Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

LỜI KHAI THỊ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ CỦA THIỀN SƯ VĨNH GIÁC NGUYÊN HIỀN

 

LỜI KHAI THỊ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ CỦA THIỀN SƯ VĨNH GIÁC NGUYÊN HIỀN

1- Nguồn gốc Tịnh độ : Thuở xưa, vì một đại sự nhân duyên mà đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, giảng giải nhiều giáo pháp, bao trùm khắp mọi căn cơ chúng sanh,  đó là vì muốn diệt trừ tập khí ô nhiễm của chúng sanh, giúp chúng sanh quay về bản lai thanh tịnh của chính mình. Nhưng căn cơ đã không phải một nên  giáo pháp cũng có nghìn thứ sai khác vô cùng. Song, muốn tìm pháp môn tu trì dễ nhất, nhập đạo chắc nhất, thành công nhanh nhất, thì không gì bằng pháp môn Tịnh độ.

Thế nào là Tịnh độ?  Trong khoảng hư không bao la, vô số cõi nước, có cõi tịnh cõi uế. Chúng sanh tâm tịnh thì sanh cõi tịnh; chúng sanh tâm trược thì sanh cõi trược. Sanh về cõi trược thì nghiệp chướng phiền não ngày càng sâu, pháp thiện khó thành. Sanh về cõi tịnh thì nghiệp chướng phiền não ngày càng giảm bớt, pháp thiện dễ thành. Cho nên, người học đạo cần phải lựa chọn cõi tịnh, cõi uế. Dù trong cõi tịnh cũng có nhiều sai khác, nhưng cõi thù thắng nhất là thế giới Cực lạc Tây phương. Thế giới này được thành tựu từ vô lượng nguyện lực và vô lượng công đức của đức Phật A di đà. Công đức trang nghiêm đó chư Phật ở các phương khác chẳng thể so sánh được.

Trong vấn đề này có sự và lý, người tu hành không nên bỏ một bên. Thế nào là sự? Là tất cả sự tướng miêu tả Tịnh độ ở trong kinh điển. Thế nào là lý?  Là biết tất cả sự tướng không ra ngoài nhất tâm. Tuy nói là duy tâm Tịnh độ, mà không ngại có thế giới Cực lạc, vì thế giới tức từ tâm hiện. Tuy nói bản tánh Di đà, mà cũng không ngại có giáo chủ Cực lạc, vì giáo chủ tức từ bản tánh thành.

Tuy tịch tĩnh vô sanh mà cũng không ngại có vãng sanh mạnh mẽ, vì vãng sanh mà vốn vô tự sanh. Bậc cao minh phần nhiều thích nói lý mà chê người tu theo sự. Hạng trung căn, hạ căn thì phần nhiều chấp vào tu sự mà mê muội thật lý. Hoàn toàn không biết lý là lý không ngoài sự, sự là sự ở trong lý. Chấp lý mà bỏ sự thì có họa rơi vào “ không”. Chấp sự mà mê lý thì còn có lợi ích vãng sanh. Há ưa nói ‘không ’  để chịu họa thật sao?

2 Chánh tín niệm Phật :  Tu pháp môn này quan trọng nhất là chánh tín. Chư Phật, chư đại Bồ tát ba thời và chư đại tổ sư đều từ chánh tín này mà về sau mới có thể chứng nhập. Nếu không có niềm tin này thì tâm sẽ do dự không quyết định, mơ hồ không chân thật. Dù cho người đó không chịu tu tập, nhưng nếu có chánh tín này thì liền chịu tu tập. Còn những người tu tập không chuyên cần, hoặc lúc tu lúc ngừng mà lại không có bản lĩnh ‘ chém đinh, chặt sắt’ không có ý chí ‘bắn tên xuyên đá’, há có thể thành tựu được sao?  Chánh tín này thật là một công đức hi hữu! Vì tâm thức phàm phu chúng ta u mê thấp kém, bị ràng buộc vào tập khí trong đời này, không thể biết được cõi nước rộng lớn, cảnh giới nhiệm mầu, nên vừa thấy việc phi thường liền nghi ngờ không dám tin. Vì thế, phàm phu chỉ nên kiên quyết vâng theo lời Phật dạy.

Đức Phật dùng tâm đại từ bi, tâm đại trí tuệ, nói lời thành thật, tuyệt đối không lừa dối. Lời Phật mà không tin thì lời nào mới đáng tin? Tin lời Phật có hai phương diện, một là tin lý, hai là tin sự . Người tin vào lý thì tin tâm ta chính là Tịnh độ, tin bản tánh ta chính là Di đà. Người tin sự thì tin Tây phương thật sự có Tịnh độ, Tây phương thật sự có Di đà. Tuy có lý mà toàn lý thành sự, như từ biển tâm thanh tịnh có thể hiện ra sum la vạn tượng. Tuy có sự nhưng toàn sự là lý, như sum la vạn tượng không lìa biển tâm thanh tịnh, cũng là một mà cũng là hai, chẳng phải một mà chẳng phải hai. Tin hiểu như vậy gọi là chánh tín. Nếu tin lý mà không tin sự, hoặc tin sự mà không tin lý thì gọi là thiên tín ( tin thiên lệch ), chẳng phải là chánh tín. Người tu hành nếu chưa đạt được chánh tín như vậy, thì cần phải học rộng biết nhiều, nghiên cứu rộng rãi kinh luận, thì những nghi ngờ tự nhiên tan hết, chánh tín tự nhiên hiện tiền, mới có thể phát khởi đại nguyện, thúc giục phát khởi đại hạnh, chứng ngay bồ đề không đợi sau khi chết!

Nhiều người có thiên tư tuyệt diệu, mới xem kinh luận liền cho  là mình đã đạt được chánh tín, thì sẽ bị tập khí tích lũy trói buộc, không thể tiến bộ được bước nào. Họ không biết đây chỉ là hiểu biết phù phiếm chứ chẳng phải là chánh tín. Nếu tin hổ có thể ăn thịt người, thì đâu dám xem thường mà đến gần nó! Nếu tin rượu độc có thể hại chết người, thì đâu dám tùy tiện mà nếm thử? Nay có người cam chịu tai họa bị cắn và bị độc mà không hối hận, thì không còn ai bất tín hơn? Nếu là bậc trượng phu minh đạt, thì xin từ đây buông xuống!

3- Chánh hạnh niệm Phật  :  Người tu Tịnh nghiệp đã đầy đủ chánh tín, cần phải tu chánh hạnh. Như ngài Chân Hiết nói :  “ Dùng câu niệm Phật làm thoại đầu, trong mười hai thời thường xuyên đề khởi, không dùng hữu tâm niệm, không dùng vô tâm niệm, cũng không dùng hữu tâm cùng vô tâm niệm, không dùng chẳng hữu tâm chẳng vô tâm niệm, quá khứ vị lai đều đoạn, một niệm không sanh, không tiến theo thứ lớp, chứng thẳng lên quả vị Phật. Đây là tu theo lý.

 Nếu tu hành theo sự thì phải chuyên tâm nhất niệm, duyên vào câu A di đà Phật  như dựa vào núi Tu di, lay không hề động. sáng niệm như vậy, tối cũng niệm như vậy, đi niệm như vậy, ngồi cũng niệm như vậy, ứng duyên tiếp vật cũng niệm như vậy, dù gặp cảnh thuận nghịch cũng niệm như vậy. Tịnh niệm tương tục, tự nhiên tâm khai ngộ, không hề khác với người tu theo lý như đã nói ở trước. Nếu tu như vậy mà tâm chưa khai ngộ, thì lúc lâm chung chắc chắn cũng được sanh về Cực lạc. và cũng không phải sanh về phẩm trung hay hạ. Nếu như năng lực không đủ, công phu chưa thuần thì cần phải theo sức mình tu tập, hoặc sớm chiều lễ niệm, hoặc sáng sớm mười niệm, tích công lũy đức, từ từ vun bồi quả thiện. Quan trọng là tín nguyện kiên cố, thì lúc lâm chung chắc chắn vãng sanh, nhưng phẩm vị hơi thấp, thấy Phật hơi trễ. Nếu hoa sen Cực lạc chưa được đề tên thì cũng không đọa vào đường ác.

4- Tu thêm nhiều phước : Người tu Tịnh nghiệp chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà cần phải tu nhiều phước để trợ giúp thêm. Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi “ Muốn sanh về nước kia phải tu ba loại phước : một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng,  từ tâm không sát sanh,  tu mười thiện nghiệp; hai là thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi ; ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh Đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba nghiệp này là chánh nhân Tịnh nghiệp của ba thời chư Phật.”

Pháp sư Tăng Triệu nói : “ Pháp hữu vi tuy là hư vọng, nhưng bỏ đi thì Phật đạo khó thành. Pháp vô vi tuy là chân thật, nhưng chấp trước thì trí tuệ không sáng ”. Nay ông muốn tu niệm Phật tam muội cầu sanh Tịnh độ, mau chứng Bồ đề Phật quả thì phải chuyên dùng niệm Phật làm chánh hạnh, lấy phước đức làm kiêm tu. Sớm tối thường siêng năng cúng dường Tam bảo, lễ lạy sám hối, bố thí, trì giới, thanh tịnh ba nghiệp, tiến tu Tịnh duyên. Đem tất cả căn lành tu tập được đều hồi hướng Tịnh độ, thành tựu công đức niệm Phật. Như vậy, có thể nói là thuyền đã xuôi nước mà còn có thêm mái chèo.

5- Chánh nguyện niệm Phật :  Đạo sư Từ Chiếu nói : “ Có hành không có nguyện, thì hành đó sẽ đơn độc, có nguyện không có hành, thì nguyện đó sẽ giả dối, hành và nguyện tương tợ nhau mới bước lên bảo địa ”. Thế nên, phàm người niệm Phật thì phải phát chánh nguyện. Chánh nguyện là không nguyện cầu phước báo cõi người, cõi trời, không nguyện cầu quả bồ tát quyền thừa, không cầu quả Tiểu thừa, không nguyện cầu một mình tôi được sanh Tịnh độ, được chứng bồ đề, mà nguyện cho tất cả chúng sanh đồng sanh Tịnh độ, đồng chứng bồ đề.

 Nguyện này vừa phát thì ngay lập tức có thể đầy đủ vô lượng công đức, có thể tiêu trừ vô lượng  nghiệp chướng, có thể phá vô lượng lưới ma, vĩnh viễn là hạt giống chân chính thành Phật, cũng gọi là tâm bồ đề. Vì vậy, người tu hành mỗi ngày nên phát nguyện như vậy, luôn luôn phát nguyện như vậy. Nguyện lực kiên cố không thay đổi, thì tất cả vạn điều lành đều thành tựu, là chánh nhân Tịnh độ, là diệu hạnh bồ đề. Sao lại lo sợ không  được vãng sanh?

6- Lâm chung chánh niệm :   Công phu tu Tịnh nghiệp tích lũy từng ngày, nhưng một niệm sau cùng lúc lâm chung lại rất quan trọng. Bởi vì sanh cõi Tịnh hay cõi uế, vào thánh hay nhập phàm, chỉ một niệm này, do một niệm này mà thay đổi. Tôi thường thấy người niệm Phật mỗi ngày đều nói cầu sanh Tịnh độ, nhưng đến lúc lâm chung thì phần đông lại không có chánh niệm, hoặc tham sống sợ chết, lưu luyến túi da này, hoặc thấy vợ con thì không chịu nổi cảnh chia ly, hoặc tiếc nuối gia tài, không buông xả được, hoặc vì hoàn cảnh không như ý, chết trong oán hận, hoặc bị bệnh tật hành hạ, ra đi trong sự đau đớn. Người đã mất chánh niệm thì phải chịu đọa lạc.

Nay tôi có đôi lời khuyên, người tu hành đến phút lâm chung thì phải chí thành tin vào kinh điển, chánh niệm kiên định, buông xả tất cả mọi thứ, niệm Phật cho đến khi ra đi. Than ôi!   Cửa tử là chuyện lớn, chỉ trong khoảnh khắc đã sang đời khác, một niệm sai lầm là nhiều kiếp chịu khổ, lẽ nào không cẩn thận sao?  ./.

T

LỜI KHAI THỊ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ CỦA THIỀN SƯ VĨNH GIÁC NGUYÊN HIỀN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét