Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

CHỮ “ KHÔNG” TRONG KINH BÁT NHÃ

 

                CHỮ “ KHÔNG”  TRONG KINH BÁT NHÃ

   Kinh Bát nhã là bộ kinh thuộc hệ Phật giáo Đại thừa, là bộ kinh nhiều tập và nhiều chữ nhất, nhưng lại ít chữ nhất, cuối cùng không có chữ nào để nói, để diễn tả, chỉ im hơi bặt tiếng mới đúng nghĩa của kinh.

Bộ Đại kinh Bát nhã gồm 600 tập, các nhà kiết tập rút gọn lại còn 262 chữ. Trong 262 chữ có hai chữ “Sắc và Không” nói lên toàn bộ của bộ kinh cũng như 262. Dù 600 tập hay 262 chữ hoặc 2 chữ cũng chỉ gói trọn trong một chữ “Không”. Vì thế trong toàn văn Bát nhã chúng ta gặp đi gặp lại chữ “Không”. Như  không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, không tướng, không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức,  không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân, không ý, cho đến không sắc, thanh, hương, vị xúc. Không nhãn giới, không ý thức giới. Không vô minh, cũng không hết vô minh,  không có già, chết, không có hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí tuệ và cũng không có chứng đắc.

  Phần đông chúng ta đọc kinh hay tụng kinh là để hiểu, nếu tụng kinh để hiểu muôn đời chúng ta không bước vào được nhà Như Lai. Vì thế trong kinh Kim Cang nói: “Dùng âm thanh để thấy ta, dùng hình tướng để thấy ta, đó là theo đạo tà”. Chúng ta cứ nghĩ tụng đọc là tu, là hành nhưng không phải.

 Vượt ra ngoài việc tụng đọc để hiểu, mục đích của kinh là để ngộ. Ngộ cái gì? Ngộ cái Tự tánh, cái Chân tâm, tức là cái Tánh giác của ta, của mỗi người.

Trong ta có hai phần: Tâm trí và Tâm giác, hay là Thức và Trí. Tâm trí nằm trong vòng nhị nguyên, trong vòng đối đãi, có nhơ có sạch có đúng có sai v.v… vì thế từ tâm phân biệt sanh ra phiền não, loạn tưởng, nhìn mọi sự mọi vật không đúng như thật, nó chỉ là ảo ảnh….

Tâm giác: Thì vượt ra ngoài vòng đối đãi nhị nguyên, nên không sanh, không diệt, không sạch không nhơ…Tâm giác nó vượt ra ngoài phạm trù đối đãi, nó không dùng đến tai, mắt, mũi, lưỡi… nhưng nó cảm biết tất cả. Vì thế các nhà ngoại cảm, các nhà tiên tri họ nói những việc ở xa, những việc chưa đến sẽ diễn ra đúng như thật. Gọi là nhìn bằng con mắt thứ ba, tức thần nhãn. Nhưng thần nhãn hay con mắt thứ ba cũng chưa đạt đến  tuệ giác mà trong kinh Bát Nhã nói đến. Ta lấy cái để ví dụ để hiểu tại sao trong kinh cái gì cũng nói “Không” hết.

Tâm ta có hai phần, một phần vọng một phần chơn. Phần vọng gọi là tâm thức, phần chơn gọi là tâm trí. Mục đích tu học Phật là chuyển Thức thành trí, chuyển vọng thành chơn. Muốn chuyển thức thành trí, chuyển vọng thành chơn, trước hết ta phải nhận biết cái Tánh biết sẵn có của mình, rồi ta mới ra công chuyển hóa mới được. Nếu không biết ta có cái Tánh biết thì không thể nào chúng ta chuyển các tập khí thành năng lượng an lạc được.

Ví dụ các tập khí phiền não, dụ như rác thải người ta chuyển hóa rác thành năng lượng đốt cháy tạo ra điện hay khí đốt, người nông dân chuyển thành phân hữu cơ cho ra cây trái, bông hoa, lương thực. Trong kinh gọi là phiền não tức Bồ đề là vậy. Nhưng phải biết phân biệt giữa Thức và Trí Chơn và Vọng mới có khả năng hoàn thành lộ trình giải thoát.

Kinh Bát nhã đọc không phải để hiểu mà để chỉ tánh giác của mình. Chỉ thẳng tánh giác của mình, nhận ra tâm Phật của mình. Trong kinh Bát nhã nói “Không” tức là tánh không, tức là tánh giác của mỗi người. Tánh giác của mỗi người là con người chân thật của mình. Và Kinh Bát Nhã là để chỉ thẳng tâm mình là Phật, tâm mình là giác, chứ không phải kinh để phá “ngã chấp” thì chưa đúng.

Tánh không là Chân lý, Chân lý không thể hiểu mà để nhận ra. Đạo Phật là con đường dẫn đến giác. Giác tức là biết, cái biết này không đồng nhất với cái biết của phàm phu thế gian. Vì không đồng nhất biết thế gian nên, hành giả khi thấu triệt được tánh giác, những vui buồn khổ lụy không thay tâm đổi tánh họ được là vậy, họ tự tại trước mọi hoàn cảnh, khổ vui, nghịch thuận. Trái lại kẻ phàm phu đồng nhất cái biết của mình với sự việc nên, trong hoàn cảnh khổ vui, được mất họ thất kinh thác loạn, điên đảo tâm trí là vậy.

 Sau đây là phần nghĩa chính yếu của Kinh:

  Xá lợi Tử! Tướng Không của các pháp (giác) không sanh, không diệt, không sạch, không nhơ, không thêm, không bớt.

 Cho nên trong tướng Không, không có Sắc, không có Thọ, không có Tưởng, không có Hành, không có Thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp (cái nhận biết âm thanh, sắc tướng, hương vị…) (nhưng nó không phải là hương vị, âm thanh…) không có nhãn giới, cho đến ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ, không có chứng đắc.  Đó là phần nói về Tánh không trong kinh Bát nhã.

Vì sao nói không, vì trong tánh không nó vốn đã sẵn có. Trong kinh Bảo Đàn Ngài Huệ Năng nói: “Tự tánh xưa nay vốn đầy đủ, tự tánh sanh ra muôn pháp…”. Trong kinh Pháp Hoa nói: Như ông trưởng giả giàu có, của cải đem cho người dân cả nước xài cũng không thiếu là vậy.

Như vậy, kinh Bát nhã là để chỉ cho ta nhận ra tánh giác của mình, khi đã nhận ra tánh giác của mình, mình sẽ không bị trôi lăn trong ba đường sáu nẻo, không còn phiền não dẫn dắt đi vào đường mê lối hiểm nữa. Vì thế cuối đoạn kinh nói: Ba đời chư Phật cũng đều y nơi tánh giác này mà thành chánh quả. Các thần chú, các chú đại minh, cács chú cao thượng đến đâu cũng không hơn Tánh giác Bát nhã này vậy. Không cần tìm cầu đâu xa ngay nơi tự tánh chúng ta nhận ra được sẽ qua khỏi bờ bên kia sanh tử là vậy./.

                                        ]

CHỮ “ KHÔNG” TRONG KINH BÁT NHÃ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét