SƠ
LƯỢC LỊCH SỬ TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA
Bồ Đề-Đạt-Ma Tổ thứ 28 bên Ấn Độ, Ngài
ra đời vào cuối thế kỷ thứ 5 sau khi Thế Tôn nhập diệt. Ngài thuộc về dòng dõi
Hoàng phái. Vua cha tên là Hương Chí, con thứ ba trong hoàng gia sinh tại miền
Nam Thiên Trúc, lúc nhỏ rất thông minh, có lòng kính trọng các bậc tôn trưởng
và thương yêu mọi người. Tuy sống trong gia đình cao sang quyền quý, nhưng ngài
không mê đắm ngũ dục lạc của đời. Vua cha định cưới công chúa cho Ngài để hưởng
cảnh vương giả như hai người anh của Ngài, nhưng Ngài từ chối.
Do căn lành đã trồng trong nhiều đời,
Ngài từ chối duyên trần, để tìm đường giải thoát. Ngài thường theo phụ vương
nghe các vị giảng sư thuyết đạo. Một hôm Tổ Bát Nhã Đa La vào vương cung thuyết
pháp. Vua Hương Chí đem viên ngọc Bảo châu dâng cúng Tổ Bát Nhã, tỏ lòng sùng
kính. Trong lúc ấy có ba vị vương tử cùng theo. Tổ Bát Nhã liền hỏi ba vị hoàng
tử rằng: Ở đời có thứ gì quý báu bằng hồn ngọc này không? Hai vị vương tử lớn đồng đáp rằng: Thưa Tổ
sư, trên đời này không vật gì quý bằng ngọc Bảo châu này.
Vưởng tử đệ tam đáp: Bạch Tổ sư, theo ý con thì viên ngọc Bảo châu
này theo thế gian thì quý thật, nhưng đối với đạo Bồ đề thì chưa bì kịp phần
nào cả, duy chỉ có pháp bảo của nhà Phật mới là quý báu. Vì pháp bảo mới đưa người
đến chỗ an lạc và giải thoát.
Tổ Bát-Nhã lại hỏi tiếp: Trong các loài, loài nào lớn nhất?
- Đệ tam vương tử đáp: Bạch Tổ sư, chỉ có Phật tánh là lớn nhất,
vì Phật tánh bao trùm cả trong và ngoài vũ trụ vậy.
Qua hai câu trả lời của đệ tam vương tử Bồ đề Đa la, Tổ sư Bát Nhã
nhận biết Ngài có căn lành trong nhiều đời nhiều kiếp, ngày sau sẽ xuất gia tu
đạo giác ngộ chứng được Phật tánh. Nhưng lúc ấy thời cơ xuất gia của vương tử Bồ
đề Đa la chưa đến nên tổ sư không đem chuyện xuất gia mà giảng nói.
Không bao lâu vua Hương Chí băng hà, việc triều chính có hai vương
huynh lo, sắp đặt. Lúc ấy nhơn duyên xuất gia của Ngài đã đến, chí xuất trần của
Ngài lớn mạnh, nên ngài liền đến bạch với Tổ Bát Nhã cầu xin xuất gia tu đạo.
Nguyên Ngài tên là Bồ Đề Đa La, được nhơn duyên xuất gia với Tổ Bát Nhã Đa La,
Tổ thấy căn tánh thông lợi và ngài nhận được bản thể của các pháp, nên đổi lại
hai chữ sau tên Ngài là Bồ Đề Đạt-Ma.
Sau khi xuất gia và thọ giới rồi, Bồ Đề Đạt Ma bạch với Tổ Bát Nhã
Đa La rằng: Bạch Tổ sư, con đã xuất gia
và đắc pháp rồi, vậy con phải đi hoằng pháp lợi sanh ở xứ nào?
Trước khi thị tịch, Tổ Bát Nhã có mấy lời chỉ giáo cho Đạt ma.
Ngài dạy: Ở Tây độ ông là vị Tổ cuối cùng, Đạo Phật ở đây, đến thời suy vi, vậy
ông nên hiểu vận mạng đạo pháp của ta, khi cơ duyên đến ông nên ra hải ngoại để
truyền bá đạo pháp. Ông có nhân duyên với các hạng đại căn ở Đông Độ. Vậy nên
chuẩn bị sang đó để truyền đạo.
Lúc đến nơi ông không nên hoằng hóa ở miền Nam, mà hãy lên miền Bắc
Đông độ, thì công việc hoắng hóa mới được kết quả mỹ mãn. Công việc độ sanh và
lời chỉ giáo đã xong, Tổ Bát Nhã thâu thần nhập diệt.
Bồ Đề Đạt ma kế Tổ khai hóa quần sanh ở Tây thiên Trúc thời gian
ngót 60 năm. Thời tiết nhân duyên đã đến, Ngài quyết định sang Trung Hoa hoằng
hóa đạo pháp. Ngài vượt biển ra khơi trải qua ba năm trường dầm sương dãi nắng,
thuyền mới đến Quảng Châu, Trung Quốc. Lúc bấy giờ là triều Lương. Vua Võ Đế
hay tin Bồ Đề Đạt Ma đến thị trấn Quảng Châu, quan thứ sử là Tiêu Ngang liền ra
lệnh trang hoàng để nghinh tiếp Ngài, rồi dâng sớ tâu, vua Lương Võ Đế hay, vua
Võ Đế hay tin liền sai sứ thần đến thỉnh ngài về Kim Lăng. Sau khi tiếp kiến,
vua mới hỏi về đạo lý nhà Phật, vua bạch rằng:
-Từ khi tôi làm vua đến nay, kiến lập nhiều cảnh chùa, tạo nhiều
tượng, xây tháp, đúc chuông, in kinh và độ Tăng rất nhiều không thể kể hết, như
thế có được công đức không? Như thế có giải thoát thành Phật không?
-Bồ Đề Đạt Ma đáp: Không có công đức chi hết, mà cũng không thể giải
thoát thành Phật được.
-Tại sao không có công đức và cũng không giải thoát thành Phật được,
tôi nghi quá?
-Làm như thế thì chỉ hưởng phúc báo nhơn, thiên, hay là tiểu quả
trong tam giới mà thôi, vì đó còn thuộc về cái nhân hữu lậu, cũng như bóng theo
hình, như vang theo tiếng tuy có mà không thật.
- Làm thế nào mới được chân thật công đức?
- Muốn được công đức chân thật và giải thoát thành Phật thì trí tuệ
phải thanh tịnh sáng suốt, huệ nghiệp phải tiến tu, dõng mãnh.
Nói tóm lại, là phải thể nhập chơn tánh, tu huệ thật nhiều. Việc cất
chùa, xây tháp, đúc chuông, tạo tượng v.v…đó chỉ là hưởng phúc trong một thời
gian mà thôi. Muốn được đạo quả giải thoát là phải minh tâm kiến tánh mới được.
Công đức này không thể lấy thế pháp mà cầu được.
Tổ lại giảng thêm cho vua nghe ở ngoài tâm không có Phật, muốn tìm
Phật phải tìm nơi tâm mới có. Niết bàn và đại ngộ cho là việc ngoài tâm đó là lầm
to vậy. Ngoài sự thật của cái tâm, mọi vật đều là giả dối, không thật. Duy chỉ
có bản tánh sáng suốt là cao quý thôi. Khi tư tưởng ngừng nghỉ, yên tịnh, ấy là
Niết bàn.
Mỗi người đều thấy Phật và tưởng Phật trong tâm mình, còn mơ tưởng
một vị Phật nào ở ngoài tâm, cho mình thấy ở chỗ nào đó, ấy là điên đảo vậy. Vì
thế cho nên, không phải ngó ra ngoài, mà hướng vào trong. Mỗi người đều có Phật
mà mình muốn cho được thành Phật, thì phải nhận biết cái chơn lý chỉ là một ở
trong tâm mà thôi.
Vua Lương Võ Đế nghe lời Tổ sư nói trên, không lãnh hội được ý chỉ
cao siêu, huyền diệu. Do đó nên vua đối đải với Ngài hết sức lợt lạt và cho rằng
Tổ sư tu khác đạo.
Cơ duyên truyền đạo chưa đến, nên Ngài phải ẩn thân một thời gian,
đợi thời tiết thuận sẽ truyền bá đạo pháp của chư Phật.
Sau khi vua Lương Võ Đế không lãnh hội được tôn ý của Tổ sư, Ngài
mới sang qua Giang Bắc, tới Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam, Ngài ở ẩn tại chùa Thiếu
Lâm trên núi Tung Sơn, trong chín năm ngồi im lặng xoay mặt vào vách.
Lúc đầu, đa số người nghe không hiểu nổi ý Ngài muốn nói gì, nhưng
rất may mắn có những vị thông hiểu được tôn ý của Ngài và trở thành những vị đệ
tử thượng túc, đem ý nghĩa ấy giảng giải thêm ra để phổ cập khắp chốn, cùng
nơi.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma có bốn vị đệ tử thượng túc. Bốn vị này đều có đặc
tài, mỗi vị giỏi một cách, để trợ hóa Ngài và làm lợi ích quần sanh.
1/ Vị thứ nhất có đặc tài về cách truyền giáo cho hạn người bình
thường, cho mọi người hiểu đạo một cách dễ dàng, y cứ theo đó mà dần dần tu tập,
gọi là “truyền giáo ngoài da”.
2/ Vị thứ hai giảng dạy những đạo lý khá sâu rộng, khiến mọi người
đi sâu về phương diện phước huệ song tu, để đạt đến quả vị La Hán, pháp dạy này
gọi là “truyền giáo vào thịt”.
3/ Vị thứ ba, có tài sâu sắc hơn, dạy đức tánh tư bi, thường giảng
sâu về đạo lý vô thường và khuyên mọi người phải tịnh tu ba nghiệp, phương pháp
này gọi là “truyền đạo vào xương”.
4/ Vị thứ tư, tài đức song toàn, Ngài này đặc biệt hơn và thù thắng
hơn ba vị kia. Ngài đem giáo lý tối thượng thừa mà giáo hóa cho bậc đại căn cơ,
ngộ đạo thành phật, phương pháp này gọi là “truyền đạo vào tủy”.
Trong thời gian hóa đạo ở Trung Quốc có một vị chân thành tìm đến
cầu đạo nơi Ngài, tên là Thần Quang, ông đã từng xem qua kinh, luật, luận của đạo
Phật, Ngài than rằng, Đạo lý của Khổng Tử và Mạnh Tử thì dạy về phong hóa, lễ
nghi, còn tư tưởng của Trang Chu và kinh Dịch cũng chưa xiển minh được chỗ diệu
lý. Nghe nói có Tổ sư Bồ đề Đạt Ma vốn là bậc tu hành đắc đạo, vậy ta đến đó thỉnh
cầu Ngài chỉ giáo cho những nghĩa lý cao siêu huyền diệu của đạo.
Ngài Thần Quang bèn quyết đến bái kiến Tổ Đạt Ma để học hỏi giáo
lý cao thượng, nhưng đến chùa thì Tổ Đạt Ma đang ngồi xoay mặt vào vách, không
nói một lời gì với ai cả.
Thấy thế, Ngài Thần Quang mới suy nghĩ “Ta muốn thể nhận đạo lý
thì phải gian lao cực khổ mới được”, các Tổ ngày xưa tận tâm cầu đạo, đến nổi lột
da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, để chép kinh sách v.v… các
Ngài cương quyết làm, để cầu cho được đạo quả vô thượng. Nếu không noi gương
các ngài thì đạo quả sao nên.
Ngài quyết chí thi hành bản nguyện, lúc ấy tiết trời mùa đông, lạnh
lẽo tuyết rơi quá nhiều, nhưng Ngài đã quyết định, nhất tâm chánh niệm vững
vàng. Ngài đứng trước sân hầu hạ suốt đêm, tuyết xuống ngập cả bàn chân ngài, mặc
dù thế nhưng tinh thần của ngài vẫn sáng suốt và an vui.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy Ngài quá chí thành cầu đạo, nên liền hỏi
rằng:
- Ngươi cầu xin việc gì, Và muốn tìm hỏi gì, mà đứng suốt mấy canh
thâu lạnh lẽo đến thế?
- Thần Quang cung kính thưa: Kính đức Tổ: Ngưỡng mong Tổ sư từ bi
truyền trao lý đạo và cứu độ chúng con.
- Tổ Đạt Ma nói: “Đạo lý cao siêu ai muốn cầu cho được là phải
chuyên tâm nhất trí và nhờ đạo lực tu trong nhiều đời nhiều kiếp (nan hành,
năng hành) mới nhiệt tâm vì đạo. Nếu đem tâm nhỏ hẹp đức tánh tầm thường mà cầu
đạo vô thượng thì khó mà thành tựu viên mãn”.
Ngài Thần Quang nghe Tổ sư chỉ dạy những lời chân chánh và thống
thiết tự nghĩ: “Sự phát tâm của mình chưa được cao thượng”. Thần Quang dùng
thanh đao bén chặt một cánh tay bên trái, rồi đem cánh tay ấy để trước mặt Tổ
sư, tỏ lòng tha thiết cần cầu đạo lý tối thượng.
Trước sự thành khẩn cầu đạo của Thần Quang, Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhận
biết là bậc nhân pháp khí. Tổ sư nói:
Ngươi vì đạo quên mình, chặt tay cầu đạo, buông bỏ thân mạng, tôn chuộng
chánh đạo.
Tổ sư biết thời cơ đã đến, liền đổi tên Thần Quang là Huệ Khả. Được
Tổ sư ban cho tên là Huệ Khả, Thần Quang rất hài lòng, và bạch với Tổ sử: Pháp ấn
của chư Phật truyền trao con có thể nghe được không?
- Pháp ấn của chư Phật không phải do người mà đặng! Vậy hôm nay
nhà ngươi cầu pháp gì?
Bạch Tổ sư: Tâm con chưa yên, nhờ Tổ sư truyền trao cho con về
pháp An tâm.
-
Ngươi hãy mau mau đem tâm đến đây
ta an cho.
Trong giây lâu Huệ Khả thưa: “Mích tâm liễu bất khả đắc”- Con tìm
tâm mãi mà không thể được, bạch Tổ sư.
- Như thế là ta đã “ an tâm”cho ngươi rồi đấy! Và hôm sau, Tổ Bồ đề Đạt Ma lại kêu Huệ Khả
và tất cả môn nhơn mà chỉ hạnh Đại thừa nhập đạo như sau:
1/ Lý nhập - 2/ Hạnh nhập
Lý nhập: nghĩa là nhờ giáo lý mà ngộ được tâm tông, nên tin chắc
là cái lý chúng sanh với chư Phật đồng một thể tánh như nhau.
Hạnh nhập, nghĩa là nhớ rõ các hạnh mà được tâm tông.
a/ Báo oan hạnh, b/ Tùy duyên hạnh, c/ Vô sở cầu hạnh, d/ Xứng
pháp hạnh.
Do các hạnh này mà nhập đạo dễ dàng. Trong kinh nói: “các pháp do
nhơn duyên mà sanh ra, chứ kỳ thật không có tự tánh” Bậc thượng căn hiểu được
lý này, xứng pháp mà làm, dù đem hết thân mạng và tài sản ra làm việc bố thí,
tu phước cũng không tiếc, miễn đạt được diệu hạnh “tự lợi, lợi tha mà thôi”.
Khi gần tịch ngài triệu tập tứ chúng lại hỏi đạo: “các ông theo ta
học đạo rất lâu, vậy có sở đắc gì nói cho ta nghe thử”. Ông Đạo Phó thưa: Bạch
Tổ sư, theo chỗ con hiểu thì chẳng lập văn tự và chẳng lìa văn tự đó là đạo lý
trung dung.
Tổ sư nói, như vậy thì ngươi chỉ mới được phần da của đạo mà thôi.
Ni Tổng Trì thưa: Theo chỗ con nhận định, như Ngài Khánh Hỷ, chỉ
thấy cõi nước A Súc có một lần, không thể thấy lần thứ hai nữa.
Tổ sư nói: Như vậy ngươi chỉ mới được phần thịt của đạo mà thôi.
Ông Đạo Dục thưa Bạch Tổ sư, Tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có,
chỗ thấy của con là không có một pháp gì có thể đạt được như thế là đạo vậy.
Tổ sư lại nói rằng, ngươi đặng phần xương của đạo vậy.
Ba vị trên dùng ngôn ngữ văn tự để diễn tả đạo lý nên chưa đúng đạo.
Đến lần Huệ Khả ra, Ngài đứng một chỗ yên lặng không nói một tiếng nào cả.
Tổ sư ấn khả rằng, “Được như vậy”, ngươi đặng phần tủy của Đạo vậy”.
(Đạo vốn vô ngôn, ngôn sanh ý tán).
Thời gian đã đến, duyên sắp mãn, nên Tổ sư định truyền y bát cho
Ngài Huệ-Khả, để tiếp nối đạo mầu trong tương lai. Lúc bấy giờ, Bồ-Đề -Đạt- Ma
hướng về chỗ Huệ-khả mà bảo rằng: “Trước kia Đức Thích Ca Thế Tôn, dùng “Chánh
pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, truyền
trao cho các đời Tổ, cho đến Ta, giờ đây Ta trao lại cho ông. Vậy ông phải kiên
cố mà giữ gìn hộ trì đạo giáo cho được trường tồn vĩnh cửu, luôn tiện đây Ta
truyền pháp y Ca sa này cho Ngươi để làm thứ biểu tín. Rồi từ đây về sau tương
truyền cho nhau.
Ngài Huệ-Khả thọ lãnh pháp y Ca sa mà bạch rằng: Ngưỡng bạch Tổ
sư, cúi mong Ngài chỉ giáo con đường tương lai cho con rõ.
Tổ Bồ Đề-Đạt-Ma dạy rằng: “Bên trong Ta truyền pháp ấn cho hợp với
chơn tâm, ở ngoài Ta phú pháp y để chứng minh phần tông chỉ. Nếu ngươi không có
y này, sợ người đời sau nghi kỵ, vì Ta là người Ấn Ngươi là người Hoa. Trong
khoảng 200 năm sau Ta nhập diệt thì y Ca sa ấy không truyền nữa. Vì sao? Vì khi
ấy đạo pháp rất hưng thịnh, khắp mọi chân trời. Vậy ngươi hãy gắng sức mà hộ
trì Phật pháp”.
Trước giờ thị tịch Tổ sư dạy rằng “Cơ duyên hóa đạo ở đây đã mãn,
sự truyền pháp cứu mê tình đã xong vậy Ta sắp sửa thâu thần nhập diệt”.
Tổ Bồ Đê-Đạt-Ma truyền trao chánh pháp cho ngài Huệ-Khả xong, phú
chúc mọi việc đã xong, liền ngồi trang nghiêm ở tại pháp tòa hiện ra nhiều pháp
mầu để cảm hóa quần sanh, rồi ngài thị tịch./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét