Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

TÓM TẮT 6 ĐIỀU CẦN BIẾT TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

 

TÓM TẮT 6 ĐIỀU CẦN BIẾT TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

1/ Nguồn gốc giáo lý Tịnh độ : Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, vì thương xót chúng sanh, giảng nói nhiều pháp môn tu, bao trùm mọi căn cơ chúng sanh, là vì muốn diệt trừ tập khí ô nhiễm của chúng sanh, giúp chúng sanh quay về bản lai thanh tịnh của chính mình. Nhưng căn cơ của chúng sanh sai khác không đồng, nên giáo pháp Phật nói ra cũng có nhiều thứ sai biệt vô cùng. Song, muốn tìm pháp môn tu dễ nhất, nhập đạo chắc chắn nhất, thành công nhanh nhất, thì không gì bằng pháp môn Tịnh độ

2/ Chánh tín niệm Phật :  Tu pháp môn này quan trọng nhất là chánh tín. Chư Phật, chư đại bồ tát ba đời và chư lịch đại tổ sư đều từ chánh tín này mà về sau  mới có thể chứng nhập. Nếu không có niềm tin này thì tâm sẽ do dự không quyết định, mơ hồ không chân thật, không có ý chí. Chánh tín này thật là một công đức hy hữu. Vì tâm thức phàm phu chúng ta u mê thấp kém. Bị ràng buộc vào tập khí trong đời này, không thể biết được cõi nước rộng lớn, mầu nhiệm của chư Phật, vì thế, phàm phu chỉ nên kiên quyết vâng lời Phật dạy.

Tin gồm có hai, tin lý và tin sự. Tin lý là tin tâm ta chính là Tịnh độ, tin bản tánh ta chính là Di đà. Tin sự là tin Tây phương thật sự có cảnh Tịnh độ , Tây phương thật sự có Phật A di đà.  Tin cả sự lẫn lý như vậy gọi là chánh tín.

3- Chánh hạnh niệm Phật  :  Người tu Tịnh nghiệp đã đầy đủ chánh tín, cần phải tu chánh hạnh.  Nếu tu hành theo sự thì phải chuyên tâm nhất niệm, duyên vào câu A di đà Phật như dựa vào núi Tu di, lay không hề động. sáng niệm như vậy, tối cũng niệm như vậy, đi niệm như vậy, ngồi cũng niệm như vậy, ứng duyên tiếp vật cũng niệm như vậy, dù gặp cảnh thuận nghịch cũng niệm như vậy. Tịnh niệm tương tục, tự nhiên tâm khai ngộ, thì lúc lâm chung chắc chắn cũng được sanh về Cực lạc và cũng  sanh về phẩm trung hay hạ. Nếu như năng lực không đủ, công phu chưa thuần thì cần phải theo sức mình tu tập, hoặc sớm chiều lễ niệm, hoặc sáng sớm mười niệm, tích công lũy đức, từ từ vun bồi quả thiện. Quan trọng là tín nguyện kiên cố, thì lúc lâm chung chắc chắn vãng sanh, nhưng phẩm vị hơi thấp, thấy Phật hơi trễ. Nếu hoa sen Cực lạc chưa được đề tên thì cũng không đọa vào đường ác.

4- Tu thêm nhiều phước: Tu Tịnh nghiệp chuyên niệm danh hiệu Phật A di đà cần phải tu nhiều phước lành để trợ giúp thêm. Kinh Quán Vô Lượng có ghi : “ Muốn sanh về nước kia phải tu ba loại phước : 1/ là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát, tu 10 điều thiện; 2/ là thọ trì tam quy,  đầy đủ các giới, không phạm oai nghi; 3/ là phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba nghiệp này là chánh nhân Tịnh nghiệp của ba đời chư phât. Phải chuyên dùng niệm Phật làm chánh hạnh, lấy phước đức làm kiêm tu. Sớm tối thường xuyên siêng năng cúng dường Tam bảo, lễ lạy sám hối, bố thí, trì giới, thanh tịnh ba nghiệp, tiến tu Tịnh duyên. Đem tất cả căn lành tu tập được đều hồi hướng về Tịnh độ, thành tựu công đức niệm Phật. Như vậy, có thể nói, thuyền xuôi theo nước mà còn lại thêm mái chèo.

5/ Chánh nguyện niệm Phật : Có hành không có nguyện, thì hành đó đơn độc, có nguyện không hành, thì nguyện đó sẽ giả dối, hành và nguyện tương trợ nhau mới bước lên bảo địa. Thế nên phàm người niệm Phật thì phải phát chánh nguyện. Chánh nguyện là không nguyện cầu phước báo cõi người, cõi trời, không nguyện cầu quả bồ tát quyền thừa, không cầu quả Tiểu thừa, không nguyện cầu một mình được sanh Tịnh độ, được chứng bồ đề, mà nguyện cầu tất cả chúng sanh đồng sanh Tịnh độ, đồng chứng bồ đề.

Phát nguyện như vậy, thì đầy đủ công đức, có thể tiêu trừ vô lượng nghiệp chướng, có thể phá vô lượng lưới ma, vĩnh viễn là hạt giống chân chính thành Phật, cũng gọi là tâm bồ đề vậy. Người tu hành mỗi ngày nên phát nguyện như vậy, luôn phát nguyện như vậy. Nguyện lực kiên cố không thay đổi, thì tất cả vạn điều lành đều thành tựu, là chánh nhân Tịnh nghiệp, là diệu hạnh bồ đề, lo gì không được vãng sanh?

6/ Lâm chung chánh niệm : Công phu tu Tịnh nghiệp tích lũy từng ngày, nhưng một niệm sau cùng lúc lâm chung lại rất quan trọng. Bởi vì sanh cõi Tịnh hay cõi uế, vào thánh hay nhập phàm, chỉ một niệm này, do một niệm này mà thay đổi. Tôi thường thấy người niệm Phật mỗi ngày đều nói cầu sanh Tịnh độ, nhưng đến lúc lâm chung thì phần đông lại không có chánh niệm, hoặc tham sống sợ chết, lưu luyến túi da này, hoặc thấy vợ con thì không chịu nổi cảnh chia ly, hoặc tiếc nuối gia tài, không buông xả được, hoặc vì hoàn cảnh không như ý, chết trong oán hận, hoặc bị bệnh tật hành hạ, ra đi trong sự đau đớn. Người đã mất chánh niệm thì phải chịu đọa lạc.

Nay tôi có đôi lời khuyên, người tu hành đến phút lâm chung thì phải chí thành tin vào kinh điển, chánh niệm kiên định, buông xả tất cả mọi thứ, niệm Phật cho đến khi ra đi. Than ôi!   Cửa tử là chuyện lớn, chỉ trong khoảnh khắc đã sang đời khác, một niệm sai lầm là nhiều kiếp chịu khổ, lẽ nào không cẩn thận sao?  ./.

T

TÓM TẮT 6 ĐIỀU CẦN BIẾT TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét