Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC VÃNG SANH

 

NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC VÃNG SANH

          Pháp môn niệm Phật rất đơn giản, nhưng những người niệm Phật hiện nay đều không quyết chí, cho nên rất nhiều người niệm Phật mà không được mấy người thành tựu. Tất cả  Bồ tát, Trời, Người, nếu sanh về Tây phương vượt qua biển khổ đều nương vào một câu niệm Phật này. Song muốn biết tâm niệm Phật này chân thật hay không chân thật, chỉ cần xem xét giây phút thủ chứng của hành giả trong hai hoàn cảnh vui vẻ hay phiền não thì tâm thật giả sẽ được nhận biết rõ ràng.

          Đại khái nếu là người thật tâm niệm Phật thì trong hoàn cảnh vui vẻ hay phiền não vẫn niệm Phật không gián đoạn. Vì phiền não không thể làm động tâm họ, vui vẻ cũng không làm động tâm họ thì cảnh sanh tử tự nhiên  không khiến họ hoảng sợ.  Người ngày nay vừa có chút vui giận xuất hiện là liền ném Phật A di đà ra sau ót. Như thế thì làm sao có thể đạt được sự linh nghiệm của sự niệm Phật. Nếu niệm Phật theo cách bên trong không thương ngòai không ghét, vẫn có thể không quên câu niệm Phật, Phật di đà luôn hiện tiền. Niệm Phật như vậy mà hằng ngày không thể cảm nhận được lợi lạc, lúc lâm chung không được sanh về Cực lạc sao? Nếu không hành trì theo phương pháp bên trong quên tâm bên ngoài quên cảnh, thì sự niệm Phật không có đạt sự lợi ích, thì lỗi tại người niệm chứ không phải lỗi tại pháp niệm Phật.

Niệm Phật trong giấc ngủ cũng không rời câu niệm Phật, thì mới có phần thoát khổ. Nếu trong giấc ngủ không thể nhớ niệm Phật, thì lúc tỉnh dậy phải ăn năn nhớ niệm Phật trở lại, cứ như vậy, sự niệm Phật thuần thục thức ngủ cũng đều niệm Phật. Những người niệm Phật có khi 30 năm hoặc suốt cả đời, miệng niệm mà tâm không nhớ, đến lúc lâm chung thì vô dụng. Trường hợp này lúc sanh tiền, trong giấc ngủ chưa từng niệm Phật,  người sống như tỉnh, người chết như mộng, cho nên nếu người trong mộng từng niệm Phật thì đến lúc lâm chung tự nhiên không bị gián đoạn.

 Trường hợp niệm Phật chắc chắn được vãng sanh là chỉ cho những người trong đời sống hằng ngày luôn trì niệm danh hiệu Phật, đến lúc lâm chung được nhất tâm bất loạn, là người chỉ biết Ta bà là chốn khổ đau cùng cực, Tịnh độ là cõi an lạc vô cùng. Giống như loài chim, loài cá, thân tuy trong lồng trong chậu, nhưng tâm lúc nào cũng muốn ra ngoài khỏi lồng khỏi chậu. Người niệm Phật xem Ta bà là lồng, chậu, xem Tịnh độ như hư không, sông suối. Tâm chán ngán Ta bà và tâm yêu thích Tịnh độ rõ ràng. Cho nên đến lúc xả báo thân, sự ham muốn Ta bà hoàn toàn không hề khởi tâm. Vì vậy, không luận người này tội nặng hay tội nhẹ, đều được vãng sanh ngay không có gì phải nghi ngờ. Còn như trong đời sống hằng ngày tuy niệm Phật thời gian lâu dài, nhưng đến lúc xả báo thân mà tâm ham muốn cõi Ta bà khởi lên không ngừng, khiến cho sự quán tưởng về Tịnh độ không nhất tâm. Những người như vậy cũng được cho là niệm Phật có thể mang theo nghiệp vãng sanh Tịnh độ. Ngoài hai trường hợp trên thì vãng sanh chắc chắn khó.

          Vì không hiểu pháp tánh thì ái tình không phá được, ái tình không phá được thì sự chấp thọ về thân tâm không thể tiêu tan. Vì chấp thọ không tiêu tan, cho nên cội gốc ham muốn về ăn uống và nam nữ không thể nhổ bỏ. Vì thế miệng thì niệm Di đà mà tâm thì chạy theo cảnh ham muốn. Nếu như vậy cách phá chấp thân tâm trước, từ từ cho thuần thục thì có thể biết rõ thân tâm đều chẳng phải của ta. Nếu thành tựu được kiến giải này, thì tuy chưa phá ngay được sự chấp thọ thân tâm, nhưng so với người bình thường thì đã cao minh lắm rồi.

Nếu không đủ kiến giải phá chấp thân tâm và cảnh duyên, thì hành giả miên mật niệm Phật đến lúc thân tâm thuần thục với câu Phật hiệu, cộng với sự gia trì của Phật, Bồ tát, thì hành giả có thể vãng sanh, nếu không được thượng phẩm thượng sanh, thì cũng được trung phẩm, hoặc hạ phẩm. Khi đã được vào một trong chín phẩm, thì hành giả không còn lo trở lại sanh tử luân hồi nữa.

Còn nếu có khả năng quán chiếu thấy rõ thân tâm  chẳng thật có, sự chấp trước đã nhẹ, thì dùng ngay cái tâm vô chấp trì danh hiệu Phật A di đà, nhất tâm quán tưởng Tây phương. Thực hành như vậy, đến lúc xả báo thân, không cần gắng sức mà tâm ham muốn Ta bà cũng tự nhiên rỗng rang, thì sự vãng sanh sẽ đạt được như ý.  Ngài Lô Sơn có soạn bài kệ  Luận pháp Tánh để khơi mở trí giải cho chúng sanh như sau :

          Tâm tịnh cõi Phật tịnh

          Tâm uế cõi Phật uế

          Tịnh uế đã tại tâm

          Nhọc chi tìm lý khác

          Quán tâm lúc chưa sanh

          Tịnh uế ở nơi nào

          Nếu quán này thấu triệt

          Tội lỗi tự tiêu tan

          Không đợi hoa sen nở

          Hương thơm cùng ánh sáng

          Đều từ miệng tỏa ra

          Nam mô A di đà

          Phật tức tự tâm giác

          Giác tức tình không sanh

          Tình sanh thành giết Phật

          Giết Phật đọa địa ngục

          Cõi Liên Hoa khó sanh

          Nếu tình không còn sanh

          Di dà tự đến đón

          Hoa sen là bào thai

          Không làm chúng sanh nữa

          Niệm Phật tuy không khó

          Khó, phá ải thuận nghịch

          Ải thuận nghịch phá rồi

          Di đà mới được gặp ./.

          {]{

NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC VÃNG SANH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét