp xấu đối với người Phật tử hay không phải Phật tử, họ sẽ chịu quả báo có khác gì nhau ?

Người Phật tử do biết rõ nhân quả nên quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm để làm động lực và nhắc nhở mình hằng ngày không nên gây nghiệp xấu, vun bồi nhân lành. Biết nhân xấu sẽ đưa đến quả báo xấu nên người Phật tử không dám sai phạm. Còn kẻ nào gây nhân xấu, dù có biết nó xấu hay không biết xấu, thì vẫn nhận lãnh quả báo xấu như thường. Chỗ khác nhau giữa người phật tử và người không Phật tử  nằm ở chỗ này. Chứ không phải người Phật tử gây nhân xấu thì mắc quả báo xấu, còn người không Phật tử gieo nhân xấu thì không mắc quả báo xấu. Cũng giống như hòn than đỏ kia, người biết nó nóng và người không biết nó nóng, khi đưa tay bốc thì vẫn bị nóng như nhau. Cho nên, người biết nó nóng tránh xa thì tránh xa, còn kẻ không biết nó nóng mà đưa tay bốc thì không tránh khỏi bỏng tay.

Cũng như đi ra đường, mọi người phải tuân theo luật giao thông, phải đi bên tay phải. Nếu ai không tuân thủ luật giao thông thì sẽ gây tai nạn cho mình và liên lụy đến nhiều người khác đang tham gia giao thông. Người hiểu được quy luật giao thông này, khi tham gia giao thông, trước hết nhằm bảo vệ bản thân mình, sau đó không gây tại nạn phiền phức cho những người khác. Tự lợi và lợi tha nằm ngay trong luật nhân quả của việc hiểu biết và thực hành luật giao thông là đây.

Nếu ai tin sâu vào nhân quả, và thực hành nhân quả, không những không mang tâm lý hoài nghi những hành động  gây tạo tiêu cực, mà còn tích cực tạo ra những nhân lành tốt, vun bồi duyên tốt làm hành trang vững chắc cho cuộc sống đời này  và tạo dựng quả tốt cho kiếp sống tương lai. Do đó, làm người sống trong thế gian này, cần phải hiểu biết rõ nhân quả để tự do lựa chọn những hành động tốt đẹp cho bản thân mình và lan tỏa sự bình an đến cho cuộc đời.

Nếu mọi người đều hiểu nhân quả, sống thực hành theo nhân quả, thì xã hội nói riêng thế giới nói chung không có chiến tranh, không có hận thù, không có bất công, không có sự bóc lột giữa người với người. Không có kẻ ỷ quyền mạnh thế lấn áp kẻ thế cô, không có sự phân chia giàu nghèo, sẽ là một xã hội, một thế giới hòa bình an lạc, là cõi thiên đường trần gian, mà biết bao nhiêu xưa nay các nhà trí thức, nhà đạo đức, nhà tôn giáo, các nhà chính trị mong muốn có một xã hội  công bằng văn minh nhưng chưa làm được. 

Đạo Phật từ xưa đến nay lấy luật nhân quả khuyên dạy con người, đã khiến cho nhiều người, nhiều gia đình, nhiều xã hội,  nhiều tổ chức, nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo, nhiều quốc gia, các phe nhóm, ….trên toàn thế giới đã đoàn kết, rời bỏ gươm giáo, chấm dứt chiến tranh. Vì thế năm 1999 Liên Hiệp Quốc mới chọn Phật giáo làm tôn giáo tiêu biểu cho hòa bình, lấy ngày Phật Đản làm ngày kỷ niệm, gọi là lễ Vesak  hằng năm. Như vậy muốn bảo vệ gia đình hạnh phúc, đất nước  bình an, thế giới hòa bình, mọi người phải tin hiểu và thực hành nhân quả. Không cần phải đạn to súng lớn, quân đội đông, tàu chiến lớn  mà giữ được hòa bình, mà chỉ cần hiểu và tin nhân quả mà đạo phật đã chỉ dạy là đủ, sẽ có ngay một xã hội công bằng văn minh hạnh phúc.

     MỌI NGƯỜI  ĐỪNG ĐỂ NHÂN QUẢ THỂ HIỆN RA RỒI MỚI TIN, THÌ QUÁ MUỘN  ./.

T

SỰ TƯƠNG TÁC NHÂN QUẢ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét