Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

THẾ NÀO LÀ CHÁNH NIỆM

 

THẾ NÀO LÀ CHÁNH NIỆM

          Trong dòng chảy vô minh và vọng tưởng, con người không ngừng mong cầu những điều bên trong  người và bên ngoài mình, tâm họ luôn gắn chặc với thanh âm sắc tướng của thế giới, kẻ khen người chê, qua hôm nay rồi lại ngày mai, họ đi trong mê và sống trong lo buồn, đau khổ của họ, không đến từ đời mà đến với cái tâm không được trong sáng. Từ 1300 năm trước ở Trung Hoa có bậc đại trí tên là Huệ Năng, là Tổ của Thiền tông. Ngài không biết chữ, nhưng lời nói của Ngài như lưỡi kiếm chém thẳng vào vô minh, không dạy con người cầu Phật bên ngoài, không dạy hành trì theo hình thức, ngài chỉ dạy tự tâm thanh tịnh tức là Phật, ly chư tướng, nội bất động ngoại bất loạn ấy là chánh niệm. Chánh niệm không còn người niệm chỉ còn tỉnh giác. Chúng ta không học để biết mà học để buông, không học để nói mà học để nghe tiếng lòng của tâm mình. Vọng dừng thì chân hiện  nơi không còn tìm kiếm thì đạo sẽ hiển lộ trong khoảnh khắc hằng ngày.

          Chánh niệm không phải là ghi nhớ mà là trở về. Ta thường nghĩ chánh niệm là nhớ, nhớ việc đang làm, nhớ việc đang xảy ra, nhưng đó chỉ là phần bên ngoài, là cách ban đầu trong pháp hành của người sơ cơ.Với ngài Huệ Năng, chánh niệm không phải là nhớ mà là không vướng vào bất cứ niệm nào, là trở về với bản tâm thanh tịnh không sanh không diệt, không sạch không dơ. Nội bất động ngoại bất loạn đó là Thiền, bên trong không loạn bên ngoài không động tức là buông tất cả để  ánh sáng phát hiện ra. Niệm đến biết niệm đi mặc tâm. Có người hỏi thế nào là tu hành chân thật, Ngài trả lời:  Vô niệm là tông, vô tướng là thể, vô  trụ là gốc, đó là nền tảng của chánh niệm. Không trụ vào hơi thở, không trụ vào cảm giác, không trụ vào thiện, không trụ vào ác, những phương pháp thiền dạy  tập trung vào hơi thở, vào cử chỉ động tác. Ngài Huệ Năng chỉ dạy không khởi vọng niệm, niệm niệm điều là chính. Nghĩa là dừng can thiệp, dừng cố định, đừng chọn lựa, thấy thì cứ biết, nhưng đừng phân biệt. Khi tâm không còn khởi chấp, thì đi cũng là thiền, ăn cũng là thiền, đi đứng nằm ngồi cũng là thiền, vì trong ấy không có ta, không có làm việc gì.

          Một điều sâu sắc nhất của Tổ Huệ Năng là phá bỏ ranh giới giữa người tu với người thường, chánh niệm không phải là thành quả, nó là cái có sẳn, có trong mỗi người, nhưng vì niệm sanh diệt bị che lấp, nhưng chỉ quay đầu nhìn lại thì thấy nó ngay ở đó, lặng lẽ chiếu sáng bất động, niệm niệm bất sinh đó là chánh niệm. Lục Tổ chỉ rõ: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác đó là bản lai diện mục.

          Lúc đầu  tu chánh niệm không phải đi tìm cái gì mà là sự gỡ bỏ những gì bám lấy tâm, mỗi lần ta buông một vướng mắc là chánh niệm trở về.  Trong đời sống hôm nay, giữa phố xá ồn ào ta có thể sống như ngài Huệ Năng, hay như thiền sư ở rừng sâu núi thẳm, bận rộn giữa đời, nhưng tâm tĩnh lặng, tâm không chạy ra bên ngoài, tức là trở về với chánh niệm./.

{]{

THẾ NÀO LÀ CHÁNH NIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét