Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

THUYẾT ĐỊNH MỆNH PHỦ NHẬN MỌI NỔ LỰC CỦA CON NGƯỜI

 

THUYẾT ĐỊNH MỆNH PHỦ NHẬN MỌI NỔ LỰC CỦA CON NGƯỜI

Thuyết định mệnh cho rằng, số phận con người là do quá khứ an bài, sắp đặt tất cả, mọi cố gắng hay nổ lực của loài người đều vô ích. Mỗi một con người  sinh ra đều mang lấy một số mệnh có sẳn, được an bài, định đoạt ở quá khứ hoặc bị quyết định bởi ý chí của một đấng siêu nhiên, khi đã chấp nhận số phận an bài, con người xuôi tay cho dòng đời đưa đẩy, phó mặc cho số mệnh quyết định. Phật giáo không thừa nhận có đấng sáng thế vạn năng an lập số mệnh cho mỗi người, mà khẳn định tất cả sự vật đều được quyết định bởi quy luật nhân quả. Như quá khứ chúng ta tạo nhân gì thì hiện tại chúng ta sẽ nhận kết quả tương ứng. Đây là định luật nhân quả tất yếu mà không phải nghi ngờ gì nữa, người đời không hiểu Phật pháp, khi nghe đến thuyết nhân quả như vậy của Phật giáo thì cho rằng Phật giáo mang tư tưởng thống nhất với túc mệnh luận hoặc định mệnh luận. Đây là quan điểm nhìn nhận sai lệch. Mặc dù Phật giáo có chủ trương  gây nhân như thế nào thì sẽ gặt quả tương ứng như thế ấy, nhưng quan điểm về nhân quả của Phật giáo có sự khác biệt rất lớn so với thuyết định mệnh.

Người theo thuyết định mệnh cho rằng tất cả mọi thứ của đời sống hiện tại đều do quá khứ quyết định an bài, bất luận tốt hay xấu, khổ hay vui thì chúng ta chỉ có một cách lựa chọn duy nhất là chấp nhận mà sống, đời này không ai có thể thay đổi và xoay chuyển được tình thế. Quan điểm này không những đã chi phối sâu sắc đến tư tưởng của người Ấn Độ, Trung Quốc và cả các nước phương Tây mà còn có sức ảnh hưởng tiêu cực đến người Việt Nam nữa. Có một số nhà tư tưởng thi nhân trung đại Việt Nam quy tất cả việc sống chết họa phúc vào vận mệnh đã được an bài, mọi nổ lực của con người không thể nào thay đổi được tình thế. Đại thi hào Nguyễn Du dùng những vần thơ lục bát để chuyển tải tư tưởng thiên mệnh và tiền định trong truyện Kiều như sau :

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Phật giáo không chấp nhận thuyết định mệnh hoặc thuyết tiền định, vì thuyết này hoàn toàn coi thường, phủ nhận giá trị hành vi trong đời sống hiện thực, khiến con người không có ý chí phấn đấu để chuyển hóa mọi thứ tiêu cực thành tích cực. Kết quả trong đời sống hiện tại là do nghiệp lực quá khứ cảm vời ra, điều này được Phật giáo thừa nhận, không có gì sai lệch, nhưng sự bất đồng giữa thuyết nghiệp báo của Phật giáo với thuyết định mệnh nằm ở chỗ, thuyết nghiệp báo một mặt thừa nhận đời sống thực tại là kết quả sự chiêu cảm bởi nghiệp nhân của quá khứ, mặt khác lại còn coi trọng những giá trị về hành vi, hoạt động trong đời sống hiện thực. Vô số các vấn đề trong cuộc sống hiện tại mà con người gặp phải, không những do nghiệp nhân trong quá khứ gây ra mà còn do cộng hưởng bởi nghiệp nhân trong đời sống hiện tại tạo nên, vì các nghiệp được tạo ra bởi nhân duyên, nó là pháp hữu vi, không ngừng thay đổi, cho nên chúng ta có khả năng thay đổi vận mệnh của mình nhờ vào ý chí chọn lựa hành nghiệp.

Phật giáo coi trọng nghiệp cảm nhưng không rơi vào thuyết định mệnh. Người tu theo Phật là biết đón nhận những gì đến với cuộc đời mình, dù đắc ý hay bất như ý, biết chấp nhận thực tại để thay đổi hành động tiêu cực thành tích cực, từ cái có hại sang cái có lợi, từ xấu thành tốt, chứ không phải khoanh tay đứng nhìn hoặc đầu hàng trước số phận. Cũng vậy, mặc dù sự khổ vui của chúng ta trong đời này là do nghiệp nhân của quá khứ gây tạo, nhưng đời này chúng ta cũng có thể thay đổi nó nhờ hành động và tư duy của chúng ta. Người biết tu sẽ cố gắng thay đổi bất như ý theo chiều hướng tích cực, nếu sinh ra đời gặp chút may mắn thì họ sẽ nỗ lực, phát huy điều thiện để giữ gìn phước đức cho mình, làm chỗ dựa tin cậy cho những người xung quanh và tạo sự bình an cho môi trường xã hội. Người không biết tu sẽ than vãn trách trời trách người khi sanh ra gặp phải điều bất như ý, hoặc buông tuồng phóng túng theo sở dục. Nếu ai có chút may mắn được làm người thân tâm toàn vẹn, có điều kiện vật chất sung túc, và môi trường sống lành mạnh mà không biết gìn giữ, phát huy thì sẽ làm hao mòn đi phước đức của mình đã tích lũy.

Người làm quan hoặc lãnh đạo là những người có cơ hội tốt nhất để tạo dựng hạnh phúc cho số đông, đồng thời cũng là những người dễ có cơ hội tạo khổ đau cho rất nhiều người, đó là tùy theo cách sống, cách hành xử của họ. Xã hội thời Lý-Trần được tồn tại lâu đời nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là nhờ những vị vua biết tu thiện, hành thiện, nhờ vận dụng giáo lý đạo Phật vào trong đời sống hằng ngày. Từ vua quan đến dân lành đều hiểu được sự vận hành của quy luật nhân quả. Một tổ chức, một đảng phái, một cộng đồng, một xã hội, không có người tự làm hại, không có kẻ thích làm hại người khác thì xã hội ấy sẽ đem đến sự bình an cho mọi người. Vì thế, những người lãnh đạo một quốc gia,một tập đoàn, một công ty,một tổ chức, phong trào…sẽ ảnh hưởng nhân cách, sự suy nghỉ và lối sống rất lớn đến quần chúng. 

Nếu tất cả  những thứ xuất hiện trong đời này đều do quá khứ quyết định thì con người sẽ có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Đời này bạn sinh ra làm người nghèo khổ. Gia đình khốn khó, sức khỏe không tốt, gặp nhiều khó khăn, nếu bạn suy nghĩ rằng cuộc sống của bạn đã được số mệnh an bài, rồi cam tâm chịu đựng cuộc sống khốn khổ ấy để cho qua cuộc đời này, thì mặc dù có suy nghĩ tiêu cực nhưng không tác hại đến người khác. Thế nhưng, nếu bạn không cam tâm chịu đựng cuộc sống nghèo khổ hiện tại, mà dùng bạo lực để cướp đoạt tài sản của người khác, hoặc dùng mưu chước để lừa gạt tiền tài của người nhằm vinh thân phì da, sống phè phỡn gây bất an cho xã hội , thì chính bạn là người đang từ chỗ tối đi vào chỗ tối tăm hơn, chứ không phải do quá khứ an bài hoặc quyết định như vậy. Nếu thực sự mọi thứ do quá khứ quyết định thì chức năng giáo dục, khuôn phép đạo đức trên đời này còn giá trị nào đáng được tôn trọng nữa không .

Thuyết nhân duyên của Phật giáo phủ nhận những ai theo thuyết định mệnh. Con người chẳng phải là con rối để cho thế lực khuất mặt vô hình nào đó điều khiển số phận của mình, mà trong tự thân của mỗi người đều có khả năng sáng tạo, khả năng phát triển, khả năng hoàn thiện tất cả những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cuộc đời. Đức Phật dạy trong kinh Chuyển Luân Vương rằng : “ Này các tỳ kheo, các ngươi hãy tự thắp sáng cho mình, thắp sáng bởi chánh pháp, chứ đừng thắp sáng bởi cái khác. Hãy tự mình là nơi nương tựa cho mình, nương tựa pháp, chứ đừng nương tựa nơi nào khác ”.

Trên đời này có hai quan niệm về niềm tin đang tồn tại. Đó là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh. Người theo duy vật cho rằng thế giới này được hình thành bằng những yếu tố vật chất, cân đo đong đếm được, ngoài ra không có gì tồn tại nữa. Thứ duy nhất có thể thực sự được coi là tồn tại là vật chất, về căn bản, mọi sự vật đều cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất.

 Xét về cách giải thích cho hiện tượng thực tại chủ nghĩa duy vật đứng ở vị trí đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa duy tâm, từ vũ trụ vạn vật cho đến chúng sanh, người theo duy vật luận coi trọng tấm thân vật lý đang vận hành, còn lại tinh thần chỉ là sự phụ thuộc vào thân vật lý. Hay nói cách khác vật chất quyết định ý chí. Họ cho rằng, sau khi chết thân xác con người trở thành cát bụi, không tồn tại yếu tố tinh thần nào. Do quan niệm không có kiếp trước kiếp sau nên nhiều người chỉ lo vun vén cho mình, tranh danh đoạt lợi, không tin nhân quả, không biết ơn và đền ơn người trước, thậm chí còn gây khổ đau cho người, gây ô nhiễm cho môi trường.

 Thuyết duy linh, có nghĩa là linh hồn. Nó có thể được định nghĩa như là một niềm tin về thế giới vạn vật đều có linh hồn, vạn vật hữu linh, hoặc linh hồn cho những vật vô tri, bao gồm cả niềm tin cho rằng người chết có thể còn đang sống. Thuyết duy linh cho rằng sau khi chết, linh hồn con người tiếp tục sống trong tình trạng thuộc về thần linh. Linh hồn đó lẫn quẩn khu vực mà chết đã sống trước đây.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy linh, có một quyền lực siêu nhiên tồn tại, nhưng quyền lực đó không phải là một Thượng đế mang tính cá thể. Thế giới này tồn tại các linh hồn, tức rất nhiều năng lực vô hình tồn tại. Chúng có khả năng chi phối mọi sự vật hiện tượng, kể cả đời sống chúng ta cũng bị phụ thuộc vào uy lực của chúng. Linh hồn cư trú ngoài đồi núi, nơi hang đá, gốc cổ thụ, bìa rừng ven suối, và nơi bầu không khí xung quanh ta cũng như tồn tại bàng bạc trên trời cao. Thú vật, cây cối, chim chóc và các sự vật hiện tượng thiên nhiên khác đều có linh hồn. Họ tin tưởng rằng tất cả thiên nhiên đều bị các hữu thể thuộc thần linh chiếm đóng và chúng rất đông đúc.

Người theo thuyết duy linh xem tinh thần là nguyên lý cơ bản của hiện thực, là thực thể vô hình đặc biệt, tồn tại độc lập với vật chất. Họ có khuynh hướng lo sợ khi quyền lợi cá nhân bị đe dọa rồi cầu khẩn thần linh giúp cuộc sống mình được yên ổn.

Tin nhân quả là tin vào mối quan hệ giữa nguyên nhân gây tạo và kết quả nhận lãnh. Như khi nghe tiếng chuông vang lên thì biết có người đánh chuông, tôi vay anh một triệu đồng thì tôi phải trả anh một triệu đồng, thậm chí còn trả thêm lãi suất. v.v... Đây là quy luật nhân quả ai cũng nhận thức được bằng kinh nghiệm thực tiễn. Mối quan hệ nhân quả này được vận hành ở phương diện dương tính, tức mặt biểu hiện, mang tính cơ khí, giản đơn. Đa số người đời chỉ nhận thức nhân quả ở phương diện biểu hiện dương tính này.

Bên cạnh đó, nhân quả còn vận hành ở phương diện âm tính, tức mặt ẩn tàng, vi tế khó trắc lượng. Sự hiển hiện nhân quả ở mặt dương tính chỉ chiếm một phần nhỏ trong mối quan hệ nhân quả trùng trùng của vũ trụ vạn hữu. Như tảng băng trôi trong đại dương, phần mỏm nổi lên trên mặt nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thể quy mô của tảng băng chìm. Cả tảng băng chìm nằm dưới mặt nước là phần ẩn tàng, tức vận hành ở phương diện âm tính. Tuy nhiên phần chìm dưới mặt nước không ai thấy được nhưng nó có năng lực chuyển tải mỏm băng, quyết định cả tảng băng trôi về phương nào. Phương diện âm tính của nhân quả trong đời sống cũng vậy, tuy khó đoán khó dò nhưng nó luôn vận hành âm thầm đằng sau chúng ta, nó quyết định mọi hiện hữu của sự vật hiện tượng quanh ta, nó chi phối cuộc sống vui buồn, giàu nghèo, được mất, thiện ác…của chúng ta. Nhân quả theo mặt âm tính còn vận hành trong vô thức chúng ta, hoạt động trong giấc mơ khi chúng ta đang ngủ.

Thí dụ, tôi mượn anh một triệu đồng nhưng tôi không trả, anh có thể nhờ công an hoặc pháp luật can thiệp kịp thời bắt tôi phải trả nợ.  Nhưng khi tôi nợ anh một triệu mà tôi cố tình không trả, qua thời gian sau anh quên luôn số tiền đó. Anh quên số tiền tôi mượn không có nghĩa là món nợ này đã được xóa bỏ. Mặc dù cái quả tôi không trả trực tiếp cho anh lúc ấy nhưng khoảng 10 năm 20 năm sau, thậm chí kiếp sau tôi sẽ gặp một biến cố trong cuộc đời mà nó tiêu phí của tôi đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Vậy thứ nhân quả này nó vận hành theo chiều âm của nó. Do không biết nhân quả vận hành theo chiều âm nên khi bị thiệt hại hàng trăm triệu, tôi cho rằng xui rủi của tôi xảy ra là ngẫu nhiên. Mọi thành công, hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ, trở thành vợ chồng, hay cha con trong gia đình, bạn bè, thầy trò, đồng nghiệp ngoài xã hội không phải ngẫu nhiên mà có. Các mối liên hệ này vận hành vô hình theo âm tính của chúng mà chúng ta không thể thấy được. Thói quen con người nói chung là không tin những gì chưa thấy, nên mọi thứ xảy ra quanh mình thì thắc mắc, nghi ngờ. Khi ném một viên sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng, những vòng tròn đồng tâm sẽ nối nhau lan rộng ra xung quanh rất xa với những bước sóng nhất định của chúng, nhưng mắt thường chúng ta chỉ nhìn thấy những vòng tròn gần nhất với tâm điểm mà không nhìn thấy những vòng tròn lan xa tâm điểm.

          Mối quan hệ nhân quả vận hành theo chiều dương được nhận diện và đưa đến kết quả bằng hành động, như một phạm nhân ra tay giết người sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng khi vận hành theo chiều âm, thì kết quả của nhân tạo tác không đợi biểu hiện ra hành động mà ngay cả lời nói phát ra hay trong suy nghĩ dấy khởi thì đã có tác động tới nghiệp lực của mình. Khi chúng ta khởi lên ý nghĩ muốn làm gì, muốn nói gì thì bộ máy nhân quả theo chiều âm đã bắt đầu vận hành trong tàng thức của chúng ta. Trong phẩm Song Yếu của kinh Pháp cú, đức Phật nói rõ về tác dụng của tâm ý tạo ra nghiệp  bất thiện: “ Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hay hành động với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe ”, và nghiệp thiện : “ Trong  các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình ”.

Khi chúng ta tác ý thì nhân quả lập tức vận hành, mặc dù bề ngoài không ai biết được mình đang suy nghĩ gì. Tác ý sẽ tạo nên luồng sóng thức lưu truyền trong không gian. Không ai đứng sẵn trong không gian làm quan tòa ghi chép tội phước hay thiện ác của chúng sanh, mà khi chúng ta phát ngôn hay hành động thì nhân quả bắt đầu vận hành trong tâm thức chúng ta. Khi một hành động bắt đầu tạo ra, sẽ có một tác động ngược dội lại, giống như một khi đầu đạn bắn ra khỏi nòng súng thì nòng súng sẽ giật lùi lại, khi ta ném trái banh vào tường thì trái banh sẽ thối lại. Newton : “Mọi động lực luôn luôn có lực phản động tương đương  đối nghịch của nó”. Định luật này phù hợp với tiến trình nhân quả được vận dụng cho thế giới vật chất, trong đó, lực và phản lực xảy ra đồng thời. Như ta ném quả bóng vào vách tường thì nó sẽ dội lại ngay tức khắc vào trọng lượng quả bóng và lực ném của ta.

Tuy nhiên, hành vi gây nghiệp của con người lại vận hành thuộc lãnh vực tinh thần. Nghĩa là,  để tạo nên kết quả cho một hành động hoặc lời nói gây ra, nó phải có năng lực phát ra từ ý chí, do tham muốn hay thù hận, và ý chí ấy vận hành theo hướng nào thì kết quả sẽ hoàn toàn xảy ra đồng thời. Như gây hại cho một người, người bị hại sẽ không phản ứng tức thì, mà đợi một thời gian sau, hoặc đến đời con đời cháu mới trả thù. Vì ý thức không phải là vật thể hữu hình chiếm một không gian nhất định, nên lực của nó không vận hành theo phương như lực của vật thể. Tuy luật nhân quả nghiệp báo mà chúng sinh nhận lãnh còn bao hàm cả luật quán tính và yếu tố thời gian.

Nghiệp như là năng lượng được phát ra từ hành động, lời nói, sự suy nghĩ của sinh vật trong vũ trụ. Năng lượng ấy, được phát ra nhất định gây ảnh hưởng chính tác giả và những gì quanh nó. Nghiệp đã được phát ra sẽ không mất, mà chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác, từ đời này đến các đời sau, y như năng lượng được bảo tồn không mất, có thể biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác và truyền từ vật này sang vật khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới thống nhất, do đó mọi hành động của các nhân tố dù là nhỏ nhặt cũng góp phần thay đổi thế giới, cho nên đừng nghĩ rằng hành động nhỏ của chúng ta, dù mọi người không biết, không thấy là vô nghĩa. Tất cả mọi hành động lớn hay nhỏ, được người khác biết hay không biết, đều luôn mang một ý nghĩa nhất định nào đó và trực tiếp đóng góp và sự dịch chuyển chung của toàn thể xã hội. Một người vô tình làm rơi viên gạch trên xa lộ, có thể gây tại nạn cho những người tham gia giao thông, và người đi đường thấy được sự nguy hiểm của viên gạch nên cúi xuống  nhặt viên gạch cũng có thể ngăn được tai nạn xảy ra cho rất nhiều người.

Thương yêu tạo nên trong tâm thức ta những dấu vết để nghiệp lực dẫn sinh ra các mối quan hệ luyến ái chồng vợ, cha con, thầy trò, bằng hữu. Thù hận cũng gieo vào trong tâm thức ta những dấu vết để khi gặp điều kiện thuận lợi thì sự chống đối, giận hờn, ganh tỵ bộc phát. Mỗi một hành động, lời nói, suy nghĩ đều gieo vào trong tâm thức chúng ta những dấu ấn. Đời sống của chúng ta hiện tại là tập hợp luồng chảy của nghiệp lực  không những được tạo ra trong đời này mà còn được tạo ra trong nhiều kiếp vô tận của quá khứ.

Sau khi tin hiểu nhân quả rồi, người hiểu biết luôn luôn sợ nhân mà không sợ quả. Nghĩa là, người có trí rất sợ nhân xấu ác do mình gây ra, không những không hành động thô bỉ, không nói lời dối trá mà ngay trong suy nghĩ cũng phải gìn giữ trong sạch, không dấy khởi niệm xấu ác, không gây nhân xấu thì đời sống cá nhân sẽ được an lạc tự tại, mọi người xung quanh sẽ cảm nhận được năng lượng bình an khi tiếp cận  với mình. Khi hiểu được nhân quả vận hành theo chiều dương lẫn chiều âm, thì chúng ta không sợ quả đến với mình, dù quả đó đưa đến cảm giác  rất khó chịu. mọi sự may mắn hay khổ đau xảy ra với chúng ta hôm nay đều do nguyên nhân mà chúng ta đã gây  tạo trong quá khứ và tùy thuộc vào tâm thái đón nhận chúng trong hiện tại. Người tìm hiểu về nhân quả hoặc người trưởng thành về mặt tâm linh thì không bao giờ than trời trách người, hoặc đỗ lỗi cho hoàn cảnh, mà vui vẻ chấp nhận mọi chuyện đến với cuộc đời mình. Vui vẻ chấp nhận khổ đau không có nghĩa là thụ động đầu hàng khổ đau, mà phải hiểu được mối tương quan nhân quả; và trong tình huống có thể, chúng ta tìm phương thức chuyển hóa để khổ đau qua đi nhẹ nhàng hơn.

Chẳng hạn, khi chúng ta mới nghe bác sĩ kết luận mình mắc căn bệnh nan y, theo tâm lý thường tình của con người thì hầu như ai cũng đều có cảm giác bất an, lo buồn, thậm chó có người rơi vào tâm lý trầm trọng. Nhưng khi hiểu được nhân quả, chúng ta biết rằng căn bệnh của mình đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, những nguyên nhân gây bệnh có thể là do thức ăn nước uống không phù hợ tỳ vị, khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp thể trạng, do ức chế tâm lý lâu ngày không được giải tỏa…. Khi thấy được nguyên nhân gây bệnh, chúng ta không bó gối chịu đựng hoặc ngồi yên than vãn, mà trong điều kiện có thể, phải tìm cách tốt nhất để chữa trị. Dù chọn lựa phương pháp chữa trị bằng Đông y hay Tây y, thậm chí những bài tập dưỡng sinh, nếu thấy có lợi ích cho sức khỏe thì mình vẫn áp dụng. Bệnh tật xảy ra cho con người cũng do sự vận hành của luật nhân quả, như sự vận hành của ba nguyên nhân vừa nêu trên thuộc phương diện dương tính. Nguyên nhân gây bệnh theo chiều dương có thể chữa lành nhờ sự can thiệp của y khoa hiện đại và bác sĩ có tay nghề cao.

          Bên cạnh tật bệnh vận hành theo chiều dương của quy luật nhân quả chúng ta biết được, bệnh tật còn vận hành theo chiều âm của nó. Chẳng hạn, suốt đời này chúng ta ăn uống điều độ, giữ gìn vệ sinh cá nhân cẩn thận, tập luyện thể thao đều đặn, giữ tinh thần thỏa mái…nhưng vẫn mắc bệnh hiểm nghèo. Nguyên nhân từ đâu? Theo sự vận hành nhân quả ở phương diện âm tính, chúng ta trôi lăn trong nhiều kiếp quá khứ, hoặc vô tình, hoặc cố ý tạo nên những ác nghiệp, đặc biệt là nghiệp sát hại. Khi điều kiện hội đủ, những ác nghiệp đó biểu hiện thành bệnh tật để tác động ngược trở lại chúng ta. Đây là nguyên nhân do ác nghiệp tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp. Trong bốn nguyên nhân gây ra bệnh tật vừa kể, ba nguyên nhân đầu có thể chữa trị nhờ sự can thiệp của bác sĩ, nhưng nguyên nhân thứ tư này khó có thể chữa trị bằng y khoa. Thậm chí, ngay cả bác sĩ chuyên khoa mắc bệnh thuộc nguyên nhân này cũng không thể chữa trị  cho mình được bằng chuyên môn của mình. Một khi do nghiệp lực dẫn sinh ra bệnh tật thì chúng ta vận dụng phương pháp chuyển hóa nghiệp lực để chữa trị.

          Có những bệnh nhân đi nhiều nơi khám xét, bác sĩ không tìm ra bệnh lý, hoặc tìm ra bệnh nhưng vô phương cứu chữa, bệnh viện đành ngậm ngùi tiễn bệnh nhân ra về để chủng bị lo hậu sự. Thế nhưng, bằng niềm tin của mình vào thuyết nhân quả nghiệp báo, hoặc niềm tin tôn giáo mãnh liệt, người bệnh hiểu rõ được quy luật sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình trong kiếp nhân sinh nên chấp nhận sự thật và sống lạc quan hơn, hằng ngày sám hối những nghiệp chướng nhiều đời, tận dụng tháng ngày còn lại làm việc có ích cho mình và cho  đời thì căn bệnh bỗng nhiên biến mất. Đây là con đường chuyển hóa nghiệp chướng. Khi nghiệp chướng được chuyển hóa thì bệnh tật trong thân hay khổ đau trong tâm cũng được chuyển hóa theo. ./.

Trích :  Tin hiểu Nhân Quả : Thích Hoằng Trí ( trú Mai Ấn Trai – T/p Đà Lạt )

T

THUYẾT ĐỊNH MỆNH PHỦ NHẬN MỌI NỔ LỰC CỦA CON NGƯỜI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét