Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

TỊNH VÀ THIỀN HAI HƯỚNG ĐI, CÙNG MỘT ĐÍCH ĐẾN

 

TỊNH VÀ THIỀN HAI HƯỚNG ĐI, CÙNG MỘT ĐÍCH ĐẾN

          Hành giả tu pháp môn Tịnh độ,  niệm Phật Di Đà, tin vào tha lực tiếp độ của Ngài để thâm nhập cảnh giới Cực lạc, sau khi xả bỏ huyển thân tứ đại.

          Hành giả theo Thiền tông tin vào tự lực tu tập để minh tâm kiến tánh, chứng ngộ thật tướng các pháp.

          Một số người căn cứ vào điểm khác biệt như vậy của hai pháp môn Thiền và Tịnh để lý giải rằng Thiền và Tịnh hoàn toàn khác nhau, thậm chí chống trái nhau. Ngoài ra, một số người tu theo Phật, nhưng mắc bệnh chấp pháp, vì thích pháp tu Thiền, nên họ cho rằng chỉ có Thiền là đúng nhất, hay nhất…

          Ngày nay, phong trào học Phật phát triển rộng và các giảng sư mỗi người dạy một cách, hướng dẫn một pháp môn. Vì vậy, đôi khi, pháp môn này được triển khai không thích hợp với pháp môn khác, khiến cho Phật tử hoang mang và chấp trước, thì dù tu pháp nào cũng không thành công và không giải thoát.

          Cần nhớ rằng Phật nói nhiều pháp môn, nhưng mục đích chỉ có hai chữ giải thoát, tức là làm sao chúng ta không bị phiền não chi phối, quấy rầy, không bị việc trần gian hành hạ. Tu pháp môn nào cũng nhằm giải quyết như vậy là chính yếu.

          Riêng tôi, nghiên cứu, giảng dạy và thực tập giáo pháp trong đời sống tu hành của mình, tôi nhận ra đúng nghĩa mà Phật nói nước bốn biển chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, pháp Phật nhiều vô số, thường được tiêu biểu bằng con số 84.000 pháp môn, nhưng chỉ có một vị giải thoát mà thôi.

          Vì vậy, học pháp môn này mà chê pháp môn khác là sai lầm và bị đoạ. Chọn pháp môn thích hợp với mình, nên áp dụng để được giải thoát, nghiệp nhiều đời của mình được lắng yên. Được chừng đó, tôi nghĩ đã đủ và nếu tiến tu xa hơn, chúng ta đi trên lộ trình giải thoát, đến được thế giới Phật.

          Riêng về việc thực tập pháp môn niệm Phật là Phật hạ xuống cho chúng ta đến mức thấp. Vì ở Lộc Uyển, Phật dạy pháp tu Tứ Thánh đế để đạt quả vị A La Hán, nhưng pháp này cũng khó thực tập để chứng được; vì phải tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần, mới đắc quả A-la-hán. Thành tựu được tất cả pháp này không dễ, chỉ có năm anh em Kiều Trần Như đắc A-la-hán sau khi thực tập pháp Tứ Thánh đế. Và sau Phật Niết bàn, ít người tu chứng La-hán.

          Vì sự khó khăn đó, Phật mới mở pháp phương tiện để dạy đa số người tu, trong đó có pháp môn niệm Phật. Mặc dù pháp môn niệm Phật tương đối không khó, nhưng cần phải tu đúng mới có kết quả.

          Thật vậy, thực tế cho ta thấy đa số người tu Tịnh độ, lầm tưởng kêu tên Phật là niệm Phật. Niệm Phật hoàn toàn khác với kêu tên Phật. Suốt ngày chúng ta cứ đọc Nam mô A Di Đà Phật là kêu tên Phật để vãng sanh, không thể nào vãng sanh được. Niệm Phật mới vãng sanh được.

          Chữ niệm viết theo chữ Hán gồm có chữ kim và chữ tâm, nghĩa là chúng ta đặt tâm vào hiện tại, nghĩ đến Phật Di Đà. Niệm Phật như vậy tương ưng với  pháp tu Thiền. Hoặc muốn vãng sanh, cũng phải niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn. Đó là trạng thái định tâm cao độ  tương ưng với Thiền chỉ.

          Niệm Phật có ba phương cách chính yếu là trì danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và xứng tánh niệm Phật.

          Với hành giả tu Tịnh độ, chỉ nghĩ đến Phật A Di Đà thôi, không  nghĩ gì khác, bằng cách niệm Phật Di Đà, gọi là trì danh niệm Phật, hay xưng danh niệm Phật, đó là bước đầu của hành giả thực tập, chỉ niệm tên Phật.

          Xưng danh hiệu Phật A Di Đà nhằm tập trung ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thật vậy,  thực tập pháp môn này, bắt đầu thân ngồi yên, miệng chỉ niệm Phật Di Đà và chuyển tâm tán loạn an trú và danh hiệu Phật A Di Đà, tức nhiếp tâm vào định. Niệm Phật như vậy đã đồng với Thiền là thu nhiếp thân tâm, làm cho thân tâm an định.

          Ở giai đoạn hai, tu quán tưởng, để hình dung Phật, Bồ tát và thế giới của Ngài là chính yếu cần thực hiện. Lúc đó, việc niệm nhanh cho đủ túc số danh hiệu Phật không cần thiết, mà quan trọng thế giới Phật phải hiện ra trong tâm hành giả.

          Hành giả đem tâm mình đặt vào Cực lạc và đặt tâm vào Cực lạc rồi, Ta bà biến mất và Cực lạc hiện ra. Pháp môn này giúp chúng ta tu hành đốt giai đoạn, đi tắt, nên thù thắng là vậy; vì từ Ta bà đến được thế giới Cực lạc mà không cần phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp để tu tất cả pháp do Phật Thích Ca chỉ dạy.

          Trì danh niệm Phật đồng với tu định theo Thiền, tiến lên đến pháp quán tưởng niệm Phật, hành giả cũng đã vận dụng pháp quán như Thiền, mặc dù hình thức quán tưởng của mỗi pháp môn tất nhiên có khác nhau.

          Từ giai đoạn hai, quán tưởng, hình dung ra thế giới Phật, tuy không phải là thật, nhưng từ sự hình dung này giúp hành giả chuyển qua giai đoạn ba là xứng tánh niệm Phật, hay niệm Phật trong vô niệm.

          Thay vì niệm Nam mô A Di Đà Phật, hành giả quán sát “ai niệm Phật đây” và không thấy người niệm Phật nữa. Đạt đến xứng tánh niệm Phật, tức chân niệm thì tâm niệm tâm. Hành giả và Phật cùng ở trong thế giới mầu nhiệm, mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới, tức loại hình thế giới vượt ngoài thế giới hiểu biết bằng căn, trần, thức của con người.

          Đạt đến đỉnh cao của pháp môn Tịnh độ, xứng tánh niệm Phật, thì đâu khác gì minh tâm kiến tánh, chứng ngộ bản tâm theo Thiền tông.

          Tóm lại, vì lòng đại từ bi muốn dìu dắt chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi và với trí tuệ siêu việt thấu rõ cùng tột chư pháp thật tướng, Đức Phật đã triển khai vô số  pháp phương tiện để thích hợp với hoàn cảnh, trình độ, nghiệp lực của mỗi người khác nhau, quốc độ khác nhau, mỗi thời kỳ khác nhau. Nhưng tựu trung, giáo Pháp Phật đều có một vị giải thoát, ví như trăm sông đều đổ về biển cả. Dòng sông Tịnh độ, dòng sông Thiền, dòng sông Pháp Hoa, dòng sông Nguyên thuỷ… đều lưu chuyển vào biển đại giác ngộ, từng chặng đường tiến tu, đều giúp hành giả thăng hoa trí tuệ và đức hạnh.

          Vì vậy, thể nghiệm đúng yếu lý của pháp môn Tịnh độ tương đồng chẳng những với yếu lý của Thiền, mà cũng tương đồng với yếu lý Pháp Hoa, Mật tông và Nguyên thuỷ. Nói chính xác, pháp môn Tịnh độ, Pháp hoa, Thiền, Mật và Nguyên thuỷ đều bổ sung cho nhau, giúp đệ tử Phật hoàn thiện nhân cách của bậc Thánh giả, thành tựu trọn vẹn trí giác,đầy đủ tâm đại bi, viên mãn Bồ tát hạnh, đạt đến quả vị Vô thượng đẳng giác ./.

        (Trích: NSGN số 232 -7/2015 - Hoà thượng  Thích Trí Quảng)

{]{

TỊNH VÀ THIỀN HAI HƯỚNG ĐI, CÙNG MỘT ĐÍCH ĐẾN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét