Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

NGHIỆP VÀ NẶNG NGHIỆP

 

NGHIỆP VÀ NẶNG NGHIỆP

Thân phận có người có ra, đạo Gia tô quan niệm do Chúa tạo , gọi là “ ý Chúa”. Quan niệm tư tưởng Khổng giáo gọi là “ Định mệnh, ”  hay “ số mệnh”, tư tưởng nhân gian gọi là “ ý trời”.  Đạo Phật gọi là  “ Nghiệp”. Mỗi tôn giáo và tư tưởng nhân gian đều có chung một điểm là có cái lý do “ ban đầu ” tạo ra, tức có nguyên nhân sơ khởi hình thành nên thân phận con người. Nhưng  “ ý Chúa” hay “ ý Trời” hoặc “ số mệnh, định mệnh” thì không giải thích được, và cũng không thay đổi được “ ý Trời, ý Chúa, Định mệnh, hay số mệnh ” được. Con người cứ nhắm mắt mà tin, cứ cam tâm mà chịu, không có hướng đi nào khác. Trái lại đạo Phật quan niệm con người có ra là do “Nghiệp”. Nghiệp đạo Phật nói có thể thay đổi được, cho nên Nghiệp có nhiều loại: Định nghiệp, bất định nghiệp, nghiệp ác, nghiệp thiện, cọng nghiệp, biệt nghiệp, viễn nghiệp, cận tử nghiệp v.v...

Định nghĩa nghiệp theo đạo Phật : Nghiệp là hành động có tác ý lặp đi lặp lại thành thói quen, gọi là nghiệp. Như vậy nghiệp kết hợp bởi thân, khẩu , ý, gọi là thân nghiệp là hành động của thân, khẩu nghiệp là hành động của miệng, ý nghiệp là sự tác động của ý. Dù thân nghiệp hay khẩu nghiệp đều do ý làm chủ, ý sai khiến. Tuy nói ba nhưng thật có một là ý nghiệp, kinh Pháp cú có kệ rằng :

          Trong các pháp tâm làm chủ

          Tâm dẫn đầu tạo đủ mọi duyên

          Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền

          Như xe lăn bánh khổ liền theo sau.

Định nghiệp là nghiệp đã thuần thục chín mùi không thể thay đổi được, giống  như : “ ý Chúa, Ý Trời, Định mệnh, số mệnh ”. Còn Bất định nghiệp là loại nghiệp có thể thay đổi được. Loại nghiệp này các tôn giáo và tư tưởng nhân gian không đề cập đến. Duy chỉ có đạo Phật phát huy ra chỉ cho chúng sanh có con đường thoát khổ, thay đổi đời sống mê muội qua sáng suốt, cực khổ qua sung sướng. Bất định nghiệp, là nghiệp có thể thay đổi được, nghiệp này giống như tư tưởng từ “ cách mạng” của chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật chỉ cho con người biết thay đổi cách nhìn, cách hiểu, cách hành động, từ đời sống nô lệ thoát ra đời sống tự do, từ cuộc sống nghèo thiếu qua cuộc sống sung túc hạnh phúc. Nhưng “ cách mạng” chỉ đường cho con người đi sâu vào mục đích là  “ chấp thủ” và “ tham dục”.  Đạo Phật nói Khổ là nguyên nhân của “ ái dục” và “ chấp thủ”.  Như vậy, tư tưởng các tôn giáo và các tư tưởng chính trị và nhân gian đều đưa con người hố sâu của con đường không lối thoát, không có lối mở rõ ràng. Trái lại đạo Phật vạch ra cho chúng sanh con đường rõ ràng, không ai không đi được. Tự mình đi không cần ai dẫn dắt, không lệ thuộc thần linh nào.  Đức Phật nói : “ tự mình thắp đuốc lên mà đi” hoặc “ hãy lấy tự thân mình làm hồn đảo cho chính mình, không dựa vào ai khác”.

Nhưng để hiểu hết về Nghiệp của đạo Phật không ai có thể hiểu hết, vì thế nên lầm tưởng và đồng nhất chữ Nghiệp với số mệnh, định mệnh, ý trời của các tôn giáo khác và tư tưởng nhân gian là lẽ tất nhiên. Cho nên mỗi khi có ai hoặc tu hay không tu, đời hay đạo bị việc gì trắc trở bất an, tai họa thì mọi người đều cho rằng người đó “ nặng nghiệp ”. Họ đổ thừa cho nghiệp. Như vậy trong Phật giáo những việc như vậy nói “ nặng nghiệp” có đúng không. Những gì bất trắc khó khăn người ta cho là tại nghiệp, nhưng những gì hanh thông, lợi ích, như thăng quan tiến chức, trúng số, thi đậu v.v...không ai nói tại nghiệp. Trong khi đạo Phật phân định rõ ràng, nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, trái lại người ta nhìn nghiệp qua con mắt tiêu cực, nên quan niệm nghiệp chưa hoàn hảo.

Trong Phật giáo có nhiều pháp môn, nhiều tông phái, định nghĩa nghiệp nặng khác nhau không đồng nhất. Sự khác biệt quan điểm của các hệ tư tưởng của các tông phái như sau :

-Theo Phật giáo Nguyên thủy là đạt đến tâm vô ngã, chấm dứt thọ nghiệp. Bốn quả : Tu- đà-hoàn, Tư-đà- hoàn, A-na-hàm và A La Hán, cũng chưa đạt được vô ngã, thì cũng chưa hết nghiệp .

- Theo quan điểm Đại thừa Phật giáo, phải phát Bồ đề tâm, kẻ nào không liên tục phát Bồ đề tâm kẻ đó còn nhiều nghiệp chướng.

- Thiền tông : quan điểm của Thiền tông, thì phải thấy được tánh, gọi là “ bản lại diện mục” tức là “ mặt mũi đầu tiên khi cha mẹ chưa sinh ra”. Ai chưa thấy tánh thì còn nặng nghiệp.

- Thiên Thai giáo, tức Pháp Hoa tông, phải “ ngộ nhập Phật tri kiến” thì mới hết nghiệp, còn chưa ngộ nhập thì còn nặng nghiệp.

- Pháp tướng tông: Nhiếp vạn pháp quy về Chân Duy thức Tánh, người nào chưa có khả năng thực hiện Chân Duy thức tánh, thì gọi là kẻ nặng nghiệp

- Luật tông : Nhiếp thân ngữ ý vào Thi la Tánh, nếu chưa biểu hiện như thế thì gọi là nặng nghiệp.

- Tam luận tông : Lấy “ lìa Có và Không” vào Trung đạo làm tôn chỉ, rồi tiến đến “ siêu tứ cú, tuyệt bách phi” ai chưa thì gọi là nặng nghiệp.

-Pháp môn Tịnh độ thì sao?  Nguyện một đời vãng sanh, ai không đủ Tín, Hạnh, Nguyện thì tông này gọi là người nghiệp chướng nặng nề.

Bản nguyện của Phật A-di-đà rộng lớn, nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh nghiệp nặng, phước khinh, huệ mỏng, chướng sâu, hết thảy chúng sanh tội khổ, mê đắm, xấu ác đều là đối tượng chính của bản nguyện, và Đức Phật A-di-đà sẳn sàng cứu độ, không loại trừ một ai, không bỏ rơi chúng sanh nào.

Trong pháp môn Tịnh độ bản nguyện Phật A-di-đà che chở những kẻ thường bị thế gian khinh miệt là nghiệp chướng nặng nề, là độn căn hạ trí, ươn hèn, yếu  đuối. Đức Phật A-di-đà luôn ưu ái những người tội lỗi, nghiệp nặng và luôn đối xử đối xử với họ bằng bi mẫn đặc biệt.

 Nhưng thật ra ngoại trừ tất cả những bậc Thánh cốt thị hiện cứu độ chúng sanh, thì tất cả chúng sanh đều là những kẻ nặng nghiệp.

Đạo Phật không phân biệt nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ, trái lại nghiệp nào càng nặng, càng được Phật cứu  một cách khẩn trương, càng được ưu ái.  Lại nữa, Phật như mẹ thương con, thế nên đứa con nào gặp phải nguy nan khổ ách Phật liền cứu, cho nên chúng ta đừng ngại rằng mình nghiệp nặng và cũng đừng khinh miệt người khác nghiệp nặng.

Thật may mắn thay, cho những kẻ nhiều ác nghiệp, bởi vì ai có duyên sẽ được Phật cứu những kẻ chất chứa nhiều ác nghiệp sẽ được Phật A-di-đà cứu độ. Vui thay, hạnh phúc thay, có một giáo lý như vậy, nhân sinh mới có nhiều thăng hoa, nhiều hứa hẹn mới được là đáng sống.

Danh hiệu Phật A-di-đà thù thắng nhiệm mầu, chuyển hóa cái tâm nhơ bẩn xấu ác này trở thành cái tâm thanh tịnh hiền lương đạo đức, Niết bàn vi diệu, bằng cách chuyển hóa những kẻ mê muội ám chướng, tội lỗi nghiệp nặng sang cư ngụ tại cõi Cực lạc.

Đạo Phật không những dành riêng cho những người thông minh đạo đức ( hạng này rất ít, rất hiếm ), mà đặc biệt dành cho những con người yếu đuối, hư hỏng, bị cám dỗ của tội lỗi, cưu mang lắm nghiệp nặng, hành vi xấu ác, tâm lý mê đắm. Nhờ vậy, mới làm sáng tỏ đức từ bi vô hạn của chư Phật , Bồ tát.

Ngày xưa khi Phật còn tại thế. Angulimala từng giết nhiều người, Yasa một công tử giàu có đam mê dục lạc, Châu lợi-bàn-đà u mê si độn, đều được Phật độ tu hành chứng quả giải thoát.  Cho nên chúng ta hãy lạc quan không cần biết mình nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ, hãy hành trì chắc thật và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự cứu độ không giới hạn của chư Phật../.

{]{

NGHIỆP VÀ NẶNG NGHIỆP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét