GIỚI HỌC
TRONG ĐẠO PHẬT
Trong
đạo Phật có ba môn học là Giới học, Định học và Tuệ học, trong ba môn Giới học
được xem là hàng đầu, vì nhân giới sinh định từ định phát huệ. Giới lại chia làm ba giai đoạn, hay ba phần:
Tiểu thừa giới, Đại thừa giới và vượt trên Tiểu thừa giới và Đại thừa giới làThanh
tịnh giới. Trong ba phần giới được Phật nói gọn như sau:
Chư ác mạc tác -
Chúng thiện phụng hành - Tịnh chư kỳ ý.
Giai
đoạn đầu là bỏ ác, giai đoạn thứ đến là làm lành, giai đoạn ba là giữ tâm thanh
tịnh. Ban đầu giữ giới Tiểu thừa là chư ác mạc tác là bỏ các việc ác, thứ hai
là giữ giới Đại thừa chúng thiện phụng hành, tức là làm các việc lành, giai đoạn
thứ ba là Tự tịnh kỳ ý, tức làm cho tâm ý trong sáng, thanh tịnh.
Khi
tâm ý chúng ta trong sáng rồi thì các giới giai đoạn 1 và 2 không còn phải lo giữ nữa, lúc này không còn giữ
mà vẫn không phạm, giống như tập xe đạp mới đầu còn cầm giữ cái gi đông sau thuần thục rồi bỏ hai tay, không cầm gi đông đạp xe vẫn không bị
ngã. Đối với hạng thượng căn thì không
nói đến giới luật, vì tâm họ đã thanh tịnh rồi. Những người tâm đã thanh tịnh
thì không cần giữ giới luật, còn đối với những người có nhiều tội ác, phiền
não, cần phải chế ra nhiều giới luật. Cũng như đối với người mạnh khoẻ không cần
dùng thuốc, còn đối với người bệnh thì phải có nhiều thứ thuốc. Sở dĩ chế ra
nhiều thứ luật là để ngăn chận tội ác của họ. Từ cái chỗ ngăn tội ác đó nó cũng
nẩy sinh ra vấn đề tác thiện, cản trở việc hành thiện. Ngăn chặn tội ác nó
cũng tạo ra cái chướng ngại vật để cho
cái ác không xâm nhập vào tâm ta. Tạo ra
nhiều chướng ngại vật để ngăn chặn cái ác không tới, thì lúc bấy giờ cái thiện
cũng không đến được, giống như bế cang toả cảng vậy. Ví như uống thuốc điều trị
tim mạch hay xương khớp, mà uống thuốc nhiều thì ảnh hưởng dạ dày, điều trị bịnh
này lại có tác hại phụ đến bịnh kia. Ví như mọi người ai cũng muốn đến với đạo
Phật, nhưng đến với đạo Phật hai việc ban đầu ai cũng sợ đó là ăn chay và giữ
giới. Chính việc ăn chay và giữ giới đã làm cản trở một số người không ít muốn
đến đạo Phật, vì thế họ đứng ngoài trông vào. Tự đóng kín ác không vô được, thì
thiện cũng không vô được, vì thế cho nên bảo đây là mặt tiêu cực, mặt tiêu cực
cố ngăn không cho điều ác sanh khởi, mặt thiện cũng theo đó mà hạn chế.
Bước đầu tu học , Phật dạy cho các Tỳ kheo phải như thế này, phải như thế
kia, không nên quan hệ với các bậc quyền thế, quốc vương, vương tử, đại thần,
Bà la môn, cư sĩ, trưởng giả, những nhà
giàu có. Vì sao Đức Phật dạy Tỳ kheo không quan hệ với những thành phần này, vì
các Tỳ kheo tâm tu chưa có đủ trí tuệ
sáng suốt để đối phó với những tình huống không tốt xảy ra. Nhưng Phật lại thường xuyên quan hệ với họ. Đức
Phật thuyết pháp cho vua nghe, cho Bà la môn nghe, cho trưởng giả nghe. Tại sao
đức Phật quan hệ với những thành phần này, mà đức Phật không cho các Tỳ kheo
quan hệ, tại sao đức Phật làm mà không cho các Tỳ kheo làm.
Giai đoạn
đầu là giai đoạn chỉ ác, tức ngăn dừng việc ác, vì giai đoạn này ta chưa đủ trí
tuệ, chưa đủ bản lĩnh, nên không đủ sức kham nhẫn với những thành phần nầy, dễ
bị những thành phần nầy lợi dụng và đồng hoá. Bị thiên hạ lợi dụng và biến thành
công cụ của họ, nên rất nguy hiểm, ta chưa đủ bản lĩnh nên ta không nên tiếp cận
với những thành phần này, không có lợi cho con đường tu tập. Khi chưa đắc đạo
trình độ ta còn non kém, nghiệp chướng còn sâu dày, cho nên tiếp xúc với những
người này không có lợi cho ta. Chính cái tham, sân, phiền não, được mất, vui buồn
tác động vào ta nhiều quá, cho nên ta lên hệ với những người này chắc chắn ta sẽ
bị tác động, tất cả những gì trần lao nghiệp chướng của họ trở thành của mình.
Biến ta thành công cụ phục vụ cho họ.
Những người
quyền thế, giàu có, ta tới với họ, họ cúng dường cho ta, thì họ phải đòi hỏi một
cái gì đó nơi ta, không lẽ họ cho không. Trình độ ta còn thấp kém, cho nên mối
quan hệ này rất bất lợi, đạo đức chúng ta chưa có, trí huệ chúng ta chưa ra chi,
nếu ta quan hệ với họ, họ sẽ coi ta ra gì, họ nhìn ta như thế nào? Chúng ta thấy
rõ bất lợi, vì thế cần phải tránh những người quyền thế và giàu sang. Nhờ tránh
họ nên ta không bị những chuyện rắc rối trên cuộc đời này, không bị phiền não
thế tục quấy rầy. Những người giàu có, quyền thế họ bày ra đủ thứ chuyện, nếu
ta không lo học đạo, mà cứ lao vào trong quỷ đạo của họ thì khó thoát ra được,
ta không có lối thoát.
Những người này, nếu còn ở chùa thì cũng chỉ
làm những việc lặt vặt, còn đạo nghiệp thì không thể thành, trần lao nghiệp chướng
vẫn không thay đổi. Người tu thì không thể trông chờ người thế tục, người có
quyền thế, người giàu sang, đến khi thời cuộc thay đổi, hoàn cảnh thay đổi. Người
có quyền hết thế, người giàu sang hết của, lúc đó chỗ dựa không còn, khi ấy mới
hụt hẫn bơ vơ. Còn người tại gia không tự lo tu tập, chuyển hoá nghiệp chướng,
cứ trông chờ nương tựa vào vị Thầy, đến lúc vị thầy mình tin tưởng không tu nữa,
mới sinh tâm hối hận thối chí bỏ tu, và trông chờ sự gia hộ của Phật và Bồ tát,
nhưng những sự mong cầu không đạt lại sinh tâm bất tín nơi Tam bảo, cho Phật, Bồ
tát không linh, rồi bỏ tu bỏ chùa.
Lúc ban đầu tập tu chưa có trí tuệ, chưa có đạo lực, thì
thực hành theo tiêu cực của giới luật, tức tránh những người quyền thế, giàu
sang, những người danh tiếng, để thân được yên tâm được an mới tiến tu đạo nghiệp.
Nhờ tránh những hạng người nầy, người tu mới có cơ hội thúc liễm thân tâm trau
giồi giới đức, những việc lặc vặt không
chi phối tinh thần, nên tinh thần được trong sáng. Nếu để những việc thế tục
chi phối tinh thần, thì người tu cũng buồn cũng khổ, cũng đủ thứ chuyện xảy ra
rắc rối, thì thân không thể yên tâm không thể an làm sao hoàn thành đạo nghiệp.
Cho nên lúc ban đầu thực hành giới luật
tiêu cực rất có lợi, vì thế trên bước đường tu, tất cả người xuất gia hay tại
gia, cần phải cân nhắc ở mặt tiêu cực, ta ngăn ngừa được những chướng duyên đối
với ta, các vấn đề rắc rối không xảy ra, tâm ta mới lần trong sáng. Việc giữ giới
tiêu cực rất cần cho người sơ tâm học đạo, ta gọi là giới Tiểu thừa.
Tiểu thừa
giới nhằm đối trị các nghiệp chướng trần lao, nghiệp chướng trần lao nhờ giới
này mà hoá giải ngăn ngừa. Đó là bước đầu tu hành chúng ta cần phải thấy rõ.
Khi nghiệp chướng trần lao, phiền não không phát sanh, lúc đó huệ chúng ta xuất
hiện, khi có huệ chúng ta có đủ đạo lực, ta trở thành người có đạo lực, có trí
thức rồi. Đến lúc này chúng ta phát huy mặt tích cực để làm đạo. Đức Phật nói
pháp cho Bà la môn, cho quốc vương, vương tử, tể quan, trưởng giả, đến thì Phật nói pháp để độ cho họ. Khi có trí tuệ và đạo
lực rồi, các vua quan, tể tướng đến ta độ họ, mà không bị họ lợi dụng ta, biến
ta thành công cụ của họ. Phật giáo Việt Nam nhờ những vị thiền sư đắc đạo, mới
hoá độ được cho các ông vua, ông quan trở thành Phật tử, họ trở lại hộ trì Phật
pháp. Các bậc danh Tăng ngày xưa trong các thời Đinh, Lê, Lý, Trần đều là những ông vua Phật tử, được hoá độ bởi
các bậc danh Tăng. Nếu không có các bậc danh Tăng độ cho các ông vua trở thành
Phật tử tốt thì chúng ta làm sao có đất
nước thanh bình, đạo Phật phát triển được, lúc đó các bậc vua chúa đều kính lễ các bậc tu hành.
Một người xuất gia tu hành hay một người Phật tử tu hành,
thì ở đó được lợi ích về mọi mặt, lúc bấy giờ chúng ta xử dụng ngũ minh trong
Phật giáo làm lợi cho đời. Làm thầy dạy cho họ về Công nghiệp, về nông nghiệp,
về ngôn ngữ, về bốc thuốc trị bịnh, y dược v.v.. giúp cho xã hội đi lên. Lúc bấy
giờ xã hội thấy người tu là người có trí thức làm lợi cho đời, họ nhìn thấy như
vậy, họ đâu dám khi dễ người tu. Khi họ nhìn thấy người tu có trí tuệ có đạo đức
nên mọi người đều đến với đạo Phật. Khi xưa vua Trần Thái Tôn bế tắc việc triều
chính, lên núi Yên tử gặp quốc sư Phù Vân khai ngộ cho. Nhờ đó mà vua Trần Thái
Tôn xây dựng cơ nghiệp thời trần vững bền.
Khi người đời bế tắc họ đến với Tăng, Tăng tuỳ nghi theo đối tượng mà khai thị
cho họ, chứ không thể đem luật ra mà dạy họ, đọc cho họ nghe.
Giới luật mà áp dụng không đúng chỗ thì có hại chứ không
có lợi, nếu giữ giới luật mà cứng nhắc thì có hại hơn là có lợi, mà phải uyển
chuyển. Đối với người chưa phạm thì đừng
làm cho phạm, đối với người đã phạm, thì ta không trừng phạt, mà làm cho họ
không tái phạm, họ nhận ra được sự phạm. Nếu ta căn cứ người phạm thì đuổi ra
khỏi giáo đoàn, còn sau khi chết sẽ đoạ vào địa ngục. Nếu kết tội như vậy, con
người phạm tội không còn đất sống, tinh thần không còn chỗ dựa. Người đã bị kết
tội như vậy, thì ý thức sống của họ không còn. Vì thế hãy cân nhắc, cho rằng họ
là con người như vậy, không dùng vào đâu được nữa, người như vậy họ sẽ liều và
tạo thêm tội, và làm khổ cho người khác. Vì thế người đã phạm rồi tìm cách cứu
họ, chứ không thể áp dụng giới luật một cách cứng nhắc. Cho nên phải nhìn mặt
tích cực và tiêu cực cho thật sáng. Áp dụng cho từng đối tượng khác nhau không
giống nhau. Người chưa phạm thì làm cho họ không phạm, người đã phạm rồi tìm
cách cứu họ, có nhiều cách để cứu giải. Phật giáo nhờ mặt tích cực nầy mà tồn tại
và phát triển. Ngày nay Phật giáo đóng góp cho đất nước, cho nhân loại là nhờ mặt
tích cực nầy. Nếu Phật giáo áp dụng tiêu cực, hằng ngày đi vào làng khất thực,
tối về ngủ, thì đạo Phật không thể ra gì, người ta sẽ nhìn đạo Phật là những kẻ
ăn hại vô dụng. Cho nên Đức Phật dạy ở trường hợp nào áp dụng tích cực, trường
hợp nào áp dụng tiêu cực cần phải biết rõ để lợi đạo ích đời./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét