Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 CÓ GÌ KHÁC NHAU?

 

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 CÓ GÌ KHÁC NHAU?

   Nhà bác học Vật lý Einstein ( 1879- 1955- giải Nobel -1921 ) nói: “ Điểm cuối cùng của Phật giáo là điểm khởi đầu của khoa học. Những gì tôi biết được đức Phật đã nói hết trong kinh điển rồi . Nếu sau này có một tôn giáo nào đương đầu với khoa học, thì Phật giáo là tôn giáo sẽ đáp ứng những điều mà khoa học cần khám phá ”.  Khoa học càng ngày càng phát triển như vũ bão, vậy câu nói này có quá cường điệu hay quá đề cao tôn giáo Phật giáo hay không?  Chúng ta đem vài câu kinh trong các tạng kinh Phật giáo ra dẫn chứng như sau :

  Trước hết chúng ta tìm hiểu từ 4.0 là gì ?

          Con người từ khi biết sinh hoạt dùng lửa để nấu thức ăn, tiến đến biết trồng cây, gieo lúa, gieo hạt để có lương thực, rồi nuôi súc vật làm sức kéo để thay sức người. Cuộc sống lao động chủ yếu bằng chân tay chưa có máy móc. Máy móc con người phát minh ra đầu tiên là máy chạy bằng hơi nước, một cổ máy như vậy thay thế cho 500, hoặc 1000 sức con ngựa kéo, nên từ mã lực có từ đó. Ngày nay người ta còn dùng từ mã lực chỉ cho công suất của máy, quy định nói máy mấy ngựa là vậy. Công nghệ thứ hai chạy bằng xăng, dùng điện đốt xăng để vận hành máy, công nghệ điện lần này vượt cả ngàn lần công nghệ máy chạy bằng hơi nước. Rất tiện dụng nhanh lẹ hơn nhiều, máy chạy hơi nước chỉ di chuyển trên đất liền và trên sông biển chứ không bay trên không gian được. Công nghệ máy chạy bằng điện người ta tiến đến chế tạo máy bay, phi thuyền, nếu xe chạy đường bộ, đường biển tốn thời gian một tuần, máy bay chỉ tốn thời gian chỉ có một giờ.  Công nghệ thứ ba là mạng Internet lại tân tiến hơn, không cần xe cộ, máy bay tàu thủy mà người ta ngồi tại chỗ vẫn biết sự việc cả hàng trăm ngàn cây số, làm việc tại chỗ nhà mình cũng như đến công sở. Ngày xưa, ngài Huyền Trang từ Trung Quốc qua thỉnh kinh học đạo ở Ấn Độ vừa đi vừa về tốn thời gian 17 năm mới đem được 657 bộ kinh về nước. Ngày nay chỉ cần 5 giây người ta có thể đem hết 657 bộ kinh đó về nhà mình. Đó là công nghệ vượt bực của khoa học thế kỷ 20. Công nghệ thứ 4 là công nghệ 4.0,  là công nghệ “không gian ảo mà thực”. Tức bất cứ ở đâu xa hay gần người ta dùng mạng Facebook, zalo, virber, messenger  v.v...  người ta vẫn nhìn thấy nhau như trước mặt, thấy hình ảnh sự vật như thật trước mặt, nhưng không thật vì nó chỉ là hình ảnh. Người ta gọi là không gian “ thực mà ảo” là vậy. Nếu người ta muốn kinh doanh sản xuất phải tốn không gian mấy mẫu đất cùng với nhà kho, nhà xưởng, công nhân, máy móc mới làm nên sự nghiệp sinh lãi sinh tiền mỗi ngày tỷ đồng. Nhưng đối với công nghệ 4.0, người ta chỉ cần một cái bàn, cái ghế, cái máy tính không gian 4m vuông, trong một giờ họ làm ra cả hàng tỷ, mấy trăm tỷ là vậy.

   Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, một thế giới ngày càng  “phẳng hơn”, mọi sự trao đổi thông tin trở nên nhanh hơn, với sự hỗ trợ của kỷ thuật số khoa học và công nghệ thông tin.  Trong số công cụ phục vụ, đáp ứng nhu cầu vô tận của nhân loại các mạng xã hội là những công cụ vô cùng tiện ích.

   Facebook một mạng xã hội ra đời muộn hơn một số ứng dụng khác như: Myspace, Yahoo, Blog…nhưng nó đã lấn át các đối thủ, nhanh chóng trở thành một mạng xã hội khổng lồ, chiếm vị trí số một toàn thế giới, thu hút hàng tỷ người tham gia. Nếu như Facebook  được sử dụng ở Trung Quốc thì con số người sử dụng Facebook sẽ không dừng ở con số này. Ngành phát thanh mất 38 năm để có 50 triệu người nghe. Để đạt đến con số này, truyền hình mất 13 năm, Internet mất 14 năm, còn Facebook chưa đầy 9 tháng đã có 100 triệu người dùng v.v.. Vậy đủ biết sức mạnh của Facebook đến đâu.

 Thời đại 4.0 mở ra cho con người một cách làm ăn nhanh gọn mà nhiều lợi ích. Như kênh “Độc lạ Bình Dương” chỉ cần 5 phút phát sóng có mấy chục ngàn người xem nghe, là anh ta đã có số tiền khá lớn rồi.  Rất nhiều cách làm ăn trong thời đại 4.0 nó vừa tiện lợi mà cũng vừa đem sự bất an và tổn thất tài sản của người. Bọn đạo tặc chỉ cần vài ba phút là họ lấy hết tiền trong tài khoản bỏ ngân hàng của người ta. Như vậy, thời đại 4.0 là cơ hội con dao hai lưỡi, có lợi mà cũng có hại không phải nhỏ. 

Tóm lại thời đại 4.0 là: 1/ Công nghệ máy chạy bằng hơi nước,  2/ Công nghệ máy chạy bằng điện 3/ Công nghệ mạng internet, 4/ Công nghệ “ không gian thực mà ảo” tức 4.0 .  Tức không tốn nhiều không gian, thời gian, con người và máy móc dụng cụ, mà người ta làm thành công mọi việc, năng suất gấp ngàn vạn lần ba công nghệ trước, có thể nói công nghệ 4.0 là một phép mầu, đối với con người phàm tục.

Ngày trước người ta đi đánh nước khác phải xe phải ngựa, rồi nào máy bay, súng đạn, con người mới đương đầu với giặc, lại tổn thất nhân mạng con người và thiết bị dụng cụ cho chiến sự. Ngày nay người ta chỉ cần một chiếc máy bay không người lái, ngồi tại nước mình điều khiển máy bay trực tiếp đến đối thủ, tìm đối thủ bất cứ ở đâu, ở tại nhà chỉ cần bấm nút là cơ sở và con người của đối thủ trong giây phút tan tành ra đống đỗ nát.

Qua năm 2019 người ta không dùng máy móc và con người  nữa, người ta dùng vũ khí sinh học, tức là con Vi rút 19, gọi  Covid 19. Chỉ cần một con thả vào đám người, hoặc thành phố hay hội trường, máy bay, tàu thủy, hạm đội, xe đò v.v... thì cả làng cả xóm cả thành phố, cả nước đều bị nhiễm vi rút. Không cần ra tay mà người ta giết chết hàng loạt mạng người, không ai tìm ra thủ phạm con vi rút này được cả. Vì nó quá nhỏ mắt thường không trông thấy chỉ có kính hiển vi mới thấy. Quá siêu nhỏ nhưng sức mạnh nó làm thay đổi cả hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục toàn cầu. Không ai có quyền lực cấm tụ họp đông người, cấm máy bay, tàu thủy, xe cộ  vận hành, nhưng con vi rút này nó đã từng làm được chuyện đó mà từ xưa đến nay chưa từng xảy ra.

Giải thích giữa Phật học với thời đại 4.0 : Thời đại 4.0 gọi là “ không gian thực mà ảo ”, người ta nghiên cứu từ kinh Bát Nhã là bộ kinh cốt lõi trong đạo Phật, bộ kinh này gồm 600 quyển, các nhà học giả Phật giáo rút gọn lại còn 240 chữ. Trong 240 chữ có hai từ đại biểu cho 240 chữ là Sắc và Không. Câu “ Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc ” trong kinh Bát Nhã tương đồng với từ “ không gian thực mà ảo”. Trong kinh nói từ   “Không ” mọi người lầm tưởng đạo Phật nói gì cũng “ Không”. Nhưng đạo Phật nói “ Chân không mà diệu hữu” chứ không phải không trơn, không trống rỗng như người lầm tưởng, tức trong chơn không chứa đựng nhiều điều vi diệu mà con người phàm không thể nào khám phá ra hết được.

Còn “ Sắc” là những gì con người có thể thấy, nghe, chạm xúc được gọi là Sắc. Nhưng đạo Phật lại nói Sắc không thực, vì nó do nhiều duyên kết họp lại mà thành nên không thật, khi duyên tan rã nó trở lại Không, Không mà có nên gọi là chơn không diệu hữu.

Như vậy lời kinh Phật nói trên 2600 đã qua mà nay vẫn còn giá trị, không bị lỗi thời tụt hậu, khoa học mới phát triển cách nay 300 năm là cùng, cách xa Phật học 300 năm, nên ông Einstein nói điểm cuối cùng của Phật học là điểm khởi đầu của khoa học là vậy. Như trong kinh A Di Đà đức Phật nói : “ Từ đây qua phương Tây phải trải qua mười muôn vạn ức cõi có thế giới tên là Cực Lạc, có đức Phật A Di Đà hiện đang ngự trị quốc độ đó”. Ngày nay khoa học khám phá trong không gian vũ trụ có hằng hà sa thế giới khác so ra kinh Phật nói không sai. Hay trong kinh Hoa Nghiêm có câu : “ Ba ngàn thế giới nằm trong đầu sợi lông”. Mới đầu nghe như không tưởng, chính câu kinh này làm tiền đề cho khoa học phát minh ra mạng Internet. Ngày xưa người ta lưu trữ dữ liệu trong một nhà kho rộng cả trăm, ngàn mét vuông, bây giờ người ta lưu trữ tài liệu trong một ổ đĩa nhỏ bằng ba ngón tay, có thể dung chứa hàng mấy chục ngàn đầu sách và các tư liệu hình ảnh. Khi muốn tìm tư liệu trong kho lưu trữ, người ta vào máy tính đưa con chuột có mũi tên như đầu sợi lông, chỉ cần nhấn chuột là ba ngàn dữ liệu sẽ hiển lộ ra, cần nhìn cả thế giới Đông Tây cũng rõ như trước mặt.

Nhưng khoa học chỉ khám phá ra những hiện tượng hình thể sự vật thuộc về vật chất, cũng chưa hết vì vũ trụ rộng vô tận khoa học có tân tiến đến đâu cũng không khám phá hết được huống nữa khám phá về mặt tâm linh. Như vậy về mặt vật chất khoa học có thể giải thích được một phần nào, còn về mặt tâm linh thì khoa học đứng nhìn chứ không có máy móc gì đo đạc để biết. Như thời gian, không gian vô tận về trước và về sau khoa học không thể định lượng được. Hay nói về nghiệp hay quả báo của con người và chúng sanh trong cõi đời này khoa học cũng bó tay. Nhưng đối với Phật học là chuyện đơn thuần không khó mấy.

 Có thể nói Phật học là một tôn giáo vượt trên khoa học và siêu khoa học. Người tin và hiểu lời Phật dạy, ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, không những lợi ích cho mình cho gia đình, cho xã hội, cho cả thế giới, cho đời này và đời sau. Chấm dứt khổ đau cho chính mình và không gây khổ đau cho người khác, còn làm lợi cho tất cả mọi người cùng các loại chúng sanh có sự sống. Sống được bình an chết được siêu thoát./.

{]{

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 CÓ GÌ KHÁC NHAU? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét