Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

SỰ LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

 

SỰ LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

          Trong những thập niên qua, giá trị thiền định Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến phương Đông lẫn phương Tây. Không chỉ khép kín trong phạm vi tôn giáo, tự viện mà thiền định được ứng dụng nhiều phương diện trong phạm vi rộng của đời sống con người. Vào thế kỷ thứ 21, nhân loại bước vào kỷ nguyên đầy biến động với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nhìn tổng thể, đời sống vật chất được nâng cao đáng kể nhưng tinh thần có nhiều mối lo về tai họa dịch nạn. Trong bối cảnh đó phương pháp tu tập thiền định Phật giáo đã đáp ứng phần nào về mặt đạo đức, môi sinh và giá trị lợi ích của tự thân, góp phần mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Giá trị và lợi ích mà thiền mang lại cho con người được mô tả trong kinh tạng và các công trình khoa học hiện đại. Trong khuôn khổ bài này, người viết đưa ra những khái niệm và mục đích của thiền định và đồng thời làm sáng tỏ giá trị thiền với đời sống con người.

Thiền là gì ?  Trong kinh tạng Nikaya và Đại thừa Phật giáo, thiền định được đề cập trên  dưới 50 bài kinh. Khái niệm thiền, viết hết cho đủ là Thiền na, phiên âm từ Phạn ngữ là Dhyana, Pali là Jhana, người Nhật gọi là Zen, Anh ngữ là Meditation, với ý nghĩa chính là tĩnh lự, hay tư duy, suy xét về một đối tượng trong tâm thức, mục đích đạt kinh nghiệm tỉnh giác, giải thoát và giác ngộ. Ngoài chữ Jhana, dhyana và bhavana, jhana có động từ jhapeti với ý nghĩa thiêu đốt, thiêu đốt các pháp đối nghịch là năm triền cái, làm tiêu hủy phiền não, những yếu tố ngăn ngại sự phát triển tuệ trong tâm.

  Thiền định là tiếng ghép đôi, từ chữ Phạn là “ thiền” ( samadhi), chữ Hán dịch là “ định” có nghĩa là quay nhìn vào bên trong, với trạng thái tĩnh lặng. Từ Jhana có mối liên hệ mật thiết đến danh từ “ samadhi”  thiền định hợp chung có thể hiểu là phương pháp tu nhằm tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không để tâm tán loạn, chân lý được sáng tỏ. Do vậy, Thiền sư Suzuki tổng kết là do thiền mà nhập được định, nhờ định mà trí tuệ mới phát sanh.  Thanh tịnh đạo luận giảng nghĩa Định (samadhi) với nghĩa là sự tập trung. Tập trung là gì ?  Đó sự xoay quanh (adhana) của tâm và tâm sở một cách đều đặn, chính đáng (samma) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, nhờ đó mà tâm và tâm sở ở trong trạng thái quân bình, chánh đáng và đặt hết vào một đối tượng duy nhất không phân tán hay xao lãng.

    Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy thiền là sự tỉnh thức và luôn ý thức được những gì đang xảy ra trong cơ thể, trong tâm trí  và cuộc sống hằng ngày của chính mình. Kinh tạng Pali giảng rõ, thiền định chính là thiền chỉ (samatha  bhavana) mục đích đoạn trừ năm chướng ngại; đó là năm triền cái. Trong Bát Chánh đạo, nội hàm ý nghĩa thiền định bao hàm trong ba chi đó là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

   Lục tổ Huệ Năng trong Bảo Đàn Kinh dạy : “ Ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”. Bên ngoài xa lìa hết các cảnh gọi là thiền, bên trong không loạn gọi là định. Ngài Mã Minh trong tác phẩm Khởi Tín Luận Đại thừa phần Tu hành tín tâm, Ngài dạy pháp môn Chỉ quán mục đích xa lìa các cảnh, căn tiếp xúc với trần mà không vướng kẹt, chấp trước.

Lợi ích của thiền qua đời sống tinh thần và đạo đức tâm linh.

 Đời sống thiền được biểu hiện đẹp qua lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật, biểu hiện ấy ngày nay chứng minh sự lợi ích không những trong khoa học mà còn giúp đời sống tinh thần của con người được ổn định, góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội. Mục đích của thiền định là “con đường chánh niệm” hay “con đường độc nhất”, con đường giải quyết các vấn đề tiêu cực của con người điều động bởi tham dục, sân hận và si mê. Đức Phật dạy: “ Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu người nói hay hành động với một tâm độc ác, khổ não sẽ theo sau như dấu vết của bánh xe kéo. Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ. Nếu người nói lên hay hành động với một tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo sau vị ấy, giống như bóng không rời hình .”

  Ở trong trạng thái của thiền, người ta mới nhìn thấy thế giới hiện tượng nằm trong quy luật vô thường, khổ vô ngã, và chỉ khi ở trạng thái của thiền, người ta mới có khả năng đạt được tâm thanh tịnh. Muốn đạt được trạng thái tâm an tịnh, người thực hành thiền không những nghe, học và nghiên cứu trên lý thuyết mà phải thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana) để chuyển hóa năm triền cái. Sự giác ngộ là mục đích cuối cùng của thiền định trong Phật giáo.

  Lợi ích trong cuộc sống hiện tại của thiền Phật giáo là gì? Người thực tập thiền sẽ đạt được sự an tịnh nội tâm, buông bỏ sầu não, không còn lo lắng mối nhân duyên thế gian, từ đó thân tâm cân bằng hòa đồng xã hội. Người thực hành thiền khi đã thuần thục, đạt các nấc thang của định sẽ hưởng được an lạc nội tâm bất động ngay hiện tại, không còn ưu tư phiền não, quấy rầy của ngoại duyên chi phối. Hiện tại lúc đó, cuộc sống rất bình an, gọi là hiện tại lạc trú.  Đạt được hiện tại lạc trú người đó thích sống yên tĩnh, độc cư, an nhàn, thoát ly mọi nội kết và ràng buộc nhân duyên, lúc đó chư Thiên, Đế Thích luôn hộ trì và kính ngưỡng. Người thực hành thiền chứng Sơ thiền, hành giả chứng được hỷ lạc do ly dục sanh, Nhị thiền do định sanh, Tam thiền không có hỷ chỉ có xả niệm lạc trú, đến Tứ thiền với xả niệm thanh, mỗi hỷ lạc tuần tự vi diệu hơn hỷ lạc trước. Các hỷ lạc này không chi phối tâm con người hành thiền, trái lại làm cho tâm người hành giả hiện tại lạc trú. Như vậy, thiền đem lại hỷ lạc cho người hành thiền, hỷ lạc có tác động như món ăn, được gọi là xúc thực đem lại lạc quan, nỗ lực, tinh tấn, phấn chấn, nghị lực cho người hành thiền, chứ không phải đem lại bịnh hoạn, điên cuồng loạn tâm, chán đời, tiêu cực như người ta đã gán một cách sai lạc cho việc hành thiền.  Lợi ích trong cuộc sống tương lai “Một người thực tập thiền đã đoạn tận mọi gốc rễ khổ đau, niềm hỷ lạc nội tâm đến với người đó. Nhân hỷ lạc hiện tại là nền tảng tiến bộ tâm linh không những đời này mà còn cả đời sau.”

   Đức Phật nói lên kinh nghiệm của mình khi chưa giác ngộ thì bị các dục chi phối, nếu không có thiền định thì không thể đoạn trừ. Cũng trên nền tảng dạy về thiền, Đức Phật dạy những vị thực hành thiền thì tâm không còn sợ hãi. Từ những cảm xúc tiêu cực được đoạn trừ, sự hỷ lạc phát sanh và công đức từ đó lớn mạnh thân tâm được quân bình. Như vậy, thiền là phương pháp rèn luyện tư duy, tự thân giác ngộ đến một lúc mọi cơ cấu tinh thần ổn định, khi ấy nhận chân như thật về các pháp mà tâm bất thiện không sinh khởi.

  Khi những cảm xúc như sự cảm thông, chia sẻ được sinh khởi, chúng tạo ra một nguồn năng lượng thương yêu tích cực, thúc đẩy chúng ta từ tư duy đến hành động trở nên tỉnh thức. Lời nói việc làm luôn có chiều hướng xây dựng, yểm trợ và xoa dịu đau khổ. Nguồn năng lượng tinh thần phát sinh từ những cảm xúc tốt đẹp luôn hướng ta đến sự vươn lên hoàn thiện tâm hồn và đời sống tràn đầy hỷ lạc.

- Lợi ích của thiền đến sức khỏe thể chất.

   Thiền định ngoài tác động đến lợi ích thân tâm, còn tác động đến não bộ con người. Các nghiên cứu khoa học về thiền Chánh niệm đã cho thấy tác động của thiền định là do sự tương tác giữa hai chức năng thần kinh và tâm lý.

   Một cách tổng quát, công năng và sự lợi ích của thiền ngoài việc đoạn trừ tam độc và năm triền cái, còn là tiến trình tu tập giúp tâm trí trong sáng, thân thể khỏe mạnh.  Đạo đức truyền thống có năm tiêu chuẩn nhận định về một cá nhân là : Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nếu tình chí bị kích động quá mức, những sang chấn tinh thần sẽ gây ra sự mất quân bình về âm dương, khí, huyết, tạng, phủ mà gây ra các bệnh nội thương.  Vì vậy trong y học cổ truyền, có năm loại tâm ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống.  Nếu vui mừng quá hại tâm (hỷ thương tâm), nóng giận quá hại gan (nộ thương can), sầu muộn quá hại phổi (bi thương phế), lo lắng quá hại tỳ (ưu thương tỳ), sợ hãi quá hại thận (khủng thương thận). Vì những tính khí trên, chúng ta cần thực tập thiền Chánh niệm nhằm giữ gìn sức khỏe bản thân, sống tỉnh giác, nuôi dưỡng lòng từ, trau giồi đức hạnh, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

   Thiền còn được xem là có năng lực trị liệu, cải thiện trí nhớ, tăng trưởng não bộ, điều hòa thân thể, lưu thông thần kinh và huyết mạch, có thể tránh và ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Bác sĩ Herbert Benson và cộng sự tại Đại học Harvard ( Mỹ ) thường khuyến khích mọi người thực tập thiền thư giãn. Ông chứng minh một người ngồi thiền 10- 20 phút/lần 2 lần/ngày, có thể thuyên giảm, phòng ngừa các chứng bệnh về tim, cao huyết áp, mất ngủ.

 Bác sĩ Benson cho rằng có 60% - 90% bệnh tật do căng thẳng mà ra, tâm lý không quân bình gây nên độc tố làm hư hoại thân và tâm. Thiền giúp cho con người giảm bớt căng thẳng, mỗi cá nhân hãy tự trị liệu cho chính mình.

   Não bộ 1,30 – 1,40 kg ước tính có 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh tiếp nhận khoản 5000 kết nối gọi là khớp nối thần kinh từ các tế bào thần kinh khác. Mỗi tế bào thần kinh thông thường truyền tín hiệu từ 5 đến 50 lần/giây. Như vậy mức độ truyền thông tế bào thần kinh rất lớn, người ta nghiên cứu cho rằng tính cách mềm dẻo, dễ thay đổi của não bộ có thể thay đổi được qua sự luyện tập có chú ý, sự chú ý tập trung có thể chuyển hóa não bộ. Bộ não chính là công cụ tác động và định hình quan trọng nhất của tâm. Tâm và não bộ tương tác với nhau sâu sắc tới mức chúng được nhận thức như một hệ thống tâm/bộ não thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau.  Đạo Phật nhấn mạnh tính cách chủ động của tâm, bởi tâm có thô, có tế công năng của tâm ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động của con người. Như vậy người thực tập thiền định, luôn chánh niệm là sợi dây kết nối giữa não bộ với tâm thức và ngược lại.

   Những lợi ích về thiền được trình bày và chứng minh qua khoa học hiện đại và các nhà nghiên cứu của các bác sĩ có thẩm quyền về thiền dưới cái nhìn khách quan. Người thực hành và trải nghiệm về thiền tự thân họ nếm trải pháp vị, như những gì Đức Phật đã tuyên thuyết.

Kết luận :  Thiền Phật giáo là con đường tối thượng nhổ tận gốc rễ khổ đau đưa đến an lạc đời này và đời sau, con đường mà chính Đức Phật đã đi qua dựa trên nhận thức khổ đau giữa thế gian, từ đây dẫn dắt con người đi ra khỏi khổ đau, lìa tham ái, bỏ ngã chấp, tự thân chứng ngộ mới mẻ và giá trị.

   Thiền Phật giáo có tác dụng giúp cho tâm con người hiện đại bình lặng, đem lại cuộc sống an lạc, làm việc tập trung hiệu quả, giảm bớt căng thẳng, cân bằng tâm lý và cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Trích: VHPG  số 379- 1-12-2021- Thích Chánh Đức

SỰ LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét