Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

TÌM HIỂU VỀ NHÂN QUẢ TRONG ĐẠO PHẬT

 

TÌM HIỂU VỀ NHÂN QUẢ TRONG ĐẠO PHẬT

Nhân quả là chủ đề trung tâm của Phật pháp. Thế nhưng những người theo chủ nghĩa duy vật, khi tìm hiểu về tính nhân quả trong Phật giáo họ thường nhắm đến các hoạt động thực tiễn của vũ trụ nhân sinh, bằng sự quan sát, phân tích, đánh giá thông qua các giác quan, mà bỏ qua yếu tố vận hành về  nhân quả  trong hoạt động tâm lý. Hoặc những tín đồ Phật giáo khi triển khai nhân quả thì thường dẫn dụng những câu chuyện huyền bí chưa được kiểm chứng hoặc thiếu sức thuyết phục. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả, khiến cho những người nghe nói đến nhân quả ngay lập tức thính chúng gán cho Phật giáo là mê tín, dị đoan, rồi cho rằng thuyết nhân quả là thuyết mê tín dị đoan của Phật giáo. Đây là điều sai lầm mà người thiếu hiểu biết về nhân quả thường hay mắc phải.

Phật giáo hoàn toàn không phải là tôn giáo mang màu sắc mê tín, cũng không dẫn dắt con người đi con đường tà dị đoan, cho nên nhân quả mà Phật giáo nói đến không thể xem như một học thuyết mê tín, mà phải nhìn nhận nhân quả như một quy luật khách quan mang tính khoa học. 

Đức Phật vì muốn khai mở tri kiến cho chúng sanh để thoát khổ được vui nên ngài mới xuất hiện ở đời. Đức Phật thấy rõ cảnh đời đầy đau khổ, nên quyết chí từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, xã tắc, địa vị cao sang, để dấn thân trên con đường tìm đạo, học đạo và tu tập. Sau khi giác ngộ ngài trải qua 49 năm thuyết pháp các vùng trong Ấn Độ. Đức Phật không phải là thành phần nghèo khổ để đi tìm con đường vinh hoa phú quý, không vì danh thơm lợi dưỡng, để thu nhận tín đồ càng đông càng tốt, để khuếch trương danh thơm của mình. Phật là bậc khai sáng chủ trương thuyết “vô ngã” đặt nặng mục đích “ lợi tha” vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng những lời thuyết giáo của ngài không vì mục đích tư lợi.

 Trong kinh Kim Cương đã khẳng định: “ Này Tu Bồ Đề !  Như Lai là bậc  nói lời chân chính, nói lời thành thực, bậc nói lời như thực, bậc không nói lời tráo trở, bậc không nói lời sai khác”.

Mê tín là niềm tin mù quáng không xác thực, không được kiểm định bởi lý trí, người mê tín  có thái độ nhắm mắt tin theo một chủ thuyết vô căn cứ, thường mang tính tiêu cực. Mê tín còn biểu hiện ở tâm lý sợ hãi thần linh hoặc năng lực vô hình nào đó, rồi dẫn đến hình thức lễ lạy cầu xin ban ơn giáng họa. Không tự nỗ lực hành động vì lợi ích cho chính mình và người khác.

Phật pháp không rao giảng bất kỳ một đấng tạo hóa hoặc vô hình nào có khả năng chi phối toàn bộ sự vật  hiện tượng trên thế gian nầy, trong đó có con người. Đức Phật không dạy tín đồ nhắm mắt tin theo lời dạy của ngài một cách vô điều kiện, mà khuyên mọi người hãy thẩm định và kiểm chứng cẩn thận trước khi tin bất cứ một điều gì kể cả lời Phật dạy. Tăng chi bộ kinh Đại phẩm ghi : “ Này Bạt đề! các ngươi chớ có tin lời đồn đoán, chớ có tin lời truyền tụng, chớ có tin lời tưởng tượng ra, chớ có tin những lời được kinh tụng truyền dạy, chớ có tin những gì đặt trên sự tác ý, chớ có tin những gì đặt trên các lý do, chớ có tin những gì vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, chớ có tin những gì phù hợp với định kiến, chớ có tin những gì phát xuất từ người có uy quyền, chớ có tin vị sa môn này là bậc thầy của mình. Này Bạt đề, khi nào các người tự biết rằng các pháp này là bất thiện, pháp này là có tội, pháp này bị người trí chê trách, nếu tự mình thực hiện và chấp nhận viên mãn pháp này, thì sẽ đưa đến vô ích khổ não. Khi nào các người tự biết rằng các pháp này là thiện, pháp này là không có tội, pháp này được người trí khen ngợi, pháp này nếu tự mình thực hành và chấp nhận viên mãn, thì sẽ được an lạc và lợi ích. Này Bạt đề,  các ngươi hãy vâng giữ đầy đủ và an trú .”

Đức Phật khuyên các đệ tử mình hảy thẩm xét cẩn thận khi học hỏi, không nên vội vàng tin nhận bất cứ điều gì chưa kinh qua sự thẩm định, ngay cả lời nói của bậc đạo sư. Về niềm tin đức Phật không bao giờ ép buộc học trò tin vào những lời ngài thuyết giảng, mà trước khi tin điều gì đó thì phải thẩm định xem điều đó có thật là pháp thiện hay không, có được người trí khen ngợi hay không, có lợi ích cho mình và người trong hiện tại và tương lai hay không. Tư tưởng tự do của đức Phật cũng như các đệ tử của ngài mà chúng ta hiếm thấy trong các tôn giáo khác có mặt trên toàn cầu, vì vậy Phật giáo nói về thuyết nhân quả không rơi vào con đường mê tín và duy tín.

Nhân quả là định luật khách quan và phổ biến, nó chi phối tất cả mọi sự vật hiện tượng từ thế giới vật lý đến thế giới tâm lý. Mọi người ai cũng hiểu nhân quả theo chiều hướng “ ác giả ác báo, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão ”, về phương diện nào đó, lộ trình vận hành từ nhân đến quả như vậy không sai, nhưng cách hiểu ấy chưa đầy đủ và thấu đáo, nên dễ dẫn đến sự ngờ vực về nhân quả khi thấy cuộc sống biểu hiện muôn hình vạn trạng theo chiều hướng riêng của nó, mà nhãn quan hạn hẹp của con người chưa hiểu thấu. Khi nhìn thấy những kẻ xấu ác vẫn dương dương tự đắc, còn những người hiền thiện lại gặp trắc trở khó khăn, thì chúng ta sinh tâm nghi ngờ. Từ việc nghi ngờ nhân quả, con người dễ đánh mất niềm tin vào điều tốt đẹp và hành động theo bản năng để thỏa mãn tự dục của mình. Trong thế giới nhiễu nhương ngày nay để làm người tử tế, và chân thật là điều vô cùng khó khăn.

Thực tế câu chuyện nhân quả không chỉ dừng lại ở trong một đời người mà nó còn liên hệ đến ba đời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Hơn nữa, quy luật nhân quả không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân  nào đó trước mắt mà nó còn có liên hệ chằng chịt đến vạn vật trong vũ trụ và cộng hưởng bởi nghiệp thức chung của toàn nhân loại. Nhân quả là quy luật tự nhiên và chi phối toàn bộ thế giới này không ai có thể thoát khỏi nhân quả. Làm việc tốt chắc chắn sẽ được báo đáp xứng đáng, gây điều xấu ắt sẽ lãnh chịu quả báo khổ đau, vấn đề quan trọng là nằm ở yếu tố thời gian mà thôi. Tin vào nhân quả và áp dụng nhân quả vào đời sống thực tiễn thường ngày chúng ta tránh được những rủi ro làm tổn hại thân tâm, hiểu rõ nhân quả để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cộng đồng xã hội.

Nhân quả  là định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người. Qua đó, nhân quả được coi như là một quy luật căn bản cần và đủ để xây dựng nên một xã hội nhân bản và đạo đức.  Nhân quả không chỉ có mặt trong Phật giáo, mà trước và trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, các luân sư ngoại đạo tại Ấn Độ cũng đã lập thành các luận thuyết chủ trương về nhân quả, nhưng mỗi học thuyết có cách lập luận và giải thích khác nhau.

Nhân quả tức nguyên nhân và kết quả. Luật nhân quả là một thể giáo cơ bản của Phật giáo. Phật giáo dùng quy luật nhân quả làm cơ sở lý luận cho tất cả mối quan hệ của thế giới và nhân sinh. Bởi sự hình thành của tất cả các sự vật hiện tượng trong vũ trụ này thì nhân là “năng nhân” quả là “ sở sinh”. Nghĩa là, cái nào có khả năng  dẫn sinh ra kết quả, thì cái đó là nhân, và cái nào được sinh ra từ nhân thì cái đó chính là quả. Nhân quả được nhìn nhận như vậy là nhắm vào yếu tố mang tính chất thời gian.

 Thế giới hiện tượng từ tâm lý đến vật lý luôn chuyển biến liên tục theo quy luật nhân quả. Quả là kết quả của nhân sinh ra, nhưng đồng thời nó cũng làm nhân để sinh ra kết quả khác. Như mưa là kết quả , mây là nguyên nhân, mây là kết quả, hơi nước tích tụ là nguyên nhân. Mỗi một hiện tượng vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Mỗi hiện hữu đều có một nguyên nhân chính (trực tiếp) và các nguyên nhân phụ (duyên), nguyên nhân phụ là điều kiện trợ giúp cho nguyên nhân chính để tạo ra kết quả, cho nên nhân quả nói cho đủ là nhân-duyên-quả.

Nhân-duyên-quả cho chúng ta biết quá trình vận hành của sự vật từ nhân đến quả cần phải có sự kết hợp các yếu tố khác. Như hạt giống muốn nẩy mầm, cần phải thu hút, đất, nước, hơi ấm, không khí. Quá trình thu nhận phải diễn ra liên tục, nếu gián đoạn, công năng của hạt giống sẽ mất tác dụng hoặc có thể bị tiêu hủy. Người ta gieo giống ổi ruột màu trắng, nhưng nếu muốn có quả ổi ruột màu đỏ thì phải can thiệp và quá trình thay đổi công năng của hạt giống bằng phương pháp biến đổi gene, hay còn gọi là cải tạo di truyền. Như vậy, có nghĩa là gieo nhân này nhưng lại được quả khác, vì thế nói gieo nhân gì được quả đó, chỉ đúng trong điều kiện giới hạn của tư duy thường thức và mang tính xác suất, chứ không phải là nghĩa căn bản của từ nghiệp được hiểu trong kinh điển Phật giáo. Mặc dù vậy đa số các Phật tử đều định nghĩa nhân quả theo ý hướng “ trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu ”. Gạo có thể nấu thành cơm, nhưng gạo cứ để trong bao mãi mãi thì không thể thành cơm được, vả lại khi nấu người ta có thể can thiệp các yếu tố khác như nước ít hay nhiều, nhiệt độ cao hay thấp, thời gian mau hay lâu, mà có thể thành cơm hay thành cháo hoặc một thứ gì khác, không phải cơm không phải cháo. Như vậy gạo được nấu lên sẽ thành cơm là một tiên đoán nhưng thành tựu với tính xác xuất, nên không chính xác tuyệt đối. Quá trình tạo nhân để cho ra kết quả theo nhận định “nhân nào quả nấy” cũng vậy, nó diễn ra trong thế giới vật lý mang tính cơ giới chúng ta dễ nhận thấy, còn thế giới tâm lý thì phức tạp hơn nhiều.

Nhân quả là một quy luật phổ biến, mọi sự hiện tượng tồn tại trong vũ trụ đều có mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Không có mối quan hệ nhân quả thì mọi sự vật không thể tồn tại và chúng ta không thể nhận thức được gì về thế giới xung quanh. Đối với những ai được hấp thụ bởi tri thức khoa học, cho dù người đó không tin bất cứ điều gì mang yếu tố tâm linh, và luôn giữ thái độ hoài nghi khi tiếp cận cái mới, thậm chí khi gặp bất cứ điều gì cũng cẩn thận tìm ra luận cứ để chứng minh rồi mới tin nhận, thì họ cũng không thể không tin nhân quả. Vì đây là một định luật khách quan không ai chối cải, chủ nghĩa duy vật biện chứng Mac –Lênin cũng thừa nhận  mối quan hệ nhân quả mang tính khách quan và phổ biến : “ Mọi sự vật,  hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội có nguyên nhân nhất định gây ra, không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi ”.

Phật pháp khẳng định mối quan hệ nhân quả thường dùng thành ngữ “ như bóng theo hình , như vang theo tiếng, gieo gió gặt bão, ác giả ác báo” để ngầm chỉ mối quan hệ nhân quả. Hơn nữa, đức Phật triển khai lý nhân quả cho chúng ta thấy trong các kinh điển rất thực tế và cực kỳ thâm viễn, chứ không dùng các hiện tượng cát hung, họa phước để hiển bày. Nếu chỉ nhắm đến phương diện họa phước hiện thấy trong cuộc sống thường nhật để hiển bày nhân quả thì sẽ dễ khiến người ta lạc vào lộ trình của thuyết định mệnh, về sau, do phương tiện dẫn dắt chúng sanh phát huy điều thiện và giúp con người biết được tác hại của cái xấu, cái ác nên các vị Tổ sư Phật giáo thường dẫn dụng một số gương nhân quả họa phước trong cuộc sống thực tế để mọi người thấy ích lợi của điều thiện mà cố gắng vun bồi, biết sợ tai hại điều xấu ác mà ngăn ngừa họa xa lánh. Phương tiện quyền xảo này chúng ta nên lưu ý. Người đời phần nhiều dựa vào sự được mất, hơn thua nhất thời mà nghi ngờ nhân quả không có thật, phủ nhận thiện ác, hoài nghi kiếp trước kiếp sau. Đây là tầm nhìn hạn hẹp, xuất phát từ vô minh, chấp thủ. Phật giáo tuyệt nhiên không chấp nhận quan điểm mang tính đoạn kiến này. Thực tế nhân quả tuân theo quy luật nhất định của nó, không thể vận dụng năng lực ngoại tại nào đó để thay đổi đươc quy luật này. Giả định có thể dùng khả năng ngoại tại để thay đổi nhân quả thì nguyên lý nhân quả sẽ mất đi cơ sở của nó, lúc đó không còn gọi là nhân quả nữa.

Hầu hết các tôn giáo Đông-Tây đều tin rằng vũ trụ mênh mông này có một đấng chủ tể vạn năng chi phối tất cả, cho dù mỗi tôn giáo gọi đối tượng ấy bằng các tên Thượng đế, Chân đế, Phạm thiên hay Đại phạm thiên  v.v...có thể có một số mô tả khác nhau nhưng đều thừa nhận đối tượng ấy là đấng chủ tể sáng tạo vạn vật mang tính toàn tri toàn năng. Ngược lại Phật giáo không thừa nhận bất kỳ đấng chủ tể nào, vì điều đó không bao giờ có thật. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, và cũng là vấn đề mấu chót khiến Phật giáo vượt hẳn các tôn giáo khác về quan điểm và hành động. Những người theo thần giáo không biết đấng vạn năng hay thần linh là sản phẩm do con người nặn ra, nên khi nhìn thấy Phật giáo không tin có đấng vạn năng thì họ cho rằng đây là chỗ khiếm khuyết lớn nhất của Phật giáo. Thật đáng thương cho nhận thức sai lầm như vậy.

T

TÌM HIỂU VỀ NHÂN QUẢ TRONG ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét