Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

CẢNH SÁCH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN

 CẢNH SÁCH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN

Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân,  bạt tế tam hữu, nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí, tích niên hành xứ, thốn bộ bất di, hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị, huống nãi đường tăng tướng, dung mạo khả quang, giai thị túc thực thiện căn, cảm tư dị báo…

 Trên đây là đoạn văn Cảnh sách của Thiền Sư Quy Sơn khuyên nhắc người tu tập quán sát sự đau khổ nhọc nhằn của con đường sanh tử, nên phải cố gắng tu tập để vượt qua. Sở dĩ con người có cái thân máu mũ là do Nghiệp. Nghiệp có từ Thức chiêu cảm nên gọi Kết sinh thức, gọi là nghiệp thức. Con người sau khi chết thân tứ đại trở về đất chỉ còn lại thần thức. Thức này dẫn đi đầu thai lên xuống sáu nẽo luân hồi nó có sức mạnh nên gọi là Nghiệp lực, sức mạnh của nghiệp đưa đến thọ thân, gọi là Ý sanh thân. Công đoạn trong tiến trình sanh tử, do chấp thân làm ngã, hữu tình bị đắm nhiễm nơi thân, khi thân hiện tại bị vô thường biến hoại, thì thân kiến lại bị nghiệp lực thôi thúc của nghiệp lực mà phải đi tìm thân khác nên có thân đời sau. Giống như ngôi nhà của ta đang ở, bổng dưng bị hư hoại, ta liền đi tìm cách xây dựng lại nhà khác để ở. Nhà là thân tứ đại, chủ nhà là nghiệp thức, cũng như vậy.

Khi thọ sinh, kết sinh thức đến trước, khi lìa đời thức này đi sau. Duy thức học gọi là “ Khứ hậu lai tiên, tái chủ ông ”. Người thế gian gọi là “ xuất hồn thư”. Nó  xuất ra tại chỗ nào trên thân phần của người sắp chết, thì chỗ đó lạnh cuối cùng, và điều này dự báo người chết đời sau sẽ tái sanh về cảnh giới nào trong lục đạo. Kinh Đại tập nói đến trong bài kệ lâm chung chánh niệm như sau :

          Đảnh Thánh  nhãn sanh thiên

          Nhân tâm, ngạ quỷ phúc

          Bàng sanh, tất cái ly

          Địa ngục khước môn xuất

 Dịch nghĩa : Trán thánh, mắt lên trời

          Ngực người, bụng ngạ quỷ

          Đầu gối đọa súc sanh

          Bàn chân vào địa ngục.

Dòng sanh mạng hữu tình y cứ nơi thức này mà tồn tại tiếp nối liên tục, nên thức này là tổng báo chủ của sự thọ sanh. Đã thọ sanh thì phải có thân, mà đã có thân thì có cái khổ của thân, nên gọi là hình lụy. Đó là cái khổ của sanh tử. Có hai dạng sanh tử.

 - Phân đoạn sanh tử : là sanh tử của phàm phu, vì ái chấp che đậy, nên tạo nghiệp ái mà phải chịu cái khổ sống chết từng phần từng đoạn. Phàm phu vì lục căn lục trần sai sử, suốt đời tạo cái nghiệp ác, nên phải chịu lụy vào ba đường dữ.

 - Biến dịch sanh tử là sự sanh tử chuyển biến của bậc thánh đã chứng quả Tam thừa. Hàng Nhị thừa vì đắm mê không tịch, khép kín sáu căn, xa lánh sáu trần, tức vẫn còn tạo nghiệp nên còn rơi vào trầm không thú tịch, đoạn hạt giống Phật tánh.

 Nhưng tại sao đã biết thọ sanh sẽ dẫn đến khổ lụy của hình hài mà lại cứ tái diễn sự thọ sanh. Đó là vì chấp thân làm ngã, nói gọn là chấp ngã, là hệ lụy và cũng là hiện hành của thân kiến, là nghiệp dụng của ý nhiễm ô, tức thức Mạt na thứ 7, là thức có hành nghiệp “ y bỉ chuyển duyên bỉ ”, sanh ra từ thức A lại da rồi trở lại chấp kiến phần của A lại da làm ngã.

Nói gọn vì nghiệp si và ái trói buộc mà tổ Quy Sơn gọi là nghiệp hệ . Nói đến thọ sanh thì có bốn cách thọ sanh là :noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh, bao gồm tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Đây đang nói về người tu thuộc về nhân đạo, nên chỉ đề cập đến thai sanh. Chúng sanh ở cõi trời, địa ngục và thân Trung hữu đều chỉ sanh bằng một cách là hóa sanh. A tu la, loài người và súc sanh, ba loài này có đủ bốn cách sanh.

Loài quỷ có hai cách sanh là thai sanh và hóa sanh. Noãn sanh loài sanh nương nơi xác võ để sanh, sanh ra từ trứng.  Thai sanh : loài đầu thai trong bụng mẹ mà sanh ra.  Thấp sanh, loài nương nơi chỗ ẩm ướt để sanh. Hóa sanh loài biến hóa từ không bổng có, từ dạng này qua dạng khác.

Chúng duyên:  là nhiều duyên, tất cả bao gồm bốn duyên chính : Nhân duyên, Tăng thượng duyên,  Sở duyên duyên, và Đẳng vô gián duyên. Không có một hiện tượng nào chỉ do một nhân tố mà sinh ra. Tất cả phải do nhiều duyên hòa hợp tạo thành.

Tứ đại : Bốn đại gọi đủ là bốn đại chủng: gồm địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Đại còn gọi là giới. Địa giới, Thủy giới, hỏa giới, phong giới. Chữ giới có ý nghĩa được coi là nguyên nhân, hay nhân duyên có năng lực phát sanh giữ gìn được tự tánh của tất cả các dạng vật chất, do bốn đại chủng tạo ra.

Nói duyên, là nói đến duyên khởi, các pháp hình thành đều do duyên, nói  thân người thì nói đến chúng duyên, đó là tứ đại kết hợp với nghiệp thức tạo thành, chúng duyên còn gọi là duyên khởi, thì tất cả hiện tượng trong pháp giới từ sắc pháp đến tâm pháp và các pháp không tương ứng với tâm cũng đều do nhân duyên hợp thành, tức là chúng có mặt từ nguyên lý duyên khởi.

Ngài Xá Lợi Phất ngộ đạo theo làm đệ tử Phật bắt nguồn từ bài kệ Duyên khởi của Tỳ kheo Mã Thắng. Xá Lợi Phất gặp Tỳ kheo Mã Thắng hỏi về đạo lý tu tập, Mã Thắng trả lời bằng câu kệ duyên sanh. Ngài đem giáo lý duyên sanh của Phật dạy mà giảng giải, tất cả pháp trong thế gian đều do nhân duyên mà có sanh, rồi cũng hoại diệt khi nhân duyên đã hết, giáo lý đó được diễn tả qua bài kệ.      

          Chư pháp tùng duyên sanh

          Diệt tùng  duyên diệt

          Ngã Phật Đại Sa môn

          Thường tác như thị thuyết

Nghĩa là :

          Các pháp do duyên sanh

          Lại cũng do duyên diệt

          Thầy tôi là Đức Phật

          Thường giảng dạy như vậy.

          Nghe xong thuyết duyên sanh, Xá Lợi Phất thấu suốt được sự thành hoại của vũ trụ duyên sanh và thán phục đức Phật, nên theo ngài Mã Thắng đến Trúc Lâm Tinh xá bái kiến Phật, xin làm đệ tử xuất gia, từ bỏ ngoại đạo.

Khi đề cập đến sự hiện hữu của con người, lý duyên khởi được nhìn qua các thuyết, như thuyết ngũ uẩn duyên khởi,  Thập nhị nhân duyên, A lại da duyên khởi, Nghiệp cảm duyên khởi. 

a/ Thuyết ngũ uẩn duyên khởi, chủ trương thân người do năm uẩn hợp thành, đó là  sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Trong đó các duyên chính là kết sinh thức, tức là thần thức khi nhập thai, cùng với các tăng thượng duyên là tinh cha huyết mẹ hòa hợp nhau mà sanh ra. Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc về vật chất, là sắc thân tứ đại của hữu tình, bốn uẩn còn lại thuộc về tinh thần, là tâm thức gồm tâm vương và tâm sở của hữu tình. Như vậy, năm uẩn thuần túy chỉ là năm hiện tượng tập hợp lại để hình thành mạng sống, do đó năm uẩn chính là thân và tâm của chúng ta.

1/ Sắc uẩn, tức là thân căn, do bốn đại chủng, tức bốn yếu tố, đất, nước, gió, lửa tạo thành. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng. Tín hiệu để nhận ra có mặt của sắc uẩn là nhờ thông qua sự đối lập giữa hai khái niệm có và không.

2/ Thọ uẩn là toàn bộ các cảm giác, gồm có ba loại : lạc thọ, khổ thọ và xả thọ, tức cảm giác khổ, cảm giác vui và cảm giác không khổ không vui. Tín hiệu để nhận ra thọ uẩn là khi nào nhận ra ranh giới giữa xúc và ly

3/ Tưởng uẩn, là nhận thức về những bóng dáng sáu trần được dựng lại thông qua ý tượng hoặc danh ngôn. Tín hiệu để nhận ra sự có mặt của tưởng uẩn là nhờ sự đối lập giữa hai khái niệm  nhớ và quên.

4/ Hành uẩn, là những dòng tâm lý diễn ra có chủ đích dẫn tới một tạo tác của tư tâm sở, nên hành là năng lực tạo nghiệp thiện ác. Tín hiệu để nhận ra hành uẩn là nhờ sự đối lập giữa sinh và diệt.

5/ Thức uẩn,  thức là phân biệt, rõ biết. Tín hiệu để nhận ra sự có mặt của thức uẩn là nhờ thông qua sự đối lập giữa hai khái niệm năng ( chủ thể , kiến phần )  và sở ( đối tượng, tướng phần ).

Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc về vật chất là sắc pháp, bốn uẩn kia thuộc tinh thần là tâm pháp, phân tích hữu tình theo năm uẩn là phương pháp hiệp sắc khai tâm, để đối trị những người chấp tâm là thật ngã, thật pháp. Khi nào còn chấp thủ năm uẩn này là ta, là của ta, thì chúng ta vẫn cứ mãi đi trong sanh tử luân hồi, cho đến khi tuệ giác bừng sáng, nhận rõ năm uẩn là không, thì mới gọi là giác ngộ giải thoát. Như Bát Nhã Tâm kinh nói : “ khi thấy năm uẩn  đều không, thì vượt qua tất cả khổ ách”. ( Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách ).

b/ Thuyết thập nhị nhân duyên : Thuyết này căn cứ theo kinh Duyên khởi, sở dĩ có sự khổ não luân hồi của dòng sanh tử nhiều đời nối tiếp đối với hữu tình nói chung, loài người nói riêng, thì chúng duyên chính là 12 nhân duyên tương quan sinh khởi tạo thành dòng sinh mệnh khổ đau qua nhân quả ba đời. 12 nhân duyên là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật, thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với 12  yếu tố. Các yếu tố này làm cho loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong sanh tử. Cụ thể như sau :

1/ Vô minh : là sự nhận thức sai lầm về bản ngã và thế giới, từ vô thỉ cho đến ngày nay, vì vô minh hoặc nghiệp các phiền não theo đó mà khởi, nên đối với thật sự, thật lý, không nhận thức một cách rõ ràng. Đó gọi là vô minh .

2/ Hành, hành là nghiệp, hành động, có thể tốt hoặc xấu, hay trung tính, phát sanh từ ba chỗ : thân, khẩu, ý. Vì đối với thật sự, thật lý không biết rõ nên tạo tác ra các nghiệp. Đó gọi là vô minh duyên hành.

3/ Thức là nền tảng của một đời sống sắp tới. Thức này lựa chọn cha mẹ khi nghiệp nhân quá khứ đưa nó đi vào thai mẹ ứng theo hành nghiệp tốt xấu quy định trong sát na đầu tiên. Đó gọi là hành duyên thức.

4/ Danh sắc, là toàn bộ tâm lý và vật lý của bào thai mới, do năm uẩn tạo thành. Sau khi nhập thai, thì cá thể kia có đầy đủ hai yếu tố là sắc ( sắc thân ) và danh ( thọ, tưởng, hành, thức ), nhưng lúc này sáu giác quan chưa hoàn thành. Đó gọi là thức duyên Danh sắc.

5/ Lục nhập, là các cặp căn ( sơ quan ) trần ( đối tượng )  tương ứng. Sau khi nhập thai, sáu giác quan của thai nhi bắt đầu hình thành và dần dần phát triển. Đó gọi là danh sắc duyên lục nhập.

6/ Xúc, sau khi thai nhi ra đời, từ 1 tuổi đến 3 tuổi là thời gian đứa trẻ bắt đầu dùng sáu giác quan ( lục căn ) tiếp với hoàn cảnh chung quanh ( lục trần ) của mình để phát sinh hiểu biết ( lục thức ). Trong thời gian này, tuy có sự tiếp xúc, có phát sinh ra hiểu biết, nhưng những cảm giác khổ vui chưa nhận ra rõ ràng minh bạch được. Đó gọi là lục nhập duyên xúc.

7/ Thọ, là cảm nhận của con người  mới với thế giới bên ngoài. Khi lên 4 tuổi cho đến 15 tuổi, đây là thời gian đối với những việc khổ, vui đứa bé bắt đầu có cảm giác phân biệt rõ ràng, từ đó sinh ra tri giác, nhưng thời gian này chưa khởi lên tham dục. Đó gọi là xúc duyên thọ

8/ Ái, là lòng ham muốn xuất phát từ vô minh. Con người theo thời gian càng lớn, ham muốn càng nhiều. Lòng dục thúc đẩy bên trong (ý )  được thể hiện ra ngoài hành động (thân, khẩu ), nhưng vẫn chưa tìm cầu sâu rộng lắm. Đó gọi là thọ duyên ái.

9/ Thủ, là điều cá nhân muốn chiếm lấy cho mình. Khi tuổi hoàn toàn trưởng thành, con người muốn đạt được tất cả mọi thứ mong cầu, nên đi khắp nơi tìm kiếm để sở hữu, tích lũy. Đó gọi là ái duyên thủ.

10/ Hữu là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới. Vì có sự tìm cầu, chứa nhóm cho mình, nên các hoặc nghiệp cũng từ đó phát sanh. Đó gọi là thủ duyên hữu.

11/ Sanh, là sanh y, là đời sống bao gồm tham ái và tham dục. Do nghiệp lực hiện tại, nên sau khi từ bỏ thân này, nó lại hải tiếp tục dẫn thần thức khởi niệm đầu thai vào trong tương lai. Đó là hữu duyên sinh.

12/Lão tử, vì có sinh nên có hoại diệt, là mỗi sát na từ khi sinh cho đến khi từ bỏ thân mạng, giai đoạn này gọi là lão tử.

c) Thuyết A lại da duyên khởi: Thuyết A lại da duyên khởi chủ trương sau khi chết, ngũ uẩn tan rã, nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai. Nhưng dẫn dắt cái gì? Đó là do thức Mạt na chấp kiến phần  của A lại da thức làm ngã và giữ gìn cái ngã ấy. Nhưng làm sao giữ được các giả ngã ấy, trong lúc ngũ uẩn, lục thức đều sanh diệt vô thường hợp ly mãi mãi? Vậy thì phía sau thức Mạt na, tất phải có một thức khác thường tại, lưu giữ  tất cả chủng tử của các pháp mới được. Đó chính là thức A lại da hay còn gọi là tạng thức. Thức này có hai công năng: một là thâu nhiếp tất cả pháp, hai là sinh khởi tất cả pháp. Khi tạo nghiệp thiện hay ác, thì những chủng tử được chứa vào tạng thức, đến khi đủ nhân duyên thì những chủng tử ấy phát ra hiện hạnh.

Bởi A lại da thức bao gồm hết thảy chủng tử của các pháp, nên nó phát hiện được hết năng lực vô hạn của ngàn muôn hiện tượng. khi căn thân của ta liền phát sanh là nó bao gồm cả thế giới khách quan. Khách quan giới thiên sai vạn biệt là do trong chủ quan giới có ý thức tác động mà ra. Chính A lại da thức cũng đồng thời là thức giữ vai trò nuôi dưỡng mạng căn cho hết cuộc đời.

Tóm lại A lại da thức là cái căn bản của hiện tượng vạn pháp. Từ vô thỉ, A lại da thức đã chứa giữ tất cả chủng tử pháp giới, bao gồm căn thân và thế giới, gọi chung là hiện tượng giới. Hiện tượng giới do chủng tử trong tạng thức phát sinh hiện hạnh. Hiện tượng đã hiện hành thì tác động làm phát sinh duyên mới, dẫn đến tác dụng tạo nghiệp. Như thế, chủng tử cùng hiện hạnh mãi làm nhân quả cho nhau, mãi làm nền móng qua bao kiếp nhân quả luân hồi.

 Nhưng A lại da thức là nền móng của nhân quả luân hồi, thì A lại da thức cũng là căn nguyên của giải thoát, vì trong A lại da thức có đủ cả chúng tử hữu lậu và chủng tử vô lậu. Chủng tử vô lậu làm cho tâm thanh tịnh không vọng tâm, nên có thể đưa đến giải thoát.

d/ Thuyết nghiệp cảm duyên khởi :  Nghiệp cảm duyên khởi là lý thuyết rút ra từ trong “ Tứ diệu đế” và “ Thập nhị nhân duyên ”. Phật dạy nguyên nhân của khổ đau, của sanh tử luân hồi là do hoặc nghiệp. Hoặc tức hành động sai lầm, vì hành động sai lầm nên chịu quả khổ đau. .. và cái vòng nhân quả luân hồi cứ tiếp tục mãi, tạo ra có chánh báo là thân ta và y báo  tức là sơn hà đại địa. Sơn hà đại địa chỉ hiện hữu một cách tương đối với thân ta. Khi nghiệp nhân biến đổi thì nghiệp quả cũng biến đổi và do đó chánh báo và y báo cũng biến đổi theo. Khi tạo những nghiệp nhân ngũ giới, thập thiện thì đời sau đầu thai lại, chánh báo vẫn là người và y báo vẫn sơn hà đại địa như đã nhận thấy. Nhưng nếu tạo những nghiệp bất thiện, thì chánh báo ở đời sau sẽ là loài súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục, và y báo cũng không còn giống như cảnh giới của người nữa, nghĩa là vũ trụ, vạn hữu sẽ biến đổi theo nghiệp thức hiểu biết của các loài ấy. Do đó mà gọi là  “nghiệp cảm”, nghĩa là do nghiệp mà cảm thọ thân và cảnh tương ưng. Nói tóm lại, do nghiệp lực mà có thân tâm và thế giới. Chánh báo y báo có thế này hay thế khác, tốt hay xấu, là do nghiệp lành hay nghiệp dữ. Nhưng hễ còn nghiệp là còn hiện tượng giới. Dứt trừ nghiệp là trở về với Chân như, Niết bàn.

“ Bốn đại tuy giữ gìn nhau, nhưng thường xung đột bất bình với nhau ” : Có nghĩa là: Trong pháp giới, tất cả sắc pháp đều nương nơi bốn đại mà được tạo thành, nên bốn đại gọi là chủng ( hạt giống ) , và cũng gọi là giới ( cái nhân ) Địa giới là đại có tính cứng và có sức cản. Thủy giới là đại có tính ướt và có sức kết dính. Hỏa giới là đại có tính nóng và có sức giữ ấm. Phong đại là đại có tính nhẹ nhàng và có sức chuyển động. Chữ giới ở đây đồng nghĩa với chữ giới trong bài kệ : “Vô thỉ thời lai giới, nhứt thiết pháp đẳng y, do thử hữu chư thú, cập niết bàn đắc chứng ” ( từ vô thỉ đến nay, các pháp nương nhân này, mà có các chúng sinh, và thánh quả niết bàn ). Trong kinh Đại thừa  A tỳ đàm. Từ giới ở đây được xem là đồng nghĩa với từ chủng tử trong Duy thức học nếu sự hiện hành của chủng tử ấy là sắc pháp.

 Kinh Đại Bát Niết Bàn nói : “ Bồ tát suy xét thân này như cái trắp, đất nước gió lửa như rắn độc. Bốn rắn độc này thường rình rập hại người : Lúc nào cũng dõi mắt nhìn ngó để tìm cơ hội tiếp cận, phun độc, cắn mổ. Tứ đại cũng vậy, thường rình chờ khi có dịp để hại mạng chúng sanh. Bốn rắn độc này dù được săn sóc, nuôi dưỡng, nhưng nó cũng thường muốn giết người. Cũng vậy,  dù thường được cung cấp, nhưng tứ đại cũng luôn dẫn dắt sai sử người tạo những nghiệp ác. Bốn rắn độc ấy, nếu một con sân giận cũng đủ để hại người. Tánh tứ đại cũng vậy, nếu một đại tăng lên đột biến cũng có thể  hại người. Bốn rắn độc ấy dù ở chung trong một cái trắp, nhưng tâm tánh đều riêng khác. Tứ đại dù đồng ở một thân mà tánh của mỗi đại khác nhau. Bốn rắn độc ấy dù có kính mến nó, cũng khó có thể gần gũi nó, tứ đại cũng vậy. Nếu bị bốn rắn độc hại hết, chưa đến nổi phải đọa trong ba đường ác. Nếu bị tứ đại giết hại tất sanh vào ba đường ác. Vì thế, như người trí nghe hơi tanh của rắn độc liền tránh xa, chư Phật , Bồ tát nghe mùi tanh của tứ đại cũng liền tránh xa ”.

  ( Trích : giảng giải văn Quy Sơn cảnh Sách – HT Thích Thiện Toàn – ấn hành 5-8-2020 )

{]{

CẢNH SÁCH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét