Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

GIỮ GIỚI VÀ PHẠM GIỚI

 

GIỮ GIỚI VÀ PHẠM GIỚI

     Giới luật Phật giáo chú trọng tu thân làm người, tức là ngưỡng vọng và noi theo tấm gương của Đức Phật để hoàn thành nhân cách con người, làm một con người tốt, tu thân hoàn thành mới có thể khai phá trí tuệ sáng ngời bên trong, chứng ngộ chân lý cao nhất. Để đáp ứng mọi căn cơ mọi đối tượng, giới luật được chia thành hai nhóm : Giới luật cho người xuất gia và giới luật cho người tại gia. Giới luật người xuất gia gồm có: Giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sadi Ni, và thức xoa. Gọi là 5 chúng xuất gia. Giới luật cho người tại gia cư sĩ nam và cư sĩ nữ : gồm ba quy y và 5 giới . Ngoài ra có một loại giới chung cho cả xuất gia và tại gia gọi là Thông giới tức Bồ Tát giới.

          Giới xuất gia gồm có: Giới trọng, giới khinh, và oai nghi và các phương pháp chấm dứt sự tranh chấp cãi cọ.   Các giới luật Phật chế nhằm chú trọng các vấn đề kiềm chế bản thân, tôn trọng người khác, mọi việc làm phù hợp với nhân quả thiện ác là giữ giới, phá giới có thể phát lồ sám hối, tích thiện kết duyên để hóa giải, lập công chuộc tội; tuy nhiên, việc phá kiến ( không có quan niệm nhân quả ) thì không có cách nào để chữa trị, muôn đời không hồi phục được.

          Người bình thường cho rằng giữ giới là một sự trói buộc thêm. Thực ra, hễ thân rơi vào lao ngục, con người mất đi tự do, rốt cuộc nguyên nhân của nó đều là vi phạm 5 giới. Năm giới là đạo đức căn bản của việc làm người, là mục đích đức dục cơ bản về luân lý, giữ giới là quyết định ở chỗ không xâm phạm mà tôn trọng chúng sinh hữu tình. Cho nên giữ năm giới chính là thể hiện của việc giữ gìn giáo pháp.

          Từ năm giới này mở rộng ra thập thiện giới, có thể đại loại chia thành ba nghiệp là thân, miệng và ý. Nghiệp ý là căn nguyên của hai nghiệp thân và miệng, vì thế giữ năm giới, tuân theo mười thiện pháp, xuất phát từ tâm (ý ), dùng giới hạnh dừng ác hành thiện để đạt đến thanh tịnh tự tâm, đồng thời cũng mang đến sự hòa bình, tôn trọng cho người khác. Giới Bồ Tát bao gồm thực hành ba pháp tu quan trọng, đó là giữ luật nghi, tu thiện pháp và độ chúng sanh, không chỉ từ bỏ việc ác, mà trở lại làm các việc lành, tức là tu tất cả việc thiện và học hết tất cả pháp Phật để cứu giúp chúng sanh vô cùng vô tận.

          Những điều khoản quy định, luật pháp của thế gian đến từ sự ràng buộc bên ngoài, đều thuộc tha luật (chịu sự trói buộc kiểm soát đốc thúc của người khác một cách bắt buộc ), còn giới luật của Phật giáo phát xuất từ bên trong, nhu cầu tự thân, thuộc tự luật ( tự kiểm soát bản thân mình một cách tự nguyện ), người giữ giới đều tự nguyện muốn giữ. Giữ giới là “ tự thông chi pháp” ( cách tự nhiên hiểu rõ ), đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, suy bụng ta ra bụng người, lo nghỉ về người khác, mà tự nguyện nhận giữ.

          Có người cho rằng nhận giới thì lo phạm giới, không nhận giới thì sẽ không có lo lắng phạm giới. Thực tế cho thấy, nhận giới dù khi phạm giới, nhưng bởi vì có tâm tàm quý (hỗ thẹn ), hiểu được sám hối, lỗi lầm nên so với người không biết sám hối tội nhẹ hơn. Không nhận giới nhưng mỗi khi đã phạm tội cũng không thể trốn khỏi báo ứng nhân quả; giống như một người không hiểu được pháp luật của quốc gia, nhưng vi phạm luật vẫn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

          Trong luật Tạng có những điều cấm do Đức Phật dựa vào phong tục tập quán của xã hội Ấn Độ (lúc bấy giờ ) mà đặt ra, vốn không hoàn toàn thích hợp với xã hội Trung Quốc hay những nước khác. Giới luật của Phật giáo có đủ tinh thần khoan dung tự do, khi giữ giới cần phải nắm bắt tinh thần cơ bản của giới, cần lấy việc làm lợi ích loài hữu tình làm gốc, không quá câu nệ (cố chấp) với những giới điều, cần phải thích ứng với thời đại, tùy theo sự đổi thay của thời gian mà không ngừng phát triển tiến lên, giúp an định thân tâm, tịnh hóa xã hội.

          Xã hội hiện đại đòi hỏi Phật giáo tích cực làm các việc thiện, và chúng ta cần xem Bát Chánh đạo, Tứ nhiếp pháp, Lục độ vạn hạnh, Nhiêu ích hữu tình là giới luật  chân chính, cần tích cực làm nhiều việc lành, chỉ có tuân theo Phật giáo, nhận giữ giới hạnh Bồ Tát đạo, mới có thể làm cho ánh sáng Phật pháp chiếu khắp muôn nơi, dòng nước Chánh pháp chảy mãi mãi không ngừng./.

( Trích Báo Giác Ngộ : 258- 9/2017- HT  Tinh Vân- Nhật Tuệ dịch )

          Các ví dụ về giới : Giới như châu báu giúp kẻ nghèo, Giới như đèn sáng, chiếu soi người khỏi lạc lối; Giới như vị thầy giỏi chỉ đường không lạc hướng; Giới như người mù gặp ánh sáng; Giới như vàng ngọc giúp người nghèo thoát khỏi đói khát;  Giới như thầy giỏi, dẫn dắt phương hướng cho cuộc đời của chúng ta; Giới như đường rây, quy phạm những hành vi cử chỉ cho thân tâm chúng ta; Giới như tường thành, giúp chúng ta ngăn chận sự xâm nhập của ngũ dục; Giới như túi nước, rửa sạch những vết nhơ bẩn, khổ não bức bách cho ta; Giới như ngọn đèn sáng, rọi chiếu con đường phía trước sáng cho chúng ta; Giới như bảo kiếm, đoạn trừ tham tâm dục niệm của chúng ta; Giới như chuỗi ngọc, làm trang nghiêm đạo đức nhân cách của chúng ta; Giới như thuyền bè, độ thoát chúng ta đến bờ bên kia Niết bàn.

{]{

GIỮ GIỚI VÀ PHẠM GIỚI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét