Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

THIỀN VÀ TỊNH

 

           THIỀN VÀ TỊNH

          Có Thiền không Tịnh độ

          Mười người tu chín người lạc lộ

          Không Thiền có Tịnh độ

          Muôn người tu, muôn người thoát khổ.

Thiền sư Vĩnh Minh  Diên Thọ là một thiền sư chứng ngộ thiền, nhưng lại xiển dương Tịnh độ, ngài có đưa ra bốn bài kệ so sánh giữa Thiền và Tịnh, gọi là “ Tứ liệu giản”. Một trong “ tứ liệu giản ” như sau :

          Hữu Thiền hữu Tịnh độ

          Du như đới giác hổ

          Hiện thế vi nhân sư

          Lai sanh tác Phật Tổ

         

          Có Thiền có Tịnh độ

          Giống như hổ mang sừng

          Hiện đời làm thầy người

          Mai sau làm Phật, Tổ

Không những một Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ khởi xướng xiển dương Thiền Tịnh song tu, mà có rất nhiều thiền sư lỗi lạc cũng xiển dương Tịnh độ. Những vị đã chứng ngộ Thiền và lại khai thị pháp môn Tịnh độ khó tin, cực lực chủ trương Thiền Tịnh song tu, giống mạnh như hổ mà còn thêm mang sừng.

Và từ  “ Tứ liệu giản” này thiền sư  Tế Năng , hiệu Nhất Hắc Tử, thuộc dòng Lâm tế, sống vào đời Thanh, Trung Quốc, biên soạn ta tập:  “ Giác hổ tập  ”. Giác hổ tập  nội dung ghi chép lại những lời dạy thiết yếu của các thiền sư xiển dương Tịnh độ. Mục đích của tác phẩm này là muốn làm cho người tu Thiền tông không còn dám khinh thường Tịnh độ, người tu Tịnh độ không chê bai Thiền tông.

Như vậy, tổng cộng tác phẩm này đã giới thiệu về hành trạng và pháp ngữ thiết yếu về pháp môn Tịnh độ của 59 vị tăng và tục đã chứng ngộ thiền.

 Nói đến Thiền là nói đến đạo Phật, vì Đức Phật từ khi khởi sự tu cho đến thành Chánh Đẳng Chánh giác đều từ Thiền tập mà nên. Bây giờ các Thiền sư lại khởi xướng Thiền chuyển qua Tịnh độ vậy có mâu thuẫn và lạc đường không?

Vì lý do gì mà các Thiền sư chuyển hướng qua Tịnh độ. Vì Thiền có nhiều lối : Phật thiền, Đại thừa thiền, tối thượng thừa thiền, Tiểu thừa thiền, tổ sư Thiền, ngoại đạo thiền, phàm phu thiền, rất nhiều lối tu thiền.  Thiền lại có sự chứng ngộ qua nhiều tầng lớp, như Sơ thiền, Nhị thiền,  Tam thiền, Tứ thiền. Rồi quả vị tu chứng : Tu đà hoàn, Tư đà hoàn, A na hàm, A La hán. Với căn cơ và trình độ con người của thời đại cách Phật xa thánh tu để chứng các tầng bậc thiền nói trên rất là khó đạt, rất dễ đi lạc vào Phàm phu thiền và ngoại đạo thiền. Vì thế các thiền sư nhận thấy con đường tu pháp môn Tịnh độ an toàn và không mất phần một ai, nên khởi xướng Thiền Tịnh song tu.

Tu Thiền khó tu hơn tu Tịnh mà lại dễ lạc đường nếu không có minh sư hướng dẫn, tu để đạt đến quả vị cuối cùng phải trải qua nhiều thời gian, như Đức Thích Ca Mâu Ni phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp mới thành Chánh Giác. Vì con đường khó đi khó đến nên Phật mới phương tiện chỉ cho chúng sanh thời mạt pháp con đường dễ đi dễ đến an toàn là vậy. Và các thiền sư cũng đã thấy cái khó và cái dễ giữa Thiền và Tịnh nên cực lực xiển dương Thiền Tịnh song tu. Vừa tu Thiền vừa tu Tịnh, không mất Thiền mà còn không lo sợ lạc đường lạc lối, vì sao Niệm Phật cũng là một trong 40 đề mục của Thiền tập. Cho nên chúng ta tu Thiền không trở ngại Tịnh, tu Tịnh không trở ngại thiền.

Kinh A Di Đà : “ Tôi nghe như vầy, bấy giờ đức Phật trú tại  Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, nước Xá vệ, cùng với 1250 vị đại Tỳ kheo nhóm họp…”  Lúc ấy không đợi đại chúng thưa thỉnh, đức Thế Tôn tự nói kinh A Di Đà. Bốn chữ  “ nhất tâm bất loạn” trong kinh A Di Đà là chủ yếu của toàn kinh. Cũng như câu “ Tùy theo tâm tịnh tức cõi Phật tịnh” trong Duy Ma Cật.

Trong một buổi pháp thoại đức Phật đưa cành hoa sen lên và nói: “Suốt 49 năm qua, Ta chưa từng nói một lời nào”. Lúc đó, cả trăm vạn người và chư thiên  đều không hiểu được thâm ý của Phật, chỉ có Tôn giả Ca Diếp ở gần bên mỉm miệng cười. Đức Thế Tôn liền bảo : “ Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, nay phó chúc cho  Ma Ha Ca Diếp”. Từ đó đã mở đường cho con cháu đời sau phân tông lập phái. Để rồi, người theo Thiền  tông thì chê cười  Tịnh độ là chấp tướng. Người tu Tịnh độ chê Thiền  là mê “ không”. Vì thương những người chấp trước, chưa thông đạt viên tông, nên đại sư Mã Minh đã soạn Đại thừa khởi tín luận, phân tích rõ tam tế, lục thô, nêu ý chỉ hướng về duy tâm Tịnh độ.

Các bậc tài đức lỗi lạc trong tôn môn chưa có ai phân biệt được Thiền và Tịnh như thế nào. Vì vậy, khi thấy hàng hậu học bán tín bán nghi, mập mờ không dứt khoát, thiền sư Tế Năng  đã thâu nhập những pháp ngữ tinh yếu chỉ dạy hướng về Tịnh độ của chư vị Tổ sư tiền bối tài trí kiệt xuất, biên tập thành  sách đặt tên là  Giác hổ tập (hổ có sừng ), mong muốn giúp cho hành giả tu Thiền đọc  sách này thì không còn xem thường Tịnh độ, người tu Tịnh độ đọc sách này không còn chê bai Thiền tông. Tế  Năng chỉ thuật lại  lời chư vị tổ sư tiền bối  chứ không phải tự thân sáng tác, nhưng là một việc đem lại lợi ích rất lớn, xóa tan nghi ngờ của hai tông. Thiền sư Tế Năng  biên soạn tác phẩm này toàn là lời chân lý diệu. Là một ngọn đuốc sáng giữa đường tăm tối, là kim chỉ nam cho hành giả Thiền và Tịnh.

Pháp môn Tịnh độ là một pháp dễ thực hành, dễ thành tựu, cũng là một pháp môn khó nói, khó tin. Thế nên lúc còn tại thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh A Di Đà cho hàng đệ tử, vì biết trước chúng sanh trong đời mạt pháp ít người có thể tin tưởng hướng về, cho nên Phật dẫn những lời thành thật thốt ra từ tướng lưỡi rộng dài của chư Phật trong sáu phương, để khơi dậy niềm tin của chúng sanh, để phá lòng nghi ngờ của chúng sanh. Phần cuối kinh vì được chư Phật khen ngợi đức Phật mới tự nói thêm “ Nên biết ta ở trong đời ác năm trược, làm việc khó khăn nầy, nói pháp khó tin nầy cho tất cả thế gian, là một việc rất khó ”. Đây là những lời đức Phật tha thiết căn dặn, khuyên chúng sanh khởi lòng tin hướng về Tịnh độ.

Pháp môn Tịnh độ có những người nghi ngờ tại sao? Vì giáo môn Tịnh độ quá rộng lớn, mà pháp tu của  Tịnh độ lại quá đơn giản, quá dễ dàng, vì nó vừa rộng lớn mà vừa giản dị, cho nên người nghe không thể không nghi ngờ.

Rộng lớn có nghĩa là thâu nhiếp hết tất cả căn cơ trên đến hàng bồ tát nhất sanh bổ xứ trong địa vị Đẳng giác cũng sanh về Tịnh độ, dưới đến hàng phàm phu, ngu phu ngu phụ, và hàng ngu si tạo tội năm nghịch, mười điều ác, nhưng lúc lâm chung có thể niệm Phật sám hối tội lỗi, hướng tâm về Tịnh độ, cũng đều được vãng sanh.

Giản dị nghĩa là cách tu hành không hề khó khăn vất vả, cũng không có những nhân duyên mê ngộ sai khác. Chỉ trì bốn chữ A Di Đà Phật, nhờ đây thoát khỏi Ta bà được vãng sanh Tịnh độ, được bất thối chuyển, thẳng đến thành Phật mới thôi. Vì pháp môn Tịnh độ rộng lớn như thế,  lại giản dị như vậy. cho nên biết sự khen ngợi của ngài Vĩnh Minh là có chủ ý rât sâu sắc chứ không hề quá đáng./.

(  -  Ngài Vĩnh minh nói :

 Có Thiền không Tịnh độ - Mười người tu chín người lạc lộ

 Không Thiền có Tịnh độ- Muôn người tu muôn người thoát khổ.

 Qua những lời này, có thể thấy chủ trương Tịnh độ của ngài rất khoan dung. Như vậy, phải chăng thiền sư Vĩnh Minh  đã tự hạ thấp Thiền, mà quá tán dương Tịnh độ?  Điều này không phải nhỏ, xin được giải thích như sau :

Đức Phật Thích Ca thương chúng sanh thời mạt pháp khó tu khó chứng, nghiệp nặng phước khinh, chướng dạy huệ mỏng, khó tu tập các pháp môn khác. Nên đức Thế Tôn phương tiện nói ra pháp môn Tịnh độ khó tin khó hiểu, mà đức Phật đã biết trước, căn cơ của chúng sanh khó độ khó khuyên. Nên đức Phật tha thiết căn dặn khuyên chúng sanh khởi lòng tin hướng về Tịnh độ. Nhưng vì pháp môn Tịnh độ quá rộng, mà pháp tu lại đơn giản, quá dễ dàng. Vì vừa rộng vừa đơn giản, cho nên người nghe bán tín bán nghi. Rộng vì thâu nhiếp hết các căn lớn nhỏ, giản dị vì chỉ có trì bốn chữ A Di Đà Phật.

Vì pháp môn Tịnh độ quá rộng lớn và giản dị nên sự khen ngợi  của ngài Vĩnh Minh là điều xác thực  chứ không phải là lời quá đáng, chê Thiền khen Tịnh độ.

Có người nghi rằng, chê Tịnh độ là chán khổ tìm vui là tiêu cực. Việc cầu sanh Tịnh độ chỉ biết lo cho mình không quan tâm đến kẻ khác. Đây là điều không thích hợp với sự  tiến hóa của xã hội.

Câu giải nghi như sau : sống trong cõi Ta bà năm trược nầy, muốn độ người trước phải độ mình, nếu mình chưa độ mà mong độ người khác, e rằng việc đó khó thành. Người như thế, ví như mới thấy cái trứng mà đã muốn trở thành con gà biết gáy là việc khó thành. Người ta tưởng đâu vừa tỏ ngộ là tập khí hữu lậu hoàn toàn dứt sạch, liền đạt được  quả bất thối sao?  Không còn phải chuyên học Phật pháp, tu hành chứng quả sao? Như thế là ngang hàng với chư Phật , tự tại vào ra sanh tử, không còn bị chướng duyên ngăn trở sao. Nếu quả thật như vậy thì chư đại Bồ tát trải qua hằng sa  số kiếp tinh tấn  tu lục độ, vạn hạnh  mới thành nên quả vị bất thối chi cho khổ mệt?

Người xưa nói :  “ Bồ tát còn mê khi cách ấm, Thanh văn còn muội lúc xuất thai ”, huống chi người thời nay giải ngộ non kém, cạn cợt, tự cứu mình còn chưa xong. Dù cho chỗ tỏ ngộ có sâu xa, thấy biết cao minh, hành giải tương ưng, có chí nguyện độ người, nhưng rất tiếc là chưa chứng quả vị bất thối, lực dụng chưa đủ, mà ở cõi ác trược này hóa độ chúng sanh cang cường, thì đây cũng là điều các bậc Tiên Thánh chưa chấp nhận.  Nếu dùng chiếc thuyền không bền vững, chưa hoàn chỉnh, không bền chắc, để đi cứu nhiều người giữa vùng biển sóng gió dữ dội thì mình và người sẽ bị chìm, đây là điều tất nhiên. Thế nên trong kinh luận nói rằng : “ Muốn dạo chơi nơi cửa ngục Ta bà, thì phải sanh về cõi kia, đến khi đắc quả vô sanh nhẫn rồi mới trở lại chốn sanh tử cứu khổ chúng sanh ”. Do nhân duyên này người tu tịnh nghiệp mới cầu sanh Tịnh độ.

Các bậc Tiên Thánh dặn dò: chưa đắc quả vị bất thối chuyển, thì không thể liều lĩnh vào đời cứu độ chúng sanh, chưa đắc Vô sanh pháp nhẫn thì đừng bao giờ rời Phật . Giống như đứa bé không bao giờ xa mẹ, ví như chim non cánh còn yếu không thể rời tổ sớm.  Nay ở trong cõi nước đầy đủ bốn điều ác, bị nhân quả trói buộc, ngoại đạo tà ma, thị phi làm rối, sắc đẹp, lời hay, mùi thơm, vị ngọt mê hoặc, duyên ác chuyện xấu thường xuyên tấn công. Nếu không có Phật để nương tựa, thì bị cảnh duyên quấy nhiễu. Hàng sơ tâm ngộ đạo, hiếm có mấy ai không bị thối tâm mà bỏ cuộc. Thế nên, Thế Tôn ân cần chỉ dạy pháp môn cầu sanh về Cực lạc, thật sự có lý do. Nên nương vào đức Phật Di Đà thì nhẫn lực dễ thành, mau chứng đắc quả giải thoát, đích thân được Phật thọ ký, sau đó phát nguyện vào đời hóa độ chúng sanh, đến đi vô ngại.

           Dù là bậc thượng căn  lợi khí còn nguyện vãng sanh, huống chi các hàng trung căn, hạ căn , vừa mới có chút tỏ ngộ đã cho là xong việc. Trong kinh Quán Phật Tam muội ngài Văn Thù kể về nhân duyên đời trước ngài đã đắc niệm Phật Tam muội được vãng sanh về Tịnh độ, nhân đó đức Thế Tôn thọ ký cho ngài, ông sẽ được sanh về thế giới Cực lạc.  Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền dùng 12 đại nguyện vương sách tấn, dẫn dắt Đồng tử Thiện Tài  cùng Hải hội đại chúng về Cực lạc ./.

{]{

THIỀN VÀ TỊNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét