Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

NIỆM PHẬT VÀ HÀNH THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

 

NIỆM PHẬT VÀ HÀNH THIỀN TRONG

ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

1/ Đặc điểm của đời sống và tính khả dụng Thiền Tịnh song tu.

            Thiền hay Tịnh là pháp tu thực tế đối với con người trong mọi thời đại. Nếu tu Thiền mà có sự hướng dẫn của các bậc thầy có tri thức và kinh nghiệm tâm linh thì rất mau thành tựu giải thoát. Nếu tu tịnh mà y theo theo pháp niệm Phật, đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh thì được vãng sanh. Vấn đề ở đây là tuỳ theo cơ duyên mà thực hành tu tập. Theo kinh luận trình bày, nếu người tu Thiền chưa thấy lãnh hội mà chân thành phát nguyện vãng sanh cũng được thành tựu. Nếu người tu Tịnh niệm Phật  đắc tam muội cũng có khả năng chứng ngộ thật tướng.

            Nhưng trong thực tiễn, Thiền hay Tịnh trong quá trình tu tập đều phải tuân thủ nguyên tắc riêng, như một bài toán có hai phương pháp giải để tìm ra đáp số. Vấn đề là không nên đứng trên lập trường lý luận của phương pháp này mà so sánh và không chấp nhận lý luận của phương pháp kia, mà nên xem đáp số sau cùng. Chọn lựa tông là nghĩa đó. Tông tức tông chỉ, hướng đi. Lập trình thì đương nhiên mang tính riêng biệt, nếu không tuân thủ nguyên tắc ấy thì các tông  không thể thành lập.

            Nay đặt vấn đề kết quả của sự tu tập. Theo Nguyên thuỷ Phật giáo, Thiền phải trải quan thiền quán, chứng đắc Tứ thiền, Bát định, sau cùng đắc quả A-la-hán. Nếu chưa chứng đạt kết quả đó, sẽ tuỳ cấp độ tu chứng các cấp thiền mà được sanh  các cõi Thiền. Tu theo Thiền tông, nếu không chứng ngộ thật tướng thì cũng được sanh vào các cõi lành để tu tập cho đến chứng ngộ. Theo giáo lý Tịnh độ, với tư tưởng đới nghiệp vãng sanh đưa đến niềm tin cho mọi người phát tâm tu niệm Phật.

          2/ Thiền Tịnh song tu dưới cách nhìn của  các bậc cao tăng thời hiện đại.

          Trước khi đề cập đến quan niệm các bậc cao tăng hiện đại về pháp môn Thiền Tịnh song tu, xin đưa ra quan niệm truyền thống của các bậc cao tăng cận đại để xác minh rõ vấn đề. Thiền sư Duy Tắc trả lời hành giả Tịnh độ như sau: “Hoà thượng Vĩnh Minh phơi bày tâm can, chủ trương Tịnh độ, mong họ tự cứu bản thân mình. Ngài chuyên tâm hành trì, giáo hoá kẻ khác, nên lúc lâm chung biết trước giờ mất, lại có muôn ngàn điềm lành ứng hiện, toàn thân thành xá lợi. Đâu chỉ có ngài Vĩnh Minh, mà những Thiền sư như: Tử Tâm Ngộ Tân,  Chơn Hiết Thanh Liễu, Thiên Y Nghĩa Hoài, Viên Chiếu Tông Bản,  Từ Thọ Hoài Thâm, Nam Nhạc Tuệ Tư, Tịnh Từ Đại Thông, Thiên Thai Hoài Ngọc, Lương Đạo Trân, Đường Đạo Xước, Tỷ Lăng Pháp Chân, Cô Tô Thủ Nột,  Bắc Giản Giản, Thiên Mục Lễ…. đều là bậc tông tượng trong Thiền môn, mật tu hiển hoá, xiển dương yếu chỉ Tịnh độ, không hẹn mà gặp, nào đâu chỉ có ngần ấy vị”.

          Hầu hết các Thiền sư nhập thế giáo hoá chúng sanh thường quan niệm rằng Tịnh độ là pháp môn rất thực tiễn đối với mọi người trong xã hội. Quan điểm Thiền Tịnh song tu khẳng định mục đích tối hậu sự tu tập trong Phật giáo chỉ là một, đó là con đường thoát khỏi khổ đau sanh tử. Từ y cứ theo kinh luận, các Bồ tát Luận sư như Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, Long Thọ cho đến mười ba vị Tổ sư đều tán dương và truyền bá giáo lý Tịnh Độ. Tuy rằng các ngài đã liễu đạt Thiền pháp nhưng xem giáo lý Thiền Tịnh là phương thức truyền đạo mang tính phổ cập. Đặc biệt trong Thiền môn quy củ của Phật giáo Việt Nam và Trung Hoa trước đây, Thiền Tịnh mang tính hài hoà. Cụ thể lấy việc niệm Phật tam muội làm cầu nối hai pháp Thiền Tịnh song tu, trải nghiệm quá trình tu tập để đạt đến sự chứng ngộ. Cho đến thời cận đại, Hư Vân Thiền sư cũng khai thị đặc điểm của Thiền giáo và khuyến tu Tịnh độ. Hoà thượng Tuyên Hoá, giảng giải giáo lý Thiền tông Đại thừa nhưng vẫn nổ lực hoằng dương Tịnh độ. Pháp sư Thánh Nghiệm, một cao tăng hiện đại, trước mọi quan niệm về Thiền Tịnh song tu đã  phân tích  và khẳng định đây là sự vận dụng khéo léo của chư Tổ sư, là phương pháp tu tập phù hợp với tinh thần Phật giáo Đại thừa.

          Đại sư Tinh Vân, vị danh tăng đương đại, chủ trương tu hành với lý tưởng Nhân gian Phật giáo. Ông xem Thiền cũng là nhân tâm mà tu. Thiền đi vào trong mọi lãnh vực đời sống sinh hoạt, nghệ thuật, điều phục nhân tâm, hướng đến chứng ngộ. Đại sư quan niệm Thiền Tịnh song tu không có gì chướng ngại, đều phù hợp với thực tiễn tu học  của Phật giáo, phù hợp với tư tưởng “Nhân gian Phật giáo”. Đại sư hoàn toàn phê bình quan niệm rằng người tu Tịnh độ chủ trương yếm thế, lánh xa hiện thực, hay chủ trương tập trung mang tính cực đoan. Điều đó phù hợp với điều trong kinh A Di Đà dạy : “Không thể có ít thiện căn phước đức mà được sanh Tây phương Cực lạc”. Hay trong kinh Quán vô lượng thọ dạy tu các phước lành để sanh Tịnh độ như: Hiếu dưỡng cha mẹ, với  sư trưởng, phát Bồ đề tâm, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến hoá người tu hành…

          Điều cần lưu ý là, Tịnh hay Thiền cũng đều hướng đến nhân tâm mà thiết lập phương tiện tu tập, mục đích là lợi mình, lợi người, giải thoát sanh tử. Thiền Tịnh vốn không hai, phù hợp với mục đích giác ngộ giải thoát, là tương ưng với đạo lý Trung đạo Phật giáo. Vì lý do đó, Thiền Tịnh song tu là phương pháp thực tiễn, phát huy tính nhất quán của giáo lý Phật giáo, dung hoà tư tưởng của mọi người tu theo Phật giáo.

 

KẾT LUẬN

          Thiền Tịnh song tu rất phù hợp với mọi căn cơ của chúng sanh  trong thời hiện đại.

          Hầu như các Tổ sư thiết lập tông chỉ hành trì đều có phương pháp riêng. Ví dụ trong một tông môn không thể hôm nay dạy niệm Phật, mai dạy tham thiền hay khán thoại đầu. Vì thực hành như thế khó đắc thiền định hay nhất tâm, như một thân mà đi hai thuyền qua sông. Nhưng từ đời Tống  trở về sau, quan niệm Thiền Tịnh song tu được kết hợp qua ý nghĩa niệm Phật căn bản, gồm có ba điểm chính: Một là ngồi thiền mà chuyên niệm Phật, giúp tâm an định. Hai là dùng câu niệm Phật để khán thoại đầu. Ba là dung hợp Thiền Tịnh, tức tu thiền mà nguyện sanh Tịnh độ.  Ở đây nhấn mạnh mục đích hồi quy Tịnh độ. Cho nên Thiền Tịnh song tu là đứng về tâm mà luận, đứng về mục đích  sự tu hành giải thoát sanh tử mà luận. Trong thời đại ngày nay, Thiền Tịnh là hai pháp môn khá phổ biến trong các quốc gia Phật giáo Đại thừa mang tinh thần nhập thế. Thiền Tịnh song tu không có gì tương phản, ngược lại giúp cho vấn đề thực tiễn hoá tinh thần giải thoát của Phật giáo đối với mọi căn cơ./.

                                          (Trích NSGN số 232-7/2015 - Thích Trí Đức)

NIỆM PHẬT VÀ HÀNH THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét